Quốc hội hôm 19/2 thông qua việc cho phép công ty Starlink của tỷ phú Elon Musk cung cấp dịch vụ internet vệ tinh tại Việt Nam mà không yêu cầu liên doanh với công ty trong nước - một quyết định chưa hề có tiền lệ.
Theo mạng báo VnExpress, đây là một trong những điểm đột phá quy định tại Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết nêu rõ, việc thí điểm dựa trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài, trong khi vẫn duy trì quyền sở hữu hoàn toàn đối với các công ty con địa phương.
Tính chất đột phá
Điều 11 của Luật Viễn Thông năm 2023 quy định “Nhà nước duy trì phần vốn góp, cổ phần của Nhà nước để bảo đảm chi phối hoạt động của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng có tầm quan trọng đặc biệt đối với hoạt động của toàn bộ cơ sở hạ tầng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.”
Luật được Quốc hội thông qua hồi tháng 11/2023 và có hiệu lực từ tháng 7 năm ngoái không quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu của công ty nước ngoài đầu tư vào hạ tầng mạng, tuy nhiên, Trang thông tin điện tử đầu tư nước ngoài của Cục Đầu tư nước ngoài- Bộ Kế hoạch và đầu tư, có nêu cụ thể về Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong ngành “Dịch vụ viễn thông”.
Trong đó, các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định tự do thương mại ký với quốc tế như WTO, VKFTA, VJEPA, AFAS, EVFTA... đều yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng viễn thông nước ngoài “cho phép liên doanh với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông được cấp phép tại Việt Nam. Phần vốn góp của phía nước ngoài trong liên doanh không vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh.”
Điều này cho thấy việc Quốc hội ra nghị quyết cho thí điểm công ty Internet vệ tinh nước ngoài đầu tư vào Việt Nam không cần phải liên doanh với công ty trong nước hay quy định về tỷ lệ sở hữu tối đa là việc làm chưa từng có tiền lệ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, nghị quyết vừa được thông qua gắn với Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị Đảng CSVN về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Thực sự họ cũng muốn mở rộng phát triển nhanh lĩnh vực khoa học công nghệ nói chung, trong đó có lĩnh vực viễn thông Internet,” ông A nhận định.
Linh mục Anton Lê Ngọc Thanh, người được tổ chức Phóng viên Không Biên giới RSF đưa vào danh sách 100 “anh hùng thông tin” của thế giới hồi năm 2014, đánh giá cho rằng nghị quyết mới của quốc hội làm cho nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực mạng Internet vệ tinh “tin tưởng hơn, yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam”. Ông bày tỏ:
“Riêng về mảng internet Việt Nam, trước giờ họ quản lý thông tin Internet, không cho một công ty tư nhân nói gì là công ty nước ngoài quản lý, vì họ sợ rằng họ không kiểm soát được thông tin.
Nhưng cái sợ của họ trở nên càng ngày càng trở nên bất kham bởi vì từ khi có Internet tới nay họ có xiết cách mấy thì người dân cũng tìm cách vượt tường lửa, cũng có đủ thứ cách để tiếp nhận thông tin hoặc truyền tải thông tin vượt qua sự kiểm soát của các công ty nhà nước đó.
Nên thực ra thời điểm này họ phải nhìn nhận sự thật đó nên họ thay đổi."
Người có thời gian phụ trách Truyền Thông Chúa Cứu Thế Việt Nam cho hay, cáp quang biển của Việt Nam nối với quốc tế thường bị đứt cáp, gây gián đoạn thông tin và làm tổn thất rất lớn về mặt thông tin và kinh tế cho quốc gia.
“Khi mà hệ thống Starlink của Elon Musk vận hành tốt được thì Việt Nam không nhất thiết phải đầu tư các hệ thống cáp quang mới tốt hơn như kế hoạch trước đây với một kinh phí rất lớn.
Bây giờ họ đầu tư thì họ đầu tư hoàn toàn kinh phí mình chỉ trả chi phí dịch vụ thôi nên nó sẽ giảm rất nhiều kinh phí," linh mục Lê Ngọc Thanh nói thêm.
Chính phủ Việt Nam cho biết SpaceX của tỷ phú Elon Musk sẽ đầu tư 1,5 tỷ đô la vào dịch vụ Starlink
SpaceX của Mỹ ngừng đàm phán với Việt Nam về Starlink
Việt Nam phải làm gì trong trường hợp thương chiến của Mỹ lan tới?
Chìa “cành ô liu” cho phía Mỹ
Hãng tin Reuters trước đó một ngày dẫn lời một quan chức chính phủ cho hay, sự thay đổi này mở đường cho Starlink ra mắt tại Việt Nam và sau các cuộc đàm phán kéo dài với công ty mẹ SpaceX.
Theo một người hiểu rõ vấn đề này, đây là sự thay đổi đột ngột lập trường có thể được coi là chìa “cành ô liu” đối với SpaceX trong bối cảnh Việt Nam lo lắng về các mối đe dọa thuế quan từ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Người này cho biết đây là “một minh chứng từ phía Việt Nam rằng họ có thể chơi trò ngoại giao giao dịch nếu chính quyền Trump muốn”.
Tất cả các nguồn tin đều từ chối nêu tên để họ có thể nói chuyện thoải mái hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A đồng ý với nhận định trên, cho rằng việc chấp nhận cho Starlink thâm nhập thị trường có thể giúp làm an lòng chính phủ Mỹ, nơi tỷ phú Elon Musk - người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) có những ảnh hưởng nhất định đến chính quyền của Tổng thống Donald Trump.
Theo dữ liệu của Hoa Kỳ, thặng dư của nước này vào năm ngoái đã đạt mức cao kỷ lục là 123,5 tỷ đô la, lớn thứ tư trong số các đối tác của Hoa Kỳ.
SpaceX nhiều lần bày tỏ ý định đầu tư vào thị trường có 100 triệu dân nhưng không thành công do nước này vẫn giữ quy định yêu cầu công ty nước ngoài đầu tư vào hạ tầng mạng phải liên doanh với công ty trong nước và không được sở hữu quá 49% cổ phần.
Hồi tháng 9 năm ngoái, ông Tim Hughes - phó chủ tịch cấp cao SpaceX gặp Tổng bí thư Tô Lâm đang trong chuyến công tác tại New York, đã bày tỏ ý định đầu tư 1,5 tỷ USD vào thị trường lớn này nhưng không nêu chi tiết thời điểm và mục đích của khoản đầu tư.
Ông Phillip khẳng định đây là một cơ hội để Việt Nam cởi mở hơn. Ông chia sẻ:
“Bây giờ chưa có biết được công ty nào sẽ đầu tư, chính sách như thế nào, mức độ cộng tác của các công ty này với chính phủ như thế nào thì chưa biết, nhưng theo tôi thấy đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi và nới lỏng hơn. Nếu họ muốn thân với Phương Tây thì phải nới lỏng phần nào chứ không thể kiểm soát hoàn toàn như lúc trước.”
Có giúp thúc đẩy dân chủ, nhân quyền?
Việc cung cấp Internet qua vệ tinh đồng nghĩa với những người dân sinh sống ở khu vực hẻo lánh, vùng cao sẽ có thể tiếp cận được với tri thức rộng lớn của thế giới và cả những thông tin không kiểm duyệt về dân chủ, nhân quyền - điều mà chính quyền Việt Nam luôn lo ngại.
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, cựu Chủ tịch Hội tin học Việt Nam nhiệm kỳ thứ ba, nhận định việc Starlink đầu tư vào trong nước có thể góp phần nhỏ giúp người dân có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình nhiều hơn khi được tiếp cận thông tin trực tuyến, tuy nhiên, ông chỉ ra rằng “mặt trái của nó là giúp cho chính quyền kiểm soát người dân rất hiệu quả.”
Chính quyền Việt Nam trong nhiều năm qua bị các tổ chức phi chính phủ chỉ trích vì tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát các thông tin bất đồng ý kiến với chính phủ thông qua các biện pháp kỹ thuật hay đặt ra các nghị định, luật lệ nhằm kiểm soát Internet.
Chuyên gia công nghệ thông tin Phillip (không nêu tên thật vì lý do an ninh), đánh giá việc thông qua các biện pháp cho phép công ty của tỷ phú Elon Musk đầu tư vào lĩnh vực Internet vệ tinh của Việt Nam cho thấy lãnh đạo nước này khá thông minh trong việc uyển chuyển để có thể học được công nghệ mới.
Tuy nhiên, người có 10 năm kinh nghiệm đào tạo bảo mật cho nhiều tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, lại cho rằng:
“Cho dù đầu tư hay không đầu tư Starlink vẫn phải theo Luật An ninh mạng của Việt Nam, tức là những công ty làm về viễn thông, Internet khi mở ra cho người dùng Việt Nam phải đặt server (máy chủ) ở trong nước, công ty sẽ phải có trách nhiệm cung cấp toàn bộ dữ liệu khi Nhà nước yêu cầu.”
Chuyên gia người Việt chỉ ra việc công ty của Mỹ sẽ có những đàm phán thỏa thuận với Bộ Thông tin và Truyền thông, nhưng cuối cùng “cũng phải nhượng bộ và chấp thuận yêu cầu về dữ liệu”, như các đại công ty Facebook và Google đang làm.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gửi email đề nghị công ty SpaceX cung cấp thêm thông tin về các thỏa thuận với Việt Nam và kế hoạch sắp tới nhưng không nhận được phản hồi.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Chú thích:
WTO: Tổ chức Thương mại Thế Giới
VKFTA: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc
VJEPA: Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản
AFAS: Hiệp định Khung về Dịch vụ của ASEAN
EVFTA: Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU