Kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2025, án tử hình sẽ được bãi bỏ đối với 8 tội danh, sau khi Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự hôm 25 tháng 6.
Những tội danh không còn áp dụng mức phạt tử hình gồm: Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109); Phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114); Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh (Điều 194); Vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250); Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421); Gián điệp (Điều 110); Tham ô tài sản (Điều 353); Nhận hối lộ (Điều 354).Bộ Công an là tác giả của Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự cũng như đề xuất bãi bỏ án tử hình đối với nhóm 8 tội danh trên.
Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang giải thích một phần lý do của việc giảm án tử hình đến từ “xu hướng trên thế giới”. Cụ thể, ngày càng có ít quốc gia duy trì hình phạt tử hình. Với việc thu hẹp mức độ áp dụng của hình phạt này, theo ông bộ trưởng, sẽ giúp “mở rộng quan hệ quốc tế để phát triển đất nước”.
Trong số các tội danh không còn áp dụng mức phạt tử hình, tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ gây xôn xao dư luận hơn cả. Đặc biệt bởi việc này xảy ra trong lúc nhiều vụ án liên quan đến tham ô và tham nhũng đang được xét xử và thu hút sự quan tâm lớn của công chúng. Điển hình là vụ án của bà Trương Mỹ Lan, cựu CEO của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, người được cho là đã làm thiệt hại 677.000 tỷ đồng.
Đưa tin về quyết định trên của Quốc hội Việt Nam, truyền thông quốc tế đã kết nối trực tiếp diễn biến này với phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan. Báo South China Morning Post thậm chí giật tít “Bà trùm bất động sản Việt Nam Trương Mỹ Lan thoát án tử hình, phải chịu án tù chung thân”.
Lý giải về quyết định bỏ hai nhóm tội trên khỏi danh sách các tội áp dụng án tử hình, Bộ Công an giải trình rằng những hành vi này “không phải là tội ác”, do “không xâm phạm đến tính mạng con người” hoặc an ninh quốc gia. Do vậy, theo cơ quan này, “không cần thiết phải tước bỏ mạng sống” của những người phạm tội.
Động thái của chính quyền Việt Nam đã được Cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc đón nhận một cách tích cực. Trong một thông báo đưa ra ngày 27 tháng 6, cơ quan này cho biết họ “hoan nghênh” quyết định của Quốc hội Việt Nam, và kêu gọi Việt Nam thực hiện những chính sách táo bạo hơn, tiến tới “bãi bỏ hoàn toàn việc áp dụng án tử hình”.
Tuy nhiên, trái ngược với phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế, nhiều người dân trong nước lại tỏ ra hoài nghi và hụt hẫng. Trao đổi với RFA dưới điều kiện ẩn danh vì lý do an toàn, một luật sư đang hành nghề ở Hà Nội nhận định: sở dĩ một bộ phận dân chúng còn hoài nghi quyết định bỏ án tử hình là do thái độ của người dân đối với “các tội tham nhũng như tham ô, nhận hối lộ”.
Quả thật, bình luận trên trang Facebook cá nhân, nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh, cựu Thư ký báo Tuổi Trẻ, viết rằng việc bãi bỏ án tử hình với các tội danh tham ô tài sản và tham nhũng là “quá sớm”:
“Dân mình và cả chính quyền vẫn coi tham nhũng, hối lộ là quốc nạn, là nội xâm. Nhiều năm qua, quốc nạn này đã tàn phá quốc gia kinh khủng và làm xói mòn sự liêm chính của bộ máy cầm quyền, chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Công an lập án điều tra cán bộ, quan lớn nào là cán bộ, quan lớn đó dính đến tham nhũng, hối lộ, không sót một ai”, ông giải thích.
Nguyên nhân sâu xa hơn, theo vị luật sư ẩn danh, là do lâu nay “người dân phải sống trong một môi trường hành chính nặng về cơ chế xin–cho, khiến việc bức xúc với cán bộ, quan chức sai phạm ngày càng bị dồn nén”.
Vốn dĩ, việc áp dụng án tử hình đối với các tội tham ô và nhận hối lộ chỉ tồn tại trên giấy; trên thực tế, hiếm khi tòa tuyên án tử hình cho các tội danh này. Thế nhưng, đòi hỏi trừng trị bằng hình phạt nghiêm khắc như tử hình, theo luật sư trên, phản ánh “tâm lý phản kháng trước tình trạng lợi dụng quyền lực để vơ vét của cán bộ, quan chức”. Và bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy việc xử lý quan chức có vẻ “nhẹ tay” đều dễ bị phản ứng tiêu cực, bất kể đó là các lập luận nhân đạo hay tiến bộ pháp lý.
Hiện nay, số lượng án tử hình được tuyên hằng năm vẫn được chính quyền coi là bí mật quốc gia. Tuy nhiên, theo tổ chức Ân xá Quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm những nước tuyên án tử hình nhiều nhất thế giới.