Kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khi TT Trump áp thuế 25% với nhôm, thép nhập khẩu

Mức thuế mới của Mỹ lên thép và nhôm nhập khẩu sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump 10/2 ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 4/3, quốc gia này hiện là thị trường tiêu thụ thép lớn thứ ba của Việt Nam.

Ngành thép Việt Nam đối diện với nguy cơ kép từ cuộc điều tra của Mỹ hồi năm ngoái về chống bán phá giá, trợ cấp và mức thuế bổ sung của ông Trump.

Theo hãng tin Reuters, biện pháp đánh thuế mới nhất của ông Trump xóa bỏ các trường hợp ngoại lệ của các quốc gia, các thỏa thuận hạn ngạch và các trường hợp loại trừ cụ thể đối với sản phẩm.

Chính quyền của ông Trump hồi năm 2018 áp thuế suất 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Việt Nam và một số nước.

Ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam?

Hôm 11/2, báo Doanh Nghiệp & Tiếp thị dẫn lời ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, các doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ trong trường hợp này vì năng lực sản xuất của các nhà sản xuất thép, nhôm của Hoa Kỳ chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu trong nước.

Tuy nhiên, biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ có thể giảm xuống.

Phóng viên RFA gửi email đến Bộ Ngoại giao và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ để hỏi về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump ảnh hưởng thế nào tới việc xuất khẩu của Việt Nam nhưng chưa nhận được câu trả lời.

Chúng tôi cũng gửi câu hỏi phỏng vấn đến các công ty thép ở Việt Nam như Hòa Phát, Hoa Sen, Posco, Pomina..., tuy nhiên, cũng không nhận được phản hồi.

Trang VietnamBiz, công ty con của TTXVN, dẫn số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, lượng thép Việt xuất khẩu sang Mỹ trong năm 2024 đạt gần 1,7 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, tăng trên 50% so với năm 2023 xét về cả lượng và kim ngạch.

Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam thể hiện, chỉ trong năm ngoái, trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ các nước đạt 19,07 tỷ USD, trong đó 63% là nhập từ Trung Quốc, trị giá 12,03 tỷ USD.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy nhận định, việc Mỹ tăng thuế suất lên các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ các nước ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty sản xuất trong Việt Nam và cả các công ty Trung Quốc mượn đường Việt Nam để xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế quan.

Hồi năm 2016, Wall Street Journal có bài điều tra cho biết một kho nhôm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhôm Toàn cầu Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc tỷ phú Trung Quốc Liu Zhongtian có trị giá đến năm tỷ đô la. Theo Wall Street Journal, kho nhôm này vào năm trước đó đã được đặt tại Mexico, sau đó được chuyển vào Việt Nam để rồi xuất lại vào Mỹ để tránh thuế cao.

Lúc đó, nhôm ép của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ phải chịu mức thuế lên tới 374%, trong khi Việt Nam chỉ phải chịu thuế 5%.

Ông Nguyễn Huy Vũ cho rằng với việc chính quyền Mỹ áp thuế mới lên nhôm và thép của các nước sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ông nói với RFA hôm 10/2 qua điện thoại:

“Ông Trump áp thuế như vậy nó dẫn đến việc các doanh nghiệp Việt Nam phải xem xét lại chiến lược kinh doanh của mình, chắc chắn những doanh nghiệp nào muốn xây thêm nhà máy thép sẽ phải suy nghĩ lại.

Nó cũng có cái tốt và cũng có cái không tốt. Nó sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp lớn Việt Nam hiện nay như Hòa Phát nhưng mà họ sẽ phải định hình lại chiến lược kinh doanh của họ thay vì xuất khẩu thép, họ phải chuyển sang việc gia tăng hàm lượng công nghệ trong chuyện sản xuất thép của họ, phải chuyển sang sản xuất những mặt hàng có giá trị hơn như các loại thép đặc thù nào đó."


Việt Nam phải làm gì trong trường hợp thương chiến của Mỹ lan tới?

Bộ Công Thương chuẩn bị cho kịch bản Tổng thống Trump áp thuế quan cao ảnh hưởng đến Việt Nam

Việt Nam sẽ chuẩn bị gì cho thương chiến?


Báo Nhân dân ngày 8/2 vừa qua cho biết, Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng với trị giá 8,3 tỷ USD, với mục tiêu kết nối với cảng biển quốc tế Hải Phòng, kết nối liên vận với Trung Quốc nhằm triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” và Kế hoạch hợp tác kết nối trong khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai”.

Theo đánh giá của ông Vũ, nghiên cứu viên khách mời của Đại học Minnesota - Hoa Kỳ, tuyến đường sắt này có thể sẽ phục vụ những ngành công nghiệp nặng trong đó có thép, nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sau đó xuất cảng đi các nước.

Với sắc lệnh hành pháp mới nhất của ông Trump, Hà Nội có thể sẽ phải xem xét việc tham gia sáng kiến này của Bắc Kinh, ông Vũ Nhận định.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ cho hay, việc tăng thuế lên thép và nhôm của Việt Nam thì bên thiệt hại là các doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà nhập khẩu của Mỹ có thể đề nghị Việt Nam giảm giá bán tương ứng với mức thuế mới hoặc lên đến 20% để họ có lời.

Các nhà sản xuất trong Hoa Kỳ cũng có thể giữ nguyên giá bán hoặc chỉ tăng nhẹ.

“Nó sẽ dẫn đến các công ty Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn và các công ty Trung Quốc cũng sẽ không muốn sang Việt Nam để đầu tư nữa, chắc chắn kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn rất nhiều trong những ngày sắp tới.”

Theo Bộ Xây dựng, tổng giá trị doanh thu hàng năm của ngành vật liệu xây dựng, xi-măng, sắt thép ước đạt gần 47 tỷ USD (chiếm khoảng 11% GDP quốc gia).

Hồi tháng 9/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tiếp nhận Đơn đề nghị điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (CORE) đến từ các nước.

Cục phòng vệ Thương mại - Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam bị điều tra kép về cả bán phá giá và trợ cấp, với cáo buộc bán phá giá với biên độ lên đến 158,8%, cao nhất so với các quốc gia khác.

Thời gian điều tra là năm 2023 và thời gian đánh giá thiệt hại là 3 năm (2021-2023).