Nhóm lợi ích của ông Tô Lâm gồm những ai?

Và phải chăng ông Tô Lâm đang xây dựng nội các riêng cho mình?

Ông Tô Lâm kể từ khi nắm ghế Chủ tịch nước rồi Tổng Bí thư vào tháng 8 năm 2024 đến nay đã công du nhiều nước và tham gia nhiều sự kiện quan trọng. Tháp tùng cùng ông luôn luôn có một số gương mặt thân quen.

Những gương mặt luôn tháp tùng Tô Lâm

Những cái tên có thể kể đến như Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc – Đỗ Văn Chiến và Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng.

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước diễn ra vào ngày 11/7/2024, khi ông thăm chính thức Lào và Campuchia. Cùng đi trong chuyến công du này có các ông Lương Tam Quang và Đỗ Văn Chiến.

Ngay khi chính thức là Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam, vào ngày 18/8/2024, ông Tô Lâm đã lên đường thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc. Tháp tùng ông gồm các nhân vật Nguyễn Duy Ngọc, Lương Tam Quang, Đỗ Văn Chiến, Lê Minh Hưng và Lê Hoài Trung.

Một tháng sau đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và phu nhân Ngô Phương Ly đã đi Mỹ để tham dự các sự kiện của Liên Hợp Quốc, một số sự kiện tại Mỹ và thăm cấp nhà nước Cuba từ ngày 22-27/9. Đi cùng ông trong chuyến đi này, có rất nhiều cái tên quen thuộc như Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Duy Ngọc, Lê Hoài Trung…

Theo giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia nghiên cứu chính trị Việt Nam, thì ông Tô Lâm đã hình thành được cho mình một “nhóm lợi ích” riêng, với các thành viên đại diện cho những cơ quan quyền lực nhất của hệ thống chính trị.

Sự xuất hiện của họ báo hiệu sự đoàn kết và truyền tải thông điệp đến các phe phái khác rằng vì họ có sự ủng hộ của Tổng Bí thư nên vị trí của họ không nên bị thách thức.

-Giáo sư Carlyle Thayer

Không chỉ xuất hiện trong các chuyến công du nước ngoài của ông Tô Lâm, những người này còn như hình với bóng với ngài Tổng Bí thư ở các sự kiện trong nước.

Trong những sự kiện trong nước như dự Lễ phát động Tết trồng cây ở Ninh Bình, thăm và làm việc tại Quân đoàn 34 và Binh đoàn 15, thăm và làm việc tại Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng… cũng đều thấy Tổng Bí thư Tô Lâm đem theo nhóm thân cận này.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm luôn cho những người này tháp tùng cùng ông trong các sự kiện trong và ngoài nước mang hàm ý gì?

Theo luật sư Nguyễn Văn Đài, người theo dõi chính trị Việt Nam, thì việc mang theo những nhân vật cấp cao này trong các hoạt động của mình, giúp Tổng Bí thư Tô Lâm phô trương thanh thế:

“Khi ông ấy chọn bộ trưởng công an, trưởng ban kiểm tra trung ương, chánh văn phòng trung ương đảng, chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam tháp tùng thì họ sẽ thấy ông Tô Lâm đang nắm các cơ quan quyền lực, bất kỳ một sự chống đối nào sẽ nhận hậu quả.”

Còn giáo sư Carlyle Thayer thì cho rằng phe của ông Tô Lâm đang muốn truyền tải một thông điệp đến các phe nhóm khác trong Đảng, rằng họ có sự ủng hộ và bảo vệ của ngài Tổng Bí thư, do vậy không ai nên thách thức vị trí của họ:

“Khi ông Trọng qua đời thì phe nhóm của ông đã bị phe Hưng Yên của ông Tô Lâm lấn át. Những người này xuất hiện trước công chúng cùng với Lâm vì họ làm việc với ông hàng ngày với tư cách là thành viên Bộ Chính trị và quân đội. Sự xuất hiện của họ báo hiệu sự đoàn kết và truyền tải thông điệp đến các phe phái khác rằng vì họ có sự ủng hộ của Tổng Bí thư nên vị trí của họ không nên bị thách thức.”


Cuộc đảo chính âm thầm của ngành Công an

Nguyễn Duy Ngọc vào Bộ Chính trị, Tô Lâm kiểm soát các cơ quan quyền lực của Đảng trước Đại hội 14

Cấp giấy phép lái xe: miếng bánh béo bở của Bộ Công an

Tinh giản ngành công an, không công khai quân số có minh bạch?

Ông Tô Lâm từng bước gạt bỏ di sản của ông Nguyễn Phú Trọng


Triển vọng thăng tiến

Một điểm chung của những người thường xuyên xuất hiện bên cạnh ông Tô Lâm, sự nghiệp của họ đều đã thăng tiến kể từ khi ông Tô Lâm lên nắm quyền.

Ông Nguyễn Duy Ngọc từ một Thứ trưởng Bộ Công an, đã được cất nhắc vào các vị trí khác nhau, và giờ đang đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương đầy quyền lực. Ông Lương Tam Quang cũng đã trở thành Bộ trưởng Công an và ủy viên Bộ Chính trị. Các ông Lê Minh Hưng, Lê Hoài Trung, Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Hòa Bình đều được bổ nhiệm vào các vị trí cao hơn.

Trong số họ, chỉ mình ông Nguyễn Hòa Bình sẽ đến tuổi nghỉ hưu ở đại hội tới, những người còn lại đều rộng cửa đi tiếp.

Điều này, theo giáo sư Carlye Thayer, thể hiện “sự tin tưởng” của Tổng Bí thư Tô Lâm đối với những người này.

Ông Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, sinh năm 1965, “sẽ phục vụ một nhiệm kỳ 5 năm trọn vẹn tại Ban Chấp hành Trung ương và rất có thể sẽ là ủy viên đương nhiên của Bộ Chính trị mới.”- Giáo sư Carlyle A. Thayer nhận định.

Ông Nguyễn Duy Ngọc, sinh năm 1964, đến từ tỉnh Hưng Yên, là ủy viên mới nhất của Bộ Chính trị và là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ông Ngọc rất có khả năng sẽ tiếp tục được bầu lại vào Bộ Chính trị.

Người tiếp theo là Thứ trưởng Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến, sinh năm 1961, cũng đến từ tỉnh Hưng Yên như ông Tô Lâm, phục vụ đủ hai nhiệm kỳ năm năm tại Ban Chấp hành Trung ương khi đại hội đảng toàn quốc tiếp theo được tổ chức. Ông sẽ 64 tuổi vào tháng 1 năm 2026, tức thuộc diện được ở lại.

Hiện tại quân đội đang có hai đại diện trong Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực nhất của Đảng, gồm các ông Phan Văn Giang và Lương Cường. Ông Giang sẽ 65 tuổi và ông Cường sẽ 69 tuổi khi đại hội đảng toàn quốc lần thứ 14 triệu tập.

Theo Giáo sư Carlyle A. Thayer “trừ khi có thể đưa ra trường hợp một trong hai ông Giang và Cường đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, nếu không thì cả hai đều có khả năng nghỉ hưu.”

Đây có thể là cơ hội cho ông Hoàng Xuân Chiến chiếm lấy ghế Bộ trưởng Quốc phòng và ủy viên Bộ Chính trị, đặc biệt khi ông Nguyễn Tân Cương, một ứng viên khác cho vị này, đang gặp rắc rối sau vụ tai nạn trong đợt diễn tập tác chiến phòng thủ tại Quân Khu 7 ngày 2/11/2024, khiến 12 quân nhân mất mạng.

Ba ông Lê Hoài Trung, Lê Minh Hưng và Đỗ Văn Chiến không có mối quan hệ về mặt địa phương với ông Tô Lâm. Ông Trung quê ở Huế, ông Hưng từ Hà Tĩnh, ông Chiến từ Tuyên Quang… Nhưng theo Luật sư Đài “họ đều có sự gắn bó gần gũi dưới trướng ông Tô Lâm. Riêng ông Trung đã có vai trò quan trọng trong chuyến đi Hoa Kỳ của ông Tô Lâm.”

