Kế hoạch sắp xếp địa giới hành chính được cho là nằm trong kế hoạch tinh gọn tổ chức bộ máy, với mục tiêu phát huy tiềm năng, lợi thế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và làm nền tảng để đất nước “vươn mình”.
Đây là một vấn đề quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân về nhiều mặt như văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội…
Nhưng Nhà nước lại tự ý sắp đặt mọi chuyện, không hề hỏi ý kiến nhân dân.
Ở Việt Nam, Luật trưng cầu ý dân đã được thông qua từ năm 2015, trong đó quy định các vấn đề cần trưng cầu dân ý gồm “những vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước”.
Xóa bỏ các tỉnh, mà trong đó nhiều địa danh có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức và danh tính của người dân, và dẫn đến nhiều tác động về mặt kinh tế-xã hội, có là một vấn đề xã hội “đặc biệt quan trọng” để cần tổ chức trưng cầu dân ý hay không, là đề tài cần phải được thảo luận nghiêm túc.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này thì những cơ quan và cá nhân có thẩm quyền đề nghị trưng cầu dân ý, gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, và Chính phủ vẫn hoàn toàn im lặng, không hề đả động gì đến những hệ lụy mà người dân phải gánh chịu. Các cơ quan truyền thông do nhà nước quản lý cũng im ắng một cách bất thường trước một sự kiện có thể xáo trộn đời sống của người dân cả nước.
Luật cũng quy định chỉ không tổ chức trưng cầu ý dân trong trường hợp có chiến tranh, hoặc trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp trên quy mô cả nước. Việt Nam đang trong thời bình, cũng không trong tình trạng khẩn cấp, nên không có lý do gì để không tổ chức trưng cầu dân ý.
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn từ Hà Nội cho rằng, việc Bộ Chính trị tự tiện đưa ra việc sáp nhập địa giới hành chính mà không tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn là vi hiến và phản khoa học.
“Phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý và phải tôn trọng ý kiến của các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, nhưng đây xuất phát từ tư duy chủ quan, duy ý chí, mệnh lệnh không coi trọng ý kiến của nhân dân.”
Điều này, theo ông, chỉ có thể lý giải là ông Tô Lâm sốt ruột khi thấy đất nước phát triển trì trệ, thành tích kém cỏi so với các nước trong khu vực, nên muốn trong một thời gian ngắn phải đổi mới thật nhanh bất chấp quy trình hợp hiến.
“Ông ta thực hiện trên cơ sở dùng quyền lực và mệnh lệnh hành chính để tự để tự đề ra chủ trương này. Làm như thế sẽ xảy ra những hậu quả không hay cho sự phát triển kinh tế của đất nước”, nhà báo này khẳng định.
Tại phiên họp ngày 28 tháng 2 năm 2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu rõ lộ trình bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh và xã phải được thực hiện theo phương châm “vừa chạy vừa xếp hàng” để trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong tuần đầu tiên của tháng 4 năm 2025.
Theo nhận định của giới quan sát, sở dĩ Bộ chính trị không hỏi ý kiến dân, vì ông Tô Lâm muốn việc sáp nhập phải được thực hiện càng nhanh càng tốt để lãnh đạo các địa phương mới là “người của mình”.
Theo đó, Đảng ủy Chính phủ phải triển khai công việc gấp rút theo tiến độ sau: Trước ngày 9 tháng 3, báo cáo chủ trương với Bộ Chính trị; sau đó, dựa trên ý kiến của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, hoàn thiện đề án và xin ý kiến từ các cấp ủy, tổ chức đảng trước ngày 12 tháng 3; Tiếp theo, sau khi nhận được góp ý, đề án cần được hoàn thiện và báo cáo lại với Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước ngày 27 tháng 3; Cuối cùng, sau khi tiếp thu thêm ý kiến, đề án, tờ trình phải được hoàn thiện và trình Ban Chấp hành Trung ương qua Ban Tổ chức Trung ương trước ngày 7 tháng 4.
Song song đó, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, văn bản, nghị định liên quan việc tinh gọn và phải hoàn thành trước ngày 1 tháng 7 năm 2025, bởi theo Hiến pháp hiện hành, quy định về các đơn vị hành chính bao gồm ba cấp là tỉnh, huyện và phường, xã.
