Việt Nam phải làm gì trong trường hợp thương chiến của Mỹ lan tới?

“Chiến tranh thương mại” là một trong những chủ đề quan tâm hiện nay của chính phủ Việt Nam, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Trump vừa áp thuế đối với các nước có thâm hụt thương mại lớn, dù đã tạm hoãn đối với Canada và Mexico trong 30 ngày.

Việt Nam có đang lo lắng?

Báo Thanh Niên đưa thông tin về phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 5/2, dẫn lời Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu dự báo, phân tích thật sát tình hình tháng 2 và thời gian tới, nhất là khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới sẽ làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp các thị trường xuất khẩu, đề xuất giải pháp để phản ứng nhanh nhạy, kịp thời, không bị động, bất ngờ.

Vào 12 giờ đêm hôm thứ Ba, Hoa Kỳ bắt đầu áp thêm 10% thuế lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh ngay sau đó đã đáp trả bằng việc áp thuế lên một số các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ trong ngày 3/2 nhắc đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa từ các nước có thể mang lại cơ hội cho Việt Nam trong việc đón đầu các xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng để thu hút các dòng vốn đầu tư chất lượng hơn vào các phân khúc có giá trị gia tăng cao hơn trong các ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, ông cũng đề cập đến các thách thức lớn về việc “Mỹ có thể thực hiện việc áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam do thặng dư thương mại cao, các xu hướng về đầu tư núp bóng, gian lận nguồn gốc xuất xứ...”

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD, trong khi Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD.

Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Mỹ hiện đứng thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico, khiến nước này có thể lọt vào tầm ngắm áp thuế quan tiếp theo của ông Trump, khi trong nhiệm kỳ đầu ông đã chỉ trích Việt Nam là quốc gia “lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Nauy đánh giá, việc ông Trump tăng thuế quan đối với Việt Nam chỉ là “chuyện sớm hay muộn” do mức thâm hụt thương mại đối với Mỹ hiện đang ở ngưỡng báo động.

Trong khi đó, nước này đang có xu hướng hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại của Mỹ đối Trung Quốc. Báo Doanh nghiệp và Tiếp thị dẫn thông tin từ Tổng cục hải quan cho thấy Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc trong năm 2024 lên đến 82,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với mức nhập siêu 49,35 tỷ USD của năm 2023.

Ông Vũ nhận định điều này phản ánh một sự thật đó là hàng Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam đóng gói gia công và xuất sang Mỹ. Ông nói với RFA hôm 4/2:

“Sự thâm hụt giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng lên, đồng thời thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng tăng lên đó là những con số mà chúng ta thấy dù muốn dù không Hoa Kỳ cũng sẽ xem xét chuyện thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những ngày tới đây.”

――――――――――――――――――

Thặng dư thương mại với Mỹ cao kỷ lục có thể đẩy Việt Nam vào tâm bão thuế quan của ông Trump

Quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Biden: Mười điểm đáng chú ý

Bộ Công Thương chuẩn bị cho kịch bản Tổng thống Trump áp thuế quan cao ảnh hưởng đến Việt Nam

――――――――――――――――――

Việt Nam phải làm gì?

Tân Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio trong cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Việt Nam Bùi Thanh Sơn hôm 25/1 một mặt ghi nhận sự hợp tác kinh tế giữa hai nước, một mặt cũng khuyến khích các giải pháp về vấn đề mất cân bằng thương mại.

Học giả nghiên cứu kinh tế và chính trị độc lập Nguyễn Huy Vũ cho rằng, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản không có nhiều lựa chọn trong việc đối phó. Phản ứng mạnh và trả đũa tương tự đối với các biện pháp áp thuế suất của Tổng thống Trump (nếu có) sẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan.

Ông Huy Vũ cho rằng, lãnh đạo Việt Nam có thể tham vấn trực tiếp với nội các của Tổng thống Trump xem thử họ đang cần gì, lắng nghe và đáp ứng những yêu cầu đó để không làm xấu đi mối quan hệ đang tốt đẹp giữa hai nước vì dù gì Việt Nam cũng cần Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Ông khẳng định:

“Quan trọng nhất Việt Nam cần phải thể hiện một đường lối ngoại giao mềm mỏng và một khả năng lắng nghe.

Việt Nam ở một vị thế khác so với Mexico và Canada, thậm chí hai nước này trong trường hợp họ có thể lên gân chính trị để các chính trị gia lấy phiếu của người trong nước, kích động tinh thần dân tộc của người dân, cho đảng phái của họ nhưng mà cuối cùng họ phải xuống nước thôi, bởi vì các nước khác ở một vị thế khác yếu hơn nhiều so với vị thế của Hoa Kỳ."

Ông Vũ từng làm nghiên cứu viên ở Ngân hàng Trung ương Đức dưới sự đài thọ của Quỹ Marie Curie của châu Âu, cho biết để giảm chênh lệnh trong cán cân thương mại với Mỹ, Việt Nam có thể mua khí hóa lỏng, nông sản, trang thiết bị quân sự... và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Mỹ đầu tư trong các ngành như viễn thông, lắp đặt cáp quang Internet dưới biển.