Bộ Công an Việt Nam hôm 14/2 thông báo đưa tổ chức Uỷ ban cứu người vượt biển (BPSOS) có trụ sở chính tại Mỹ vào danh sách khủng bố vì cho rằng tổ chức này có các hoạt động chống phá Việt Nam, một cáo buộc đã bị người đại diện tổ chức này bác bỏ.
Trong thông báo được đăng tải trên trang Facebook, Bộ Công an Việt Nam cáo buộc: “BPSOS hoạt động dưới danh nghĩa “cứu trợ người tị nạn” nhưng thực chất là lợi dụng hoạt động này để móc nối, trợ giúp các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động chống phá Việt Nam, trong đó có số đối tượng tham gia tổ chức “Người Thượng vì công lý - MSFJ” - tổ chức đã tiến hành vụ khủng bố ngày 11/6/2023 tại Đắk Lắk."
Ông Nguyễn Đình Thắng, Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch tổ chức BPSOS vào cùng ngày lên tiếng phản bác cáo buộc này của chính quyền Việt Nam.
“Khi họ làm vậy thì càng mất uy tín trước quốc tế vì quốc tế họ biết rất rõ ai đã từng hợp tác Uỷ ban cứu người vượt biển tức là Boat People SOS cả mấy chục năm qua, kể cả chính quyền Mỹ, bốn mươi mấy quốc gia trong liên minh quốc tế về tự do tôn giáo hay niềm tin, rồi các định chế nhân quyền của LHQ.”
Ông Thắng nói thêm rằng với việc xếp BPSOS vào danh sách khủng bố, Bộ Công an Việt Nam đang “ở bước đường cùng, không còn cách nào khác hơn.”
Là một tổ chức với các hoạt động ban đầu từ những năm 1980 chuyên giúp người Việt Nam vượt biển đi tị nạn, BPSOS hiện đã mở rộng hoạt động sang giúp đỡ những nạn nhân của đàn áp tôn giáo và nạn buôn người ở Việt Nam, theo thông tin được đăng trên trang web chính thức của tổ chức này.
Mới đây, BPSOS đã tham gia tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do tôn giáo quốc tế (IRF) tại Washington DC từ ngày 4 - 5/2 với sự tham dự của hơn một ngàn đại biểu từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có hơn 40 nghị sỹ đến từ nhiều quốc gia. Ba đại diện tôn giáo của Việt Nam được mời đi dự hội nghị đã bị chặn tại phi trường ở Việt Nam vì lý do an ninh. Thông cáo báo chí của Tổ chức Liên đới Kitô giáo toàn cầu (CSW) hôm 3/2 dẫn lời của Đại sứ lưu động về tự do tôn giáo thứ năm của Mỹ - ông Sam Brownback - người đồng tổ chức hội nghị - chỉ trích hành động này của chính quyền Việt Nam:
"Đây có thể là tất cả những gì cần thiết để đưa họ trở lại danh sách Quốc gia đáng quan tâm đặc biệt (CPC). Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam cho phép những cá nhân này đi đến Hội nghị thượng đỉnh Tự do tôn giáo quốc tế, nếu không chúng tôi sẽ nêu bật hành động này của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh IRF. ”
Theo người đại diện BPSOS, với việc đưa tổ chức của ông và trước đó là tổ chức Người Thượng vì công lý - MSFJ vào danh sách khủng bố, Bộ Công an Việt Nam đang hy vọng đe doạ những người dám lên tiếng tố cáo các hành động đàn áp ở trong nước với quốc tế thông qua các tổ chức xã hội dân sự ở nước ngoài.
“Khi họ tuyên bố là BPSOS và cá nhân tôi là thành phần khủng bố thì họ kỳ vọng là người trong nước sẽ không dám liên lạc, không dám cung cấp thông tin về vi phạm để chúng tôi chuyển cho quốc tế.” - ông Nguyễn Đình Thắng nói với RFA.
Hôm 6/3/2024, Bộ Công an Việt Nam cũng đã xếp MSFJ và những cá nhân liên quan đến tổ chức này vào danh sách khủng bố vì cho rằng họ đứng đằng sau vụ tấn công vào hai trụ sở chính quyền gây chết người ở Đắk Lắk hồi tháng 6/2023. Tổ chức đang có hoạt động hợp pháp tại Mỹ này cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc của Chính phủ Việt Nam.