Tổng Bí thư Tô Lâm phá bỏ thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản

Kinh tế nhà nước là nền tảng cuối cùng của Chủ nghĩa Cộng sản.

Khi đã chấp nhận kinh tế thị trường năm 1986, ĐCSVN đã phải thừa nhận chủ nghĩa cộng sản là không tưởng. Nhưng suốt gần 40 năm qua chưa có vị tổng bí thư nào của ĐCSVN dám đưa kinh tế tư nhân lên vị trí chủ đạo của nền kinh tế.

Cho đến khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư.

Bài viết của vị đương kim Tổng Bí thư hôm 17 tháng Ba về vai trò của kinh tế tư nhân được PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học Đại học Kinh tế Quốc dân, viết trên trang mạng Facebook cá nhân, cho là đúng đắn, và bộc lộ “những tư tưởng trụ cột của chủ nghĩa tư bản”.

Vứt bỏ đường lối

Trong bài viết có tựa đề ‘Phát triển kinh tế tư nhân-đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng’, ông Tô Lâm đã thể hiện tư tưởng ủng hộ kinh tế tư nhân mạnh mẽ.

Ông còn thừa nhận rằng “kinh tế tư nhân hiện vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh”, “gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính.”

Không dừng lại ở việc khẳng định vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với đất nước, ông Tô Lâm còn chỉ trích các doanh nghiệp nhà nước dù được “nắm giữ nhiều tài nguyên, đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng nhưng lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí còn để lãng phí.”

Đó là thực tế ai cũng thấy, nhiều chuyên gia đã nói, nhưng ông Tô Lâm là tổng bí thư đầu tiên thừa nhận thẳng thắn thực tế đó.

Tư tưởng ủng hộ kinh tế tư nhân của ông Tô Lâm đối lập hoàn toàn với quan điểm giáo điều của người tiền nhiệm.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành, nguyên thành viên tổ tư vấn tài chính của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ghi nhận trên trang Facebook cá nhân rằng “doanh nghiệp Việt Nam, sau thời kỳ gần một thập kỷ bị GS. TS. Nguyễn Phú Trọng đánh cho tả tơi,” đang thoi thóp rón rén hồi phục dưới kỷ nguyên mới của Đại tướng Tô Lâm.

Năm 2017, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng đưa ra “Nghị quyết trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, khẳng định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo,” “doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước.”

Trong toàn bộ bài viết dài hơn 400 chữ, ông Tô Lâm chỉ nhắc đến thuật ngữ ‘kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa’ đúng một lần.

Điều đáng nói là ông Trọng kiên định với doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh trước đó ông đã phải “xử lý 12 đại dự án thua lỗ” của các công ty quốc doanh này. Không chỉ ông Trọng mà các tổng bí thư trước đó cũng có tư tưởng giáo điều tương tự.


Đọc thêm

Ông Tô Lâm từng bước gạt bỏ di sản của ông Nguyễn Phú Trọng

Tô Lâm có phải là Gorbachev Việt Nam?

Tổng Bí thư Tô Lâm đang tạo ra cho mình quyền hành pháp


Ý thức hệ đề cao doanh nghiệp quốc doanh đã đồng thời dẫn đến tư tưởng kìm hãm doanh nghiệp tư nhân. Tư tưởng này thấm vào các chính sách nhà nước, khiến doanh nghiệp tư nhân không thể lớn nổi.

Theo ông Tô Lâm, doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã bị chèn ép so với doanh nghiệp nhà nước, bất chấp thực tế là doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả. Thậm chí, doanh nghiệp nước ngoài còn được ưu đãi tốt hơn cả doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.

Đó vẫn chưa phải là điều quan trọng nhất trong cách nhìn so sánh của ông Tô Lâm đối với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam. Điều quan trọng nhất là ông đã khẳng định việc doanh nghiệp tư nhân bị kìm hãm đã đồng thời kìm hãm khả năng phát triển của dân tộc. Ông viết:

“Những điểm nghẽn này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu Nghị quyết của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.”

Tại sao lúc này?

Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân và cải cách hành chính phản ánh một thực tế không thể chối bỏ: bộ máy nhà nước Việt Nam cồng kềnh, kém hiệu quả và đang cản trở sự phát triển của đất nước.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra chính sách phát triển kinh tế tư nhân vào thời điểm này có thể xuất phát từ nhu cầu tăng cường động lực tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

Thực vậy, theo Luật sư Khanh, kinh tế Việt Nam đang đối mặt với thách thức duy trì tốc độ tăng trưởng cao và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Việc thúc đẩy kinh tế tư nhân nhằm tận dụng tối đa nguồn lực trong nước, giảm phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài và tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế. Các yếu tố quốc tế như xu hướng bảo hộ thương mại và biến động kinh tế toàn cầu, địa - chính trị - kinh tế cũng thúc đẩy Việt Nam tìm kiếm động lực tăng trưởng nội địa.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ cho rằng ông Tô Lâm “không muốn là cái bóng của ông Nguyễn Phú Trọng.”

Ông Trọng được biết là một nhà lý luận Cộng sản, dựa vào những giáo điều cũ kỹ, vốn lấy doanh nghiệp nhà nước làm cột trụ của nền kinh tế, giờ đây ông Tô Lâm đưa ra học thuyết lấy kinh tế tư nhân làm cơ sở của nền kinh tế.

Nhưng ông Tô Lâm thực hiện cải cách không chỉ vì muốn làm khác vị lãnh đạo tiền nhiệm.

“Là một người lãnh đạo, dù muốn dù không, ông rõ ràng muốn lịch sử nhắc đến mình như là một lãnh đạo có khả năng, đem lại thịnh vượng cho chế độ. Với nhu cầu đó, con đường duy nhất để Việt Nam vươn lên, đối với ông, chỉ có con đường dựa vào kinh tế tư nhân và thúc đẩy kinh tế tư nhân. Mặt khác, kinh tế đang khủng hoảng và chuyện dựa vào kinh tế tư nhân để tạo ra việc làm là điều cần thiết nhất lúc này.” Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ phân tích.

Lên làm Tổng Bí thư ở thời điểm nhiệm kỳ của khóa 13 chỉ còn một năm rưỡi nữa là kết thúc, ông Tô Lâm đối diện với việc phải chứng tỏ năng lực trong một thời gian ngắn, với hy vọng được tái đắc cử khi Đại hội Đảng diễn ra vào tháng 1 năm 2026.

Con đường mới để xác lập tính chính danh

Cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ở giai đoạn đầu “đổi mới” từng nói “phải nhìn thẳng vào sự thật”. Theo GS Vũ Tường, trưởng khoa Chính trị học Đại học Oregon, nay ông Tô Lâm khẳng định vị trí quan trọng nhất của khu vực kinh tế tư nhân cũng là một cách nhìn vào sự thật, trong bối cảnh mới.

Điều này tác động thế nào đến nền chính trị thì chỉ thời gian mới có thể trả lời, vì tư tưởng lấy kinh tế tư nhân làm trụ cột của ông Tô Lâm mới được công bố hơn một tuần, cần có thời gian để thực thi.

Nhưng theo các chuyên gia, có thể thấy trước ảnh hưởng quan trọng của tư tưởng mới của vị nguyên thủ quyền lực và có tinh thần thực tiễn hiện nay ở Hà Nội. Ảnh hưởng quan trọng nhất, theo Giáo sư Vũ Tường, là cách ĐCSVN của ông Tô Lâm lựa chọn các trụ cột để bảo vệ tính chính danh của mình. Ông nói:

“Trước giờ họ vẫn theo đuổi ba yếu tố tạo nên tính chính danh của họ: một là chủ nghĩa dân tộc, một là chủ nghĩa xã hội và một là tăng trưởng kinh tế. Đó là ba yếu tố chính.

Dần dần họ giảm nhẹ yếu tố chủ nghĩa xã hội mà tăng hai yếu tố là chủ nghĩa dân tộc và tăng trưởng kinh tế. Hai yếu tố này trở thành hai trụ cột chính của tính chính danh của ĐCSVN. Từ từ họ phải bỏ yếu tố chủ nghĩa xã hội vì nó không còn liên quan nữa, mà chỉ là tín điều cản trở phát triển kinh tế. Vì chủ nghĩa xã hội và tăng trưởng kinh tế mâu thuẫn với nhau. Nó mâu thuẫn, níu kéo lẫn nhau, thành ra không phát triển được. Họ bỏ bớt yếu tố chủ nghĩa xã hội đi để giúp cho hai yếu tố kia mạnh hơn.”

Như vậy tức là Việt Nam chỉ là còn là một nước Xã hội Chủ nghĩa trên danh nghĩa.

Tuy nhiên, các chuyên gia Vũ Tường, Vũ Đức Khanh, Nguyễn Huy Vũ cũng cho rằng có một khoảng cách rất xa từ việc xác lập tư tưởng đúng đến chỗ thực hiện được nó.

Theo GS Vũ Tường, bài viết của ông Tô Lâm, khi nói về giải pháp, nhấn mạnh cả các doanh nghiệp tư nhân lớn và các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Nhưng khi đi vào thực thi, liệu hệ thống chính trị sẽ chỉ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp lớn và tiếp tục bỏ rơi doanh nghiệp nhỏ? Bởi lẽ việc hỗ trợ doanh nghiệp lớn là điều dễ làm. Còn để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vốn đông đảo và là năng lực thực sự của nền kinh tế quốc gia, cần phải cải cách cả hệ thống.