Hôm 11 tháng Ba, 2025, một nhóm công an xông vào một công ty dịch vụ ở Hà Nội, bắt tất cả mọi người đặt điện thoại lên bàn và trình căn cước công dân, sau đó một viên cảnh sát mặc thường phục đã ngang nhiên đánh đập một người phụ nữ.
Tất cả sự việc đều được ghi lại bởi camera giám sát và sau đó được công bố, khiến dư luận xã hội dậy sóng.
Mặc dù hai ngày sau, công an Hà Nội ra quyết định đình chỉ công tác 30 ngày đối với viên công an hung bạo trên, vụ việc này đặt ra vấn đề về cách hành xử của công an Việt Nam với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh công an cấp phường, xã hiện đã được tăng quyền lực lên rất lớn sau khi bỏ công an cấp huyện.
Sự kiện này xảy ra trong bối cảnh Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân.
Trao đổi với RFA, một doanh nhân ở Hà Nội chia sẻ rằng sau hàng thập kỉ phải nghe những lời giáo điều của những nhà lãnh đạo như Nguyễn Phú Trọng, vốn bị dân gian đặt biệt danh là “Trọng Lú”, nay giới doanh nhân đón nhận tinh thần thực tiễn của ông Tô Lâm với sự hứng khởi dù vẫn còn nhiều dè dặt.
Một trong những lý do khiến giới doanh nhân vẫn còn dè dặt chính là lực lượng công an, lực lượng nòng cốt tạo nên sức mạnh của ông Tổng bí thư.
Cạm bẫy kiểu du kích chiến
Ở Mỹ, lực lượng công an không giám sát doanh nghiệp như cách họ giám sát các cá nhân. Trách nhiệm giám sát doanh nghiệp được tách khỏi lực lượng công an, giao cho các cơ quan khác như National Crime Prevention Council (Hội đồng phòng chống tội phạm quốc gia) với “Chương trình giám sát kinh doanh”. Các ban ngành (agencies) khác giám sát các lĩnh vực khác thuộc về doanh nghiệp.
Công an Việt Nam đóng vai trò kép trong việc duy trì “an ninh quốc gia”, trật tự an toàn xã hội, đồng thời có nhiệm vụ quản lý quan trọng đối với nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh cá thể/tiểu thương. Lực lượng công an, không chỉ ở trung ương mà đặc biệt ở các cấp địa phương, nơi tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp, có lợi thế “nắm mọi quyền trong tay”. Điều này liệu có tạo ra sự xung đột lợi ích giữa nhiệm vụ quản lý nhà nước, thực thi pháp luật, và mục tiêu thúc đẩy một môi trường kinh doanh thuận lợi hay không?
Theo Luật công an Nhân dân, công an Việt Nam có quyền “thanh tra hành chính” đối với mọi tổ chức, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Pháp luật yêu cầu họ phải công bố quyết định thanh tra, nhưng trong nhiều vụ việc, công an có thể tự ý thanh tra doanh nghiệp mà không xuất trình quyết định, như trong vụ việc ở Hà Nội kể trên.
Trao đổi với RFA, một chủ doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh công an cấp quận huyện (nay đã bỏ, bây giờ là phường xã) có rất nhiều “mánh khóe” để “làm tiền doanh nghiệp” trong phạm vi mình quản lý. Các mánh khóe này giống như chiến thuật chiến tranh du kích. Doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ “chơi bằng chiến tranh chính quy, nghĩa là phải đi minh bạch giữa đường, nhưng công an vừa chơi bằng chiến tranh chính quy vừa chơi du kích. Nghĩa là mình đang đi đường, tự nhiên sập hầm chông chết luôn”. Ông giải thích cụ thể hơn:
“Thí dụ nói chuyện công an giao thông. Trên con đường trước văn phòng công ty tôi, mình không thấy bảng cấm đậu xe hơi. Tự nhiên tuần sau có cái bảng cấm đậu mà cái bảng này cắm ở chỗ có cành cây che khuất một chút. Bạn đậu vô đó, dính liền bạc triệu tiền phạt. Nhưng tuần sau cái bảng cấm lại bị gỡ đi. Có nhiều xe lại đậu vào. Thế nào cũng có người dính trấu khi tuần sau nữa lại có bảng cấm.
Công an bên kinh tế cũng vậy. Luật lệ thay đổi cũng giống như công an giao thông thay cái bảng cấm đậu xe. Thậm chí luật không đổi thì công an cũng thay đổi cách hiểu về luật để doạ mình. Bạn tôi làm kinh doanh, rồi mở thêm cái quán lẩu bò ở Sài Gòn. Công an ở tận ngoài bộ gọi điện hỏi thăm tình hình kinh doanh. Thử hỏi ai không sợ đái ra quần? Làm kinh doanh cũng giống như lái xe trên đường, nơm nớp sợ công an giao thông ngoắc cây gậy gọi vô.”
Công an còn tham gia vào nhiều thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý cư trú, cấp căn cước công dân, quản lý con dấu, các quy định liên quan đến phòng cháy chữa cháy, giao thông.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Bộ Công an có hiệu lực từ 01/01/2025 một mặt được cho là đã giúp nâng cao ý thức giao thông của người dân khi quy định mức phạt rất cao, nhưng mặt khác mang đến những khó khăn lớn cho doanh nghiệp do các quy định ngặt nghèo về vận tải, giới hạn thời gian làm việc của lái xe không quá 10 giờ/ngày, 48 giờ/tuần và không lái xe liên tục quá 4 giờ. Một chủ doanh nghiệp về logistics (vận tải) ở Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ với RFA rằng đó là loại quy định đánh bẫy doanh nghiệp. Vì người viết ra quy định đó cũng thừa hiểu với hệ thống giao thông luôn luôn ùn tắc ở Việt Nam, lái xe không thể kiểm soát thời gian trên đường, doanh nghiệp không thể đủ tài xế và cũng không thể thay thế tài xế sau mỗi bốn tiếng, nhất là khi bị kẹt xe. Nhưng quy định như vậy của công an khiến cho doanh nghiệp luôn ở trạng thái phải “sẵn sàng bị phạt” và “sẵn sàng chung chi” cho công an giao thông. Chi phí logistics phải tăng lên để bù đắp thiệt hại. Chi phí logistics tăng thì ảnh hưởng đến toàn bộ nền sản xuất.
Theo Kỹ sư Khiêm Nguyễn, một chuyên gia về kinh doanh và công nghệ ở Hoa Kỳ, có nhiều năm làm việc tại Trung Quốc và Việt Nam, “mãi lộ” cho công an giao thông là một “chi phí khủng khiếp” đối với doanh nghiệp Việt Nam.
“Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, chi phí mãi lộ cho giao thông chiếm tới 40% chi phí vận tải ở Việt Nam. Trái ngược với Việt Nam, ở Trung Quốc hoàn toàn không có hiện tượng mãi lộ này. Công an Trung Quốc không có chuyện bẫy doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp Trung Quốc không bao giờ phải lo chuyện mãi lộ cho công an. Nói về quản lý giao thông minh bạch, sạch sẽ thì công an Trung Quốc cũng văn minh chẳng khác gì các nước phát triển.”
Tại sao Việt Nam rơi vào cảnh “mãi lộ” như thời thực dân phong kiến? Từ năm 2010 đã có thông tin từng đội cảnh sát giao thông được giao chỉ tiêu thu tiền phạt giao thông. Mục đích được biện bạch là để “khuyến khích cảnh sát làm tốt nhiệm vụ”. Và chỉ tiêu “KPI”, như trường hợp Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, là “mỗi đội trong một ngày phải xử phạt 35-70 trường hợp, tạm giữ 6-20 xe vi phạm.” Số tiền phạt giao thông thu được sẽ được chính ngành công an giữ lại chia nhau tới 85%. Ở đây có sự xung đột lợi ích rõ ràng giữa chức năng quản lý giao thông của công an và lợi ích riêng của họ.
Doanh nghiệp tư nhân cảm nhận gì?
Các báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, mặc dù đã có những cải thiện, doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với gánh nặng thủ tục hành chính, quy trình đầu tư còn phức tạp và kéo dài qua nhiều cơ quan.
Một mối quan tâm lớn được ghi nhận là tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra giữa lực lượng công an và các cơ quan quản lý nhà nước khác (kiểm tra chuyên ngành), gây thêm gánh nặng và tốn kém thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam cũng công nhận là có tình trạng này.
Ngay cả khi các cuộc thanh tra của từng cơ quan là hợp pháp và có căn cứ, tác động cộng dồn của các cuộc thanh tra có khả năng chồng chéo từ công an và các bộ ngành khác tạo ra một gánh nặng hành chính đáng kể đối với doanh nghiệp.
Điều này không chỉ làm phân tán nguồn lực của doanh nghiệp mà còn có thể tạo cơ hội cho hành vi tiêu cực, nếu sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra còn yếu kém.
Vấn đề này cho thấy một vấn nạn có tính hệ thống ảnh hưởng đến doanh nghiệp, vượt ra ngoài phạm vi của riêng ngành công an.
Khái niệm “chi phí không chính thức” hay "phí bôi trơn" là một thực tế được ghi nhận trong môi trường kinh doanh Việt Nam. “Bôi trơn” là một khái niệm có tính mỉa mai. Cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phục vụ cho doanh nghiệp về mặt luật pháp và hành chính, nhưng bộ máy nhà nước sẽ như một cỗ máy bệ rạc, không hoạt động được, nếu không có “dầu nhớt” bôi trơn. Dữ liệu từ Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy loại chi phí này rất cao, lên đến 41,4%.
Khi phải kinh doanh trong môi trường nhũng nhiễu như vậy, doanh nghiệp buộc phải “có quan hệ” với công an để được “bảo kê”. Đó là chia sẻ của một chủ doanh nghiệp ở Tp. HCM. Ông nói:
“Ví dụ anh đi làm ăn với đối tác, tụi anh khoe tiền mình có, công nghệ mình có, khách hàng mình có, nhưng chưa đủ. Muốn đủ phải khoe quan hệ mình có. Quan hệ với ai? Với anh em công an. Cái tầm của doanh nghiệp nằm ở cái tầm của công an mình có quan hệ ấy em.”
Chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy kinh tế tư nhân, phát triển “doanh nghiệp dân tộc”. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu “dân tộc” có hỗ trợ cho doanh nhân nước mình hay không. Câu hỏi này không chỉ nói về số phận những doanh nhân dân tộc như bà Nguyễn Thị Năm bị xử bắn trong Cải cách ruộng đất mà hỏi cho chính ngày hôm nay. Một doanh nhân ở Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ với RFA:
“Anh qua Singapore mở công ty. Chi phí lớn. Lại phải đóng thuế cho Sing. Nhưng tất cả các chi phí đó không bằng chi phí anh để công ty ở Việt Nam. Anh mở công ty bên Sing, rồi lấy công ty đó đầu tư vào Việt Nam. Công an phường đâu dám gọi điện xin đểu tiền bạc gì. Anh báo cáo cho sứ quán Singapore liền. Chính phủ Sing họ bảo vệ tất cả công ty đăng ký ở Singapore. Công ty đăng kí ở Singapore là công ty Singapore. Do nhà nước bảo vệ. Có chuyện gì là thành vấn đề ngoại giao, mấy đứa công an quận huyện bị kỷ luật liền. Mình là người Việt Nam, mình phải nhờ chính phủ Singapore bảo vệ mình khỏi cơ quan công quyền Việt Nam đó em thấy không? Mà đổ lỗi hết cho công an cũng không đúng. Thuế má, quản lý thị trường, đủ hết. Chính phủ cấm nhũng nhiễu doanh nghiệp và có xử phạt, nhưng mấy cái này đâu có giải quyết bằng lệnh cấm được.”