Mua tên lửa, máy bay tấn công: tại sao Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á chọn Ấn Độ?

Vì Ấn Độ là lựa chọn tối ưu về mặt chính trị và công nghệ cho Đông Nam Á trước sức ép về mặt an ninh quốc phòng từ Trung Quốc, và sự suy yếu của Nga sau cuộc chiến Ukraine. Đó là lý giải của nhiều chuyên gia về việc Việt Nam đẩy nhanh dự án mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ.

Việt Nam và Ấn Độ nâng cấp quan hệ thành “Đối tác chiến lược toàn diện” từ năm 2016. Liệu bước đi “nâng cấp quan hệ” với Ấn Độ có liên quan đến việc Việt Nam “cảm nhận” sức ép từ chính sách bành trướng trên biển của Trung Quốc một cách mạnh mẽ từ năm 2014, sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng biển Việt Nam và đẩy nhanh chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, vốn đã bắt đầu từ năm 2013?

Việt Nam: mua tên lửa và nâng cấp quan hệ với Ấn Độ

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, việc nâng cấp quan hệ với Ấn Độ năm 2016 nằm trong một chuỗi các chính sách của Việt Nam để chống lại “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Việt Nam đàm phán mua tên lửa BrahMos từ Ấn Độ cũng nằm trong khung khổ của “đối tác chiến lược toàn diện”. Năm 2022, sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Việt Nam bị hạn chế nguồn cung vũ khí Nga, cả hai đã công bố “Tuyên bố chung về quan hệ đối tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ đến năm 2030.” Trong đó, việc chuyển giao công nghệ tên lửa BrahMos được coi như một điểm nhấn cho khung khổ “đối tác chiến lược toàn diện” này.

Ông Phương nói thêm rằng ““với tư cách là “đối tác chiến lược toàn diện”, hai nước “cần có một hợp tác nào đó về an ninh quốc phòng để làm điểm nhấn”. Đó cũng chính là lý do hợp đồng mua tên lửa BrahMos được xem xét đến.

“Tuy nhiên, có một điểm gây băn khoăn từ phía Việt Nam là tỉ lệ Nga 40% còn Ấn Độ nắm 60% tỉ lệ công nghệ. Ấn Độ mong muốn là trong tương lai, Ấn Độ sẽ tăng tỷ lệ chia sẻ công nghệ nhiều hơn trong tên lửa BrahMos, lên khoảng 80% đến 90%. Nhưng hiện tại, đến đầu năm 2025, tỷ lệ chia sẻ công nghệ của Ấn Độ trong loại vũ khí này vẫn chỉ ở khoảng 60%,” ông Phương nói thêm.

Do đó, trước cuộc chiến , trong nội bộ Việt Nam, có một câu hỏi đặt ra là tại sao phải tên lửa Nga do Ấn Độ làm, trong khi có thể đàm phán trực tiếp với Nga. Tuy duy này khiến cho quá trình đàm phán không được đẩy mạnh. Cuộc chiến Ukraine đã tạo một bước ngoặt. Nó thúc đẩy tốc độ đàm phán của Việt Nam để mua tên lửa BrahMos của , vì theo giải thích của ông Nguyễn Thế Phương, khả năng mua tên lửa trực tiếp từ Nga trở nên khó khăn.

Chọn Ấn Độ vì không thể chọn Mỹ

Khi Nga không thể xuất khẩu tên lửa cho Việt Nam thì tại sao không chọn Mỹ? Việt Nam không chọn Mỹ được vì Mỹ chưa xuất khẩu vũ khí tấn công hạng nặng sang các nước khác không phải đồng minh. Đó là giải thích của Tiến sỹ Nagao Satoru ở Đại học Gakushuin, Tokyo. Ông cho biết:

“Anh Quốc là nước duy nhất mua tên lửa hành trình Tomahawk từ Hoa Kỳ. Hiện nay, Hoa Kỳ đang có kế hoạch bán Tomahawk cho Nhật Bản. Như vậy, ngoại trừ hai đồng minh Anh Quốc và Nhật Bản, chưa có nước nào khác có thể mua những vũ khí tấn công chiến lược của Mỹ.

