Trong một cuộc thảo luận tại Quốc Hội hôm 13 tháng 2 năm 2025, Tổng bí thư Tô Lâm đã đưa ra một nhận định bất ngờ, trái với đường lối tuyên truyền cổ điển về những thành quả “vĩ đại” của 40 năm đổi mới. Ngài Tổng Bí thư chọn dội lên đầu những đồng chí của mình một gáo nước lạnh.
“Lúc ấy mà họ được sang Sài Gòn khám ở Bệnh viện Chợ Rẫy thôi đã là niềm mơ ước. 50 năm sau thì ngược lại, mình lại mơ ước được sang Singapore khám bệnh”. Người đứng đầu đảng Cộng sản nói về sự tụt hậu của Việt Nam so với Singapore.
Điều đáng chú ý hơn cả nằm ở chỗ ông đảng trưởng dùng Sài Gòn, thủ đô cũ của Việt Nam Cộng Hòa, kẻ thù không đội trời chung với đảng Cộng sản, để làm ví dụ về một thời hoàng kim của đất nước “mình”.
Trước đó ông cũng thừa nhận “Sài Gòn là hòn ngọc viễn Đông mà Thái Lan, Singapore, Malaysia… rất phục.”
Phát ngôn của người đứng đầu đảng cầm quyền được đưa ra trong bối cảnh, đất nước đang ở bên thềm của dịp kỷ niệm 50 năm ngày kết thúc chiến tranh Nam-Bắc. Điều đó không khỏi khiến người ta đặt câu hỏi, phải chăng đảng Cộng sản đã thay đối thái độ đối với cựu thù của mình?
Nhận định về phát biểu của ông Tô Lâm, ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu phụ tá Tổng trưởng Kinh tế thời Việt Nam Cộng Hòa, tỏ ra nghi ngờ về khả năng đảng Cộng sản thay đổi chính sách tuyên truyền về Việt Nam Cộng Hòa, vốn chất chứa đầy thù hận. Thay vào đó, ông cho rằng “Tô Lâm là một con người giản dị thấy gì nói đó.”
“Bây giờ ông ta vươn lên tới đỉnh cao quyền lực, phải ra những quyết định để lãnh đạo đất nước thì ông ta mới nhận ra đất nước có quá nhiều vấn đề. Những vấn đề mà trước đây ông ta không bao giờ nghĩ tới.” Ông Nguyễn Gia Kiểng nói thêm.
Tuy không nghĩ những câu nói của ông Tô Lâm phản ánh chủ trương của nhà nước Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng nó cũng có lợi là “mở mắt” cho rất nhiều người trong đảng Cộng sản.
Ngoài những phát biểu tích cực về Việt Nam Cộng Hòa, một vài động thái gần đây của ông Tô Lâm cũng được dư luận chú ý, như thắp hương tri ân nhạc sĩ Văn Cao, người từng là nạn nhân của phong trào Nhân văn giai phẩm; thăm nghĩa trang Vị Xuyên, nơi an nghỉ của hàng ngàn bộ đội Việt Nam trong cuộc chiến với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Những hành động đó được cho nhằm thống nhất lòng người, và là chỉ dấu cho tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc thành hiện thực.
Tuy vậy, theo nhà báo Song Chi, chỉ từ vài câu nói của ông Tô Lâm mà nói tới chuyện hòa giải hòa hợp thì đó là một quãng đường rất xa. Nó không có ý nghĩa gì nếu không có hành động cụ thể.
“Việc ông Tô Lâm thấy sự lạc hậu, yếu kém của Việt Nam là điều tích cực. Nhưng thấy rồi làm gì tiếp theo mới là điều quan trọng. Trước mắt, các ông hãy trả lại cho dân những quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do ứng cử, bầu cử…
Nếu các ông thực sự muốn hòa giải, hòa hợp thì tu sửa Nghĩa trang Biên Hòa đi. Quan tâm đến những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn lại đi. Đó là những việc làm thiết thực cho tiến trình hòa giải dân tộc.”
