Bộ Chính trị và Ban Bí thư vừa ban hành một văn bản nhằm chỉ đạo công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.
Kết luận 155-KL/TW được ban hành hôm 17 tháng 5 bao gồm bảy điểm. Qua đó phân công nhiệm vụ cho các đơn vị, cơ quan của Đảng ở mọi cấp và khối. Từ địa phương tới trung ương, và từ Chính phủ sang Quốc hội.
Chỉ đạo đáng chú ý trong văn bản này phải kể đến yêu cầu giữ bí mật liên quan đến việc sắp xếp tỉnh và tinh gọn bộ máy.
Đảng viên được yêu cầu thực hiện “kỷ luật phát ngôn” và quản lý thông tin trên các nền tảng mạng xã hội; và “chủ động phòng tránh việc lộ thông tin, tài liệu bí mật nhà nước, bí mật nội bộ”.
Kế hoạch sáp nhập tỉnh tuy đã được công bố, nhưng hiện đang trong quá trình “lấy ý kiến nhân dân”, vốn là cơ hội để nhiều người dân tại các địa phương bị sáp nhập bày tỏ sự bất đồng với kế hoạch mà Đảng đưa ra, đặc biệt là vấn đề chọn tên.
Kêt luận 155 còn yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền “định hướng dư luận” để “tạo đồng thuận” trong nhân dân về vấn đề sáp nhập tỉnh.
Tuy nhiên, điều được dư luận quan tâm còn có vấn đề nhân sự của các tỉnh mới. Cụ thể là các chức danh lãnh đạo chủ chốt của các tỉnh gồm chủ tịch ủy ban nhân dân và bí thư tỉnh ủy.
Theo phân công trước đó, Bộ Chính trị và Ban Bí thư sẽ chỉ định các vị trí bí thư và phó bí thư tỉnh ủy (dưới sự tham mưu của Ban Tổ chức Trung ương), còn Thủ tướng sẽ chỉ định các vị trí chủ tịch và phó Chủ tịch UBND.
Trong thời gian gần đây trên mạng xã hội đã xuất hiện danh sách Bí thư của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập, nhưng cho đến nay đảng cầm quyền vẫn chưa có bất cứ thông tin chính thức nào về vấn đề này.
Việc sẽ có tới 52 tỉnh thuộc diện sáp nhập, cơ cấu nhân sự lãnh đạo cấp tỉnh sẽ có biến động rất lớn trong thời gian tới.
Trong bối cảnh các tỉnh mới sẽ phải ngay lập tức tổ chức đại hội đảng bộ các cấp để chuẩn bị cho Đại hội Đảng 14, việc ai trở thành lãnh đạo của các tỉnh mới sẽ có tác động đáng kể đến thành phần tham gia Đại hội 14.