Sau khi Nga bị kẹt trong cuộc chiến Ukraine, các nước Đông Nam Á không thể dựa vào Hoa Kỳ. Kết quả là họ chọn vũ khí châu Âu. Ví dụ điển hình là Indonesia đã chọn máy bay chiến đấu của Pháp (máy bay chiến đấu Rafale) thay vì máy bay của Mỹ. Nhìn từ các nước Đông Nam Á, Ấn Độ cũng là một lựa chọn tương tự. Thay cho Nga, các nước Đông Nam Á chọn Ấn Độ hơn là Hoa Kỳ.”

Tất nhiên đó chưa phải là lý do duy nhất. Việc mua bán vũ khí quốc phòng giữa các nước không thể tách rời quan hệ chính trị giữa họ. Ấn Độ chẳng bao giờ đặt vấn đề với Hà Nội về vấn đề nhân quyền và dân chủ, theo nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương.

Tiến sỹ Nagao cho biết Ấn Độ là bạn tốt của Hà Nội từ thời chiến tranh lạnh. Hiện nay, Ấn Độ cũng đang đào tạo phi công máy bay chiến đấu cho Việt Nam, Thái Lan và Malaysia, đào thủy thủ tàu ngầm cho Việt Nam, thủy thủ đoàn cho hàng không mẫu hạm của Thái Lan. Ở Indonesia, việc bảo dưỡng máy bay chiến đấu của không quân do Ấn Độ đảm nhiệm. Singapore cũng đang sử dụng một cơ sở đào tạo quân sự tại Ấn Độ theo một hợp đồng lâu dài. Những hồ sơ này cho thấy tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đối với an ninh quốc phòng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tầm khu vực Đông Nam Á.

Khả năng kết hợp hệ vũ khí Nga và phương Tây của Ấn Độ

Cả nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở UNSW Canberra và Tiến sỹ Kelly A. Grieco, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đại Chiến lược Tái thiết của Hoa Kỳ, tại Stimson Center, đều nhấn mạnh vào khả năng của Ấn Độ trong việc kết hợp các hệ vũ khí khác nhau từ Nga và Phương Tây. Đó là chính năng lực cần thiết của Việt Nam ở giai đoạn hiện nay.

Năng lực này của Ấn Độ trở nên quan trọng sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Kelly A. Grieco nhận xét rằng trong cuộc kháng chiến chống xâm lược từ Nga, người Ukraine thực sự sáng tạo. Họ có thể lắp đặt một tên lửa dẫn đường bằng radar của Mỹ lên một chiếc máy bay MiG cũ kỹ từ thời Liên Xô. Đó là một sáng tạo chưa bao giờ được thực hiện trước đây.

Cuộc chiến Ukraine đã cho thấy một số rủi ro cho những nước phụ thuộc nặng nề vào vũ khí Nga. Theo Tiến sỹ Kelly A. Grieco, khoảng 60-80% phần cứng quân sự của Ấn Độ đến từ Nga. Điều quan trọng là Ấn Độ không tìm cách thay thế hoàn toàn vũ khí do Nga sản xuất bằng vũ khí của Mỹ, bởi vì điều đó là bất khả thi. Họ kết hợp của các hệ thống Pháp, Mỹ và Israel. Một chiến lược đa dạng hóa như vậy hứa hẹn sẽ củng cố chính sách tự chủ chiến lược của họ. Đây là một bài học cho các quốc gia khác trong khu vực.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương có cùng chung nhận định với TS. Kelly Grieco. Thế mạnh của vũ khí Ấn Độ là nước này cùng Israel có nhiều kinh nghiệm trong việc kết hợp nhiều loại vũ khí các các nước khác nhau thành một hệ thống của riêng mình. “Cái đó mới là cái đáng giá.” Họ kết hợp máy bay chiến đấu Rafael của Pháp, máy bay tuần tra P-8 của Mỹ, tên lửa phòng không Mỹ, xe tăng và Su-30 của Nga trong cùng một hệ thống chiến đấu của quân đội. Đó là một kinh nghiệm rất tốt cho Việt Nam, nếu trong tương lai, Việt Nam muốn tăng cường mua vũ khí của Hoa Kỳ.

“Việc Việt Nam mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ, ngoài cái việc vua loại vũ khí cụ thể đó, điều quan trọng hơn là Việt Nam phải tham khảo cách Ấn Độ kết hợp các loại vũ khí khác nhau, đến từ các hệ công nghệ khác nhau, thành một hệ thống hoạt động thuần thục, hiệu quả, thống nhất.”