Hiện nay, các cơ quan chức năng tại Việt Nam đang chuẩn bị dự thảo Luật Báo Chí sửa đổi để trình Quốc Hội vào cuối năm 2008. Giới quan sát cho rằng 2 khuynh hướng bảo thủ và cấp tiến đang cố gắng ảnh hưởng lên bản dự thảo này. Biên tập viên Thiện Giao tìm hiểu và ghi nhận sau đây.
Tư nhân hoá báo chí?
Những phát biểu trái ngược nhau, được đưa ra trong gần cùng 1 thời điểm, liên quan đến cùng 1 đề tài, khiến giới quan sát cho rằng hiện Việt Nam đang có 2 khuynh hướng trái ngược nhau liên quan đến câu hỏi: Có nên cho phép tư nhân hoá báo chí hay không?
Bản tin ngày 16 tháng Bảy trên báo Lao Động, trích lời ông Nguyễn Minh Thuyết, trưởng Đoàn Giám Sát Tình Hình Thi Hành Luật Báo Chí của Quốc Hội, rằng những biến chuyển trong mô hình báo chí, sự phát triển của báo điện tử, blog cá nhân, sự có mặt của nhà báo nước ngoài vào Việt Nam, khiến Việt Nam “phải sửa đổi luật cho phù hợp với thực tế.”
Liên quan đến điều này, bản tin ngày 17 tháng Bảy trên BBC thì viết là “quan chức Bộ Thông Tin và Truyền Thông một lần nữa khẳng định Việt Nam sẽ không có báo chí tư nhân, nhưng không loại trừ ‘liên kết’ với cá nhân hay tổ chức để phát triển.”
Ít hôm sau đó, cũng trên tờ Lao Động, ông Nguyễn Minh Thuyết nói rằng hiện tượng tư nhân đứng đằng sau các đơn vị báo chí là “lách luật,” nhưng “qua giám sát chưa thấy có biểu hiện tiêu cực rõ rệt” và thậm chí “có thể nói là mang lại một số lợi ích nhất định.”
Một nhà báo nhận xét rằng, việc ông Thuyết công nhận là “xã hội hoá báo chí đã định hình” cho thấy tư nhân đang có mặt trong các hoạt động báo chí tại Việt Nam. Về điều này, ông Văn Lang, một nhà báo tự do đang sống tại Sài Gòn, thừa nhận.
“Thực ra, báo chí tư nhân ở Việt Nam đã thành hình dưới hình thức này hay hình thức khác từ thập niên 1990s. Tôi muốn nói là có một sự “núp bóng.” Nhiều tờ báo vẫn đứng dưới danh nghĩa chủ quản nhà nước nhưng thực ra là tư nhân mua lại.”
<i>"Thực ra, báo chí tư nhân ở Việt Nam đã thành hình dưới hình thức này hay hình thức khác từ thập niên 1990s. Tôi muốn nói là có một sự "núp bóng." Nhiều tờ báo vẫn đứng dưới danh nghĩa chủ quản nhà nước nhưng thực ra là tư nhân mua lại."</i>
Ông Văn Lang<i> </i>
Giới quan sát cho là những phát biểu trái chiều, của một bên là đại diện Quốc Hội, với bên kia là quan chức Bộ Thông Tin Truyền Thông, là chỉ dấu cho thấy 1 cuộc chạy đua giữa 2 khuynh hướng cấp tiến và bảo thủ nhằm tạo ảnh hưởng lên Dự Thảo Luật Báo Chí sửa đổi sẽ được trình Quốc Hội vào cuối năm nay.
Trả lời câu hỏi của báo Lao Động là liệu tư nhân, có tiền vốn tham gia sản xuất báo chí, có thể tác động đến nội dung hay không, thì ông Nguyễn Minh Thuyết nói là “điều đó khó tránh khỏi.”
Hiện tượng “xã hội hoá”
Trên thực tế, hiện tượng “xã hội hoá” hay nói cách khác là “tư nhân hoá,” đã có từ lâu trong hoạt động báo chí Việt Nam. Một nhà báo cho rằng việc lập “hàng rào nội dung” luôn luôn vấp phải phản ứng “xé rào” từ báo giới.
“Quản lý báo chí cũng giống như người ta vẽ một vòng tròn bằng phấn rồi bỏ báo chí vào bên trong. Một số nhà báo nhìn trước ngó sau, thấy cơ quan quản lý lơ là thì chạy ra khỏi vòng tròn. Đến khi bị gọi thì lại chạy vào, đợi sự lơ là tiếp theo. Mặc dầu vậy, tôi xin khẳng định là tại Việt Nam chưa có tự do báo chí đúng nghĩa.”
Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng nói với báo Lao Động, là quá trình lấy ý kiến dự thảo Luật Báo Chí sửa đổi cho thấy hầu hết các cơ quan báo chí đều ủng hộ đề nghị cho phép các thành phần xã hội tham gia vào báo chí dưới dạng liên kết. Nhà báo Văn Lang nhận định.
“Tôi cho là hầu như tất cả những ai làm báo đều muốn báo chí tư nhân. Báo chí tư nhân không có nghĩa là không bị kiểm soát. Còn những ai muốn giữ báo chí lại cho nhà nước thì điều này có nghĩa là công cụ của nhà nước, Bộ Thông Tin Truyền Thông chẳng hạn, sẽ kiểm soát toàn bộ.”
Theo bản tin của BBC, thì ông Đỗ Quý Doãn, thứ trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông, nói là cá nhân có thể tham gia ở mức độ nào đó, nhưng cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu báo chí phải chịu trách nhiệm toàn bộ về nội dung ấn phẩm. Thông tin này có vẻ phù hợp với nhận định của nhà báo Văn Lang, khi ông nói là “không có gì mới nhưng sẽ có nhượng bộ.”
“Tôi cho là với tình hình này, dự luật Báo Chí cũng sẽ không có gì mới. Phía chủ trương nhà nước vẫn nắm báo chí sẽ thắng. Nhưng có thể họ sẽ có đôi chút nhượng bộ.”
<i>"Tôi cho là với tình hình này, dự luật Báo Chí cũng sẽ không có gì mới. Phía chủ trương nhà nước vẫn nắm báo chí sẽ thắng. Nhưng có thể họ sẽ có đôi chút nhượng bộ." <br/> </i>
Nhà báo Văn Lang
Tưởng cũng nên nhắc lại, là hồi cuối tháng 12 năm ngoái, dư luận trong nước cho rằng chính phủ Việt Nam đã gần như đi tới quyết định cho tư nhân hoá báo chí. Vào lúc ấy, một vài bản tin viết rằng Văn Phòng Chính Phủ tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để tìm quan điểm thống nhất cho Danh Mục Lãnh Vực Độc Quyền Nhà Nước. Sau cuộc họp ấy, và sau khi phân tích các căn cứ pháp lý, thực tiễn, thì thống nhất không đưa lãnh vực thành lập cơ quan báo chí vào danh mục lãnh vực độc quyền của nhà nước.
Những quyết định ấy mau chóng lắng xuống, chìm vào quên lãng, để rồi đến tháng Bảy này lại có các tranh luận sôi nổi về quyền tư nhân của truyền thông. Giới quan sát cho là 2 khuynh hướng tư nhân hoá và nhà nước độc quyền vẫn đang cạnh tranh quyết liệt, ngay trên các phương tiện truyền thông.
Câu trả lời sau cùng, liệu báo chí Việt Nam có được tư nhân hoá hay không, cần phải đợi đến cuối năm nay.