Nam Nguyên trình bày vấn đề này.
Mạng tin thương mại Bloomberg hôm 21/10 trích lời Bà Concepcion Calpe, chuyên gia kinh tế cao cấp của Lương Nông Quốc Tế trong cuộc phỏng vấn ở Rome cảnh báo: “Nguy hiểm sẽ diễn ra vào năm tới”. LHQ dự báo tồn kho gạo tại 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới có thể giảm vào sang năm gây hạn chế nguồn cung cấp toàn cầu và đẩy giá tăng cao.
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo xếp thứ nhì thế giới sau Thái Lan, vị trí tiếp theo thuộc về Pakistan, Ấn Độ và Mỹ. Theo lời kinh tế gia của Lương Nông Quốc Tế thì Thái Lan và Việt Nam có thể xuất khẩu nhiều gạo trong năm 2010.
Hiện nay giá gạo theo hợp đồng giao sau đã tăng liên tục trong 8 ngày, hướng tới một đợt tăng giá không ngừng lâu nhất từ tháng 3/2008 cho tới nay. Trong tháng 10 giá gạo thế giới đã tăng 16%.
Không ảnh hưởng an ninh lương thực

Đối với các thông tin cho rằng, sản lượng gạo của Việt Nam có thể giảm vì lũ lụt vừa qua ở miền Trung và tình trạng thiếu nước canh tác do lũ thấp ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Trí Ngọc Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn trấn an:
“Chắc là không ảnh hưởng đến an ninh lương thực, vì vụ lúa mùa ở miền Trung cơ bản đã thu hoạch rồi. Toàn bộ 5 tỉnh này chúng tôi mất cỡ khoảng 17 ngàn héc-ta chưa kịp thu hoạch, mất đi khoảng từ 60 đến 70 nghìn tấn thóc thì không ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Trong khi đồng bằng sông Cửu Long cũng đã thu hoạch xong trên diện tích cơ bản.”
Về dự báo tình trạng thiếu nước canh tác có thể ảnh hưởng vụ đông xuân 2010-2011, vụ lúa lớn nhất trong năm ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông Nguyễn Trí Ngọc nhận định:
“Năm nay đúng là đồng bằng sông Cửu Long lũ về muộn với khả năng là thấp, tình trạng này gây khó khăn lớn cho vụ đông xuân.
Tuy nhiên chúng tôi đã chỉ đạo vùng đồng bằng sông Cửu Long chống hạn, khai thông dòng chảy và đặc biệt là có các giải pháp chống xâm nhập mặn, những việc này hết sức quan trọng. Vì vậy thời vụ và cơ cấu giống phải hết sức linh hoạt để đảm bảo khắc phục được hạn hán và mặn xâm nhập.”
Chắc là không ảnh hưởng đến an ninh lương thực, vì vụ lúa mùa ở miền Trung cơ bản đã thu hoạch rồi.
Ông Nguyễn Trí Ngọc
Trên thực tế nông dân đồng bằng sông Cửu Long đã cứu vãn tình hình cho riêng mình, bất chấp khuyến cáo gieo sạ vụ đông xuân đúng thời vụ để né rầy và dịch bệnh. Nhiều nơi nông dân đã xuống giống vụ đông xuân, đi trước lịch thời vụ từ 40 tới 60 ngày vì nước lũ không về. Một nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Ở vùng tôi đang chuẩn bị làm đất trong vài ngày nữa thì xuống giống. Mình phải chấp nhận sạ sớm, chấp nhận khó khăn vụ đông xuân nhiều sâu rầy, tại vì lúa ‘chét’(*lúa tái sinh từ gốc rạ) vừa mới trục xuống, lượng rày nó còn tồn còn ở lại trên đồng ruộng mình, không cách ly được, đúng ra là phải cách ly 3 tuần.
Tụi tui phải chấp nhận, ruộng không có nước thì phải bơm nước lên cày ải, sửa sang đất đặng làm, nước ngọt nhưng phèn nhiều. Nếu mà chờ cuối tháng 11 thì sẽ gặp mặn cuối vụ, giá lúa hấp dẫn chấp nhận làm dù chi phí cao.”
Tác động giá cả

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, liên quan tới các thông tin thị trường gạo thế giới được dự báo có biến động vào sang năm vì thiếu hụt nguồn cung cấp. Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc, người nắm vững kế hoạch sản xuất và sản lượng lúa gạo toàn quốc nhận định là, biến động về giá cả đặc biệt giá lương thực trong đó có giá gạo đều tác động đến Việt Nam, vì vậy trước khi kết thúc vụ hè thu bắt đầu vào vụ thu đông, giới hữu trách đã yêu cầu các tổng công ty lương thực vừa thăm dò, vừa ký kết các hợp đồng xuất khẩu, làm sao có lợi cho người nông dân cũng như có lợi cho xuất khẩu.
Trước diễn biến mới của thị trường lúa gạo thế giới, liệu chính phủ có tiếp tục chính sách không hạn chế xuất khẩu gạo mới áp dụng lần đầu tiên trong năm nay hay không, Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc nhận đinh:
“Chính sách này, theo tôi nghĩ, sẽ được tiếp tục áp dụng cho những năm tới. Tuy nhiên trong điều hành xuất khẩu gạo, là phải hết sức linh hoạt, căn cứ vào điều kiện thị trường quốc tế cũng như điều kiện thị trường trong nước và khả năng sản xuất, nhất là với tác động của biến đổi khí hậu như hiện nay.”
Theo Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 15/10 các doanh nghiệp đã xuất khẩu thực tế 5.500.000 tấn gạo trị giá hơn 2,3 tỷ USD. Trong đó, riêng đồng bằng sông Cửu Long cung cấp 5.200.000 tấn gạo chiếm 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Từ nay đến hết năm 2010 còn hơn hai tháng, những nông dân đang thu hoạch lúa thu đông có thể trúng đậm. Khuynh hướng giá gạo thế giới còn tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2011, vào thời gian thu hoạch vụ đông xuân. Điều còn lại hoàn toàn tùy thuộc khả năng điều hành kinh tế của chính phủ.
Theo dòng thời sự:
- Đồng bằng Sông Cửu Long: Khi nước lũ không về
- Phương pháp làm ruộng ít nước mà tăng sản lượng
- Lũ lụt miền Trung không ảnh hưởng xuất khẩu gạo
- Sốt gạo thế giới, Việt Nam được lợi?
- Indonesia phải nhập khẩu gạo vì thiên tai
- Việt Nam xuất khẩu nhiều gạo nhưng giá không cao
- Việt Nam có thể xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo năm 2010