Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi gần đây của sinh viên trong nước đã gây lo ngại cho chính quyền Việt Nam vì những bạn trẻ này đã nhờ các trang blog của mình để liên lạc và thông tin lẫn nhau, giúp việc chuẩn bị biểu tình rất chu đáo và tập trung được nhiều người.
Các trang blog này đang bị nhà cầm quyền chú ý, và mới đây Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn cho biết sẽ từng bước kiểm soát những trang blog có nội dung xấu theo như tinh thần của luật báo chí Việt Nam.
Blog, phương tiện bày tỏ quan điểm của giới trẻ
Trang nhật ký điện tử còn gọi là blog hiện đang được các bạn trẻ Việt Nam sử dụng vào rất nhiều mục đích, trong đó bao gồm những bài viết nói lên suy nghĩ của mình cũng như của bạn bè.
Các trang blog giúp cho việc thông tin đến một lượng lớn người cùng một lúc qua các đường link, cũng như những địa chỉ blog quen thuộc được công dân mạng biết tiếng sẽ là nơi gặp gỡ, trao đổi hay phát tán thông tin cực kỳ nhanh chóng.
Sự kiện một nhóm sinh viên trong nước tổ chức biểu tình chống Trung Quốc qua thông tin trên những trang blog cá nhân hồi gần đây là một thí dụ về sức mạnh truyền thông của internet.
Cũng qua sự kiện này nhà nước đã thấy rõ những tiềm ẩn mà họ cho là nguy hiểm có thể đe dọa sự an toàn của chế độ thông qua tính phát tán rộng lớn mà chỉ có internet mới có thể có được.
Những đề nghị kiểm soát các trang blog nhân dịp này được nhắc lại chính thức trong các hội nghị truyền thông và những đề nghị này lên án các trang blog có nội dung thiếu lành mạnh sẽ làm một bộ phận rất lớn thanh niên bị tha hóa hay đồi trụy vì những trang blog bẩn chứa nhiều thông tin xấu.
Bóp nghẹt tự do ngôn luận?
Giới ký giả trong nước trước nguồn tin này đều tỏ ra lo ngại. Nhiều người cho rằng hành động vơ đũa này sẽ khiến quyền tự do ngôn luận bị tước đoạt và các hoạt động thuộc lĩnh vực tinh thần sẽ bị dần dần lấn át. Trao đổi với nhà báo tự do Trần Tiến Dũng chúng tôi ghi nhận được những ý kiến của ông về việc này với kinh nghiệm bản thân như sau:
Nhà báo Trần Tiến Dũng: "Nhà nước cho rằng phải quản lý blog chính vì thời gian gần đây có những cuộc mời gọi biểu tình chống Trung Quốc lan truyền, nó được đi theo những đường link của blog mà đến các blogger. Gần như trong 3 cuộc biểu tinh chống Trung Quốc mới đây thì bộ phận lớn thanh niên tham gia đều là cư dân của blog cả, tức là dân cư mạng cả.
Điều này làm cho họ bắt đầu lo lắng và sợ hãi. Tất nhiên "họ" ở đây là tôi muốn nói đến những người có nhiệm vụ về chức năng nhà nước. Họ cảm thấy sợ hãi và họ muốn thò bàn tay họ vào thế giới của cư dân mạng để "dạy bảo" người ta thế nào là tốt, thế nào là xấu, bằng những biện pháp quản lý, mà cái điều này tôi tin rằng không bao giờ thực hiện được.”
Về cuộc biểu tình mới đây, một nhà báo khác đã tham dự trực tiếp trong cuộc biểu tình của sinh viên chống Trung Quốc mới đây cũng như từng bị công an làm khó dễ trong nhiều tiếng đồng hồ là ông Nguyễn Hoàng Hải đã bức xúc khi nghe tin các trang blog có nguy cơ bị xóa bỏ, ông Hải, chủ nhân trang blog có tên Điếu Cày cho biết:
blogger Điếu Cày: "Cái vấn đề này nó là vấn đề quyền hiến định của công dân rồi. Công dân có quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận. Vì vậy việc chính phủ muốn cấm đoan tất cả các nguồn thông tin trên internet thì cho thấy cái này là họ làm một cái việc vi hiến. Còn nếu ra những quyết định như vậy thì chính họ đã ngang nhiên vi hiến, vi phạm hiến pháp.
Tôi cũng thấy việc sử dụng tự do thông tin, tự do ngôn luận của người dân cần phải được tôn trọng và chính phủ cũng phải hoạt động trong môi trường trưyền thông minh bạch, chứ không thể cấm đoán những nguồn thông tin và định hướng nó được. Định hướng thông tin bây giờ trong thế giới phẳng này là cực kỳ khó, do vậy cái này thì họ cũng đã đề nghị nhiều lần nhưng mà chắc là quản lý nó không hiệu quả đâu.
Ở Việt Nam thì người dân người ta không sử dụng blog như các nước khác. Các nước khác thì đa phần đây là những trang nhật ký cá nhân thôi, nhưng mà ở Việt Nam là do tình hình tự do thông tin. Cũng như Việt Nam và Trung Quốc, một số nước khác có cấm đoán về truyền thông sử dụng blog như là một chỗ để họ (blogger) cất lên tiếng nói, chính kiến của mình, mà các báo chí chính thống không thể nào đăng tải những cái đó.
Cho nên ở đây cũng là một cái quyền được nói của người dân mà kỹ thuật đã cung cấp cho người dân một phương tiện rất là hữu ích. Tôi thấy việc phát triển blog ở Việt Nam như vừa qua sẽ góp phần vào tiến trình dân chủ hoá đất nước.”
Liệu có xóa bỏ được hết các blogs?
Tuy nhà nước Việt Nam chưa ra quyết định chính thức về việc này nhưng nhiều người nghĩ rằng việc xóa bỏ các trang blog không phải là điều dễ dàng dù nhà nước có đủ nhân lực và phương tiện để thực hiện.
Khả năng làm áp lực với Google hay Yahoo như Trung Quốc đã làm hòan toàn nằm ngoài tầm tay của Hà Nội. Hơn nữa hai công ty này đang bị Quốc Hội Hoa Kỳ điều tra về những đơn thư tố cáo họ tiếp tay với chính quyền Trung Quốc nhằm đàn áp các thành phần tranh đấu. Ông Trần Tiến Dũng cho biết:
Nhà báo Trần Tiến Dũng: "Nhà nước này luôn luôn đòi quản lý tất cả những cái mà họ cho rằng họ không thể quản lý được. Nhưng mà riêng ở blog thì lại càng không khả thi.
Những chuyên gia máy tính, những tay hacker trẻ đang làm cho những ngân hàng lớn hôm qua tôi có dịp gặp nói rằng điều này là bất khả thi, mà cũng không thể phân biệt blog xấu hay blog tốt, tại đó là một cái trang có tính cá nhân của mỗi người.
Cái truyền thông từ đó ra như thế nào thì các "fan"của họ tự biết và họ cũng tự lọc hết tất cả những gì mà không cần thiết với người ta.”
Tác giả trang blog Điếu Cày cũng cùng một ý kiến với với nhà báo Trần Tiến Dũng, ông nói:
blogger Điếu Cày: "Cái việc thực tế có quản lý được blog hay không thì tôi thấy khó mà quản lý được blog, tại vì chỉ 5 phút thì một blogger có thể lập ra một cái trang mới và bắt đầu lại viết bài tiếp tục.
Họ đã có cái tiếng của họ rồi, có mối quan hệ rồi thì cái trang của họ sẽ rất đông người đến ngay tức khắc. Còn nhiều hệ thống cung cấp những trang blog như thế nữa, cho nên việc quản lý blog là không tưởng.”
Dư luận cho rằng các trang blog là khuôn mặt của tự do ngôn luận của một nước cho nên khi muốn dẹp bỏ nó dù với bất cứ một lý do gì thì nhà nước cũng phải xem xét thật cẩn thận trước khi bắt tay thi hành.
Các nước dân chủ trên thế giới sẽ không có cơ hội chỉ trích cho tới khi nào quyền hiến định của dân chúng còn được chính quyền tôn trọng.