Tổng Bí thư Đảng CSVN Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hôm 21/1/2025 (theo giờ Hà Nội) gửi thư chúc mừng ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Sáng 20/1 (giờ Mỹ), ông Donald Trump và J.D Vance chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 và Phó Tổng thống thứ 50 của Mỹ.
Ở nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump (2016-2020), Việt Nam là nước hưởng lợi khi các công ty lớn đã chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc và đặt cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tránh mức thuế quan cao.
Tuy nhiên, vào năm 2020, chính quyền ông Trump cũng đã dán nhãn cho quốc gia này là “thao túng tiền tệ” dựa trên thặng dư thương mại ngày càng lớn của Việt Nam với Mỹ. Hiện Việt Nam là nước có thặng dư thương mại cao thứ ba với Mỹ chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Theo báo Chính Phủ, trong thư chúc mừng ông Trump nhậm chức, cả ba lãnh đạo khẳng định Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược và tin tưởng với sự lãnh đạo và ủng hộ của ông Trump, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển vững chắc trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và thể chế chính trị của nhau, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng đã gửi thư chúc mừng tới Phó Tổng thống James David Vance .
Hôm 7/1, truyền thông Nhà nước đưa tin ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết Bộ Công thương đã vạch ra hai kịch bản cho năm 2025, với tình huống khả quan là Mỹ duy trì chính sách thuế nhập khẩu hiện hành, nước này hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Ở kịch bản thứ hai, Phó Cục trưởng cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương được các báo trong nước dẫn lời cho biết, nếu tác động thuế quan gắt gao có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều. Trong trường hợp này, Chính phủ Việt Nam được cho sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường.
Giáo sư Zachary Abuza tại Đại học Chiến tranh quốc gia ở Washington nói với RFA rằng, Việt Nam sẽ có thể phải đối mặt với những thách thức từ chính phủ của Tổng thống Trump do thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng cao hơn nhiều lần so với nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump từ năm 2016 đến 2020.
“Kể từ đó, Hoa Kỳ đã tăng xuất khẩu dịch vụ vào Việt Nam. Thâm hụt thương mại vẫn cao hơn so với trước khi ông ấy rời Nhà Trắng. Nếu chúng ta tính cả giá trị dịch vụ vào hàng hóa thì cũng không quá tệ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có thặng dư thương mại thứ ba tại Mỹ chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Và điều này có thể khiến quốc gia này bị đặt vào tầm ngắm của chính phủ mới” - Giáo sư Zachary Abuza nhận định.
Theo dữ liệu của Cục Thống kê dân số Hoa Kỳ, đến năm 2020, năm cuối cùng ông Trump nắm quyền nhiệm kỳ trước, thặng dư thương mại giữa hai nước đã là 69,7 tỷ USD. Năm 2023, thặng dư thương mại Việt Nam và Mỹ đã tăng lên 104,6 tỷ đô la. Trong năm 2020, khi thặng dư thương mại của hai nước tăng cao hơn so với hồi đầu nhiệm kỳ vào năm 2017 (38,3 tỷ đô la), chính phủ của Tổng thống Trump đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ.
Trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Trump đã nói đến việc áp thuế 20% lên hàng hóa nhập khẩu và 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Trong các lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký trong ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, không có lệnh nào về việc áp thuế này. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Trump thực hiện lời hứa áp thuế, Việt Nam sẽ phải chịu những tác động không nhỏ khi nhiều mặt hàng từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ đóng gói và dán nhãn trước khi xuất đi Mỹ, theo nhận xét của Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc.