Ngày 12 tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị 20, yêu cầu thành phố Hà Nội cấm xe máy sử dụng nguyên liệu hóa thạch (xăng), đi vào khu vực bên trong khu vực Vành đai 1, tức là khu trung tâm thành phố.
Chính sách này được cho là để "quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường" tại thủ đô.
Xe máy sử dụng xăng vẫn đang là phương tiện được sử dụng rộng rãi nhất ở Hà Nội nói riêng, và Việt Nam nói chúng. Theo thống kê, người dân Hà Nội hiện đang sở hữu 6,9 triệu xe máy. tính đến cuối năm 2024.
Khu vực Vành đai 1 cũng là trung tâm thương mai, dịch vụ, và hành chính của Hà Nội và khu vực lân cận, khiến cho số lượng người đi vào khu vực này hàng ngày là rất lớn. Không chỉ người dân Hà Nội, mà người dân ở các tỉnh lân cận cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chỉ thị này.
Theo lệnh của Thủ tướng, việc cấm xe máy xăng vào nội thành Hà Nội phải được thực hiện từ tháng 7 năm 2026, tức một năm kể từ ngày ban hành.
Điều này đã dấy lên lo ngại về việc người dân không kịp trở tay để tuân thủ quy định mới, khiến cuộc sống bị đảo lộn, và hơn hết là thiệt hại về tài chính.
Bình luận về quyết định này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Thế Anh viết trên trang Facebook cá nhân rằng "phải công bố lộ trình chính sách đủ dài trước khi áp dụng để người dân chủ động lựa chọn". Bởi theo ông thì “vòng đời 1 chiếc xe kéo dài vài chục năm chứ không phải vài ba năm hay vài tháng mà lại công bố lộ trình gấp thế.”
Ngoài ra, ông cũng cho rằng “việc cấm di chuyển vào các khu vực là biện pháp cực đoan”, thay vào đó, nhà nước nên áp dụng cách “điều tiết bằng chênh lệch thuế và phí giữa hai loại xe để người dân tự do lựa chọn thì sẽ tránh sốc và tốt hơn nhiều."
Việc cấm người dân sử dụng xe xăng đi vào một khu vực nhất định được cho là “ảnh hưởng trực tiếp tới quyền con người, quyền công dân”, theo một luật sư đang hành nghề ở Hà Nội. Bình luận về vấn đề này với RFA dưới điều kiện ẩn danh, ông cho biết việc này đáng nhẽ ra ”phải được quyết định bởi Quốc hội."
Do vậy, việc Thủ tướng ban bố một Chỉ thị làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cả triệu người, là hành vi “lạm quyền”. Ông nói thêm:
“Quản lý quốc gia bằng pháp luật chứ không phải chỉ thị, đây là dấu hiệu cảnh báo sự nguy hiểm của nhánh hành pháp đang ngày càng lạm quyền, và về lâu dài sẽ tất tiêu cực nếu không được kiểm soát".
Tuy mới được công bố chưa đầy 24 tiếng đồng hồ, Chỉ thị 20 đã vấp phải làn sóng phẫn nộ trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng chính sách này nhằm tạo lợi thế cho các hãng xe máy điện bán hàng, đơn cử như Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Trong một bài đăng trên trang Facebook Kênh14 về chủ đề này, rất nhiều bình luận bày tỏ sự phẫn nộ đối với VinFast đã xuất hiện. “Đi xe điện cũng không mua vinfast” một tài khoản Facebook tên Johnny Nguyen viết. Còn tài khoản Lê Huy Sơn viết “sao lại cấm để mua xe của vin vượng à”.
Việc cấm xe máy chạy xăng cũng được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến những hộ gia đình thu nhập thấp.
Đa số các mẫu xe máy điện hiện hành đều có giá thành từ 15 triệu đồng trở lên. Việc bất thình lình bắt người dân phải thay đổi phương tiên được cho là một sự lãng phí không cần thiết.
Ngoài xe máy sử dụng xăng, Chỉ thị 20 cũng yêu cầu Hà Nội tiến tới cấm xe ôtô cá nhân chạy xăng vào khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2 trong năm 2028, và đến 2030 sẽ áp dụng lệnh cấm này đối với toàn bộ phương tiện cá nhân sử dụng xăng bên trong khu vực Vành đai 3.