Một nhà báo yêu cầu ẩn danh vì lý do an toàn cho rằng, do Bộ Chính trị đơn phương làm theo ý chí riêng của Tô Lâm nên bằng mọi giá phải làm gấp, phải thay đổi toàn diện trước Đại hội Đảng các cấp để tranh thủ cử tri một cách danh chính ngôn thuận.
“Nhìn bề ngoài thì đây chỉ là cuộc sắp xếp tinh gọn bộ máy nhưng bên trong là một cuộc chiến giữa một nhóm chính trị này với một nhóm chính trị khác. Khi sắp xếp lại thì Tô Lâm có trong tay tất cả cử tri thuộc phe nhóm của mình. Lựa chọn nhân sự khóa mới vì thế diễn ra hanh thông hơn, bảo đảm quyền lực của Tô Lâm hơn”, nhà báo này kết luận.
Bài liên quan
Sáp nhập tỉnh: động cơ chính trị và hệ lụy
Sửa Hiến pháp và Điều lệ Đảng: Tô Lâm toan tính gì?
Sáp nhập tỉnh giúp Tô Lâm thâu tóm Ban chấp hành Trung ương thế nào?
Tại phiên họp Chính phủ diễn ra sáng ngày 5 tháng 3 năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính thúc giục các cơ quan chức năng phải ‘Tập trung hoàn thành đề án sáp nhập một số tỉnh’ và nhấn mạnh đây là nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách, nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm.
“Chuyện Tô Lâm đang làm, ai cũng thấy là cách nhân danh tinh giản bộ máy, nhưng lồng trong đó là âm mưu lược bớt nhân sự của các đời lãnh đạo trước, tổ chức lại bộ máy với nhân sự hoàn toàn là người của mình để thống nhất kiểm soát. Quyền lực tuyệt đối của Tô Lâm được nhấn mạnh qua chương trình sáp nhập này”, nhà báo Nam Việt nhận định.
Chuyện sáp nhập tỉnh, thành không là chuyện mới với Đảng cộng sản Việt Nam dù đây là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải cân nhắc nhiều yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa và chính trị. Từ năm 1975 đến nay đã có chín lần sáp nhập, chia tách tỉnh, thành. Đưa số tỉnh, thành từ 72 xuống 38 rồi lên 63. Điều này cho thấy chính sách sáp nhập không mang lại hiệu quả lâu dài.
Để việc sáp nhập tỉnh, thành lần này được bền vững thì Bộ Chính trị phải tránh vết xe đổ, tức không thể sáp nhập theo tiêu chí cơ học là quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp huyện.
Theo nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, nếu ông Tô Lâm muốn thực hiện việc này bền vững, tức không phải tách ra sau sáp nhập thì Tô Lâm và ban bệ của ông phải trả lời được câu hỏi về trình độ quản lý của lãnh đạo địa phương hiện tại và tương lai.
“Nếu bây giờ nhập hai, ba tỉnh thành một thì trình độ quản lý của những người đứng đầu tỉnh mới như thế nào, có đáp ứng được yêu cầu mới hay không vì không có người mới mà vẫn những quan chức cũ, những ủy viên trung ương đảng cũ, những thành ủy, tỉnh ủy cũ. Phải tìm được người lãnh đạo giỏi có thể quản lý hai, ba tỉnh nhập thành một. Phải lấy ý kiến toàn dân và ý kiến của các nhà chuyên môn. Không thể nóng vội”, ông Phúc phân tích.
Cho đến hôm nay, con số tỉnh/thành còn lại sau sáp nhập vẫn chưa được công khai cho dân biết, nhưng chắc chắn con số tỉnh, thành sẽ ít hơn và diện tích mỗi tỉnh, thành sẽ lớn hơn, đông dân hơn. Như thế, quá trình vận hành sẽ gặp khó khăn trong quản lý hành chính, điều hành kinh tế - xã hội và cung cấp dịch vụ công.
Dù hệ trọng là vậy nhưng người dân vẫn bị cho ra rìa, không hề được dự phần vào việc đưa quyết định, trong khi Đảng vẫn ra rả câu khẩu hiệu “nhà nước của dân, do dân, và vì dân”.