Trung Quốc, trong một tuyên bố công khai hiếm hoi hôm thứ Tư (19/2), đã lên tiếng phản đối các hoạt động xây dựng gần đây của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn tuyên bố rằng quần đảo Nam Sa hay “quần đảo Trường Sa” theo cách gọi quốc tế - là lãnh thổ vốn thuộc về Trung Quốc.
Hà Nội đã và đang cải tạo một số thực thể trong quần đảo Trường Sa và xây dựng một đường băng dài 3.000 mét trên Bãi Thuyền Chài – một trong những thực thể này.
Ông Quách Gia Khôn tuyên bố rằng Bãi Thuyền Chài hay Bách Tiêu (Bai Jiao) trong tiếng Trung Quốc, “là một phần của quần đảo Nam Sa và Trung Quốc luôn phản đối các nước có liên quan tiến hành các hoạt động xây dựng trên các đảo và đá mà họ chiếm đóng trái phép”.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), thực thể này thực chất chỉ là một bãi đá và Việt Nam bắt đầu chiếm giữ từ năm 1987. Bãi Thuyền Chài đã được mở rộng với một tốc độ nhanh chóng kể từ năm 2021 với tổng diện tích bồi đắp đã tăng hơn gấp đôi trong vòng một năm, đạt gần 250 ha (620 mẫu Anh) tính đến tháng 10/2024.
Theo tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) có trụ sở tại Washington, từ tháng 11/2023 đến tháng 6/2024, Hà Nội đã bồi đắp thêm 280 ha (690 mẫu Anh) đất mới tại 10 trong số 27 thực thể mà Việt Nam chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa – một con số kỷ lục từ trước đến nay.
Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn im lặng vì Trung Quốc là quốc gia đầu tiên trong khu vực thực hiện các hoạt động bồi đắp, phát triển đảo nhân tạo ở Biển Đông và quân sự hóa các đảo này.
Đến năm 2021, khi Việt Nam bắt đầu chương trình xây dựng đảo, Trung Quốc đã hoàn tất việc xây dựng ba đảo nhân tạo lớn (Big Three) của họ ở Biển Đông – Đá Chữ Thập (Fiery Cross), Vành Khăn (Mischief) và Subi – đồng thời xây dựng đường băng và các cơ sở quân sự trên những đảo này.
Theo AMTI, tổng diện tích nạo vét và bồi đắp đảo của Hà Nội ở Biển Đông chỉ bằng khoảng một nửa so với Trung Quốc.
Quan hệ với phương Tây của Việt Nam
Chính phủ Việt Nam đã đề cập rất ít đến các hoạt động cải tạo của mình tại các thực thể này ngoài việc nói rằng các hoạt động này là nhằm để duy trì/bảo vệ các đảo đồng thời dùng làm nơi tránh bão cho ngư dân.
Việt Nam, cho tới nay, vẫn chưa hồi đáp lại lời chỉ trích của người phát ngôn Trung Quốc nhưng theo một nhà phân tích Việt Nam, động thái phản đối chính thức và công khai lần đầu tiên này của Trung Quốc có thể xuất phát từ việc Bắc Kinh không hài lòng trước quan hệ với phương Tây của ban lãnh đạo Việt Nam.
Năm 2023, Hà Nội và Washington đã nâng cấp quan hệ lên mức quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - ngang bằng với mối quan hệ đối tác giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) Tô Lâm đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng phát triển một mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ với Hoa Kỳ - nhà nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt nói.
Gần đây, ông Tô Lâm cũng đã có chuyến thăm chưa từng có tiền lệ tới một nghĩa trang liệt sĩ - nơi chôn cất hàng ngàn bộ đội Việt Nam hy sinh trong các cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược từ năm 1979 đến 1989.
“Phía Trung Quốc chắc chắn không hài lòng với chuyến thăm này của ông Tổng Bí thư Việt Nam” - ông Hoàng Việt nhận định. Ông đồng thời nói thêm rằng việc Trung Quốc phản đối hoạt động xây dựng đảo của Việt Nam cho thấy quan hệ Trung - Việt “mặc dù bề ngoài có vẻ gần gũi và vững chắc nhưng lại có những rạn nứt sâu sắc ở bên trong”.
Một nhà nghiên cứu khác của Việt Nam nói với RFA rằng, theo nhìn nhận của ông, “Việt Nam ý thức được những rủi ro từ các hoạt động có liên quan đến Trung Quốc của mình ở Biển Đông”.
“Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo Hà Nội sẽ đủ khôn ngoan để không bị mắc kẹt ở giữa cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc” – nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc nói.
“Nhưng họ cần cứng rắn và kiên quyết đối với những vấn đề liên quan đến chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông” - ông nói thêm.