Thảm kịch Vịnh Hạ Long: Những câu hỏi nhức nhối về trách nhiệm và năng lực quản trị

Đây không đơn thuần là một tai nạn, mà là đỉnh điểm của một chuỗi những sai sót và yếu kém mang tính hệ thống.

Chưa có ai đứng ra nhận trách nhiệm. Chưa có ai từ chức. Đó là điều chúng ta có thể ghi nhận từ cách chính quyền trung ương và tỉnh Quảng Ninh phản ứng với vụ tai nạn chìm tàu du lịch Vịnh Xanh trên Vịnh Hạ Long hôm chủ nhật, 20 tháng 7, 2025.

Sau nhiều ngày, sau những cuộc họp báo, chưa thấy quan chức nào nói gì về những thiếu sót trong quản lý an toàn du lịch trên Vịnh Hạ Long.

“Nếu không quan chức nào từ chức, nếu hệ thống chính trị này tiếp tục làm việc theo cách ấy, tai nạn chìm tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long hôm 20/7/2025 không phải là lần đầu tiên và sẽ không phải là lần cuối cùng”, một nhà quan sát chính trị xã hội ở Việt Nam chia sẻ với RFA từ Hà Nội.

Người chịu trách nhiệm đòi xử lý người khác

Năm 2014, ở Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Hong-won đã từ chức sau một vụ chìm phà, khiến hàng trăm người chết và mất tích.

Năm 2025, ở Việt Nam, Thủ tướng Phạm Chính chỉ đạo xử lý vụ chìm tàu du lịch ở Vịnh Hạ Long: “Điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có)”

Ở tỉnh Quảng Ninh, Sở Công an tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm chính trong việc quản lý an toàn trên Vịnh Hạ Long. Hồi tháng 3, 2025, lực lượng này đã “thực hiện kiểm tra, rà soát đối với tất cả tàu du lịch hoạt động trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Trong đó tập trung kiểm tra hồ sơ, giấy tờ của phương tiện theo quy định và tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện”. Công an Quảng Ninh biết rõ “bình quân mỗi ngày Vịnh Hạ Long hiện đón khoảng gần một vạn khách tham quan, lưu trú trên Vịnh, dự kiến tăng mạnh vào mùa du lịch hè 2025.” Vì vậy, lực lượng này tuyên bố họ “sẵn sàng các phương án đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ khách tham quan, lưu trú trên Vịnh Hạ Long.” Công an Quảng Ninh có trách nhiệm cao như vậy. Vịnh Hạ Long quan trọng đối với tỉnh và đối với cả Việt Nam nên không khó hiểu khi lãnh đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long là một sĩ quan công an chuyển sang. Hồi tháng Ba, Công an Quảng Ninh cho biết họ “thực hiện nghiêm việc trực, ứng trực 100% quân số trong những dịp lễ, tết, 2 ngày cuối tuần.”

Vụ tai nạn hôm 20/7/2025 xảy ra vào cuối tuần (chủ nhật), khi lực lượng này đang “thực hiện nghiêm việc trực, ứng trực 100% quân số”.

Và khi tai nạn thương tâm xảy ra hôm 20/7/2025, ông Giám đốc công an tỉnh này nói về vụ tai nạn chìm tàu thương tâm hôm 20/7 như thế ông và lực lượng của ông không chịu trách nhiệm gì. Thậm chí, trách nhiệm của ông chỉ là đi tìm trách nhiệm của người khác để xử lý.

“Ngoài việc xác minh các yếu tố khách quan như thời tiết, nếu phát hiện nguyên nhân chủ quan, vi phạm quy trình vận hành, đăng kiểm, sẽ tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Có phải lỗi chỉ do “thiếu dữ liệu”?

Sáng 20/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Ông nói về vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 trên Vịnh Hạ Long ngày 19/7: “nếu có cơ sở dữ liệu thì chúng ta sẽ biết được những hành khách nào đi lại trên tàu, tàu xuất bến giờ nào, ai là chủ tàu, lái tàu, bao nhiêu người, thành phần ra sao…. Từ việc này thấy rõ sơ hở trong công tác quản lý cũng như thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu.”

Vụ chìm tàu du lịch Vịnh Xanh trên Vịnh Hạ Long ngày 19 tháng Bảy năm 2025 , cướp đi sinh mạng của 35 người và khiến 4 người mất tích, là một thảm kịch kinh hoàng.

Đằng sau mất mát này là những câu hỏi lớn, nhức nhối về năng lực quản trị nhà nước, về văn hóa trách nhiệm, và về sự an toàn của người dân.