Hòa hợp, hòa giải dân tộc từng được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt đề cập đến trong một bài viết nhân kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh, tháng 9 năm 2005. Ông khẳng định đại đoàn kết dân tộc là cội nguồn sức mạnh của đất nước, và lấy làm tiếc khi tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều.
Đến hôm nay, dù đảng Cộng sản vẫn một mực nói chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc được coi là chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước Việt Nam, với phương châm xóa bỏ phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, cùng hướng tới tương lai cũng từ mấy chục năm qua. Nhưng trên thực tế, chính sách tuyên truyền của Đảng lại thể hiện một tư duy hoàn toàn trái ngược.
Việt Nam Cộng Hòa và những biểu tượng của chế độ cũ vẫn bị bêu rếu hàng năm mỗi độ tháng tư về. Lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn bị coi như vật phẩm nguy hiểm và đáng nguyền rủa, hễ ai dính tới thì hoặc bị phạt, hoặc bị công kích. Những chiến sĩ của chính quyền Sài Gòn hy sinh khi giữ đảo Hoàng Sa vẫn chưa được công nhận.
Bây giờ ông ta vươn lên tới đỉnh cao quyền lực, phải ra những quyết định để lãnh đạo đất nước thì ông ta mới nhận ra đất nước có quá nhiều vấn đề. Những vấn đề mà trước đây ông ta không bao giờ nghĩ tới.” Ông Nguyễn Gia Kiểng
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nhận định về phát biểu của ông Tô Lâm với tiến trình hòa giải, hòa hợp dân tộc cho rằng “đất nước đã chấm dứt chiến tranh 50 năm nhưng chính phủ vẫn còn nhiều việc phải làm về tất cả các lĩnh vực.”
“Nhưng tôi tin rằng, khi đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với cựu thù là Mỹ; đã nâng tầm quan hệ với Trung Quốc và với các nước là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, thì vấn đề hòa giải, hòa hợp dân tộc tại sao không? Tôi hy vọng người Việt sẽ đoàn kết để tạo thành sức mạnh, cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam hùng mạnh để “không ai ăn hiếp mình được nữa, không ai khi dễ mình được nữa”, ông nói thêm.
Giáo dục trước và sau năm 1975
Tô Lâm thừa nhận Sài Gòn trước 75 phồn vinh: Người Việt hải ngoại nhìn nhận thế nào?
Tiếng kêu đau của bầy linh cẩu
Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát chính trị thì cho rằng, việc nhìn nhận cái hay, cái tốt của nền kinh tế thời Việt Nam Cộng Hòa giúp ích cho tiến trình hòa giải lịch sử. Ngoài ra, điều này còn cung cấp những bài học quý báu cho hiện tại, bởi sự phát triển của Sài Gòn trước năm 1975 là nhờ tự do thương mại đi đôi với quyền tự do cá nhân, báo chí độc lập, và sự hiện diện của các tổ chức xã hội dân sự…
Điều này phù hợp với bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm đang nỗ lực thúc đẩy cải cách, nhằm đưa Việt Nam đi vào “kỷ nguyên mới”.
Tuy nhiên, để thực sự hàn gắn vết thương lịch sử trong lòng người thì phải có những hành động cụ thể.
Vị luật sư có nguồn gốc Việt Nam Cộng Hòa và đã phải rời bỏ Việt Nam trong làn sóng Thuyền Nhân, cho biết mong mỏi của ông:
“Nếu chính quyền thực sự muốn hàn gắn vết thương lịch sử, họ phải thực hiện một lộ trình chuyển đổi rõ ràng: Thừa nhận sai lầm trong cách mô tả Việt Nam Cộng Hòa; Cải cách giáo trình lịch sử để phản ánh sự thật khách quan; Bảo đảm quyền tự do ngôn luận, đối thoại cởi mở về quá khứ; Trả lại danh dự cho những người từng bị kỳ thị sau 1975; và thực hiện cải cách chính trị để xây dựng một thể chế dân chủ, hòa hợp. Nếu không có những bước đi này, phát biểu đó chỉ là một thủ thuật chính trị ngắn hạn, không thể tạo ra hòa giải thực sự.”