Lại sửa Quy hoạch Điện 8: chọn bụi mịn và điện than hay chọn môi trường?

Việt Nam đang đứng trước lựa chọn khó khăn: tăng cường đầu tư điện than hay giảm thiểu ô nhiễm không khí. Có vẻ chính quyền đã chọn điện than.

Theo Reuters, bên cạnh các điều chỉnh về điện gió ngoài khơi, điện hạt nhân, điện khí, kế hoạch năng lượng mới của Việt Nam dự kiến nâng công suất điện than lên cao hơn công suất trong Quy hoạch Điện 8, dù quy hoạch này đã qua 7 lần sửa đổi sau 4 năm soạn thảo.

Việc tăng cường điện than sẽ tác động ra sao tới môi trường sống? Theo UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc), hiện nay điện than là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội,

ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, môi trường sống và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Hội đồng Tài nguyên Không khí California (CARB) và UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc), ô nhiễm bụi mịn có thể gây ra hàng loạt bệnh cho người dân như ung thư phổi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Chọn loại điện nào để hết thiếu điện?

Quy hoạch Điện 8 của Việt Nam đặt mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính ròng về 0 vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu này, Quy hoạch Điện 8 đề ra các chính sách tăng năng lượng tái tạo lên khoảng 50% vào năm 2030 và 70% vào năm 2050, thực hiện các chính sách tiết kiệm năng lượng, từng bước giảm phụ thuộc vào điện than, phát triển các nguồn năng lượng khác như điện khí, điện hạt nhân.

Tuy nhiên, trong thực tế, Việt Nam vẫn tiếp tục xây dựng các nhà máy nhiệt điện than như Nam Định 1, nhiệt điện Hải Phòng, Nhà máy nhiệt điện An Khánh ở Bắc Giang, nhiệt điện Công Thanh ở Thanh Hóa, Na Dương 2 ở Lạng Sơn.

Liệu đây có phải là sự mâu thuẫn giữa mục tiêu giảm phát thải trong dài hạn và nhu cầu năng lượng trước mắt của nền kinh tế?

Trao đổi với RFA, một chuyên gia môi trường không muốn nêu tên vì lý do an toàn cho biết hiện nay Việt Nam khó làm điện than vì không có nhà đầu tư. Do đó, Việt Nam có thể phải tăng cường đầu tư cho điện hạt nhân. Chuyên gia kỹ thuật môi trường Hải Phạm, từng nghiên cứu tại Đại học Lomonosov của Liên Xô cũ và Đại học Sydney, Australia, cũng có nhận xét tương tự. Ông giải thích cho RFA:

“Điện than hiện nay khó vay được vốn nước ngoài lắm rồi. Ngay cả theo công nghệ “supercritical” (công nghệ “siêu tới hạn”, một công nghệ được cho là tiên tiến, thân thiện với môi trường trong ngành điện than) may ra còn được vay vốn của một số nguồn như Malaysia. Tuy nhiên, làm điện than theo công nghệ này thì giá điện cao ngang ngửa điện khí LNG.”

Vậy tại sao để đảm bảo nhu cầu năng lượng, nước này vẫn phải chọn con đường điện than mà không đầu tư vào những nguồn năng lượng ổn định hơn và thân thiện môi trường hơn như điện khí? Chuyên gia Hải Phạm phân tích:

Có lẽ chính phủ Việt Nam hy vọng xây nhà máy điện than sẽ nhanh hơn do đã có kinh nghiệm. Ở đây là vấn đề thời gian triển khai. Nhà máy điện LNG đòi hỏi xây cảng và kho chứa khí hóa lỏng LNG. Như vậy nó phức tạp hơn điện than. Một vấn đề nữa là mỏ khí hóa lỏng BlueWhale (Cá Voi Xanh) bị chậm trễ khai thác. Reuters có nêu chi tiết này. Đó cũng là nguyên nhân không thuận lợi nếu thúc đẩy điện khí.”

Theo các chuyên gia, việc chọn điện than để bảo đảm nhu cầu năng lượng dường như là bất khả kháng, do năng lực tài chính và công nghệ hiện thời của Việt Nam. Vấn đề là khi chọn tiếp tục phát triển điện than, Việt Nam sẽ phải đánh đổi môi trường và sức khỏe người dân.

Theo “Báo cáo Chất lượng không khí thế giới” của IQAir, các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thường xuyên chứng kiến các chỉ số đo lường ô nhiễm không khí vượt quá giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho biết hiện nay, chất lượng không khí ở Hà Nội đã “chạm mức nguy hiểm.” Điều này gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe cho người dân.

nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí ở Việt Nam như điện than, khí thải từ xe cộ, khí thải công nghiệp, hoạt động xây dựng, nông nghiệp (đốt rơm rạ). Trong đó, điện than là thủ phạm chính . Một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết các nhà máy nhiệt điện than là một trong những nguồn phát thải lớn các chất ô nhiễm không khí, bao gồm bụi mịn và các loại kim loại nặng. Các yếu tố này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Theo một số nghiên cứu, số người chết vì ô nhiễm không khí ở Việt Nam tăng theo thời gian. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết có khoảng 60.000 ca tử vong do ô nhiễm không khí ở Việt Nam vào năm 2019. Nhưng đến năm 2021, số người tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí lên tới gần 100.000 người, theo một khảo sát của UNICEF.

Nhiệt điện than ở Việt Nam

Cách Hà Nội khoảng 60 km là nơi tọa lạc của nhà máy nhiệt điện Phả Lại (Hải Dương). Các mỏ than Mạo Khê, Vàng Danh, Uông Bí là nguồn cung cấp nhiên liệu cho nhà máy nhiệt điện này. Cách xa hơn về phía đông là nhà máy nhiệt điện Uông Bí (Quảng Ninh).

Theo RFA tổng hợp, Việt Nam có 31 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động và 28 nhà máy đang trong quá trình lập kế hoạch. Các nhà máy này chủ yếu phân bố ở các tỉnh phía Bắc, do gần với nguồn cung nhiên liệu. Ở miền Nam mới có một số nhà máy như Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, tổ máy 1 của Vĩnh Tân 1, Duyên Hải 1 và 3.

Hướng gió chủ đạo ở miền Bắc Việt Nam là gió mùa Đông Bắc, có thể mang theo khí thải từ các nhà máy nhiệt điện than về phía Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.

Trao đổi với RFA, chuyên gia Hải Phạm cho rằng còn một vấn đề nan giải khác là bụi mịn bay từ Quảng Tây về Hà Nội, đúng theo hướng gió mùa Đông Bắc. Do đó, một khi khu vực Quảng Tây, một vùng sản xuất công nghiệp lớn của Trung Quốc, vẫn còn ô nhiễm không khí thì Hà Nội vẫn ô nhiễm bụi mịn, ngay cả khi bỏ hết điện than. Theo ông, dù cho Việt Nam bỏ hết điện than thì ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ giảm chứ không hết được.

“Xung quanh Pittsburgh, một trong những thành phố lớn của tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, sử dụng nhiều điện than so với mặt bằng chung của cả nước Mỹ, nhưng bụi mịn vẫn thấp hơn ở Pháp. Trong khi đó, Pháp gần như không còn điện than. Vì sao? Vì các nhà máy điện than ở Pennsylvania có công nghệ lọc bụi rất tốt, mặc dù phát thải CO2 thì như nhau.” Ông Hải nói thêm.

Trở lại câu chuyện điện than ở Việt Nam, theo một chuyên gia môi trường ở Việt Nam không muốn nêu tên, mặc dù chính quyền yêu cầu các nhà máy điện than mới phải áp dụng các công nghệ giảm phát thải, nhưng việc giám sát và thực thi các quy định về môi trường còn nhiều hạn chế. Do đó, các nhà máy nhiệt điện than vẫn là một nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể.

Việt Nam học được gì từ Trung Quốc?

Bắc Kinh từng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, nhờ các biện pháp quyết liệt, chất lượng không khí ở Bắc Kinh đã được cải thiện đáng kể. Theo một nghiên cứu của Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã thực hiện hàng loạt biện pháp như kiểm soát nguồn phát thải từ sản xuất công nghiệp và giao thông, cũng như sử dụng “năng lượng xanh” và nâng cao “nhận thức của cộng đồng.”

Tuy nhiên, Trung Quốc “thấy vậy mà không phải vậy”. Không phải cái gì cũng màu hồng.

Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ cho biết hiện nay Trung Quốc là nước phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới, tạo ra hơn một phần tư lượng khí thải nhà kính hàng năm của thế giới, góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Để khắc phục vấn đề này, họ đã tham gia Nghị định thư Paris, giảm sử dụng than và đầu tư vào năng lượng tái tạo trong nước. Tuy nhiên, ở nước ngoài, chương trình Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này vẫn tài trợ cho các nhà máy điện chạy bằng than.

Trao đổi với RFA, chuyên gia kỹ thuật môi trường Hải Phạm, từng nghiên cứu tại Đại học Lomonosov của Liên Xô cũ và Đại học Sydney, Australia, cho rằng có ba giải pháp để giảm ô nhiễm không khí cho miền Bắc Việt Nam hiện nay.

Một là dùng công nghệ tiên tiến, như máy phát linh hoạt ICE của Wartsila, Phần Lan, để bù đỉnh (đỉnh điểm tiêu thụ điện, thường diễn ra vào khoảng 18h đến 22h hàng ngày) cho mạng lưới điện quốc gia khu vực miền Bắc. Hai là xây nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới. Tốt nhất là loại dùng Thorium thay cho Uranium làm nguyên liệu. Công nghệ này của hãng ThorCon của Mỹ.. Ba là lắp đặt điện mặt trời mái nhà cho các khu công nghiệp.

Kỹ sư Khiêm Nguyễn, một chuyên gia cấp cao về công nghệ và kinh doanh của Vogage Space, một công ty đa quốc gia ở Hoa Kỳ, cho rằng các tấm pin năng lượng mặt trời ở Trung Quốc hiện nay giá rất rẻ. Đó là điều Việt Nam có thể tận dụng. Theo ông, điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà có thể giúp giảm thiểu tình trạng thiếu điện, giảm ô nhiễm không khí và tăng thu nhập của người dân. Vấn đề là chính sách phải tốt để giúp người dân an tâm đầu tư. Ông nói:

“Vấn đề là chính sách năng lượng của Việt Nam bị phân mảnh, không có một chính sách phổ quát cho toàn đất nước. Ví dụ Việt Nam không phát triển được ngành điện năng lượng mặt trời, dù doanh nghiệp đầu tư rất mạnh. Nếu Việt Nam có một chính sách rõ ràng và có tính chất khuyến khích, đầu tư vào năng lượng mặt trời sẽ phát triển được.

Năng lượng mặt trời sẽ giúp giảm thiểu phát thải carbon phục vụ cho nhu cầu năng lượng trong sản xuất. Nếu Việt Nam có chính sách và cơ chế đúng đắn, Việt Nam sẽ làm được. Người dân sẵn sàng lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, nếu điều đó đem lại lợi ích kinh tế. Chỉ cần 10% hoặc 25% mái nhà ở Việt Nam được lắp đặt năng lượng mặt trời thì chỉ số phát thải carbon sẽ giảm rõ ràng. Tại sao Việt Nam không làm?”