Những quan điểm về Kiến nghị đại xá toàn bộ viên chức VNCH

Sau khi tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ viết kiến nghị trình lên quốc hội yêu cầu xem xét việc ân xá cho toàn bộ công nhân viên chức của chế độ trước, hiện vẫn còn bị giam cầm từ ngày 30 tháng Tư hay bị bắt từ những năm sau 1975 đến nay, một vài đại biểu quốc hội tỏ ra thận trọng và chừng mực trước những ý kiến được coi là thẳng thắn và táo bạo lần đầu tiên đề cập tới những người tù mà đảng và nhà nước gọi là ngụy quân ngụy quyền.

Trong kiến nghị gởi lên quốc hội mấy hôm trước, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ đề nghị hai điều. Một là lấy tên Việt Nam làm quốc hiệu thay vì Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hai là xin căn cứ theo khoảng X Điều 84 của Hiến Pháp để ân xá cho tất cả các cựu quân nhân cũng như cựu viên chức chính quyền miền Nam hiện vẫn còn bị giam giữ trong tù.

Anh em một nhà?

Về động lực khiến ông thảo kiến nghị gởi lên quốc hội, ông Cù Huy Hà Vũ giải thích:

“Bản thân tôi rất đau xót và thậm chí là căm giận khi Việt Nam hiện nay vẫn còn cái bầu không khí gọi là “chống các thế lực thù địch”, coi cuộc chiến kết thúc vào ngày 30 tháng Tư 1975 như một vị thế thắng lợi gọi là đúng đắn, còn người bị đánh bại ở miền Nam thì coi là ‘thế lực xấu xa” và cần phải loại trừ vĩnh viễn ra khỏi cuộc sống của người dân Việt Nam, thì tôi cho chuyện đấy là vô cùng bậy bạ.”

Vẫn theo lời ông thì cuộc sống luôn có những tranh chấp, ngay cả trong một gia đình cũng vậy, người ta có thể cãi nhau, thậm chí lúc nóng lên thì có thể đánh nhau nữa là khác:

“Nhưng đến khi mâu thuẫn đến khi xung đột được giải quyết bằng một bên thắng chẳng hạn và một bên thua, thì tất cả đều là anh em cùng một nhà cả, hà cớ chi lại lấy sự khác biệt về mặt tư tưởng gọi là cộng sản với tư tưởng gọi là không cộng sản, trong khi cộng sản bây giờ không còn tồn tại trên thế giới nữa mà đó là cái của dởm, thì há cố gì lại lấy cái của dởm ấy để khẳng định tiếp tục cái cuộc chiến mà đã kết thúc vào 30 Tháng Tư 1975?

Việc nhà cầm quyền Việt Nam sau 1975 lại đưa cả trăm nghìn người gồm các quân nhân và viên chức chính thể Việt Nam Cộng Hòa vào tập trung cải tạo thì tôi thấy chuyện đó quá bất bình thường.

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Việc nhà cầm quyền Việt Nam sau 1975 lại đưa cả trăm nghìn người gồm các quân nhân và viên chức chính thể Việt Nam Cộng Hòa vào tập trung cải tạo thì tôi thấy chuyện đó quá bất bình thường. Bởi khi đánh nhau trên chiến trường thì một bên thắng một bên thua, một bên hạ vũ khí rồi, một bên giành chiến thắng về mặt quân sự rồi, bây giờ lại còn phải tẩy não, phải buộc người ta từ bỏ cái chính kiến của họ, tôi cho rằng đấy là chuyện bất công.

Con người sinh ra đều có quyền tự do, một trong những nguyên tắc cơ bản mà chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 Tháng Chín, đã nói tới. Và thực ra điều này nhắc lại nguyên tắc đã được Tuyên Ngôn Độc Lập của Mỹ nêu ra.”

Đó là quan điểm của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, được biết đến như một trí thức dám ăn dám nói, dám phát biểu thẳng thắn những suy nghĩ của riêng mình. Ông cũng là người từng tự đứng ra xin ứng cử vào quốc hội, từng đệ đơn kiện thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dự án cho khai thác bauxite ở Tây Nguyên.

Cần nghiên cứu và đưa giải pháp

Các phạm nhân phân trại K1 thuộc trại giam Z30A
Các phạm nhân phân trại K1 thuộc trại giam Z30A sau giờ nghỉ trưa đi lao động buổi chiều. Courtesy Việt báo (Courtesy Việt báo)

Ý kiến của phía các đại diện dân cử thì sao? Trả lời đài Á Châu Tự Do, đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nói:

“Tôi cho đề nghị đó là một đề nghị nghiêm túc mà chắc là ủy ban thường vụ quốc hội sẽ phải nghiên cứu và đưa ra giải pháp. Còn cá nhân tôi thì tôi cũng chưa được đọc đề nghị của ông Cù Huy Hà Vũ.”

Được hỏi là đại biểu quốc hội thì ông có hay biết gì về chuyện nhiều tù nhân là cựu quân nhân và cựu viên chức miền Nam vẫn còn bị giam cầm cho đến lúc này, ông Nguyễn Minh Thuyết trả lời:

“Tôi thực ra không phải là người có am hiểu về lãnh vực tư pháp. Cho nên quả thật cũng lần đầu tiên tôi nghe nói là còn có những người phục vụ cho chế độ cũ mà vẫn còn ở trong trại giam.

