Ông Tô Lâm ứng phó thế nào trước đòn đánh thuế của ông Donald Trump? 

Tham vọng đưa Việt Nam tiến vào “kỷ nguyên vươn mình” của ông Tô Lâm đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Việc bị ông Trump đánh thuế hà khắc sẽ tác động lớn đến kinh tế của Việt Nam. Kinh tế - chính trị ảnh hưởng qua lại với nhau. Do vậy, chính sách thuế quan của Trump, dù nhắm đến kinh tế, nhưng rất có thể sẽ tác động đến chính trị Việt Nam.

Các nhà quan sát quốc tế đang đặt ra một câu hỏi lớn: ông Tô Lâm ứng phó thế nào trước đòn đánh thuế của ông Donald Trump?

Thách thức nội bộ

Khởi đầu năm 2025 với đầy sự tự tin. Ông Tô Lâm thậm chí đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, và mức tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo (điều mà Việt Nam chưa từng đạt được). Vị Tổng Bí thư thứ 13 của đảng Cộng sản Việt Nam còn làm điều mà chưa người tiền nhiệm nào dám: công khai từ bỏ đường lối kinh tế xã hội chủ nghĩa, và cổ vũ kinh tế tư nhân.

Tham vọng đưa Việt Nam tiến vào “kỷ nguyên vươn mình” của ông Tô Lâm được cho là nỗ lực nhằm củng cố tính chính danh của đảng cầm quyền, và của cá nhân ông, đặc biệt khi chỉ còn chưa đầy một năm nữa thì Đại hội 14 của Đảng sẽ diễn ra.

Tất cả, đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi đòn thuế quan mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump giáng xuống hàng hóa Việt Nam.

Nhiều kinh tế gia đã cho rằng mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay chắc chắn sẽ không thể đạt được nếu Việt Nam không giải quyết được vấn đề thuế quan với Mỹ. PGS-TS Nguyễn Đức Thành thậm chí đã đưa ra dự đoán rằng kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng 1,2%, điều mà ông cho là “thấp nhất trong 40 năm (kể từ năm 1985)”.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Vũ Tường cho rằng ngay cả khi không bị Hoa Kỳ áp thuế thì mục tiêu tăng trưởng 8% cũng rất khó đạt được. Và việc Việt Nam bị ảnh ra sao từ đòn thuế quan của Mỹ còn tuỳ rất nhiều điều kiện, như Việt Nam có đạt được thoả thuận mua hàng Mỹ để giảm thặng dư thương mại với Hoa Kỳ hay không, các nước có hàng xuất khẩu đang cạnh tranh với Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hay ít, v.v...

Do đó, vẫn cần thời gian để theo dõi thêm. Đặc biệt, nếu bị ảnh hưởng thì năm 2026 trở đi mới thấy rõ hơn, vì các công ty đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có thời giờ điều chỉnh chuỗi cung ứng của họ và đo lường khả năng chấp nhận tăng giá của người tiêu thụ Mỹ. GS Vũ Tường nói tiếp:

“Tôi nghĩ ai cũng biết ông Trump đang “làm cao” để “thách giá”, nên Việt Nam sẽ tìm các biện pháp trao đổi và mặc cả ngắn hạn, thậm chí chấp nhận “giá” ông Trump yêu cầu để trước mắt thoát khỏi thuế cao đối với hàng Việt vào thị trường Hoa Kỳ.”

Về mặt tác động chính trị, GS Vũ Tường cho rằng trong mặt ngắn hạn đòn thuế của ông Trump sẽ không gây ra ảnh hưởng chính trị đáng kể nào đối với Việt Nam.

Nếu có ảnh hưởng thì có thể một số người có tâm lý thù ghét Mỹ trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam từ nay trở đi bị bắt buộc phải thừa nhận Mỹ quan trọng thế nào đối với đất nước họ. Sự thừa nhận đó có thể dẫn đến một sự thay đổi nhận thức nào đó về địa chính trị, và từ đó, có một sự dịch chuyển nào đó trong chính sách ngoại giao của Việt Nam để gần với Mỹ hơn trong trung hạn hay dài hạn.

Nhưng về dài hạn, thuế quan sẽ dẫn đến sụt giảm đơn hàng, các nhà máy đóng cửa, dẫn đến thất nghiệp sẽ tăng cao, và gây bất ổn xã hội.

Tác động đối ngoại

Nhật Bản và Hàn Quốc vốn có xung đột lãnh thổ đối với đảo Takeshima/Dokko, Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng mới đây, cả ba nước Đông Bắc Á đã tạm gác bất đồng, thống nhất sẽ tăng cường tự do thương mại để chống lại chính sách của Hoa Kỳ.

Về phần mình Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp giữa ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Cambodia) trước khi chính sách đánh thuế của Trump được công bố. Rõ ràng, động thái này của Việt Nam nhắm đến vấn đề an ninh, củng cố quan hệ an ninh với hai nước láng giềng.

Nhưng đáng chú ý hơn cả là chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tháng Tư, theo tin từ Reuters.

Nếu Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất.

Việt Nam vốn được lợi từ thương chiến Mỹ-Trung, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, hàng loạt doanh nghiệp đã phải rời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh mức thuế mà Hoa Kỳ áp đặt lên hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Biển Việt Nam trở thành thế lực sản xuất mới.

Một trong những cáo buộc mà phía Mỹ đưa ra để biện minh cho mức thuế áp đặt lên Việt Nam là Việt Nam đã trở thành “trạm trung chuyển” của hàng hóa Trung Quốc. Peter Navarro, cố vấn kinh tế của ông Trump, còn thậm chí gọi Việt Nam là “thuộc địa kinh tế của Trung Quốc”.

Thay vì được hưởng lợi, Việt Nam đang trở thành nạn nhân trực tiếp của cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung.

Việc này sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn trong quan hệ quốc tế (với Trung Quốc, Mỹ, và các thế lực khác) của ông Tô Lâm, như thế nào?

Trả lời câu hỏi này, GS Vũ Tường cho rằng ông Trump không có tầm nhìn địa chính trị, mà có thì điều đó cũng không quan trọng đối với ông ấy lắm. Do đó, Việt Nam nếu muốn hưởng lợi dài hạn trong quan hệ với Mỹ, phải “biết điều” hơn với Mỹ. Theo GS Vũ Tường, khả năng Việt Nam chọn gần Trung Quốc và xa Mỹ là thấp vì Trung Quốc không thể thay thế Mỹ. Người thực dụng như ông Tô Lâm chắc chắn phải nhận ra điều này khi nhìn vào các con số thống kê ngoại thương của Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở ĐH UNSW Canberra cũng cho rằng Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ không tiến hành những điều chỉnh lớn về mặt đối ngoại. Tuy nhiên, những hoạt động củng cố các mối quan hệ để tăng cường khả năng chống trọi của Việt Nam trước sức ép kinh tế bên ngoài sẽ được thực hiện ráo riết hơn.

Cùng với chuyến thăm được chờ đón của ông Tập Cận Bình, Việt Nam cũng sẽ đón hàng loạt các lãnh đạo Châu Âu sau khi Mỹ tung đòn thuế quan. Trong đó có Tổng thống Pháp, Thủ tướng Tây Ban Nha, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, và Ủy viên Thương mại EU.

Áp lực chọn bên

Rất nhanh sau khi Hoa Kỳ công bố mức thuế cao ngất ngưởng đối với hàng hóa Việt Nam. Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng Thống Donald Trump để điều đình. Đề nghị mà người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra là hai nước hạ thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa của nhau về 0%.

Phản ứng nhanh chóng của ông Tô Lâm đã nhận được nhiều ca ngợi từ người dân Việt Nam.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang.

Đài CNBC hôm 7 tháng Tư, 2025 cho biết cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro khẳng định rằng lời đề nghị của Việt Nam đưa thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ về bằng 0 sẽ không có ý nghĩa gì.

Bất chấp các nỗ lực của Tổng Bí thư Tô Lâm, phía Mỹ cự tuyệt vì cho rằng các động thái của Việt không giải quyết được vấn đề họ quan tâm, vì như Peter Navarro giải thích, “điều quan trọng là gian lận phi thuế quan”.

Navarro đưa ra các ví dụ về “gian lận” phi thuế quan, gồm các sản phẩm của Trung Quốc được trung chuyển qua Việt Nam để xuất đi Hoa Kỳ, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và thuế giá trị gia tăng.

Tuyên bố của cố vấn nhà trắng Peter Navarro đường như có một hàm ý bắt Việt Nam chọn phe. Đó là cảm nhận của TS. Nguyễn Huy Vũ.

Thông điệp của Peter Navarro không thể rõ ràng hơn: Việt Nam đã trở thành cánh cửa để cho Trung Quốc bán hàng vào Mỹ, né thuế quan của Mỹ. Dưới góc nhìn của Mỹ, đó là đồng lõa.

Việc giảm thuế 0% cho hàng hóa Hoa Kỳ rõ ràng không giải quyết được vấn đề cốt lõi này. Chưa kể, Việt Nam có thể giảm thuế cho hàng hóa Mỹ xuống 0% nhưng vẫn có cách khác thu được thuế, ví dụ đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, thì việc bán hàng cũng không còn ý nghĩa gì.

Giáo sư Vũ Tường, Trưởng khoa Chính trị học, Đại học Oregon, cho rằng quá trình tăng trưởng kinh tế mấy chục năm của Việt Nam vướng vào một nghịch lý: càng tăng trường thì nền kinh tế không những không độc lập hơn mà lệ thuộc hơn vào Trung Quốc.

Việt Nam, do đó, chỉ có một con đường để giải quyết tận gốc vấn đề: Việt Nam có chính sách dứt bỏ sự lệ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc để mình làm trung gian xuất khẩu cho họ. Việt Nam có thể làm gì để thoát khỏi tình cảnh đó?

TS. Nguyễn Huy Vũ cho rằng Việt Nam có thể đánh thuế lên hàng Trung Quốc nhập khẩu. Như vậy các nhà máy xí nghiệp của Trung Quốc ở khu vực miền bắc Việt Nam sẽ không đưa hàng sang Việt Nam để xuất đi Mỹ nữa.

Nhưng tăng thuế hàng Trung Quốc có thể sẽ tạo ra rủi ro cho mối quan quan hệ với Trung Quốc. Vì Trung Quốc có thể đánh thuế lại. Chưa kể vấn đề quan hệ chính trị hai đảng, và vấn đề an ninh. Đó là lý do Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải lên tiếng khẳng định Việt Nam không muốn chấp nhận quan hệ với bên thứ ba bị sứt mẻ để giải quyết vấn đề thuế quan với Mỹ.

Việt Nam không thể không làm gì, bởi mức thuế 46% mà Mỹ áp đặt sẽ gây ra hệ lụy vô cùng lớn nếu không được giải quyết. Nhưng ứng xử với hàng hóa Trung Quốc ra sao cũng nan giải không kém. Luật sư Lê Công Định viết trên trang Facebook cá nhân rằng “chưa bao giờ chúng ta ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan như hiện tại”.

Rõ ràng, thách thức mà ông Tô Lâm đang phải đương đầu là vô cùng khó khăn, khi nhiệm kỳ Tổng Bí thư của ông còn chưa tròn một năm.