Việt Nam được kêu gọi điều tra cái chết của cao tăng Tây Tạng

Ông qua đời chỉ bốn ngày sau khi bị quyền Trung Quốc kết hợp với chính quyền Việt Nam bắt giữ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 10 tháng 4 đã ra tuyên bố kêu gọi chính quyền Việt Nam điều tra về “cái chết đáng ngờ” của cao tăng Tulku Hungkar Dorje người Tây Tạng.

Vị trụ trì một tu viện nổi tiếng ở Tây Tạng được báo cáo là đã qua đời ở Thành phố Hồ Chính Minh hôm 29 tháng 3, sau một thời gian bặt vô âm tín. Tu viện của ông, vốn bị chính quyền Trung Quốc kiểm soát, giải thích rằng ông qua đời vì bệnh tật khi đang đi nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, chính phủ lưu vong của người Tây Tạng cáo buộc chính quyền Trung Quốc kết hợp với chính quyền Việt Nam bắt giữ ông vào ngày 25 tháng 3 năm 2025, trong lúc ông đang trốn tránh sự truy lùng của chính quyền Trung Quốc ở Việt Nam. Bốn ngày sau đó thì ông qua đời.

Thi thể của ông được cho là đã được bảo quản tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Không rõ chính quyền hai nước đã bàn giao thi thể của ông hay chưa.

“Cái chết của Humkar Dorje Rinpoche tại Việt Nam đặc biệt đáng lo ngại, nói lên sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với người Tây Tạng và thành tích bắt cóc công dân của họ tại Việt Nam,” bà Maya Wang, phó giám đốc phụ trách Trung Quốc tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.

“Chính quyền Việt Nam nên điều tra những khiếu nại này một cách uy tín và công bằng và có hành động thích hợp, bao gồm cả việc cung cấp kết quả khám nghiệm tử thi cho gia đình Humkar Dorje.” Bà nói thêm.

Cũng có tin cho rằng một vài đồ đệ của vị cao tăng này cũng đã bị bắt giữ ở Việt Nam, và có nguy cơ bị giao cho Trung Quốc, nơi họ sẽ phải đối diện với tra tấn và ngược đãi, Theo dõi Nhân quyền cho biết thêm.

Chính phủ Trung Quốc được biết là đã bắt giữ và hồi hương ít nhất hai nhà bất đồng chính kiến ​​từ Việt Nam với sự hợp tác của chính quyền Việt Nam, bao gồm Dong Guangping vào năm 2022 và Wang Bingzhang vào năm 2002.

Phía Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về cáo buộc này.

Nguồn tin từ Tây Tạng cho biết cao tăng Tulku Hungkar Dorje có một số lượng tín đồ ở Việt Nam. Và đó là lý do ông đến Việt Nam để tránh sự truy bức của chính quyền Trung Quốc.

Người dân Tây Tạng đang bày tỏ sự thương tiếc về cái chết của ông trên mạng xã hội. Nhưng cũng có những báo cáo cho rằng chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực cấm đoán việc nhắc đến ông. Thậm chí, tu viện của ông đã bị cấm tổ chức lễ tang cho vị trụ trì.