Lực lượng công an ở Việt Nam, từ trung ương đến địa phương, từ lâu được cấp cho một quyền lực bao trùm và không bị kiểm sát một cách thực chất. Cách tổ chức này gây hại cho cả người dân lẫn nhà nước.
Một người cha ở Vĩnh Long đã phẫn uất vì cách cơ quan công an huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long xử lý việc tài xế gây tai nạn làm chết con ông. Ông đã dùng súng tự chế bắn người tài xế rồi tự sát để thực thi công lý thay cho cơ quan công quyền. Vụ án gây rúng động dư luận ở Việt Nam. Bộ Công an đã vào Vĩnh Long, thu giữ hồ sơ vụ án để điều tra, với tuyên bố sẽ xử lý nghiêm vụ án.
Câu hỏi cần đặt ra không phải là chỉ xử lý nghiêm một vụ án cụ thể. Bản chất của vụ án này không có gì mới. Nó tương tự các vụ án oan khác từng xảy ra trong nền tư pháp Việt Nam. Câu hỏi cần đặt ra là tại sao Việt Nam có nhiều vụ án oan đến như vậy. Tại sao có những vụ án đã rõ ràng đúng sai nhưng không xử lý được?
Nhà chính trị học Lord Acton (1834 - 1902) đã đưa ra câu trả lời từ hai thế kỉ trước: “Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối”.
Ông Tô Lâm đã tiến hành đại tu bộ máy cơ quan nhà nước. Hàng loạt bộ ngành bị sáp nhập hoặc hủy bỏ. Điều đó hứa hẹn đem lại nhiều thay đổi tích cực cho đất nước. Nhưng có một lực lượng với tổ chức cồng kềnh nhất, đông đúc nhất lại không những không bị ảnh hưởng mà còn tăng thêm quyền lực. Không nói ra ai cũng biết đó là lực lượng nào. Cách tổ chức này đã tạo ra một điểm nghẽn lớn, có thể khiến cho cuộc “vươn mình” vào “kỷ nguyên mới” của Việt Nam mà ông Tô Lâm mong muốn bị tắc nghẽn giữa đường.
Lực lượng công an Việt Nam có gì trong tay?
Có tất cả trong tay.
Ở cấp trung ương, công an nắm tình báo, cơ quan điều tra về an ninh chính trị, cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm, nhà tù… Giả sử Bộ trưởng Công an Việt Nam đến Mỹ làm việc, vị bộ trưởng này sẽ có ba người đồng cấp khác nhau: Giám đốc Cục Tình báo Trung ương, Bộ trưởng An ninh Nội địa, Bộ trưởng Tư pháp. Ngoài ra, vị bộ trưởng Việt Nam này còn quản lý nhiều lĩnh vực mà ở các nước dân chủ sẽ thuộc các cơ quan khác quản lý.
Ở cấp địa phương, lực lượng công an cũng nắm mọi thứ trong tay, trừ cơ quan tình báo vốn thiên về đối ngoại. Lực lượng đó cũng vừa điều tra, khởi tố, bắt giữ, giam giữ, lại có cơ chế làm việc trước với Viện Kiểm sát (công tố) và tòa án về từng vụ án cụ thể
Việt Nam có một thiết chế là Viện Kiểm sát có chức năng giám sát hoạt động tư pháp trong đó có cơ quan điều tra của công an. Nhưng những người điều hành đất nước này lại xây dựng một cơ chế “hợp tác ba bên” giữa cơ quan điều tra của công an, viện kiểm sát và tòa án. “Sự hợp tác” này được giải thích là có mục đích “tạo sự gắn kết, liên thông, khắc phục tình trạng chia cắt.”
Câu hỏi đặt ra là trên thực tế, người ta có hiểu sự “gắn kết, liên thông” giữa các cơ quan giám sát và cơ quan bị giám sát này như thế nào? Cơ chế “gắn kết, liên thông” có vô hiệu hóa chức năng giám sát của Viện Kiểm sát, khiến cho cơ quan này hầu như chỉ đồng ý với công an trong hầu hết các vụ án? Giám sát có chức năng hạn chế quyền lực của bên bị giám sát, nhưng cơ chế này liệu có “hạn chế” hay thậm chí làm cho quyền lực của bên bị giám sát còn mạnh hơn, khó kiểm sát hơn?
Năm 2018, RFA Tiếng Việt thống kê có 11 người chết trong đồn công an, chủ yếu bị cho là “tự tử”. Cách giải thích có tính bao biện này không giải thích được những chi tiết phi lý trong từng vụ việc. Cũng năm đó, báo Pháp luật TpHCM của nhà nước cũng đặt câu hỏi về “Những cái chết đầy ẩn khuất ở đồn công an.” Từ đó, không còn thấy tin tức về những cái chết trong đồn công an trên báo chí chính thống. Trước đó, năm 2015, Bộ Công an báo cáo trong ba năm, từ 2012 đến 2014, “có tới 226 người chết trong trại tạm giam, tạm giữ.” Một đại biểu quốc hội đã phải đặt câu hỏi nguyên nhân chủ yếu của những cái chết này là do bệnh lý, do đối tượng tạm giữ tạm giam tự sát, “vậy có nguyên nhân thứ yếu không? Nguyên nhân đó là gì?”. Một đại biểu khác đặt câu hỏi “điều kiện giam giữ như thế nào để dẫn đến số người bị tạm giam, tạm giữ chết nhiều như vậy, nhiều hơn cả bệnh lý”.
Câu hỏi đúng cho những câu chuyện “tự tử trong đồn công an” không phải là “điều kiện giam giữ” thế nào mà là cơ cấu tổ chức của quá trình tư pháp này diễn ra như thế nào khiến nó không hạn chế được những tai ương do hệ thống tạo ra.
Tháng 9 năm 2023, ông Nguyễn Hòa Bình, khi đó là Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, nay là phó thủ tướng, nói rằng Quốc hội Việt Nam cho phép 1,5% của 600.000 vụ án “được phép sai do lỗi chủ quan,” tức là mỗi năm được phép “chấp nhận” khoảng 9.000 án oan “do lỗi chủ quan” của cán bộ tư pháp. Dựa vào thực tế đó, ông đặt câu hỏi “Bây giờ cứ sai là bị kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét tiết lộ của ông Nguyễn Hòa Bình cho thấy bức tranh u ám của nền tư pháp Việt Nam. Sự thật gây sốc đó gây mất lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp. Hậu quả là người dân sẽ coi mọi phán quyết của tòa án đều có khả năng nằm trong con số 9000 vụ oan sai này.
Hậu quả
Trong câu chuyện người cha của cháu Nguyễn Ngọc Bảo Trân ở Vĩnh Long, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đã yêu cầu bên công an không được hủy bỏ khởi tố vụ án. Nhưng công an huyện vẫn ra văn bản hủy bỏ khởi tố vụ án với lý do “kẻ gây ra nguy hiểm cho xã hội đã chết”, đổ lỗi cho nạn nhân là cháu Nguyễn Ngọc Bảo Trân. Gia đình nạn nhân đã kêu oan nhiều lần nhưng không được trả lời. Hậu quả là người cha đã phải thực thi công lý bằng cách riêng của mình và tự sát.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện đã yêu cầu công an cùng cấp không được hủy bỏ khởi tố vụ án nhưng công an huyện vẫn ngang nhiên kháng lệnh. Phải đợi đến công an cấp cao nhất là Bộ Công an vào cuộc, sau khi xã hội rúng động vì hành vi đi tìm công lý bằng cách giết người của người cha cháu bé thì vụ án mới được khởi tố trở lại, như yêu cầu của Viện kiểm sát cấp huyện trước đó? Vậy cơ chế tổ chức lực lượng công an của Việt Nam đã xuất hiện lỗ hổng nào?
Chúng ta thấy câu trả lời rất dễ dàng: cơ chế. Công an cấp huyện nắm quyền lực bao trùm toàn bộ quá trình tư pháp. Kể cả công đoạn công tố và phán quyết vốn thuộc các cơ quan khác thì lực lượng công an vẫn có cơ chế “liên thông, gắn kết” để can thiệp. Viện Kiểm sát có chức năng giám sát lực lượng tư pháp nhưng nó bị vô hiệu hóa trên thực tế. Trao đổi với RFA, Giáo sư Vũ Tường, Trưởng Khoa Chính trị học Đại học Oregon, nhận định:
“Nếu cơ chế thi hành án được thiết lập theo nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người dân thì một cơ quan duy nhất có toàn quyền từ A đến Z sẽ dễ dẫn đến sự vi phạm và lạm quyền có hệ thống.
Cơ chế kiểm tra, giám sát chéo hay giám sát từng công đoạn của quá trình có thể giúp ngăn chặn những vi phạm đó (dù không phải hoàn toàn và có thể làm mọi việc chậm lại, nhưng nếu đặt quyền lợi, sự an toàn và tự do của người dân lên cao nhất thì vẫn nên làm). Cơ chế “gắn kết, liên thông” thực tế là trá hình, che đậy quyền lực bao trùm của lực lượng công an.”
Câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là nền tư pháp Việt Nam sẽ ra sao khi nước này đã bỏ công an cấp huyện, quyền lực tư pháp ở địa phương tập trung vào công an cấp xã. “Nhà nước” đối với người dân từ nay sẽ là chính quyền cấp xã, bởi lẽ cấp tỉnh và trung ương quá xa và quá cao để với tới. Trong điều kiện trưởng công an cấp xã từ năm 2023, trước khi hợp nhất các xã và bỏ cấp huyện, đã có hàm trung tá, quyền lực công an xã từ sau sáp nhập càng lớn hơn. Ai sẽ kiểm soát và cân bằng lực lượng này tại địa phương? Liệu Bộ công an ở Hà Nội có thể sửa sai cho những vụ án tương tự như vụ cháu Nguyễn Ngọc Bảo Trân? Đối với những câu hỏi này, Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy nhận định:
“Chắc chắn số án oan sẽ tăng nhiều hơn. Trước khi tập trung quyền lực cho công an cấp xã và bỏ cấp huyện, quốc hội phải chấp nhận một con số không thể chấp nhận là có tầm 9000 án oan sai mỗi năm. Bộ Công an không thể nào sửa chữa hết các án oan do địa phương gây ra, khi mà quyền lực ở địa phương được ban bố rộng khắp mà không có cơ chế giám sát và cân bằng như những quốc gia dân chủ. Hậu quả sẽ là xuất hiện những cuộc phản kháng và chính quyền lại tập trung lực lượng đàn áp. Chính quyền có nhiều kinh nghiệm trong việc xả căng thẳng xã hội từng thời điểm, nhưng đó chỉ là giải pháp trên ngọn. Không ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra nếu không có cơ chế giải quyết tận gốc vấn đề.”
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, lỗi hệ thống quyền lực bao trùm không ai giám sát này khiến cho đạo đức xã hội của đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành tư pháp xuống cấp trầm trọng. Khi người dân không còn tin cậy vào hệ thống hành pháp, tư pháp để có được công lý, công bằng nữa, họ sẽ tự mình ra tay hoặc thuê các thế lực khác giúp họ. Hậu quả là xã hội rối loạn. Theo ông, “xóa bài làm lại: là giải pháp duy nhất cho lực lượng công quyền hiện nay.
Các nước dân chủ: chia tách lực lượng an ninh
Ở các nước dân chủ, các lực lượng liên quan đến an ninh được tách ra cho các đầu mối khác nhau quản lý. Ví dụ ở Mỹ, Cục Điều tra Liên bang (FBI) trực thuộc hai cơ quan là Bộ Tư pháp và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (Director of National Intelligence). Cục Tình báo Trung ương (CIA) là một cơ quan độc lập, phụ trách tình báo đối ngoại. Bộ An ninh Nội địa (Department of Homeland Security) phụ trách chống khủng bố, an ninh biên giới, nhập cư, hải quan, an ninh mạng, phòng ngừa và quản lý các thảm họa. Cục Trại giam liên bang (Federal Bureau of Prisons) quản lý tù nhân sau khi bị kết án, do Bộ Tư pháp quản lý. Tòa án xét xử bị cáo là một nhánh quyền lực độc lập với nhánh hành pháp với các cơ quan nói trên.
Điều tra, giam giữ, bắt giữ, kết án, xét xử là những khâu quan trọng nhất trong quá trình thực thi công lý. Các khâu này được chia tách cho các cơ quan độc lập thực hiện. Đó là chưa kể trong quá trình thẩm vấn nghi can, người bị cơ quan công quyền thẩm vấn có quyền giữ im lặng để chờ luật sư xuất hiện bên cạnh mình. Tại Mỹ, đây là quyền được quy định trong Hiến pháp (Tu chính án Hiến pháp thứ sáu.)
Ở các nước dân chủ khác, cơ cấu lực lượng an ninh có thể khác nhau nhưng nguyên lý tổ chức nhà nước nói chung thì vẫn như vậy: các khâu khác nhau liên quan đến cơ quan công lực được chia tách thành từng bộ phận, do các cơ quan độc lập quản lý.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các nước dân chủ phát triển lại chia tách lực lượng công lực thành các bộ phận độc lập, do các cơ quan khác nhau quản lý? Rõ ràng việc chia tách này gây sự phân mảnh, thiếu thống nhất của lực lượng này. Nó có thể tạo ra nhiều phiền toái trong quá trình làm việc.
Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy, người đang nghiên cứu và dịch tác phẩm “Luận cương Liên bang” của Alexander Hamilton, một trong những người cha lập quốc của Hoa Kỳ, cho rằng xét về mặt cấu trúc thể chế, phải thừa nhận việc chia tách lực lượng công quyền thành các phần nhỏ sẽ gây ra nhiều phiền toái. Tuy nhiên, các nước dân chủ phát triển vẫn chia tách lực lượng này vì xem xét từ góc độ “trade-off” (đánh đổi giữa lợi và hại).
Việc tập trung tất cả quyền lực vào tay công an, từ điều tra xét hỏi đến giam giữ, khả năng tác động tới công tố viên và tòa án, sẽ gây hại cho người dân, xã hội và chính bản thân hệ thống chính trị. Cái hại này lớn hơn nhiều so với lợi ích mà nó có thể đem lại.
Theo Giáo sư Vũ Tường, việc có các cơ quan khác nhau phụ trách vấn đề an ninh hay quản lý trật tự công cộng và chế tài luật pháp ở nhiều nước là một quá trình phát triển theo các kinh nghiệm lịch sử. Nó cũng đồng thời cũng phản ánh những nguyên tắc tổ chức chính quyền của từng hệ thống chính trị. Giáo sư Vũ Tường nói:
“Việt Nam theo mô hình độc đảng toàn trị từ những năm 1950 nên việc cơ quan công an có quyền lực bao trùm nằm trong DNA (“gen”) của chế độ. Mục tiêu cao nhất của mô hình do Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện không phải là nhằm đảm bảo tự do hạnh phúc cho dân chúng mà là bảo vệ chế độ muôn năm trường trị. Nhà nước được thiết kế như một pháo đài để bảo vệ sự tồn tại của chế độ, không phải như một tổ chức nhằm cung cấp dịch vụ để phục vụ xã hội. Vì vậy quyền lực lớn của cơ quan công an là nằm trong thiết kế với mục đích đó.”