Hoa Kỳ đã bắt đầu thu 46% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ Việt Nam vào nửa đêm ngày 8 tháng 4 giờ địa phương, tức 11h sáng ngày 9 tháng 8 giờ Việt Nam.
Điều này được dự báo sẽ tác động tiêu cực tới năng lực xuất khẩu của Việt Nam, và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, vốn theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.
Nhưng không chỉ một mình các doanh nghiệp Việt Nam mới bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mà ông Trump đưa ra, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang tỏ ra vô cùng lo lắng trước con số 46% thuế mà hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam phải chịu khi vào thị trường Mỹ.
Bà Gong, giám đốc một công ty tại Quảng Châu chuyên xuất khẩu tai nghe Bluetooth và các sản phẩm điện tử khác, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RFA vào thứ Hai (ngày 7 tháng 4) rằng hầu hết các công ty ở Quảng Đông đang giao dịch với Hoa Kỳ đã ngừng chấp nhận đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ do rào cản thuế quan. Bà cho biết thêm:
“Tôi đã ăn tối với những người trong ngành hôm qua. Sản phẩm của họ trước đây được xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ Việt Nam. Bây giờ nhiều đơn hàng về cơ bản không được chấp nhận. Họ đã dừng lại và đang chờ xem tình hình sẽ nghiêm trọng đến mức nào. Hiện tại, chúng tôi biết rằng Quảng Châu và Quảng Đông đang tạm thời không chấp nhận đơn hàng.”
Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã lũ lượt xây dựng nhà máy ở Việt Nam để tránh mức thuế cao mà Mỹ áp đặt lên Trung Quốc.
Bà Gong cũng cho biết, một công ty Hồng Kông gần nhà bà vừa chuyển nhà máy đến TP.HCM, Việt Nam, và hiện đang tuyển dụng lao động địa phương, nhưng việc Hoa kỳ đột nhiên áp thuế cao đang khiến nhà máy gặp rắc rối: “Họ vừa xây dựng nhà máy tại Việt Nam và đang chuẩn bị khởi động trong hai ngày qua. Nhưng giờ Mỹ đã tăng thuế lên 46% ngay cả ở Việt Nam, nên không thể tránh khỏi mức thuế cao, các khoản đầu tư trước đây giờ trở nên vô ích”.
Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, “chiếm 19% trong tổng vốn FDI tại Việt Nam" trong năm 2024 theo Trung Tâm WTO.
Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam tiếp tay cho hàng hóa Trung Quốc tuồn vào thị trường Mỹ để né thuế, do vậy đã áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa xuất cảng từ Việt Nam.
Tại Trung Quốc, bà Li, một thương nhân Quảng Đông chuyên xuất khẩu sản phẩm điện tử sang Hoa Kỳ, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RFA, rằng mức thuế quan mới của Hoa Kỳ đã khiến những người trong ngành Trung Quốc lo lắng và mất phương hướng, và bà than thở rằng “mọi thứ đều phụ thuộc vào số phận”.
Bà cho biết công ty đã điều chỉnh chiến lược và chuyển đơn hàng sang Việt Nam: “Xuất khẩu thương mại nước ngoài của Trung Quốc chỉ có thể đi theo con đường vòng, bằng cách nhận đơn hàng tại Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa từ Đông Nam Á, chẳng hạn như Việt Nam, với các nhà máy tại Việt Nam và nơi sản xuất cũng tại Việt Nam. Nhưng các nhà sản xuất Quảng Đông không thể nhận được đơn hàng”.
Về mức thuế 46% mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam, bà Li tin rằng chính phủ Việt Nam sẽ thỏa hiệp với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khác để giảm thuế, và những ngày tới là rất quan trọng. Bà cũng cho biết: “Hiệu suất của các nhà máy Việt Nam không cao bằng Quảng Đông. Tuy nhiên, thực sự không có cách nào để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Việt Nam rồi đến Hoa Kỳ”.
Trung Quốc hiện đang là nước gánh chịu mức thuế cao nhất, nước này ban đầu bị đánh thuế 20%, sau đó nâng lên 54%, đỉnh điểm là khi chính quyền Trung Quốc đáp trả đòn thuế quan của Mỹ, thì tổng thống Donald Trump đã áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên tới 104%.