Báo chí nhà nước hôm Một tháng Tư, 2025 cho biết Việt Nam mời quân đội Trung Quốc, Lào, Campuchia tham gia “diễu binh, diễu hành” kỷ niệm 50 năm ngày 30 tháng Tư.
Trung Quốc là một trong những tác nhân lớn gây chia cắt Việt Nam trong Hiệp định Geneva năm 1954. Các chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam thay đổi tùy từng thời điểm, nhằm phục vụ các lợi ích chiến lược của họ.
Nước này có vai trò to lớn trong chiến tranh Việt Nam giữa VNDCCH và VNCH, tương tự như Hoa Kỳ. Ban đầu Trung Quốc viện trợ VNDCCH chống lại VNCH và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trước khi chiến tranh kết thúc, Trung Quốc nhanh chóng đảo ngược chính sách, đề nghị giúp đỡ VNCH chống lại VNDCCH để ngăn chặn Việt Nam thống nhất.
Vậy tại sao Việt Nam mời Trung Quốc tham gia diễu binh, diễu hành kỷ niệm ngày 30 tháng Tư năm 2025?
Vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam
Theo Xiaobing Li trong cuốn sách “The Dragon in the Jungle: The Chinese Army in the Vietnam War,” (“Con rồng trong rừng sâu: quân đội Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam”), trong thời điểm cao nhất (năm 1967), có đến 170.000 lính Trung Quốc hiện diện tại Việt Nam. Chen Jian, trong tác phẩm “Mao’s China and the Cold War,” (“Trung Quốc của Mao và chiến tranh lạnh”), cũng chỉ ra rằng Trung Quốc viện trợ vũ khí và nhu yếu phẩm với giá trị hàng tỷ USD, đưa hàng ngàn cố vấn quân sự làm việc trực tiếp với Bộ Tổng tham mưu của Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN), đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các chiến dịch tấn công và phòng ngự, đặc biệt trong giai đoạn 1965–1968.
Về sự hiện diện thực tế của cố vấn và quân đội Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam, PGS. TS. Alex Thái Võ ở Đại học Texas Tech, cho biết theo các công trình nghiên cứu đáng tin cậy của các học giả như King Chen, Chen Jian, Qiang Zhai, và Xiaobing Li, dựa trên sử liệu lưu trữ Trung Quốc, thì vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam là cực kỳ quan trọng và sâu rộng. Có thể nói vai trò của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam cũng tương tự như vai trò của Mỹ đối với miền Nam. Nếu không có viện trợ từ Trung Quốc và Liên Xô, thì VNDCCH không thể đạt được thắng lợi vào năm 1975.
Dù Trung Quốc và Việt Nam thường nhấn mạnh rằng Trung Quốc không có binh sĩ chiến đấu ở miền Nam như Mỹ, nhưng theo PGS. TS. Alex Thái Võ, các tài liệu lưu trữ tại Trung Quốc, cũng như hồi ký của các cựu binh Trung Quốc, cùng với tài liệu từ Việt Nam và Hoa Kỳ, cho thấy có một số nhóm cố vấn và đơn vị kỹ thuật của Trung Quốc từng có mặt ở phía nam vĩ tuyến 17, thậm chí tại khu vực Tây Nguyên, Lào và Campuchia, để hỗ trợ công tác vận tải, truyền tin và huấn luyện quanh khu vực Sài Gòn. Mặc dù số lượng nhỏ, nhưng sự hiện diện này là có thật, và phần nào phản ánh ý đồ chiến lược của Trung Quốc.
PGS. TS Alex Thái cho rằng Trung Quốc đưa người vào sâu trong lãnh thổ VNCH khi đó để kiểm soát mức độ leo thang của cuộc chiến, nhằm vừa giúp Bắc Việt đánh VNCH và Mỹ, vừa tránh để Bắc Việt giành chiến thắng quá nhanh.
Vì sao Trung Quốc không muốn Bắc Việt Nam thắng Nam Việt Nam quá nhanh?
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ sử học Jay Veith khẳng định một trong những mục tiêu của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam là muốn chắc chắn Việt Nam không thể thống nhất.
Trung Quốc không muốn Việt Nam thống nhất
Thời Lê Duẩn, từ sau khi cuộc chiến 1979 nổ ra đến khi Việt-Trung bình thường hóa quan hệ năm 1991, Việt Nam không nhắc đến vai trò to lớn của Trung Quốc đối với mình. Ngược lại, ở giai đoạn đó, Việt Nam tập trung nói về những tính toán chiến lược của Trung Quốc nhắm đến Việt Nam và Đông Nam Á.
Điển hình là cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua” do Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố vào tháng 10 năm 1979. Cuốn sách này thừa nhận Trung Quốc là bên cung cấp vũ khí cho Việt Nam (Việt Minh) trong giai đoạn cuối cuộc chiến tranh Việt-Pháp, tố cáo Trung Quốc sử dụng vị thế này để đàm phán trực tiếp với Pháp trong Hiệp định Geneva năm 1954, xây dựng những điều khoản đem lại lợi ích cho Trung Quốc và Pháp, bỏ qua lợi ích của Việt Nam.
Cuốn sách trên còn tố cáo, ở giai đoạn cuối của cuộc ‘kháng chiến chống Mỹ‘, Trung Quốc đã đàm phán với Mỹ “trên lưng Việt Nam” để ngăn cản “Việt Nam thống nhất.” Thuật lại chính sách của Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam như vậy, cuốn sách của Bộ Ngoại giao Việt Nam năm 1979 kết luận đó “vẫn chỉ là chính sách của những hoàng đế “thiên triều” trong mấy nghìn năm qua, nhằm thôn tính Việt Nam, biến Việt Nam thành một chư hầu của Trung Quốc.”
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ sử học Jay Veith cho biết trong hai cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Xuân Phong, Quốc vụ khanh, Phó phái đoàn hòa đàm VNCH tại Paris từ 1968 đến 1975, ông Phong cho biết Trung Quốc từng tiếp cận ông, đề nghị VNCH cho họ thả xuống hai sư đoàn lính dù để ngăn chặn Bắc Việt Nam. Hai sư đoàn lính dù này sẽ được ẩn trong một “lực lượng quốc tế” để tránh tạo ra hình ảnh Trung Quốc can thiệp.
Ông Nguyễn Đạt Thành, cựu thiếu tá Quân lực VNCH, cho biết ông được nhận được tin tức về việc Trung Quốc muốn đưa quân vào Miền Nam Việt Nam vào giai đoạn cuối của cuộc chiến. Khi đó, ông là trung tâm trưởng của Trung tâm hành quân của Tiểu khu Châu Đốc, Quân đoàn IV, kiểm soát vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông nói:
“Theo tin tôi nhận trước 1975 thì nó (Trung Quốc) muốn gửi một đơn vị nhảy dù xuống Xuân Lộc để chặn Bắc Việt. Nhưng mà chưa kịp thì Dương Văn Minh đã đầu hàng. Lúc đó tôi được cái tin đó, nhưng không có bằng chứng để chứng minh nên không nói được. Nhưng tin tức tôi nhận được khi đó là như vậy.”
Sau 1979, Việt Nam đã nói về việc Trung Quốc can thiệp chính trị ở giai đoạn cuối cuộc chiến nhằm ngăn chặn Việt Nam thống nhất. Nhưng một kế hoạch can thiệp ở cấp độ “quân sự”, tung hai sư đoàn lính dù vào Miền Nam Việt Nam dưới danh nghĩa “lực lượng quốc tế” để chặn Bắc Việt là điều ít được biết đến.
Tại sao mời Trung Quốc diễu hành?
Sau Hội nghị Thành Đô năm 1991, Hà Nội bắt đầu nhắc đến công lao viện trợ của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của mình. Đồng thời, Việt Nam giảm nhẹ, nếu không muốn nói là xóa hẳn ký ức về cuộc xâm lược năm 1979 khỏi sách giáo khoa lịch sử cho học sinh.
Năm 2022, trên Diplomat, Travis Vincent cho biết “sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 ở Việt Nam năm 2001 chỉ dành 24 dòng cuối sách kể lại cuộc chiến tranh, nhưng đến phiên bản năm 2018, phần kể lại cuộc chiến này chỉ còn 11 dòng.” Ngoài ra, 11 dòng này được đặt trong phần cuối của sách giáo khoa sử lớp 12, khi học sinh trung học bước vào giai đoạn ôn thi trung học và hầu như chỉ tập trung ôn thi. Như vậy, 11 dòng về cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1979 được đưa vào sách giáo khoa lớp 12 chỉ để “điểm danh”. Phần đông lớp trẻ Việt Nam ngày nay biết đến cuộc chiến này qua các nguồn khác, không phải “sách giáo khoa chính thống.”
Năm nay, Việt Nam muốn mời Trung Quốc tham dự diễu hành, diễu binh kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Nam-Bắc kết thúc.