Đây không đơn thuần là một tai nạn, mà là đỉnh điểm của một chuỗi những sai sót và yếu kém mang tính hệ thống. Những câu hỏi đó vượt xa câu chuyện “cơ sở dữ liệu” mà ông thủ tướng nói tới.

“Lỗ hổng chết người” từ khâu kiểm định kỹ thuật?

Hình ảnh con tàu Vịnh Xanh lật úp giữa biển khơi phơi bày một thực tế đáng báo động: một chiếc tàu du lịch biển với hai tầng cao, đồ sộ nhưng lại có phần đáy phẳng.

Bất kỳ ai có kiến thức sơ đẳng về hàng hải đều hiểu rằng, tàu đi biển cần đáy hình chữ V để xé nước, giữ thăng bằng và chống chọi với sóng gió. Đáy phẳng chỉ phù hợp với tàu chạy trên sông, hồ hoặc những vùng nước lặng.

Việc một con tàu với thiết kế tiềm ẩn rủi ro mất cân bằng cao như vậy lại được cấp phép hoạt động du lịch trên Vịnh Hạ Long đã mười năm, đặt ra một dấu hỏi khổng lồ cho cả hệ thống kiểm định. Vịnh Hạ Long dù là vịnh nhưng vẫn là biển, có thể nổi sóng to, gió lớn bất ngờ.

Phải chăng các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cho tàu du lịch biển của Việt Nam đang quá lỏng lẻo, hoặc tồn tại những “kẽ hở” cho phép các thiết kế không an toàn được thông qua? Hay Cục Đăng kiểm và các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã bỏ qua những nguyên tắc an toàn cơ bản đơn giản vì năng lực kém?

Ba tiếng đồng hồ oan nghiệt và sự chậm trễ của bộ máy cứu hộ

Đây có lẽ là chi tiết gây phẫn nộ nhất trong toàn bộ vụ việc.

Vị trí tàu chìm chỉ cách bờ chỉ vài km, một khoảng cách mà tàu cứu hộ chỉ mất 15 phút để tiếp cận. Vậy tại sao các nạn nhân phải chờ đợi trong tuyệt vọng hơn ba tiếng đồng hồ?

Ba tiếng đồng hồ đó là khoảng thời gian vàng để cứu người. Có một câu chuyện đau lòng là một người đàn ông 40 tuổi đã may mắn thoát ra khỏi còn tàu, cùng bám vào một chiếc ghế gỗ với ba người đàn ông khác, nhưng cuối cùng vì kiệt sức mà phải buông tay.

Sự chậm trễ này không thể được biện minh bằng bất cứ lý do gì, nó cho thấy sự tê liệt và yếu kém trong toàn bộ quy trình ứng phó khẩn cấp. Có hàng loạt câu hỏi mà một chính quyền có trách nhiệm phải tự đặt ra để hỏi mình, hoặc xã hội phải lên tiếng chất vấn những người được trao trách nhiệm bằng tiền thuế của dân: Cơ chế tiếp nhận thông tin tai nạn ở đâu? Tín hiệu cấp cứu đã được phát đi như thế nào? Ai là người tiếp nhận? Tiếp nhận như thế nào, bằng công nghệ gì? Tại sao phải mất quá nhiều thời gian để nhận thông tin tai nạn và ra quyết định cứu hộ? Sự phối hợp giữa các lực lượng ra sao? Biên phòng, cảnh sát biển, trung tâm cứu hộ hàng hải và các tàu thuyền tư nhân đã được huy động và điều phối như thế nào?

Sự chậm trễ này không hẳn do sự lúng túng, cũng không phải do sự đùn đẩy trách nhiệm ngay từ những phút đầu tiên. Bằng chứng là khi nhận được thông tin, lực lượng cứu hộ chỉ mất 15 phút để có mặt tại hiện trường.

Sự chậm trễ này là do cơ chế: thiếu một “nhạc trưởng” chỉ huy, thiếu sự ứng dụng công nghệ, thiếu các quy trình phản ứng kịp thời.

Tỉnh Quảng Ninh cho biết họ nhận được dự báo sẽ có giông lốc bất thường trên Vịnh sau khi tàu Vịnh Xanh đã ra khơi. Họ cho rằng lỗi không do họ, bởi họ nhận thông tin trễ.

Cần phải nói đúng sự thực: Cái họ thiếu không phải là thông tin trễ. Họ đã nhận thông tin kịp thời.

Khi nhận được dự báo trên Vịnh sẽ có giông lốc bất thường, tàu Vịnh Xanh đã ra khơi nhưng vẫn chưa gặp nạn. Trên Vịnh khi đó còn rất nhiều tàu với hàng ngàn du khách. Nhưng không một cơ quan chức năng nào phát cảnh báo đến các tàu đang ở trên Vịnh và yêu cầu họ vào nơi trú ẩn cho đến khi có dự báo thời tiết mới.