Cả ba nhân vật này đều được bổ nhiệm vào những chức vụ mới trong thời gian gần đây, và không có gì cản trở họ tiếp tục thăng tiến trong Đại hội 14 sắp tới.

Từ phải qua: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang.
quang-lam-ngoc Từ phải qua: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Tổng Bí thư Tô Lâm và Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang. (RFA edited)

Tô Lâm xây dựng nội các riêng cho Đại hội 14?

Giới quan sát cho rằng Tổng Bí thư Tô Lâm có tham vọng được bầu lại làm lãnh đạo đảng cho một nhiệm kỳ 5 năm trọn vẹn.

Để được tiếp tục làm Tổng Bí thư, ông Lâm sẽ phải được miễn tuổi nghỉ hưu bắt buộc, và được đánh giá là có đóng góp mẫu mực. Tóm lại là trở thành “trường hợp đặc biệt” giống như cách cố Tông Bí thư Nguyễn Phú Trọng cầm quyền liên tiếp 3 nhiệm kỳ.

Giáo sư Carlyle Thayer cho rằng việc hình thành và củng cố phe phái sẽ còn ráo riết hơn từ này đến Đại hội 14.

Đúng là ông Tô Lâm đang xây dựng nội các riêng của mình, điều đó là chính xác.

– Luật sư Nguyễn Văn Đài

Lên nắm quyền khi nhiệm kỳ của khóa 13 chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc, ông Tô Lâm phải kế thừa bộ máy do ông Nguyễn Phú Trọng xây dựng. Dù đã ráo riết cài cắm thân tín của mình vào các vị trí quan trọng, nhưng thời gian là không đủ để vị chính trị gia người Hưng Yên thâu tóm toàn bộ bộ máy.

Nhưng với việc Đại hội 14 đang đến gần, ông Tô Lâm đứng trước cơ hội hoàn tất việc xây dựng một nội các với toàn bộ những thân tín của mình.

Một trong những vị trí quan trọng mà ông Tô Lâm chưa thể thay thế là ghế Bộ trưởng Quốc phòng, hiện do tướng Phan Văn Giang nắm giữ. Nếu như ông Tô Lâm sắp xếp được ông Chiến ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thì quyền lực của ông Tô Lâm sẽ trở nên gần như tuyệt đối.

“Đúng là ông Tô Lâm đang xây dựng nội các riêng của mình, điều đó là chính xác, có một số vị trí ông Tô Lâm cần đến Đại hội 14 mới hợp lý hóa được, nhưng từ nay đến trước Đại hội 14 ông sẽ hoàn thiện toàn bộ những cơ cấu, một chính quyền riêng cùa ông ấy, gần như tất cả lĩnh vực, các bộ ngành chủ chốt đều là người của ổng rồi.” – Luật sư Nguyễn Văn Đài nhận định.

Với vai trò trưởng tiểu ban nhân sự của Đại hội 14, ông Tô Lâm có thể tác động đến danh sách các ứng viên vào Trung ương khóa mới, những ứng viên do ông chọn sẽ tiếp tục làm ứng cử viên cho cuộc bầu cử vào các vị trí quan trọng khác của bộ máy như Bộ Chính trị. Tuy nhiên, theo giáo sư Carlyle Thayer, đây sẽ là một cuộc mặc cả quyết liệt:

“Sẽ có sự mặc cả quyết liệt để đảm bảo rằng tất cả các khu vực và nhóm lợi ích đều được đại diện. Sẽ có một số cuộc bỏ phiếu kín từ bây giờ đến đại hội toàn quốc lần thứ 14 để xác định ai sẽ tiếp tục bỏ phiếu và ai sẽ bị loại.” – Giáo sư Carlyle A. Thayer nói.

Quyết định cuối cùng về việc ai sẽ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương mới sẽ nằm trong tay 1.500 đại biểu tham dự đại hội đảng toàn quốc lần thứ 14.