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu về an ninh quốc tế Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra nhận xét rằng trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam phải xử lý tổng thể tất cả các mặt “ngoại giao,” “luật pháp quốc tế” và “sức mạnh trên biển, trên đất liền.” Việc mời Trung Quốc tham gia diễu binh, diễu hành ngày 30 tháng Tư thuộc về “mặt trận” ngoại giao trong bài toán tổng thể đó.
Theo ông Nguyễn Thế Phương, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế mạnh mẽ lên hàng hóa xuất vào Mỹ từ Việt Nam, kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Việt Nam không thể cùng lúc đối phó với áp lực từ hai siêu cường cùng lúc mà phải gửi đi một thông điệp sao cho Trung Quốc thấy Việt Nam vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện.
Không chỉ Việt Nam mà cả Đông Nam Á và Đông Bắc Á đều có những chuyển động tương tự. Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc tạm gác tranh chấp đảo Dokko/ Takshima, Trung Quốc và Nhật Bản tạp gác vấn đề Senkaku / Điếu Ngư, cả ba nước này gặp nhau cam kết thúc đẩy thương mại tự do. Việt Nam cũng mời Lào và Campuchia đến gặp gỡ để thắt chặt quan hệ. Ông Nguyễn Thế Phương lưu ý trong cuộc gặp với lãnh đạo Lào và Campuchia tại Dinh Thống Nhất (Dinh Độc lập thời VNCH), toàn bộ Bộ Chính trị Việt Nam đã bay từ Hà Nội vào tham dự.
Trong bối cảnh đó, quốc tế sẽ chú ý đến chuyến thăm Đông Nam Á của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam, Campuchia và Malaysia.
“Điều đó cho thấy toàn bộ vùng Đông Á, Đông Nam Á đang bắt đầu được sắp xếp lại, đặc biệt là về kinh tế và thương mại. Nó liên quan đến ông Trump. Ông Trump lên đánh thuế gần như tất cả mọi quốc gia. Nó tác động tới động lực tăng trưởng quan trọng của Đông Á. Họ phải tìm cách giảm thiểu tác động tiêu cực từ Mỹ. Cách giảm thiểu tốt nhất là thương mại tự do. Mà trong thương mại tự do thì ai là thị trường lớn nhất sau khi Mỹ đã tạo ra rào cản? Đó là Trung Quốc.
Nếu cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng thuế thì tất cả chết hết. Mỹ đã cho Trung Quốc tăng ảnh hưởng trong khu vực. Khi Mỹ bỏ khu vực, tạo ra chỗ trống thì Trung Quốc chủ động lấp chỗ trống Mỹ để lại. Chuyến thăm của Tập tới Việt Nam, Campuchia và Malaysia nằm trong xu hướng đó.”
Do đó, theo ông Nguyễn Thế Phương, mặc dù ngày 30 tháng Tư là một sự kiện lịch sử, việc mời Trung Quốc, Lào và Campuchia tham dự diễu binh, diễu hành hoàn toàn phản ánh những nhu cầu của thời điểm ngày nay, không phải mang tính chất lịch sử.
PGS. TS. Alex Thái Võ có cùng nhận xét với nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương. Dẫn lại các nghiên cứu của Chen Jian (“Mao’s China and the Cold War”), King Chen (“China and the Vietnam Wars, 1950–1975”), TS Alex Thái cho rằng những thay đổi chính sách liên tục của Trung Quốc đối với Việt Nam thời chiến hoàn toàn phục vụ cho những mục tiêu chiến lược và lợi ích dân tộc của riêng họ. Trong toan tính địa chính trị của Trung Quốc, Việt Nam vừa là đồng minh, vừa là công cụ, nhưng cũng là mối lo. Như Chen Jian khẳng định, Trung Quốc là một tác nhân đầy toan tính trong chiến tranh Việt Nam, một phần của bàn cờ Chiến tranh Lạnh. Sự ủng hộ dành cho Việt Nam là thật, nhưng theo Chen Jian, luôn đi kèm giới hạn, và sẵn sàng đảo ngược ngay khi lợi ích chiến lược của Trung Quốc đòi hỏi cần thay đổi.
Từ từ sự thực lịch sử đó, việc mời Trung Quốc tham dự diễu binh, diễu hành ngày 30 tháng Tư năm 2025 cho thấy “ký ức lịch sử không bao giờ thuần túy, mà luôn gắn liền với những chọn lọc mang tính chính trị và ngoại giao,” theo nhận xét của nhà Việt Nam học đến từ Texas Tech University.