Ở tiểu bang Virginia, cũng như hầu hết các tiểu bang ở Hoa Kỳ, học sinh được nghỉ học vào mùa hè, nhưng chỉ cần có dự báo nhiệt độ trong ngày tăng lên, Sở giáo dục các quận trong tiểu bang đều gửi tin nhắn đến từng phụ huynh vào giáo viên, thông báo mọi hoạt động ngoài trời liên quan đến trẻ nhỏ được huỷ bỏ. Phụ huynh có thể vẫn cho con mình ra chời giữa trời nắng nhưng họ phải tự chịu trách nhiệm cá nhân.

Vịnh Hạ Long là một vùng biển thường có giông lốc và có hàng vạn du khách mỗi ngày vào mùa hè. Đó là môi trường có nhiều rủi ro hơn “nắng nóng mùa hè” nhiều lần. Nhưng tại sao không có một quy trình cảnh báo và thực hiện các bước bảo đảm an toàn?

Văn hóa từ chức ở đâu khi trách nhiệm bị đùn đẩy?

Trước một thảm kịch gây chấn động, thái độ của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh lại càng làm dư luận thêm bức xúc.

Thay vì một lời xin lỗi chân thành và nhận trách nhiệm, công chúng lại thấy những nỗ lực bao biện và đùn đẩy.

Lập luận của ông Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về việc không sử dụng máy bay trực thăng là một ví dụ điển hình cho sự ngụy biện và thiếu hiểu biết về hoạt động cứu hộ hiện đại.

“Di chuyển mất 15-20 phút”.

Thời gian này tương đương với tàu cứu hộ, nhưng khả năng cứu vớt của trực thăng trong một hiện trường hỗn loạn là vượt trội. Nó có thể tiếp cận nạn nhân từ trên cao bằng tời cứu sinh mà không cần cập mạn, tránh gây nguy hiểm cho những người đang đuối sức.

“Không có điểm đáp”

Đây là lập luận vô lý nhất. Trực thăng cứu hộ, cứu nạn được thiết kế để hoạt động trên biển, trên núi, ở những nơi không có bãi đáp. Chúng dùng tời và các thiết bị chuyên dụng để đưa người lên, không cần hạ cánh.

“Tránh trường hợp phức tạp, nguy hiểm khác”

Sứ mệnh của mọi lực lượng cứu hộ là dấn thân vào vùng nguy hiểm để cứu người. Khác với người dân bình thường, họ phải được trang bị phương tiện kỹ thuật, được huấn luyện kĩ năng thành thục và hoạt động chuyên nghiệp. Tình thế lúc đó đã là “ngàn cân treo sợi tóc”. Nỗi sợ về một “rủi ro phức tạp” không thể lớn hơn sự thật là người dân đang chết dần. Lập luận này cho thấy một tư duy quản lý sợ trách nhiệm.

Lời giải thích này không chỉ cho thấy sự yếu kém về chuyên môn mà còn là sự thiếu tôn trọng đối với sinh mạng người dân và sự hiểu biết cao của công chúng.

Cải tổ toàn diện: Xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro và cứu hộ hiệu quả

Vụ chìm tàu Vịnh Xanh không phải là câu chuyện về một cơn bão hay một tai nạn bất khả kháng.

Đây là câu chuyện về những con tàu tuy được cấp phép ra khơi nhưng lại không được thiết kế phù hợp với môi trường biển, về một bộ máy cứu hộ phản ứng chậm chạp do quy trình truyền tin quá lạc hậu, và về một nền quản trị mà ở đó, lời bao biện cho sự yếu kém được đặt cao hơn trách nhiệm và sinh mạng con người.

Có 39 con người mất đi. Điều đó đòi hỏi chính quyền và xã hội phải thay đổi cách họ làm việc cùng nhau. Không thể bao biện như vậy.

Nó đòi hỏi một cuộc cải tổ toàn diện về quy chuẩn an toàn du lịch hàng hải, một sự tái cấu trúc triệt để cơ chế cứu hộ, cứu nạn theo hướng chuyên nghiệp, nhanh nhạy và hiệu quả.

Quan trọng hơn cả, nó đòi hỏi một văn hóa trách nhiệm thực sự, nơi những người đứng đầu dám cúi đầu nhận lỗi và từ chức khi thảm kịch xảy ra dưới sự quản lý của mình. Nếu không, những thảm kịch tương tự Vịnh Xanh sẽ vẫn còn là nỗi ám ảnh treo lơ lửng trên sự an toàn của mỗi người dân.

Giông lốc bất thường vào mùa hè là một “đặc sản” của thời tiết miền Bắc và Vịnh Hạ Long. Đây không phải là một hiện tượng bất ngờ, mà là một rủi ro đã được biết trước. Người ta không thể biết chính xác có một cơ lốc nổi lên tại điểm điểm và thời gian cụ thể nào, nhưng người ta biết đó không phải là hiện tượng hiếm gặp. Một nhà quan sát chia sẻ với RFA từ Hà Nội:

“Trách nhiệm của chính quyền không phải là kinh ngạc khi nó xảy ra, mà là phải lường trước và chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất. Vậy mức độ chuẩn bị của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh ở mức nào? Câu trả lời phơi bày qua thảm kịch là: Không thể chấp nhận được.”

Việc chính quyền tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh “tàu cứu hộ chỉ mất 15 phút để tiếp cận hiện trường” vô tình lại càng tô đậm sự vô lý và tắc trách của khoảng thời gian chờ đợi 3 tiếng đồng hồ trước đó.

Nó chứng tỏ vấn đề không nằm ở phương tiện hay khoảng cách, mà nằm ở con người và quy trình vận hành bộ máy.

Thảm kịch Vịnh Xanh bắt buộc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật và xây dựng lại một hệ thống quản trị mới, vì sinh mạng con người. Một hệ thống như vậy cần được cải tiến đồng bộ trên ba phương diện:

Thứ nhất, về phương tiện kỹ thuật và công nghệ, tất cả tàu du lịch phải được trang bị hệ thống định vị (GPS/AIS) có độ tin cậy cao, truyền tín hiệu theo thời gian thực về một trung tâm giám sát duy nhất. Hệ thống phải tự động cảnh báo ngay lập tức khi tàu đi chệch luồng, mất tín hiệu, hoặc khi có nút bấm báo động khẩn cấp (panic button) được kích hoạt.

Ngoài ra, Việt Nam cần đầu tư phương tiện cứu hộ hiện đại: các tàu cứu hộ tốc độ cao, có khả năng hoạt động tốt trong thời tiết xấu. Bắt buộc phải có sự tham gia của máy bay trực thăng chuyên dụng cho cứu hộ biển, được trang bị tời và các thiết bị y tế, sẵn sàng cất cánh trong thời gian ngắn nhất.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần sử dụng drone (thiết bị bay không người lái) để nhanh chóng khảo sát hiện trường, xác định vị trí nạn nhân và truyền hình ảnh trực tiếp về trung tâm chỉ huy.

Thứ hai, về lực lượng và quy trình, Việt Nam cần lực lượng phản ứng nhanh chuyên nghiệp: một đội cứu hộ, cứu nạn được đào tạo bài bản, có kỹ năng và được thực tập, diễn tập thường xuyên trong các tình huống giả định, thay vì phụ thuộc vào sự huy động tạm thời từ nhiều lực lượng khác nhau như hiện nay.

Thứ ba, một quy trình vận hành tiêu chuẩn (Standard Operating Procedures). Việt Nam cần xây dựng một quy trình phản ứng khẩn cấp rõ ràng, phân định rạch ròi vai trò và trách nhiệm của từng cơ quan (Biên phòng, Cảng vụ, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn...). Quy trình này phải xác định rõ: Ai là tổng chỉ huy? Khả năng kích hoạt báo động nhanh nhất, tổ chức theo nguyên tắc “Hành động trước, báo cáo sau” khi nhận được tín hiệu cho thấy có tình huống bất thường phát sinh.

Tuy vậy, một nhà nghiên cứu ở Hà Nội chia sẻ với RFA rằng những cải tiến kỹ thuật và quy trình như ở các nước phát triển sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có “một cuộc cách mạng về tư duy và văn hóa trách nhiệm.” Bà nói:

“Tôi không dám đòi ông thủ tướng Việt Nam từ chức như thủ tướng bên Hàn. Chuyện đó nghe nó xa xôi như chuyện cổ tích ở xứ này. Nhưng tại sao không thể làm như vậy với chính quyền địa phương? Khi một thảm kịch nghiêm trọng xảy ra do lỗi hệ thống, người đứng đầu cao nhất của chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan phải đứng ra nhận trách nhiệm, xin lỗi công chúng và sẵn sàng từ chức. Đó là thước đo của một nền quản trị văn minh và thực sự vì nhân dân phục vụ.

Thảm kịch Vịnh Xanh phải là hồi chuông cảnh tỉnh cuối cùng. Đã đến lúc phải hành động quyết liệt để những chuyến du ngoạn trên vịnh di sản không còn là những cuộc đánh cược với tử thần. An toàn của người dân phải là ưu tiên không thể đánh đổi.”