Cao tăng Tây Tạng chết khi đang bị giam giữ ở Việt Nam

Chính quyền Việt Nam và Trung Quốc bị cáo buộc đã phối hợp bắt giữ và giam vị cao tăng này cho đến khi ông qua đời.

Chính phủ lưu vong của Tây Tạng hôm 8 tháng 4 đã đưa ra một thông cáo báo chí, thông báo về cái chết của cao tăng Tulku Hungkar Dorje, trụ trì một tu viện và là một nhà giáo dục nổi tiếng.

Vị cao tăng sinh năm 1969 được cho là đã qua đời ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 29 tháng 3, tuy nhiên phải đến tận ngày 3 tháng 4 thì tin tức mới được loan tải.

Theo nguồn tin từ Tây Tạng, chính quyền Trung Quốc đã triệu tập bảy vị sư từ Tu viện Lung Ngon, do cao tăng Tulku Hungkar Dorje làm trụ trì, để thông báo về cái chết của ông.

Chính phủ lưu vong Tây Tạng cho biết vị cao tăng này đã tới Việt Nam từ tháng 9 năm 2024 để tránh sự truy bức của chính quyền Trung Quốc.

Nhưng sau đó đã bị công an Việt Nam và Trung Quốc phối hợp bắt giữ tại một khách sạn ở Tp. HCM vào ngày 25 tháng 3 năm 2025.

Phía Trung Quốc không cho biết nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông, trong khi truyền thông lẫn chính quyền Việt Nam hoàn toàn im lặng cho tới thời điểm này.

Cao tăng Tulku Hungkar Dorje, danh hiệu “Tulku” trong Phật giáo Tây Tạng ám chỉ một người đã tái sinh, đã biến mất ngay sau buổi thuyết giảng trước công chúng vào ngày 21 tháng 7 năm 2024.

Các quan chức Trung Quốc sau đó đã áp đặt các hạn chế đối với các nhà sư của tu viện và người dân Tây Tạng địa phương, cấm mọi cuộc thảo luận công khai về vụ mất tích và cấm chia sẻ các bài giảng của ngài dưới dạng âm thanh hoặc video, các nguồn tin cho biết.

Khi các nhà sư được thông báo về sự ra đi của vị trụ trì vào thứ Tư, họ đã phải ký vào một văn bản của chính phủ xác nhận cái chết của ông, nhưng các quan chức Trung Quốc đã không tiết lộ điều gì đã xảy ra với hài cốt của vị cao tăng, cũng như nơi ông ở trong những tháng ông mất tích.

Người dân ở Tây Tạng đã lên các nền tảng mạng xã hội để bày tỏ sự thương tiếc về cái chết của ông và viết những lời tri ân đầy xúc động, tưởng nhớ những đóng góp của ông trong việc bảo tồn văn hóa Tây Tạng, hỗ trợ hàng nghìn người dân thiệt thòi và thành lập các trường học tư thục ở Tây Tạng.