Mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ có thể thay đổi Việt Nam như thế nào?

Tách rời khỏi vũ khí Nga là tất yếu nhưng nó để lại những khoảng trống không dễ bù đắp trong thời gian ngắn.

Theo một số nhà quan sát, thông tin Việt Nam mua máy bay chiến đấu F16 của Hoa Kỳ, dù chưa được xác nhận chính thức, bộc lộ trình trạng hở sườn của Không quân Việt Nam hiện nay.

Việc tách rời khỏi vũ khí Nga là bước đi tất yếu nhưng nó để lại những khoảng trống không dễ bù đắp trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cũng cho rằng việc mua bán vũ khí với Hoa Kỳ chỉ để xoa dịu cơn bão thuế quan của ông Trump ở Washington D.C hơn là vì nhu cầu quân sự của Việt Nam.

Thông tin chưa chính thức

Thông tin Việt Nam chốt sổ mua 24 máy bay F16 của Mỹ được hãng tin 19FortyFive đưa ra và chưa có nguồn thông tin nào khác kiểm chứng. Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford, cho rằng ông không có lý do gì để tin vào thông tin Việt Nam mua 24 máy bay F16 của Mỹ mà 19FortyFive đưa ra bởi vì nó có vẻ mang tính chất phỏng đoán.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Việt Nam, Việt Nam vừa nhận được máy bay quân sự đầu tiên do Hoa Kỳ sản xuất vào tháng 12 năm 2024. Đó là loại máy bay huấn luyện T-6C, đơn giản hơn F16 nhiều lần. Ông Raymond Powell, vốn từng là Tùy viên Không quân Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2013-2016, cho biết thỏa thuận về máy bay huấn luyện này này mất hơn một thập kỷ để thành hiện thực. Điều đó đặt ra dấu hỏi lớn về khả năng thực thi nhanh chóng các thỏa thuận liên quan đến F16.

Thông tin về việc Việt Nam đàm phán mua F-16 từ Mỹ không phải là mới. Năm 2019, truyền thông nhà nước nói rằng Nga đã không vui trước thông tin “Mỹ chào mời Việt Nam mua F-16 nhằm cạnh tranh máy bay Nga”. Tháng 10 năm 2023, một tháng sau khi Việt Mỹ nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện”, thông tin Việt Nam mua máy bay F16 lại được đưa ra dù không có xác nhận chính thức, và phía Trung Quốc cũng tỏ ý “không vui.” Ông Raymond Powell cho biết ông có nhiều năm kinh nghiệm tiếp xúc với những câu chuyện về việc Việt Nam mua F-16 chủ yếu dựa trên suy đoán và các nguồn tin ẩn danh. Thậm chí ông đã bắt gặp những thông tin này trong thời gian làm việc ở Hà Nội giai đoạn 2013 - 1016.

Ông Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra cũng có sự hoài nghi như ông Raymond Powell. Theo ông Nguyễn Thế Phương, cũng không loại trừ khả năng động thái này có mục đích xoa dịu trận đánh thuế như bão táp từ Washington của Chính quyền ông Trump hơn là củng cố sức mạnh không quân của Việt Nam. Ông nghi ngờ con số 24 máy bay F-16 mà Việt Nam định mua, như 19FortyFive đưa tin, vì nó “quá mức” và “tốn kém”, khi tính đến chi phí đào tạo, bảo dưỡng và hệ thống vũ khí đi kèm. Do đó, ông cho rằng nếu Việt Nam mua F-16 thì có thể chỉ mua khoảng một phần ba số đó.

Khả năng cao Việt Nam muốn mua F16

Mặc dù ông Raymond Powell và ông Nguyễn Thế Phương hoài nghi về thông tin Việt Nam chốt sổ mua 24 máy bay F16 của My, hầu hết các nhà nghiên cứu khác cho rằng có khả năng cao là thông tin này đúng. Bởi lẽ Việt Nam thực sự đang cần thay thế lực lượng máy bay chiến đấu cũ kĩ của mình.

Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra cho rằng Việc bán máy bay F-16 được báo cáo vẫn chưa được xác nhận. Nhưng nếu các báo cáo là chính xác thì đó là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang cố gắng tránh xa sự liên kết với bất kỳ cường quốc nào. Không quân Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lỗi thời hàng loạt và các máy bay chiến đấu phản lực hàng đầu của nước này không còn được chứng nhận là an toàn để bay. Nga không thể cung cấp thế hệ máy bay chiến đấu phản lực đa năng tiếp theo. Việc mua máy bay F-16 đáp ứng nhu cầu quốc phòng quan trọng của Việt Nam.

Tiến sỹ Nagao Satoru, Nghiên cứu viên (không thường trú) tại Viện Hudson và Phó giáo sư tại Đại học Quốc tế Tokyo cho rằng có ba lý do làm cho khả năng nói trên là cao.

Thứ nhất, Việt Nam cần máy bay chiến đấu. Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền 90% Biển Đông và xây dựng các căn cứ quân sự, hậu cần lớn ở đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ở Biển Đông. Việc này vẫn đang tiếp diễn. Trung Quốc cũng hợp tác quân sự với Campuchia và Lào, xây dựng căn cứ Ream ở Vịnh Thái Lan. Điều này có nghĩa là Việt Nam bị Trung Quốc bao vây tất cả các hướng ra biển.

Để tăng cường khả năng phòng thủ, sức răn đe, đối phó với các hoạt động của Trung Quốc, Việt Nam cần máy bay chiến đấu có thể hoạt động ở khu vực rộng hơn. So với tên lửa, máy bay chiến đấu có thể hoạt động ở khu vực rộng hơn và có thể bao phủ toàn bộ Biển Đông.

Thứ hai, mặc dù cần máy bay chiến đấu, Việt Nam đang gặp vấn đề lớn. Nga không thể cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cũng như đạn dược cho máy bay chiến đấu của Việt Nam vì sa lầy ở Ukraine. Việt Nam cần tìm nguồn vũ khí thay thế. Tuy nhiên, 90% vũ khí của Việt Nam phụ thuộc vào Nga. Do đó, đa dạng hóa vũ khí là một nhu cầu thực sự đối với Việt Nam.

Đối với máy bay chiến đấu, Hoa Kỳ và Pháp có thể cung cấp nguồn thay thế cho Việt Nam. Ấn Độ, Indonesia, UAE, Brazil đã quyết định mua máy bay chiến đấu của Pháp. Do đó, Pháp là một trong những lựa chọn. Tuy nhiên, Rafale của Pháp đắt hơn, F-16 rẻ hơn. Do đó, đối với Việt Nam, F-16 cũng là một lựa chọn tốt.

Gần đây, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Pakistan đang sử dụng F-16. Philippines sẽ mua F-16. Nhật Bản cũng sử dụng F-2, phát triển từ F-16.

Thứ ba, vì chính quyền Trump đang tăng thuế quan. Mua vũ khí có thể là một quân bài tốt để Việt Nam đàm phán với chính quyền Trump.

Theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, nghiên cứu sinh tiến sỹ về kỹ thuật quân sự ở Đại học Paris 7, mặc dù các thông tin quân sự tương đối bí mật nên các nhà quan sát có thể phán đoán dựa trên các thông tin công khai. Theo tính toán của ông, máy bay Su-27 của Việt Nam đưa vào sử dụng từ thời 1997-1998, theo lí thuyết thì đến 2016 hết hạn sử dụng, Việt Nam tăng hạn thêm được 7 năm. Như thế đến năm 2025 là hết hạn. Ông đặt câu hỏi: nếu như nhóm máy bay Su-27 hiện có của Việt Nam đều hết niên hạn sử dụng, vậy hiện tại Việt Nam còn sử dụng Su-27 nữa không hay chỉ còn Su-30 bay được?

Máy bay Su-27 của Việt Nam có khả năng đã hết niên hạn sử dụng nhưng hiện chưa rõ đó có phải là nguyên nhân Việt Nam mua F-16 hay không. Theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, nếu chỉ nhìn thuần túy kĩ thuật thì có thể thấy thời điểm này là thích hợp để tính toán thay đổi lực lượng, mặc dù các máy bay Su-30 có thể kéo dài thời gian khai thác thêm tầm 15-20 năm nữa. Tuy nhiên, nâng cấp hay thay đổi lực lượng theo hướng nào lại là vấn đề khó, vì phải tính đến các bước phát triển của đối thủ chính là Trung Quốc, tính toán các giả định về lập trường của hai hàng xóm Lào và Campuchia khi xung đột xảy ra. Ngoài ra, Việt Nam có thể tính đến nguồn cung Ấn Độ, là một nguồn khá an toàn xét về chính trị quốc tế, theo nhà nghiên cứu Trần Bằng.

Khả năng thích ứng của Việt Nam với F-16

Tiến sỹ Nagao Satoru cho biết F-16 là máy bay chiến đấu có thể thực hiện cả không chiến và ném bom. Loại máy bay này có tầm hoạt động hơn 4000km, có thể bao phủ toàn bộ khu vực Biển Đông. Việt Nam đang sử dụng Su-30. Đây là loại máy bay chiến đấu rất nặng, thuộc hạng 30 tấn. Việt Nam cũng sở hữu Su-22 thuộc nhóm nặng 10 tấn. Nếu cơ sở hạ tầng của sân bay quân sự của Việt Nam hạn chế thì trọng lượng của máy bay sẽ trở thành một vấn đề. Với cơ sở hạ tầng có thể phục vụ máy bay có trọng lượng trên 10 tấn (Su-22) hay 30 tấn (Su-30), F-16 của Mỹ có thể thích hợp với hạ tầng ở Việt Nam. F-16 loại có trọng lượng nặng trên 10 tấn có thể hoạt động trên các sân bay tương đối nhỏ. Các căn cứ không quân của Việt Nam đã đủ kiên cố và có thể vận hành Su-30 thì không có vấn đề gì khi vận hành F-16.

Tuy F-16 có thể thích ứng với sân bay quân sự Việt Nam về mặt trọng lượng (“phần cứng”), các vấn đề về kỹ thuật “phần mềm”, ví dụ như hệ thống liên lạc và liên kết dữ liệu liền mạch, lại trở nên khó khăn. Theo ông Nagao Satoru, máy bay chiến đấu cần phải hoạt động với các hệ thống điều khiển, chỉ huy, liên lạc, liên kết dữ liệu, phòng không khác (tên lửa, súng) v.v. Nếu Việt Nam chỉ sử dụng hệ thống của Nga, F-16 sẽ là máy bay đầu tiên tích hợp với hệ thống của Nga. Vậy điều này có thực hiện được không? Đã có quốc gia nào vận hành máy bay chiến đấu của Mỹ bằng hệ thống của Nga chưa? Tiến sỹ Nagao cho biết Malaysia và Indonesia có cả máy bay chiến đấu của Mỹ và Nga. Vì vậy, điều đó không phải là không thể. Tuy nhiên, để vận hành F-16 hiệu quả, việc tạo ra một hệ thống liền mạch, có tính liên thông là vấn đề Việt Nam phải quan tâm giải quyết.

Sự liền mạch, liên thông của hệ thống kỹ thuật quân sự đặt ra một dấu hỏi lớn cho Việt Nam về khả năng điều chỉnh học thuyết quân sự.

Theo nhà nghiên cứu Trần Bằng, mua máy bay quân sự F-16 của Mỹ thì Việt Nam phải điều chỉnh học thuyết quân sự của chính mình. Bởi lẽ mỗi một hệ vũ khí được thiết kế dựa theo học thuyết quân sự của riêng họ. Máy bay chiến đấu của Nga được thiết kế theo học thuyết quân sự của Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Nó khác với hệ Mĩ/châu Âu. Đó là phân tích của nhà nghiên cứu Trần Bằng.

Do đó, đã mua máy bay thì Việt Nam sẽ phải đổi cả hệ thống phục vụ chiến đấu chứ không riêng gì mấy cái máy bay. Do đó, theo ông Trần Bằng, mua F-16 có tác động lớn đến Việt Nam hơn là mua máy bay vận tải C-130. Bởi lẽ, C-130 không liên quan đến chuyện sống - chết, thắng - thua như F-16.

Đó là tác động lớn nhất đối với Việt Nam của việc sở hữu máy bay F-16 của Mỹ. Thay đổi học thuyết quân sự thì trước hết phải chuẩn bị về mặt nhân sự. Vậy Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào về mặt con người cho sự thay đổi đó?

Như trên đã nói, Việt Nam đã tiếp nhận máy bay huấn luyện quân sự T-6C của Hoa Kỳ vào cuối năm 2024. Vậy loại máy bay này có thể giúp ích gì cho Việt Nam để tiếp cận F-16, một loại máy bay hiện đại và thuộc hệ vũ khí khác hoàn toàn vũ khí Nga? Trao đổiv với RFA, ông Raymond Powell cho biết Việt Nam cũng đã có bước chuẩn bị thích ứng với máy bay F-16 của Hoa Kỳ. Ông nói:

“Tôi không tham gia đào tạo phi công cho Việt Nam nhưng đã sắp xếp để phi công Việt Nam được đào tạo tại Hoa Kỳ. Nếu so sánh với máy bay huấn luyện Yak-52 cũ của Việt Nam thì T-6C là một cuộc nâng cấp lớn về kỹ thuật. Nó có khả năng cao và hiện đại hơn nhiều so với Yak-52. T-6C là máy bay huấn luyện phi công cơ bản để học cách lái tất cả các loại máy bay khác, bao gồm cả F-16.”

Tác động khu vực

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. HCM nói với RFA rằng đương nhiên Trung Quốc sẽ không thích Việt Nam sở hữu F-16 của Mỹ. Còn về phía Việt Nam, tất nhiên Việt Nam muốn vũ khí của mình phải độc lập với Trung Quốc. Việt Nam thân với Trung Quốc nhưng luôn cảnh giác Trung Quốc. Việt Nam có tranh chấp Biển Đông và chủ quyền hải đảo với Trung Quốc. Giữ được biển là yêu cầu sống còn. Về phía Trung Quốc, theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, họ không thể làm gì được, họ không thể bắt Việt Nam mua vũ khí của họ. Cả Trung Quốc và bạn hàng quân sự lớn nhất của Việt Nam là Nga đều sẽ không vui, nhưng Việt Nam biết cách duy trì quan hệ với tất cả các bên.

Giáo sư Carl Thayer có cùng nhận định với nhà nghiên cứu Hoàng Việt. Ông nhắc lại khi kết thúc chuyến thăm Hà Nội của Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ra Tuyên bố chung “tái khẳng định nhu cầu xây dựng một trụ cột hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn”. Điều này bao gồm, trong số những nội dung khác, hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng, các cuộc tập trận và huấn luyện chung, các chuyến thăm của tàu hải quân và tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ. Ngay sau khi Tập Cận Bình rời đi, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp thường niên về biên giới Trung-Việt và cuộc họp của hai bộ trưởng quốc phòng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam tái khẳng định với người đồng cấp Trung Quốc rằng Việt Nam cam kết thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” của mình. Tóm lại, theo GS Carl Thayer, Việt Nam đã có động thái ngoại giao để cân bằng mối quan hệ với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ảnh hưởng đến tam giác Đông Dương sẽ không lớn. Quan hệ ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia sẽ vẫn như cũ, vì 24 chiếc F-16 tuy lớn nhưng chức năng chủ yếu là phòng thủ, bảo đảm chiến tranh không xảy ra chứ không phải có mục đích tấn công. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng khi nhìn ra bên ngoài bán đảo Đông Dương, rộng ra cả vùng Đông Nam Á, thì thấy lựa chọn của Việt Nam cũng là lựa chọn phổ biến ở khu vực. Indonesia vốn định mua vũ khí Nga và Trung Quốc, nhưng cũng đã chuyển hướng mua vũ khí Mỹ sau khi xem xét kỹ, bất kể việc ông Trump đánh thuế cao lên tất cả các nước Đông Nam Á. Nhiều người không thích ông Trump đánh thuế khắp Đông Nam Á nhưng nhiệm kỳ 4 năm không phải là quá lâu. Không ai có thể bỏ nước Mỹ được.

Thông tin Việt Nam mua máy bay chiến đấu F-16 từ Hoa Kỳ có thể đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chiến lược quân sự của Hà Nội, đi cùng với nó là các mối liên kết quốc tế. Các liên kết với Hoa Kỳ sẽ chặt chẽ hơn với lòng tin được nâng cao hơn, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra.