“Mong các lãnh đạo xem xét thấu đáo nguyện vọng của nhân dân. Sao cứ nhất thiết phải lấy tên tỉnh là Ninh Bình?”, một người phụ nữ tên Hồng ở Nam Định viết lên trang Facebook cá nhân, kèm hình ảnh của tờ ‘Phiếu lấy ý kiến cử tri’ về chủ trương sáp nhập tỉnh.
Theo kế hoạch đã được Trung ương thông qua, các tỉnh Nam Định, Hà Nam, và Ninh Bình sẽ được gộp lại và lấy tên là Ninh Bình. “Tôi muốn đề nghị lấy tên tỉnh sau khi sáp nhập 3 tỉnh là Hà Nam Ninh”, bà Hồng viết vào mục ‘ý kiến khác’ trong tờ phiếu.
Không chỉ ở Nam Định, người dân ở các địa phương thuộc diện sáp nhập và sẽ phải sử dụng tên của tỉnh khác cũng đang bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội.
Lấy ý kiến nhân dân về sáp nhập tỉnh
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025, đề án thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới phải được lấy ý kiến nhân dân ở những đơn vị hành chính cấp xã chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Sau khi có kết quả lấy ý kiến nhân dân, cơ quan xây dựng đề án xem xét, cho ý kiến, thẩm định trước khi trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định…
Ông Đặng Hùng Võ nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận định với RFA “Chủ trương thì đúng, nhưng lấy ý kiến như thế nào để thực chất, nghe được những ý kiến hay, thì câu chuyện nó khác.”
Hiện nay, nhiều địa phương đang đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri về kế hoạch sáp nhập tỉnh. Thời hạn để các địa phương hoàn tất việc lấy ý kiến của cử tri là 60 ngày.
Nhưng thay vì mỗi người nhận một lá phiếu như các cuộc bầu cử khác, lần này, mỗi hộ gia đình sẽ chỉ được một tờ phiếu. Một điểm khác biệt nữa nằm ở việc thay vì thiết lập các điểm bỏ phiếu và người dân được điền phiếu một cách riêng tư, thì lần này, cán bộ địa phương sẽ đi từng nhà để phát phiếu và thu thập ý kiến tại chỗ.
Khi điền phiếu, người dân sẽ phải trả lời hai câu hỏi: một về phương án sáp nhập tỉnh và tên gọi mới, câu còn lại là về phương án sáp nhập xã/phường cũng như tên mới. Với mỗi câu hỏi người dân có hai lựa chọn, hoặc ‘đồng ý’ hoặc ‘không đồng ý‘. Ngoài ra, người dân còn có thể viết thêm ý kiến vào phần ‘ý kiến khác’ ở cuối tờ phiếu.
“Đa số người ta nói cái này là chủ trương ở trên, Đảng và Nhà nước đã quyết định rồi thì cứ đồng ý. Vì nó chẳng hưởng gì đến công việc hàng ngày, hay tới mưu sinh của những người dân, nên họ đồng ý ráo.” Ông Trần Thanh Cảnh, một trưởng xóm ở Thuận Thành, Bắc Ninh, đã tham gia vào việc phát phiếu cho người dân, chia sẻ với RFA.
Theo chủ trương đã được Trung ương Đảng thông qua, tỉnh Bắc Ninh sẽ sáp nhập với tỉnh Bắc Giang, và Bắc Ninh là sẽ tên được dùng cho tỉnh mới. Theo ông Cảnh thì việc sáp nhập hai tỉnh này khá “nhẹ nhõm” bởi đã có tiền lệ lịch sử, hai tỉnh này vốn dĩ đã từng là một. Tuy nhiên trên mạng xã hội vẫn xuất hiện không ít ý kiến bày tỏ sự bất bình khi cái tên Bắc Giang bị mất đi, “không có người làm to thì mất tên tỉnh là đúng rồi…" một người dân bình luận trên trang Facebook Beat Bắc Giang.
“Các tỉnh khác thì tôi nghĩ sẽ có nhiều tâm tư, thậm chí sẽ có nhiều ý kiến phản đối về cái tên.” Ông Trần Thanh Cảnh cho biết suy nghĩ của ông.
Chọn tên tỉnh, vấn đề nhức nhối
Theo chủ trương của Đảng Cộng sản, cách đặt tên tỉnh mới được thực hiện bằng cách lấy tên của một tỉnh sẵn có để dùng cho tỉnh mới sau khi sáp nhập.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ tiêu chí để dựa vào mà chọn tên cho tỉnh mới lại không rõ ràng.
Ban đầu, chính quyền đưa ra giải thích cho chính sách sử dụng tên sẵn có của một tỉnh để dùng cho tỉnh mới sau sáp nhập, rằng như vậy sẽ giảm thiểu số người bị ảnh hưởng (ý nói về việc phải thay đổi giấy tờ). Nhưng nếu theo lập luận đó, thì cứ chiếu theo số dân mà chọn, tỉnh nào đông dân hơn thì tên của tỉnh đó sẽ được lấy. Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều tỉnh tuy ít dân hơn nhưng lại được giữ tên.
Ví dụ, hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình được lên kế hoạch sáp nhập làm một, nhưng tên của tỉnh mới lại là Hưng Yên, mặc cho thực tế Thái Bình mới là tỉnh có dân số đông hơn. Điều này đã khiến người dân cảm thấy khó hiểu và từ đó nảy sinh nhiều tranh cãi. “Nếu không phải là quê ông Tô Lâm thì vụ sáp nhập này tên Thái Bình vẫn giữ nguyên, vì Hưng Yên quá nhiều thứ thua Thái Bình, từ tên gọi cho đến dân số, kinh tế, lịch sử”, một người dân ở Thái Bình viết trên nhóm Facebook có tên ‘Tuốt tuồn tuột Thái Bình’.
Không chỉ ở Thái Bình, nhiều người dân ở Nam Định và Hà Nam cũng đang bày tỏ sự bất bình trên mạng xã hội trước việc Ninh Bình được chọn làm tên cho tỉnh mới sau khi ba tỉnh sáp nhập lại với nhau. Chính quyền cho đến lúc này vẫn chưa có bất cứ nỗ lực nào nhằm giải thích các phương án chọn tên được đưa ra.
Người dân cũng bị đặt vào tình huống khó khăn khi điền phiếu biểu quyết về chủ trương sáp nhập tỉnh.
Bởi phương án sáp nhập tỉnh và chọn tên cho tỉnh mới là hai chuyện khác nhau. Một người có thể đồng ý với chủ trương sáp nhập nhưng đồng thời không đồng ý với cách chọn tên. Nhưng theo mẫu phiếu hiện tại, hai vấn đề đang được gộp làm một. Người dân chỉ có thể chọn ‘đồng ý’ hoặc ‘không đồng ý’ với cả hai chủ trương. Trong khi trên thực tế, rất ít người tỏ ra bất bình trước việc sáp nhập, mà vấn đề chính yếu nằm ở cái tên.
“Tôi nghĩ rằng có thể xảy ra trường hợp người ta không nhất trí với cái tên, sáp nhập thì có thể đồng ý cao, nhưng cái tên chung của cả tỉnh thì tôi nghĩ, nói theo ngôn ngữ của hệ thống, thì sẽ có hiện tượng không tập trung phiếu (không đủ phiếu để thông qua).” Ông Trần Thanh Cảnh bày tỏ quan điểm với RFA.
Làm sao để tiếp thu ý kiến của dân hiệu quả?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, từ xưa đến nay, các hoạt động lấy ý kiến nhân dân của đảng Cộng sản thường có rất ít giá trị. Việc lấy ý kiến nhân dân chỉ mang tính hình thức, vì không có lực lượng trung lập đứng giám sát, thế nên không ai có thể biết kết quả của nó là gì, và cuối cùng vẫn cứ công bố rằng đại đa số nhân dân đồng ý với chủ trương.
Báo Nhân dân ngày 22 tháng 4 đã đưa tin “97,86% số cử tri đại diện hộ gia đình đồng thuận phương án sáp nhập 3 tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng thành tỉnh Lâm Đồng”.
Điều này tương tự như bầu cử Quốc hội, ai cũng bầu nhưng chỉ có mình đảng Cộng sản đếm phiếu và công bố phiếu, và hầu như chỉ có đảng viên hiện diện trong Quốc hội, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ nói thêm:
“Đáng lý ra họ nên lấy ý kiến nhân dân ngay từ đầu. Nên để người dân đề xuất các góp ý thẳng thắn. Sau đó ghi nhận và đăng tải các ý kiến khác nhau đó lên mặt báo để mọi người cùng biết về các hướng sắp xếp hệ thống hành chính.”
Việc bàn luận công khai như vậy sẽ cho mọi người biết cách sắp xếp nào là hợp lý. Tuy nhiên ông Trần Thanh Cảnh cho rằng cách làm việc của hệ thống hiện tại đó là Đảng phải đề ra chủ trương trước, rồi mới tới nhân dân góp ý, và cuối cùng là Quốc hội thông qua.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc sáp nhập, giảm 50% số tỉnh của cả nước là việc hệ trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, sao không trưng cầu dân ý về việc này?
“Khi sáp nhập tỉnh, tỉnh này sáp nhập với tỉnh kia với tên gọi mới cũng có nghiên cứu kỹ bỡi các nhà quy hoạch, nhà khoa học, nhà văn hóa... tham mưu. Tuy nhiên, đó cũng là theo ý chí chủ quan nên sẽ không sao tránh khỏi thiếu sót và một khi ra các quyết định rồi thì sẽ khó sửa trong tương lai. Do đó, việc lấy ý kiến của nhân dân là rất cần thiết, đặc biệt là ý kiến của những người am hiểu chuyên môn trong nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, lịch sử...” - Một người dân ở Quy Nhơn cho biết ý kiến.