Tại sao báo chí Việt Nam run sợ trước xe Vinfast của Phạm Nhật Vượng?

Ém nhẹm thông tin bất lợi cho Vinfast là cách giết doanh nghiệp này nhanh nhất.

Vụ hỏa hoạn thương tâm ở cư xá Độc Lập, phường Phú Thọ Hòa, Tp. HCM, xảy ra tối ngày 6 tháng Bảy năm 2025 đã khiến 8 người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ nhỏ.

Như RFA đã đưa tin trên tài khoản mạng xã hội Facebook, ban đầu khi đưa tin về vụ việc, báo VTC News đã nói rằng nguyên nhân vụ cháy có thể do “xe điện phát nổ.” Các bản tin khác trên nhiều tờ báo của nhà nước đăng kèm bức ảnh chụp hiện trường luôn hiện rõ hình ảnh chiếc xe hơi đã cháy trông không khác xe Vinfast 3. Tuy nhiên, chỉ trong vòng trên dưới 24 giờ, VTC News đã gỡ bỏ thông tin liên quan đến chiếc xe điện.

Bản tin của VTC News ban đầu có tiêu đề: “Cháy chung cư ở TP.HCM trong đêm nghi do xe điện phát nổ, 8 người t.ử vong”, nhưng sau đó được chỉnh sửa thành: “Cháy chung cư ở TP.HCM trong đêm, 8 người tử vong”.

Đáng chú ý là việc chỉnh sửa thông tin không chỉ xảy ra ở bản tin của VTC News mà ở hàng loạt tờ báo khác của nhà nước. Đối với hành vi báo chí nhà nước biên tập hình ảnh và thông tin liên quan đến chiếc “xe điện” trong vụ cháy chung cư Độc Lập hôm 6 tháng Bảy, câu hỏi đặt ra là: Tại sao lại phải chỉnh sửa? Ai yêu cầu chỉnh sửa hay các nhà báo này tự nguyện “biên tập” nội dung và hình ảnh? Có phải vì xe điện Vinfast của ông Vượng là chỗ không được phép đụng đến? Truyền thông không minh bạch sẽ ảnh hưởng ra sao đến chính hãng xe của ông Vượng và toàn xã hội?

Hình ảnh hiện trường bị thao túng

Việc kiểm duyệt hình ảnh hiện trường vụ hỏa hoạn, xóa dấu vết hình ảnh chiếc xe bị cháy giống với xe Vinfast (VF3) đã nhanh chóng diễn ra.

Vụ cháy xảy ra tại căn hộ số 0.20 ở tầng trệt (tầng mặt đất) của khu chung cư và lan sang căn hộ 0.19 bên cạnh. Trên hầu hết các tờ báo nhà nước, như Dân trí, Vietnamnet, VNExpress, Tuổi trẻ, hình ảnh căn hộ ở tầng trệt với chiếc xe hơi bị cháy chỉ còn bộ khung đã biến mất.

Một số tờ báo đã tự kiểm duyệt hình ảnh. Báo VNExpress đăng bức ảnh chụp hiện trường. Vụ cháy xảy ra ở tầng trệt, tức tầng mặt đất, tờ báo này đã đăng bức ảnh với góc chụp hướng lên cao, chỉ còn nhìn thấy một nửa cửa ra vào, hình ảnh chiếc xe bị cháy đã ra ngoài phần lớn khung hình. Nhìn vào bức ảnh này, không thể biết có hay không một chiếc xe hơi bị cháy ở đó. Báo Dân trí thậm chí chỉ đăng bức ảnh chụp từ tầng hai, loại bỏ ra khỏi bức ảnh hình ảnh của tầng trệt, nơi xảy ra vụ cháy. Báo Pháp luật cũng “tác nghiệp ảnh” theo cách tương tự. Trong loạt ảnh của Tuổi trẻ chụp tại hiện trường khi ông Chủ tịch thành phố Nguyễn Văn Được đến đó, chỉ có một bức ảnh chụp hình ảnh tầng trệt, nhưng vị trí chiếc xe hơi bị cháy bị che khuất phần lớn. Thông tấn xã Việt Nam đăng ảnh chụp tầng trệt nhưng không phải ở căn hộ bị cháy.

