Tại hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 diễn ra vào thượng tuần tháng 1 năm 2025, trung ương thống nhất tinh gọn bộ máy Chính phủ, giảm từ 18 bộ và bốn cơ quan ngang bộ xuống còn 14 bộ và ba cơ quan ngang bộ; tám cơ quan thuộc Chính phủ xuống còn năm cơ quan trực thuộc.
Chính phủ không duy trì mô hình tổng cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, ngành. Các cục, vụ có nhiệm vụ liên thông, gắn kết thành một đầu mối. Không còn phòng trong vụ.
Tổng bí thư Tô Lâm thừa nhận “đây là vấn đề rất khó vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức”.
Trong đợt tinh gọn bộ máy này, theo ước tính của chính phủ, sẽ có ít nhất 100.000 người bị ảnh hưởng, và ngân sách nhà nước sẽ phải chi 130 ngàn tỉ để giải quyết chế độ cho những người bị mất việc.
Riêng với ngành công an, khi trao đổi với báo chí trong nước về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ vào đầu tháng 12 năm 2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói rõ Bộ Công an và Bộ Quốc phòng không thuộc diện phải tinh gọn.
Tuy nhiên, một tháng sau, tại hội nghị Trung ương khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết sẽ tinh gọn tổ chức bộ máy công an theo mô hình ba cấp là bộ, tỉnh, xã. Bỏ đi cấp huyện.
Báo chí nhà nước lập tức đăng tải một loạt bài báo ca ngợi việc tinh giản nhân sự ngành công an như “Bộ Công an: Tiên phong, đi đầu trong đổi mới sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”; “Bộ Công an gương mẫu đi đầu tinh gọn bộ máy”; “Điều động lực lượng công an chính quy, tinh giản và giảm biên chế”; “Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn của Bộ Công an".
Dư luận cho rằng, dù không biết số lượng công an cấp huyện là bao nhiêu, nhưng xóa bỏ cấp nào thì cũng tiết kiệm được một lượng lớn ngân sách nhà nước. Hơn nữa, khi đất nước đang trong thời bình, người dân không ai được sở hữu súng, thì việc duy trì một lực lượng công an phủ từ cấp cơ sở lên cấp trung ương là không cần thiết. “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Chỉ vài tuần sau phát biểu ông Tô Lâm, truyền thông nhà nước cho hay, công an Hà Nội sẽ tiếp nhận công an cấp huyện về các phòng. Điều đó có nghĩa công an cấp huyện không nằm trong số những người bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy.
Giáo sư Carl Thayer nhận định sự việc với RFA qua email hôm 11 tháng 2 năm 2025:
“Tóm lại, lực lượng Công an cấp huyện sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội thông qua luật cho phép cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ và Bộ Công an ban hành Nghị định quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức mới trong đó có việc giải thể lực lượng Công an cấp huyện”.
Tinh giản bộ máy sao không đụng đến Bộ Công an?
Truyền thông Nhà nước xoá thông tin “bỏ công an cấp huyện”
Tinh giản ngành công an, không công khai quân số có minh bạch?
Theo một loạt bài viết về việc tinh gọn bộ máy công an trên báo chí nhà nước, ngành công an đã thực hiện giải thể sáu tổng cục, giảm 55 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng, hơn 1.200 đơn vị cấp đội. Số nhân sự giảm tương ứng là 172 người lãnh đạo cấp cục, hơn 1.500 người lãnh đạo cấp phòng, huyện và hơn 2.300 người lãnh đạo cấp đội.
Đáng chú ý, tất cả số người này được tái bố trí đảm nhiệm các chức danh công an phường, xã, thay vì bị mất việc như công, viên chức ở các bộ-ngành khác.
“Bản chất tinh giản bộ máy của họ là xóa bỏ công an cấp trung gian quận huyện, sắp xếp đưa những người này lên sở, lên phòng, lên công an thành phố. Một số thì tăng cường cho xã, phường là cấp cơ sở sát với dân. Như vậy, sau khi tinh giản thì chỉ xóa cấp trung gian nhưng số lượng coi như vẫn giữ nguyên. Với đầy đủ trưởng, phó công an xã thì có khi còn nhiều hơn trước đây nữa vì người ta phải tăng cường để bảo vệ thể chế, bảo vệ đảng của họ”. Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nhận định với RFA.
Nhân sự được điều chuyển từ chỗ này qua chỗ khác khi tinh gọn bộ máy có lẽ chỉ có ở ngành công an.
Công an huyện được đưa lên thành phố hay đưa xuống xã đều ngốn ngân sách nhà nước. Bảng lương công an xã 2025 cho thấy mức lương của cấp trung tá là 15.444.000 đồng/tháng và mức lương cấp hạ sĩ là 7.488.000 đồng/tháng. Chưa kể Bộ Công an trích lại 85% tiền xử phạt giao thông hoặc trích lại 30% số tiền bán bảng số đẹp của xe cơ giới các loại.
Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam được ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận từ nhiều năm trước là không dễ dàng thực hiện. Phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 tại Hà Nội hôm 4 tháng 10 năm 2017, ông Trọng nói “đây là vấn đề rất lớn, rất quan trọng nhưng cũng rất khó, rất phức tạp và nhạy cảm”.
Đến hôm nay, ông Tô Lâm được coi là người mạnh mẽ trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy chính phủ. Trong tuyên bố mới nhất hôm 13 tháng 2, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tinh gọn bộ máy không thể trì hoãn, phải thực hiện trước Đại hội Đảng 14.
Với cách tinh gọn bộ máy khiến cả trăm ngàn công nhân, viên chức bị ảnh hưởng vậy mà lực lượng công an “không hề sứt mẻ” thì liệu người dân có hài lòng hay không?
Một người dân ở Hà Nội, yêu cầu ẩn danh vì lý do an toàn, cho việc tinh gọn bộ máy công an chỉ là hình thức “mị dân” chứ thực sự số lượng công an không ít đi.
“Không công bằng tí nào. Nó chỉ là ‘thiên biến vạn hóa’ để lòe dân, để cho dân nghĩ ngành nào cũng giảm. Ngay cả CSGT bây giờ cũng không cho xuất hiện nhiều trên đường phố nữa. Ví dụ trước đây mười người thì giờ chỉ còn bốn. Bây giờ họ còn huấn luyện cho đội xung kích, đội tự vệ… hành xử như công an ngay trước mắt dân, ngay khu tôi ở. Tiền thuế của dân còn phải nuôi thêm bọn ấy. Nếu có chuyện gì thì bọn này sẽ đứng ra ‘che chắn’ cho bọn công an trước. Nghĩa là công an và bọn được phép hành xử như công an ở khắp nơi. Chỉ tăng chứ không giảm như họ nói.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người lên tiếng mạnh mẽ về tình hình đất nước, cho rằng đây là điều bất công.
“Trong khi yêu cầu tất cả các ngành trong bộ máy chính quyền tinh giản, thì nhân sự Bộ Công an vẫn “Bình chân như vại” thì không chỉ bất hợp lý mà còn bất công. Thực trạng đó đang làm méo mó đi bộ mặt của chính quyền cùng với nhiều hệ lụy vô lường trong tất cả các mặt đời sống xã hội”.
Tuy nhiên, với uy thế của công an như một lực lượng “kiêu binh” hiện nay, thậm chí được “bảo kê” từ chính người lãnh đạo cao nhất là ông Tô Lâm, vốn từng là người đứng đầu Bộ Công An, thì công chúng dù biết rất rõ cũng không dám có bất kỳ sự phản kháng nào.