Bài toán bơm ba triệu tỷ đồng vào nền kinh tế của Việt Nam

Động thái này thể hiện quyết tâm tăng trưởng, nhưng cũng đặt ra nguy cơ lạm phát, và chất lượng nền kinh tế

Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% trong năm 2025 và hướng tới mức tăng trưởng “hai con số” giai đoạn 2026-2030.

Trong bối cảnh đó, hôm 10 tháng Hai, 2025, báo chí Việt Nam đưa tin Thủ tướng Phạm Minh Chính triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng thương mại, cả khối nhà nước lẫn tư nhân, yêu cầu xây dựng giải pháp bơm từ 2,5 - ba triệu tỷ đồng vào nền kinh tế.

Mặc dù động thái này thể hiện quyết tâm “thúc đẩy tăng trưởng”, nó cũng đặt ra nhiều câu hỏi về nguy cơ lạm phát, điều nếu xảy ra sẽ tác động đến đời sống dân nghèo và chất lượng tăng trưởng của Việt Nam trong “kỷ nguyên mới.”

Nguy cơ lạm phát từ 3 triệu tỷ đồng

Một bài viết trên báo Đầu tư của Bộ Kế hoạch Đầu tư, cho biết Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% GDP. Điều này tương đương với việc bơm khoảng 2,5 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra khả năng thứ hai, cao hơn, là nếu muốn tăng trưởng kinh tế lên 10% (tức là tăng trưởng “hai con số”) thì phải tăng trưởng tín dụng ở mức 18% đến 20%, tức sẽ phải bơm ra nền kinh tế khoảng 3 triệu tỷ đồng.

Đối với vấn đề bơm tiền để kích thích tăng trưởng nêu trên, TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia, thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc, cho rằng kế hoạch bơm tiền theo tỷ lệ 18-20% là cao so với mức 12-14% các năm trước. Nếu không kiểm soát tốt, việc in tiền ồ ạt từng xảy ra trong quá khứ có thể dẫn đến lạm phát cao như giai đoạn 2006-2010.

Điều này gợi nhớ lại thời kỳ nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng giai đoạn 2006-2016. Ông Dũng đã đẩy mạnh in tiền để đầu tư vào các đại dự án như xây dựng các nhà máy đóng tầu, khai thác bôxit ở Tây Nguyên. “Tất cả các dự án này đều thất bại, nhưng lạm phát nhảy vọt. Tiền in nhảy vọt 30-45% những năm đầu (2006-2010) và chỉ giảm sau đó vì lạm phát quá cao.” TS Vũ Quang Việt nhớ lại.

Với kinh nghiệm quá khứ nêu trên của Việt Nam, TS Vũ Quang Việt nhận định nếu Việt Nam năm nay bơm được 3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, chiều hướng chung là sẽ gây ra lạm phát. Tuy nhiên, ông cho rằng khó có thể tiên đoán ngay điều đó, vì thị trường đòi hỏi thời gian để phản ứng.

GS Nguyễn Văn Chữ, nguyên trưởng khoa Kinh tế và Kinh doanh, Đại học Houston at Downtown, có cùng nhận xét với TS Vũ Quang Việt. Giáo sư Nguyễn Văn Chữ khẳng định lạm phát chắc chắn sẽ xảy ra. Vấn đề chỉ là lạm phát nhiều hay ít và khi nào người dân cảm nhận được nó. Điều đó tuỳ thuộc vào tiến độ bơm tiền của nhà nước. Trao đổi với RFA, ông nói:

“Khi chính phủ có kế hoạch bơm tiền ra thị trường 3 ngàn tỷ thì không phải là ngay ngày mai tiền sẽ vô túi người ta. Ngân hàng phải có kế hoạch cho vay. Những người muốn vay phải làm hồ sơ. Quá trình đó rất dài. Đó là độ trễ của chính sách tài chính quốc gia. Quá trình bơm tiền vào nền kinh tế, do đó cần một thời gian dài để tác động đến nền kinh tế và xã hội. Ở các quốc gia Tây phương thì nó thường mất hai đến ba năm.”

Đời sống người dân sẽ ra sao?

Về mặt đời sống, có thể kỳ vọng khi có dòng vốn lớn được đẩy vào nền kinh tế, doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất, tạo thêm công ăn việc làm, từ đó giúp cải thiện thu nhập cho lao động. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cảnh báo: đời không như là mơ. Bởi lẽ, hiệu quả cuối cùng của việc bơm tiền vào nền kinh tế phụ thuộc vào cơ cấu phân bổ nguồn vốn và khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Trao đổi với RFA, GS Nguyễn Văn Chữ nêu vấn đề:

“Nếu đặt ra vấn đề cuộc sống người dân sẽ như thế nào thì điều đó còn tuỳ thuộc vào lĩnh vực đầu tư của chính phủ. Đầu tư vào lĩnh vực công? Đầu tư vào lĩnh vực tư? Nếu đầu tư vào lĩnh vực công thì đó sẽ là gì? Nhà ở xã hội? Nhà ở cao cấp hay các dự án cơ sở hạ tầng? Nếu đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng thì tốc độ ảnh hưởng đến nền kinh tế và xã hội sẽ trễ hơn. Do đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng dài hạn thì chính phủ không thể giải ngân ngay tức khắc được. Mỗi năm họ chỉ giải ngân một phần. Thành ra mức độ lạm phát hàng năm tuỳ thuộc vào loại dự án được đầu tư và tiến độ tiền được bơm ra thị trường.”

Nếu Chính phủ Việt Nam thành công trong việc bơm một lượng tiền lớn vào nền kinh tế trong thời gian ngắn thì sẽ khiến tiền Việt Nam mất giá. Tiền Việt mất giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sinh hoạt của người dân do hàng hoá nhập khẩu đắt lên, cùng lúc đó giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu có nguy cơ leo thang do lạm phát. Đó là cảnh báo của GS Nguyễn Văn Chữ.

Mặt khác, các dự án hạ tầng lớn tuy quan trọng nhưng triển khai chậm. Điều nhà nước dồn tiền vào các đại dự án đầu tư công, người dân có cảm nhận được đời sống của mình tốt lên ngay hay không? Câu trả lời là không. TS. Nguyễn Huy Vũ giải thích rằng nếu có hiệu quả thì có khi phải vài năm sau mới thấy hiệu quả rõ rệt. Điều đó chưa chắc giúp đời sống người dân tốt ngay lập tức.

Bơm ba triệu tỷ đồng vào đâu?

Có nên chấp nhận phương án đánh đổi, chấp nhận lạm phát vì nhu cầu phát triển hay không? Tăng tiền thì tất nhiên đưa đến tăng giá (lạm phát), nhưng nó không nhất thiết làm tăng năng suất lao động, không tất yếu sinh ra nhiều của cải. Đó là nhận xét của hầu hết các chuyên gia, khi họ nhìn chính sách bơm 3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế từ góc độ thể chế và cơ cấu của nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam từ khi Đổi mới đến nay luôn xác định kinh tế nhà nước là “then chốt”. Mấy chục năm nay, nguồn lực kinh tế được đổ dồn vào các doanh nghiệp do nhà nước quản lý. Phần lớn các doanh nghiệp này làm ăn kém hiệu quả. Theo báo cáo của Chính phủ Việt nam, tính đến cuối 2023, có 134 doanh nghiệp có vốn Nhà nước lỗ lũy kế 115.270 tỷ đồng (khoảng 4,6 tỷ USD), trong đó bảy “ông lớn” nhà nước thua lỗ gần 24 nghìn tỷ đồng năm 2023, cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân thuộc lĩnh vực sản xuất gần như bị bỏ rơi, không thể lớn mạnh, hoạt động èo uột.

Trong doanh nghiệp tư nhân, duy chỉ có doanh nghiệp bất động sản có thể phát triển do được ưu đãi về cơ chế “đất đai sở hữu toàn dân”, giúp họ có thể thu hồi đất đai của dân với giá rẻ và chuyển đổi mục đích sử dụng, bán sản phẩm thương mại với giá cao gấp nhiều lần. Việt Nam hiện có 6 tỷ phú thì tất cả đều thuộc lĩnh vực bất động sản. Ngay cả tỷ phú ngành thép Trần Đình Long (tập đoàn Hoà Phát) thì sản phẩm thép xây dựng cũng đi lên nhờ bất động sản và bản thân Hoà Phát cũng đầu tư vào bất động sản. Tỷ phú lắp ráp xe Trần Bá Dương (công ty Trường Hải) cũng “không buông tha” mảng bất động sản với khu đô thị Sala nổi tiếng ở Thủ Thiêm.

Câu hỏi cần đặt ra là với cơ cấu nền kinh tế như vậy, 3 triệu tỷ đồng nếu bơm vào nền kinh tế thì sẽ chảy vào đâu? Vào các doanh nghiệp nhà nước đang lỗ luỹ kế gần 5 tỷ đô la, vào các ông lớn bất động sản, hay vào các doanh nghiệp sản xuất khối tư nhân bi bỏ rơi mấy chục năm nay và không lớn nổi?

Vẫn là câu chuyện thể chế kinh tế chính trị

Từ góc độ chính sách, TS. Nguyễn Huy Vũ nhận định, mục tiêu bơm 20% tín dụng “xuất phát từ tính toán cứ bơm 2% tín dụng sẽ tăng trưởng được 1% GDP”. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi liệu “nền kinh tế có hấp thụ được không?”

Ông Vũ chỉ ra, gần đây, doanh nghiệp tư nhân đóng cửa hàng loạt và hoạt động cầm chừng. Vậy họ có hứng được dòng vốn này không? Còn nếu tín dụng chảy vào những dự án không hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước thì chỉ tạo ra lạm phát chứ không thúc đẩy năng suất. Do đó, theo TS Nguyễn Huy Vũ, chính sách bơm tiền sẽ lại đưa trở về với câu hỏi đầu tiên: Vậy thì đời sống người dân thế nào?

Do đó, TS. Nguyễn Huy Vũ nhấn mạnh thêm rằng nếu việc bơm tiền không đi kèm cải cách thể chế, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, việc lạm phát có thể không kiểm soát được, trong khi năng suất lao động không tăng tương ứng. Ông nói tiếp:

“Việt Nam có chiến lược phát triển nhưng thực ra không có chiến lược gì cả. Ví dụ vừa rồi Việt Nam đưa ra Nghị quyết 57 phát triển khoa học công nghệ để tạo ra những ngành đi cùng thời đại, nhưng không có chiến lược về nhân sự, về hỗ trợ doanh nghiệp đi kèm.

Vấn đề của Việt Nam là ông Tô Lâm có mục tiêu nhưng không có chính sách, đúng hơn là không có người để thực hiện. Khi đưa ra chính sách bơm tiền vào nền kinh tế mà không có doanh nghiệp tư nhân hấp thụ nguồn vốn đó để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra giá trị cho nền kinh tế thì đó chỉ là tiêu tiền thôi. Tiền sẽ quay vào bất động sản, trong khi bất động sản hiện nay cũng gặp khó khăn trong việc bán hàng vì đơn giản là người dân không tăng thu nhập thì không có tích luỹ để đầu tư bất động sản hay mua nhà cửa vì nhu cầu để ở. Chuyện bất động sản chỗ này chỗ kia tăng giá thì chủ yếu vì một nhóm người có tiền mua bất động sản để rửa tiền hoặc đầu cơ.”

Ở Việt Nam, doanh nghiệp khối tư nhân rất nhỏ, yếu dù họ làm ăn hiệu quả hơn. Doanh nghiệp nhà nước được nhận nguồn lực to lớn nhưng làm ăn yếu kém. Cơ cấu kinh tế này có dễ dàng thay đổi không? Theo GS Nguyễn Văn Chữ, đây là điều không dễ thay đổi một sớm một chiều. Ông so sánh việc thiết kế và cải cách cơ cấu kinh tế chính trị giống như nặn đồ gốm. Một khi đồ gốm đã khô, trở nên cố định, việc nặn nó thành một hình dạng khác trở nên vô cùng khó khăn. Nó đòi hỏi người lãnh đạo phải làm cách mạng, đập bỏ, nhào cho nhuyễn, rồi nặn lại theo hình dạng khác.

Bơm 3 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế là một chính sách tham vọng, thể hiện quyết tâm cao trong mục tiêu đưa GDP đạt mức hai con số. Tuy nhiên, như ý kiến từ các chuyên gia cho thấy, chất lượng phân bổ nguồn vốn và khả năng hấp thụ của thị trường mới là yếu tố quyết định thành bại. Điều gì quyết định chất lượng phân bổ nguồn vốn và khả năng hấp thụ nguồn vốn đó? Đó là thể chế kinh tế và chính trị, một vấn đề nóng ở Việt Nam sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra chính sách cải cách thể chế.

Nếu đồng vốn được quản lý minh bạch, hướng đến các dự án có hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược lâu dài, rủi ro lạm phát có thể được kiểm soát ở mức chấp nhận được, đời sống người dân dần được nâng cao và kinh tế sẽ tăng trưởng bền vững. Ngược lại, nếu cơ chế giám sát lỏng lẻo, tham nhũng và dự án kém hiệu quả, thì tiền bơm ra chỉ làm mất giá đồng nội tệ, đẩy chi phí sinh hoạt leo thang, cuối cùng không tạo điều kiện cho sự phát triển lâu dài.