Thực sự nó như thế nào thì tôi chắc là phải hỏi Ủy Ban Tư Pháp của quốc hội, và đối với những anh em mà người ta đã có cải tạo tốt, có án mà có cải tạo tốt, thì theo tôi là mình cũng cần phải khoan hồng cần phải đại xá như tất cả các trường hợp khác.”

Nên xử sự công bằng và bình đẳng

Trong khi đó, cũng cùng một câu hỏi, đại biểu quốc hội Lê Minh Cuông phát biểu:

“Tôi thấy bây giờ Việt Nam đang hội nhập với quốc tế. Chính phủ Việt Nam cũng đã có quan điểm là đại đoàn kết toàn dân tộc, không kể là người ở trong nước hoặc sống ở nước ngoài hoặc có quá khứ như thế nào.

Bây giờ là tập trung để xây dựng đất nước và góp phần đại đoàn kết dân tộc, thì chính phủ Việt Nam cũng như nhân dân Việt Nam cũng là xử sự công bằng và bình đẳng.

Còn những người mà trước đây do lịch sử để lại hoặc là có những lầm lỗi, có những lý do này lý do khác, mà ăn năn hối lỗi hoặc là có kết quả cống hiến cho đất nước hay là thay đổi quan điểm, không có tư tưởng chống phá cách mạng Việt Nam, có những đóng góp trong công cuộc đổi mới của đất nước thì tôi nghĩ sẽ được chính phủ Việt Nam khoan hồng.”

Tùy trường hợp

Lá đơn khiếu nại thứ 500 của anh Nguyễn Hữu Cầu
Trong 28 năm anh Nguyễn Hữu Cầu đã gởi hơn 500 lá đơn khiếu nại (Photo courtesy Blog 1nguoiviet)

Còn đại biểu quốc hội Dương Quốc Trung thì cho là cần phải nhìn vào từng trường hợp:

“Tôi nghĩ rằng việc đặc xá thì nó cũng có cái tiêu chí chung với tất cả những phạm nhân. Nếu đặt những tiêu chí ấy thì tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta nên giải quyết.

Hơn nữa nếu gọi là những người của chế độ cũ thì thật ra chế độ cũ chấm dứt cũng đã lâu rồi, từ năm bảy mươi nhăm đến giờ là ba mươi nhăm năm rồi thì tôi không nghĩ rằng là còn có những người thuộc diện đó còn ngồi trong tù. Đương nhiên trừ những trọng tội nào đó thì phải nắm cụ thể.”

Được yêu cầu giải thích về từ cụ thể mà ông vừa sử dụng, đại biểu quốc hội Dương Quốc Trung nói tiếp:

Nếu đi vào trường hợp cụ thể thì tôi nghĩ rằng việc chống phá nhà nước thì không nên gắn với người của chế độ cũ, vì người chế độ cũ đã giải quyết từ sau khi chiến tranh kết thúc thì nó có những chính sách. Chính sách có đúng hay sai chăng nữa thì nó cũng thuộc diện đã qua rồi, còn nếu tiếp tục những hành vi chống đối thì tôi nghĩ là đừng nên gắn với những người của chế độ.

Cho nên tôi nghĩ rằng nó nên đi vào cụ thể từng trường hợp một. Và đương nhiên đặc xá thì luôn luôn dành cho những người mà có được một sự sửa sai cho mình. Tôi nghĩ rằng phải đi vào từng trường hợp cụ thể chứ không nên nói chung như vậy.”

Bước đầu hòa giải dân tộc

Trở lại với tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, mà trong kiến nghị gởi quốc hội để yêu cầu tiến tới một đạo luật hẳn hoi, qua đó tuyệt đối không được phân biệt, kỳ thị những người của chế độ cũ. Về điểm này, ông khẳng định:

“Hoàn toàn chính xác như vậy. Kiến nghị này cụ thể là tôi đề nghị quốc hội đại xá, tức là trả tự do không điều kiện, nó khác với đặc xá.

Đặc xá là trả tự do có điều kiện, thí dụ những người tù phải thấy là mình cải tạo tốt này, theo quan điểm này, theo quan điểm kia của nhà cầm quyền này. Nhưng đại xá là nhận thức trên vấn đề tinh thần của dân tộc, đại xá trên tinh thần của những người anh em đồng bào mà trả tự do không điều kiện.

Còn nếu sau đây quốc hội vận dụng được điều khoản đại xá, là trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân vốn là quân nhân và viên chức của chính thể Việt Nam Cộng Hòa thì tôi cho đó là một cái bước hòa giải dân tộc quan trọng để đi đến những bước khác nữa.

TS Luật Cù Huy Hà Vũ

Còn nếu sau đây quốc hội vận dụng được điều khoản đại xá, là trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân vốn là quân nhân và viên chức của chính thể Việt Nam Cộng Hòa thì tôi cho đó là một cái bước hòa giải dân tộc quan trọng để đi đến những bước khác nữa.”

Những bước khác nữa, mà tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ muốn nói, là quyền được bày tỏ chính kiến, quyền được bày tỏ lòng yêu nước và quyền được đóng góp để xây dựng cơ đồ của đất nước.

Ông cũng nhấn mạnh rằng tất cả mọi công dân Việt Nam đều có quyền tham gia chống lại những cuộc xâm lăng từ bên ngoài, những ý đồ có tính cách xâm phạm chủ quyền và độc lập của đất nước Việt Nam.

Theo dòng thời sự: