Liệu Quốc hội có dám bác đề xuất đường sắt cao tốc của Phạm Nhật Vượng?

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Quốc hội Việt Nam đã suy giảm vai trò kể từ khi ông Tô Lâm lên cầm quyền. 

Sự kiện chủ tịch VinGroup Phạm Nhật Vượng thành lập công ty VinSpeed để thực hiện dự án đường sắt cao tốc và được chính phủ Việt Nam ủng hộ về mặt chính sách và truyền thông đang thu hút sự quan tâm sát sao của dư luận Việt Nam và quốc tế.

Điều đáng chú ý nhất là việc chính phủ Việt Nam hành động nhanh với tốc độ “không tưởng”.

Công ty VinSpeed của ông Phạm Nhật Vượng gửi công văn cho Thủ tướng, đề nghị được làm dự án đường sắt cao tốc bắc nam vào hôm 6 tháng 5. Chỉ một tuần sau, hôm 12 tháng Năm, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã triệu tập cuộc họp với VinSpeed và các bộ của chính phủ, giao nhiệm vụ cho VinSpeed “chủ trì” nghiên cứu và “phối hợp” với các bộ để xây dựng dự án trên. Và yêu cầu các bộ khác phải gửi văn bản góp ý cho Bộ Xây dựng trước ngày 19 tháng Năm, 2025. Đến phần mình, Bộ Xây dựng phải tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Xây dựng, trình Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trước ngày 22-5.

Ở bước cuối cùng Quốc hội sẽ bỏ phiếu đối với đề xuất của VinSpeed tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 5 tháng Năm đến ngày 1 tháng Bảy. Như vậy, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Việt Nam đối với đề xuất của VinSpeed sẽ được diễn ra trong thời gian ngắn sắp tới.

Trước đây, Quốc hội Việt Nam từng thực thi vai trò mỏ neo của mình, khi đã bác bỏ những dự án mà chính phủ tỏ ra hăng hái một cách bất thường. Đơn cử như dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam năm 2011 và dự án điện hạt nhân năm 2016. Điều này làm cho nhiều nhà quan sát tò mò về quyết định sắp tới của Quốc hội Việt Nam đối với dự án của Phạm Nhật Vượng.

Quốc hội Việt Nam suy giảm vai trò thời ông Tô Lâm

Có nhiều dấu hiệu cho thấy Quốc hội Việt Nam đã suy giảm vai trò kể từ khi ông Tô Lâm lên cầm quyền.

Sự thăng tiến của ông Tô Lâm từ vị trí Bộ trưởng công an lên hàng nguyên thủ trong năm 2024 đã đi cùng những biến động nhân sự cấp cao và những chương trình cải cách chưa từng có. Đi cùng những biến động này, cho đến tháng Một năm 2025, Quốc hội Việt Nam đã họp bất thường đến lần thứ 9, chủ yếu để thông qua các quyết định cấp thời của Bộ chính trị.

Tiến sỹ Thiêm Bùi mới đây xuất bản một bài viết trên tờ The Diplomat, phân tích sự suy giảm quyền lực của Quốc hội Việt Nam thời gian gần đây. Theo vị cựu nhân viên của Quốc hội này thì trước đây, từ thời ông Nông Đức Mạnh qua thời ông Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội được tăng nhiều quyền lực hơn, có nhiều ban bệ chuyên trách hơn. Các ban bệ chuyên trách này can dự nhiều hơn vào quá trình xây dựng luật, dù còn rất xa mới đạt đến mức độ xây dựng luật chuyên nghiệp (phần lớn các luật đều do các bộ bên chính phủ xây dựng và Quốc hội thông qua.)

Tuy nhiên, chương trình tinh giản bộ máy của Tổng Bí thư Tô Lâm đã loại bỏ hầu hết các ban bệ này, bao gồm cả Viện nghiên cứu Lập pháp, cơ quan nghiên cứu duy nhất của Quốc hội. Quốc hội quay trở lại với vai trò trước đây là ban hành những bộ khung chung chung. Diễn biến này đã vực lại “chế độ cai trị bằng sắc lệnh", vì nó “trao quyền tùy ý rộng lớn cho chính phủ và các bộ của chính phủ“.

Đề xuất làm đường sắt cao tốc của Phạm Nhật Vượng bao gồm những đề xuất đem lại lợi ích to lớn cho cá nhân ông ta, nhưng lợi ích cho quốc gia lại hoàn toàn mơ hồ.

Các yêu cầu ấy bao gồm VinSpeed là chủ đầu tư dự án đường sắt cao tốc bắc nam mà Quốc hội Việt Nam đã phê duyệt, trị giá hơn 67 tỷ đô la; nhà nước cho VinSpeed vay không lãi 35 năm 80% giá trị dự án nêu trên, tương đương hơn 49 tỷ đô la; công ty của ông Vượng được nhà nước giao đất xung quanh các nhà ga để phát triển bất động sản; nhà nước bỏ thêm ngân sách riêng ra để giải phóng mặt bằng, đền bù, giao đất sạch cho ông Vượng kinh doanh bất động sản; ông Vượng được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, linh kiện xây dựng tuyến đường sắt, bao gồm cả những thiết bị, linh kiện trong nước sản xuất được.

Liệu Quốc hội Việt Nam trong kỳ họp thứ 9 này liệu có dám bác bỏ đề xuất của VinSpeed (Phạm Nhật Vượng) để thể hiện chức năng “giám sát tối cao” mà hiến pháp quy định hay không? Công chúng sẽ được biết khi Kỳ họp thứ 9 khóa 15 của cơ quan lập pháp Việt Nam kết thúc ngày 1 tháng Bảy.

Hai con đường dành cho Quốc hội

Trao đổi với RFA, Giáo sư Vũ Tường ở Đại học Oregon cho rằng mặc dù trước đây Quốc hội Việt Nam từng bác bỏ một số chính sách của chính phủ, những bác bỏ này không phản ánh quyền lực thực sự của Quốc hội khi đó như bề ngoài chúng ta thấy. Những động thái bác bỏ đề xuất của chính phủ Nguyễn Tấn Dũng xảy ra trong bối cảnh có sự xung đột giữa ông Tổng bí thư khi đó (Nguyễn Phú Trọng) và ông cựu thủ tướng.

“Tôi nghĩ Quốc Hội Việt Nam xưa nay vẫn bù nhìn và chỉ được phép bác bỏ một dự án khi Tổng bí thư Đảng CS muốn kềm chế Thủ tướng như trường hợp Nguyễn Tấn Dũng. Hiện nay thủ tướng Chính lúc nào cũng nhất trí với Tổng bí thư Tô Lâm nên chuyện bỏ phiếu thông qua Quốc Hội là chắc chắn.” Ông nói.

Ông Hồ Như Ý, nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc ở Ba Lan, nhận định rằng nếu Quốc hội thông qua chủ trương làm đường sắt cao tốc, nó cho thấy tính lệ thuộc hoàn toàn vào sự kiểm soát của Trung ương đảng. Quốc hội trở thành một thứ trang sức chính trị không hơn không kém. Hậu quả của điều này là gì? Ông giải thích:

“Điều này sẽ khiến cho nền kinh tế Việt Nam thêm một bước lệ tthuộc vào nguồn vốn, công nghệ, vật liệu xây dựng từ Trung Quốc, thêm một bước buộc chặt sự lệ thuộc về chính trị, kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc, chính thức trở thành một quốc gia vệ tinh về kinh tế của Trung Quốc. Trong tương lai, tình thế này càng rất khó thoát khỏi bẫy nợ về kinh tế.”

Ngược lại, nếu Quốc hội bác bỏ đề xuất của Vin Speed (Phạm Nhật Vượng), điều đó cho thấy vấn đề gì trong nội tình chính trị Việt Nam hay không? Theo ông Hồ Như Ý, nếu đề xuất này bị Quốc hội bác bỏ, chúng ta có thể thấy là ít nhất họ vẫn còn sót lại một chút tinh thần độc lập của cơ quan lập pháp như vai trò vốn dĩ nó phải có. Tính độc lập, phần quyền của các cơ quan đầu não là nền tảng đầu tiên để kinh tế Việt Nam có thể hội nhập và phát triển.

Tuy vậy, những bản án pháp lý nhắm vào hai cựu đại biểu quốc hội Trần Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng được các nhà quan sát chú ý khi xem xét về khả năng độc lập của Quốc hội. Hai cựu đại biểu này là những người hiếm hoi có tiếng nói thẳng thắn nhất về các vấn đề của đất nước. Phần lớn các nhà quan sát đều cho rằng đây là “đòn dằn mặt”, là bước đi đánh dấu dấm chấm hết của “quyền lực” quốc hội trước đây. Theo nhà nghiên cứu Hồ Như Ý, về mặt pháp lý thì các cáo buộc đối với hai vị đại biểu này là hết sức khiên cưỡng, mơ hồ. Lý do thì có lẽ là họ “cần dập tắt tiếng nói bất đồng lẻ loi ở một cơ quan lập pháp có tính độc lập yếu kém như Quốc hội.”

Với tất cả những diễn biến đó, cùng với việc Trung ương Đảng ra nghị quyết “quyết tâm làm đường sắt cao tốc,” “chỉ bàn tiến, không được phép bàn lùi”, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng Quốc hội Việt Nam có khả năng cao là sẽ không dám bác đề xuất của ông Vượng.