Tất nhiên, đối chiếu với những hình ảnh được công bố trước đó, ai cũng biết có một chiếc xe hơi bị cháy nằm ở tầng trệt. Ở các bản tin ban đầu, thậm chí các tờ báo đều đóng dấu bản quyền với bức ảnh có xuất hiện chiếc xe hơi giống như VF3 đó. Tuy biên tập hình ảnh hiện trường vụ cháy, nhiều tờ báo vẫn đăng video về vụ hỏa hoạn, trong đó, hình ảnh chiếc xe hơi giống VF3 của Vinfast bị cháy trơ khung vẫn xuất hiện trong vài giây. Cá biệt, chỉ có báo Công an Nhân dân vẫn đăng hình ảnh hiện trường trong đó xuất hiện một nửa khung xe hơi bị cháy, một nửa bị che khuất.

Đạo đức báo chí

RFA hỏi ý kiến một số phóng viên Việt Nam về kiểu chụp ảnh hiện trường kì lạ như vậy. Tại sao vụ cháy ở tầng trệt, ảnh báo chí cần truyền tải trung thực hình ảnh hiện trường, ngoại trừ những hình ảnh thương tâm, có thể gây chấn thương tinh thần cho độc giả. Tại sao ảnh chụp hiện trường lại chụp từ tầng hai trở lên hoặc một nửa tầng trệt trở lên? Câu trả lời nhận được là quả thực, những bức ảnh như vậy không bảo đảm tính trung thực tối thiểu khi thông tin cho bạn đọc.

Công an xác định “nguyên nhân cháy” là do đường dây dẫn điện cung cấp cho “các thiết bị tiêu thụ điện” trong căn hộ 0.20 “do chủ căn hộ tự đấu nối” bị chạm chập điện, “gây cháy ở phía trước căn hộ này” và căn hộ liền kề.

Chi tiết “gây cháy ở phía trước căn hộ này” là chi tiết quan trọng. Bởi vì công an xác định nguyên nhân gây tử vong cho 8 người là “do 2 căn hộ này chỉ có lối thoát duy nhất ở phía trước đang bị cháy” nên các nạn nhân không thể thoát ra ngoài được (không có lối thoát hiểm).

Hình ảnh hiện trường cho thấy khung xe chiếc xe hơi giống như xe VF3 của Vinfast nằm ngay vị trí cửa ra vào, tức nằm ở vị trí bùng phát hỏa hoạn, khiến các nạn nhân ở trong nhà không ra ngoài được.

Do đó, có thể thấy rằng trong số “các thiết bị tiêu thụ điện” bị cháy mà công an Tp. Hồ Chí Minh nói tới, gây tử vong cho 8 người, có chiếc xe đó, nếu có thể coi chiếc xe này cũng là một “thiết bị điện”.

Trao đổi với RFA về vấn đề tác nghiệp báo chí điều tra, một biên tập viên của một tờ báo nhà nước ở Hà Nội thừa nhận với RFA rằng trong trường hợp này, tác nghiệp “báo chí điều tra” có thể có vấn đề. Ông nói:

“Báo chí điều tra sẽ phải đặt vấn đề với chính quyền, với cơ quan điều tra về chiếc khung xe bị cháy trơ trọi đó. Ai cũng thấy nó giống chiếc xe điện VF3 của ông Vượng rồi. Tôi đồng ý là báo chí đúng nghĩa thì cần đặt ra nhiều câu hỏi cho chính quyền lắm. Chiếc xe hơi đó bị cháy trơ khung. Nó nằm ngay vị trí bùng phát hỏa hoạn, vậy hỏa hoạn có phát sinh từ nó không, hay nó bị cháy lây thôi? Chập điện có tạo ra tiếng nổ và ngọn lửa lớn và nhanh đến mức không thể dập tắt như vậy không? Nhiều câu hỏi lắm. Nào là chiếc xe đó là xe gì, xe điện hay xe xăng, của hãng nào, có vấn đề gì về kĩ thuật?”

Tuy vậy, vị biên tập viên này cũng “vui vẻ” nói rằng “thực ra gần đây báo chí bọn anh không còn điều tra nữa. Mấy anh em giỏi làm phóng sự điều tra đi tù hoặc bị kỉ luật rồi. Bây giờ chỉ còn mỗi công an điều tra rồi mình đưa tin lại công an.”

Nạn nhân vụ hỏa hoạn sở hữu xe điện VF3 của Vinfast

Báo Tuổi trẻ cho biết một trong những nạn nhân vụ hỏa hoạn, anh Phạm Nguyễn Đức Dũng, chủ của căn hộ 0.20 ở cư xá Độc Lập, nơi phát sinh vụ cháy tối 6 tháng Bảy, là người làm việc lâu năm trong ngành tổ chức sự kiện ở TP.HCM. Những nghệ sỹ nổi tiếng như ca sĩ Mỹ Tâm, đạo diễn Mai Thắm và nhiều đồng nghiệp đã bày tỏ niềm tiếc thương với anh và gia đình.

Facebook cá nhân của anh Đức Dũng cho thấy anh và gia đình sở hữu một chiếc xe hơi điện VF3 do hãng Vinfast “sản xuất”. Chiếc xe VF3 này giống với hình ảnh khung xe bị cháy ngay trước cửa nhà anh trong vụ hỏa hoạn.

Với những chứng cứ như vậy, chúng ta có thể nhận định rằng không thể loại trừ khả năng có một chiếc xe hơi Vinfast trong vụ cháy làm cho 8 nạn nhân tử vong.

Chúng ta không biết chiếc xe Vinfast này có phải là nguyên nhân xảy ra vụ cháy hay không.

Tuy nhiên việc cơ quan điều tra công an Tp. Hồ Chí Minh không nhắc đến sự tồn tại của chiếc xe Vinfast này, báo chí kiểm duyệt hình ảnh của nó tại hiện trường cho thấy có vấn đề cần được làm sáng tỏ trong câu chuyện này.

Không chỉ trong vụ hỏa hoạn tại cư xá Độc Lập hôm 6 tháng 7, trước đây, nhiều vụ tai nạn xe hơi Vinfast xảy ra được báo chí đưa tin nhưng không dám nói rõ đó là xe hơi của Phạm Nhật Vượng. Ngay trong ngày 6 tháng 7, 2025, cũng xảy ra một vụ cháy xe tương tự, “ô tô cháy rụi trên cao tốc TPHCM – Trung Lương, khói cuộn cao hàng chục mét.” (Tiền Phong, ngày 6 tháng 7, 2025). Hình ảnh chiếc xe bị làm mờ, không còn nhận diện được thương hiệu xe. Nhưng hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội về vụ cháy xe diễn ra cùng thời gian và địa điểm đó cho thấy đó là xe hơi Vinfast.

Chúng ta hãy đọc những bản tin khác về tai nạn liên quan đến các hãng xe khác.

“một chiếc ô tô mang nhãn hiệu Huyndai Santafe bốc cháy dữ dội” tối 12 tháng 5 (Đài truyền hình quốc gia Việt Nam), “xe ôtô hiệu Kia Morning biển số 34A – 258.15 do anh Trần Văn Chung (sinh năm 1992, trú tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) điều khiển, lưu thông trên đường theo hướng về huyện Thanh Hà thì bất ngờ bốc cháy.” (Thông tấn xã Việt Nam), “Khoảng 18h ngày 24/5, xe ôtô nhãn hiệu Kia Morning (BKS 34A-285.xx) bất ngờ bốc cháy(Đài Tiếng nói Việt Nam,) “Giám đốc lái xe Mercedes tông thẳng vào cán bộ kiểm sát và chấp hành viên” (Thanh niên), “Siêu SUV Rolls-Royce Cullinan bốc cháy giữa đường” (VNExpress), “Chiếc Honda Fit chạy qua một vũng nước sâu rồi đột nhiên lửa bùng lên từ gầm xe” (VNExpress), “chiếc Nissan 4 chỗ mang BKS 30E-282.41 trên đường Hoàng Đạo Thúy khi đến gần ngã tư giao với đường Lê Văn Lương, chiếc xe bất ngờ bốc khói rồi phát hỏa.” (Người Lao động), “ô tô nhãn hiệu BMW mang biển kiểm soát 29A-781.XX đang lưu thông trên đường Huỳnh Thúc Kháng, hướng từ Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh thì bất ngờ bốc cháy.” (Sức khỏe và đời sống)

Có điểm gì chung trong các bản tin nói trên của báo chí nhà nước? Nếu tai nạn không liên quan đến Vinfast của Phạm Nhật Vượng, thương hiệu xe được nêu rõ.

Từ báo chí đến chính quyền

Hôm 10 tháng Bảy, 2025, thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng, phó giám đốc Công an TP.HCM, tiếp tục khẳng định “nguyên nhân vụ cháy” chung cư Độc Lập ngày 6 tháng Bảy khiến 8 người tử vong là do “chập điện.” Ông Hưởng bổ sung thêm, “cụ thể là từ dây điện dẫn ra thiết bị máy sấy quần áo và tủ lạnh… được đặt ở không gian phần chủ nhà lấn chiếm, che chắn ngoài sân. Chỗ này có để ô tô, xe máy".

Ngôn ngữ diễn đạt của ông công an vẫn mơ hồ một cách có chủ ý. Ông công an có nhắc tới “ô tô” với cách nói mơ hồ “chỗ này có để ô tô, xe máy”, nhưng vẫn không nói đó là xe gì. Việc nối dây điện cho máy sấy quần áo, tủ lạnh là chuyện bình thường. Vì vậy, ngôn ngữ họp báo của ông Hưởng có thể dẫn đến hàng loạt câu hỏi: Nếu chập điện đường dây máy sấy quần áo, tủ lạnh, tại sao cầu chì, cầu giao không ngắt kết nối? Giả sử cầu chì, cầu giao bị lỗi, tại sao lửa bùng phát nhanh đến nỗi trở thành một đám cháy khổng lồ, với lượng nhiệt lớn đặc biệt, hủy hoại hoàn toàn căn hộ phía trên? Nếu chỉ cháy cho chập dây điện, nguồn năng lượng nào tạo ra ngọn lửa lớn đó, phóng ra hàng loạt tia lửa ra ngoài một cách liên tục? Giả sử nguyên nhân cháy ban đầu do chập điện, nguồn năng lượng tạo ra ngọn lửa lớn, kéo dài, nhiệt độ cao liên tục như vậy là gì?

Không ai hỏi ông công an những câu hỏi như vậy trong buổi “họp báo” hôm 10 tháng Bảy. Bản thân người đại diện cơ quan điều tra cũng chỉ cách nói mơ hồ “chỗ này có để ô tô, xe máy” chứ không trả lời những câu hỏi đương nhiên một người làm công việc điều tra sẽ trả lời mà không cần ai hỏi.

Ém nhẹm thông tin bất lợi cho Vinfast là cách giết doanh nghiệp này nhanh nhất

Cháy nổ pin xe điện là hiện tượng phổ biến. Các hãng xe điện Mỹ, Trung Quốc, vốn đã đầu tư lớn cho nghiên cứu và phát triển hàng chục năm liên quan đến xe tự lái, vẫn phát sinh cháy nổ pin xe điện.

Tai nạn là điều tất yếu của mọi sản phẩm công nghệ. Cách duy nhất để không có tai nạn xe hơi là loại bỏ xe hơi khỏi đời sống con người.

Nhưng các hãng xe quốc tế có thái độ ứng xử hoàn toàn khác với Vinfast của ông Vượng đối với tai nạn. Họ nghiên cứu về tai nạn, công bố chúng, thu hồi xe, nghiên cứu để khắc phục lỗi, phát triển từng bước để không lặp lại tai nạn cũ.

Website của hãng Tesla công bố các báo cáo định kỳ về lỗi kỹ thuật, về tai nạn và hoạt động khắc phục lỗi và tai nạn đó.

Trong đó, Tesla không quên công bố các vụ cháy nổ liên quan đến xe của họ. Tesla không tự hào rằng xe của họ không cháy nổ. Họ tự hào vì đầu tư lớn cho công nghệ an toàn, giúp xe họ an toàn hơn các hãng xe điện khác của Mỹ.

Liên quan đến cháy nổ xe, Hiệp hội Phòng cháy Chữa cháy Quốc gia (NFPA) và Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ cho biết tính trung bình đối với các hãng xe, cứ chạy 19 triệu dặm (khoảng 30 triệu km) thì phát sinh một vụ cháy nổ xe. Tesla tự hào vì “Dữ liệu Cháy Xe của Tesla trong giai đoạn 2012-2020 cho thấy cứ 205 triệu dặm di chuyển (tương đương hơn 300 triệu km) thì có khoảng một vụ cháy xe.” Điều đó có nghĩa là liên quan đến cháy nổ xe, xe Tesla an toàn hơn các hãng khác ở Mỹ khoảng hơn 10 lần.

Khác với các hãng xe điện quốc tế, Vinfast của Phạm Nhật Vượng không sở hữu bất kỳ một cơ sở nghiên cứu công nghệ và kỹ thuật nào.

Đương nhiên, chúng ta không thể tìm thấy bất kỳ thông tin vào về những cơ sở nghiên cứu về tai nạn xe của Vinfast nhà ông Vượng.

Chiếc xe này xuất hiện trước công chúng và truyền thông nhà nước Việt Nam như một sản phẩm hoàn hảo từ trên trời rơi xuống, vì không ai biết vì sao nó không bao giờ bị tai nạn ở trên báo và ti vi.

Như RFA đã nhiều lần chỉ ra trong các bài điều tra, ông Vượng chỉ đơn giản là trả tiền cho các hãng xe Trung Quốc, từ thiết kế đến cung cấp linh kiện lắp ráp, theo nguyên tắc “chìa khóa trao tay”. Vinfast của ông Vượng vỗ béo các hãng xe Trung Quốc.

Trao đổi với RFA, một nhà báo ở Hà Nội chia sẻ quan điểm của mình:

“Đừng nói đến xe hơi dân dụng, ngay cả máy bay F-35, niềm tự hào của công nghệ quân sự Mỹ, được cả thế giới săn đón để mua, cũng chưa bao giờ ngưng bị báo chí Mỹ phê phán, vạch lỗi. Bản thân hãng máy bay và chính quyền Mỹ cũng luôn tích cực tìm lỗi của mình để thưa với báo chí. Chính vì áp lực truyền thông độc lập như vậy, F-35 mới ngày càng trở nên hoàn thiện. Năm nào cũng có báo cáo và thống kê lỗi kỹ thuật và tai nạn của F-35 nhưng đồng minh của Mỹ cứ phải xếp hàng để mua là vậy.

Không ai biết sự cố cháy nổ ở chung cư Độc Lập có liên quan đến xe điện không, chiếc xe nhìn giống hệt VF3 đó có phải là VF3 không. Nạn nhân sở hữu VF3 nhưng không điều tra thì làm sao biết được chính là chiếc xe đó nằm ở hiện trường? Tôi hoàn toàn đồng ý rằng việc ém thông tin, không điều tra những gì cần điều tra, sẽ gây hại về mặt dài hạn cho chính hãng xe của ông Vượng, cho người dùng, cho toàn xã hội và nền kinh tế.”

Theo công an họp báo, nạn nhân chỉ đấu nối dây điện vào tủ lạnh và máy sấy quần áo. Công an chỉ nói có một chiếc ô tô ở đó, nhưng không nói đó là chiếc xe hơi gì, vì vậy không ai biết nạn nhân có sạc điện chiếc xe VF3 mình sở hữu tại nhà hay không. Nếu đó là xe điện và nếu nạn nhân có sạc điện chiếc xe đó tại nhà, việc đó có bảo đảm kỹ thuật hay không? Có hàng trăm câu hỏi cần được trả lời để xã hội Việt Nam có thể thích ứng được một cách an toàn và bền vững với các công nghệ hiện đại.

Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí MinhHà Nội đang bày tỏ quyết tâm loại bỏ xe xăng để chuyển sang xe điện. Ai được lợi nhất trong quá trình chuyển đổi này khi Việt Nam mới chỉ có một hãng xe điện duy nhất, Vinfast, mà Trung Quốc đóng vai trò phần lớn trong việc thiết kế và cung cấp linh kiện lắp ráp? Phạm Nhật Vượng và các hãng xe Trung Quốc.

Điều đó tốt cho ông Vượng và các hãng xe Trung Quốc, nếu người dân Việt Nam không phải hi sinh mạng sống của mình vì túi tiền của họ.