Lý do Trung Quốc muốn Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ

Việt Nam xuất khẩu tới Mỹ 136 tỉ USD hàng hóa, nhưng cũng nhập khẩu tới 144 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình vừa thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 14 đến ngày 15 tháng Tư.

Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang rầm rộ tổ chức các hoạt động nhằm kỉ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh nam-bắc, cuộc chiến mà Trung Quốc giữ vai trò đồng minh quan trọng của miền bắc.

Nhưng vấn đề gây chú ý nhất lại không phải mối quan hệ lịch sử giữa hai nước, mà nằm ở hoàn cảnh đầy thách thức hiện tại, khi cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang chịu sức ép rất lớn từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

Dù đã được Hoa Kỳ hoãn áp mức thuế 46% lên hàng hóa của mình trong vòng 3 tháng, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với thử thách làm hài lòng chính quyền của Tổng thống Donald Trump, nhằm loại bỏ mối lo thuế quan một cách hoàn toàn.

Để thuyết phục phía Mỹ, Hà Nội đã phải đưa ra hàng loạt nhượng bộ, bao gồm cam kết mua thêm hàng Mỹ, hạ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, và cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam, kể cả các lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm như internet vệ tinh.

Nhưng nhượng bộ quan trọng nhất, thứ mà Hoa Kỳ quan tâm hơn cả, và có hệ lụy lớn nhất đối với nền kinh tế-chính trị của Việt Nam, nằm ở việc Việt Nam ứng xử thế nào với đòi hỏi từ chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc ngăn chặn hàng hóa Trung Quốc dùng Việt Nam làm trạm trung chuyển để tiến vào thị trường Mỹ.

Trong khi Hoa Kỳ là thị trưởng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 30% GDP. Thì Trung Quốc cũng quan trọng không kém đối với sự phát triển của Việt Nam. Trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu tới Mỹ 136 tỉ USD hàng hóa, nhưng cũng nhập khẩu tới 144 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

Trao đổi với RFA Tiếng Việt, giáo sư Zachary Abuza từ Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết trên thực tế Trung Quốc “hưởng lợi rất lớn” từ quan hệ thương mại Việt-Mỹ, bởi hai lý do:

“Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng phía nam của Trung Quốc. Về cơ bản, Việt Nam lắp ráp rất nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó xuất cảng đi Mỹ. Đấy là lý do kim ngạch xuất khẩu đi Mỹ tương đương với kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc. Và lý do thứ hai là đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc vào Việt Nam. Từ Hà Nội đi Hải Phòng đâu đâu cũng thấy nhà máy Trung Quốc.”

Không những xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc còn trực tiếp xây dựng nhà máy và sản xuất tại Việt Nam. Đây là lý do nước này hưởng lợi rất lớn từ hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tới Mỹ.

Trước thềm chuyến thăm Việt Nam và hai nước Đông NAm Á khác gồm Malaysia và Cambodia, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi việc củng cố quan hệ với các nước láng giềng là “nền tảng tối quan trọng” làm nên sự thịnh vượng và bảo đảm an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Rõ ràng việc Việt Nam ứng xử với hàng hóa Trung Quốc thế nào dưới sức ép từ Hoa Kỳ và phản ứng của Trung Quốc sẽ ra sao đang là điều được quan tâm hơn cả.

Ngay trong ngày đầu tiên tới thăm Việt Nam, người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc thậm chí đã gửi một bài viết được ký tên ông cho Báo Nhân dân của Việt Nam, trong đó ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, “Trung Quốc luôn coi Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng” ông Tập viết.

Đối với cuộc chiến tranh thương mại Hoa Kỳ đang phát động chống lại Trung Quốc, mà Việt Nam là một trong những nước chịu thiệt hại lây, ông Tập viết rằng “chiến tranh thương mại và chiến tranh thuế quan không có bên thắng”. Và nhắc nhớ các đồng chí Việt Nam “cần kiên định bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, giữ gìn bền vững sự ổn định của chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, giữ gìn bền vững môi trường quốc tế cởi mở và hợp tác.”

Trước đó, hãng tin Reuters đưa tin rằng Việt Nam cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ hàng hóa Trung Quốc sử dụng Việt Nam làm trạm trung chuyển để xâm nhập thị trường Mỹ.

Liệu động thái này sẽ khiến Trung Quốc phản ứng rao sao?

Theo giáo sư Carlyle Thayer, bản thân ông Tập Cận Bình cũng ý thức được vấn đề hàng Trung Quốc đội lốt “made in Vietnam”, thế nên sẽ cần phải hợp tác với phía Việt Nam để giải quyết, vì điều đó tốt cho lợi ích của chính Trung Quốc:

“Ông Tập chắc chắn là biết vấn đề này. Miễn là Trung Quốc xuất được hàng sang Việt Nam, và Việt Nam sau đó có thể xuất khẩu sang Mỹ, thì cả hai đều kiếm được tiền. Họ không thể bán được hàng nếu Mỹ không mua hàng từ Việt Nam. Thế nên vì lợi ích của mình, chính phủ Trung Quốc sẽ phải hành động.” Ông nói thêm.

Hiện tượng hàng Trung Quốc dùng mác sản xuất ở Việt Nam mà giáo sư Thayer nói đến là tình trạng nhiều hàng hóa của Trung Quốc, tuy được sản ở nước họ, nhưng lại gán mác sản xuất tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Trung Quốc sau đó tập kết số hàng này tại các nhà kho ở Việt Nam rồi xuất đi Mỹ.

Đối với các công ty Trung Quốc, đầu tư vào Việt Nam còn giúp hướng đến thị trường Đông Nam Á, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại.

Một lý do khác khiến Trung Quốc không muốn trả đũa nếu Việt Nam buộc phải tăng cường kiểm soát hàng hóa Trung Quốc, nằm ở việc chính quyền Bắc Kinh đang muốn thay thế Mỹ, trở thành quốc gia hình mẫu của thương mại tự do, từ đó có được sự ủng hộ của phần còn lại của thế giới.

“Người Trung Quốc rất giỏi tạo thông điệp. Họ đang muốn thế giới nghĩ rằng người Mỹ là những kẻ đang phá hoại trật tự toàn cầu. Còn Trung Quốc mới là quốc gia có trách nhiệm.” Giáo sư Zachary Abuza bình luận.

Phản ứng của Trung Quốc, theo vị giáo sư của Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, là sẽ tìm cách khiến nền kinh tế của Việt Nam gắn chặt hơn vào nền kinh tế của họ, theo giáo sư. “Trung Quốc sẽ tìm cách để tăng cường tích hợp nền kinh tế của họ với nền kinh tế của Việt Nam. Khiến hai nền kinh tế gắn kết chặt chẽ.” Ông nói thêm.

Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết 45 văn bản thỏa thuận hợp tác kinh tế. Trong đó có 7 văn kiện về đường sắt, đường bộ. Những thỏa thuận này được cho là sẽ giúp tăng cường kết nối hệ thống giao thông đường sắt và đường bộ giữa hai nước. Thúc đẩy việc vận chuyển hàng hóa.