Trước giờ khai mạc, Khánh An của đài chúng tôi có cuộc phỏng vấn nhanh với một số người dân thủ đô để tìm hiểu xem họ nghĩ gì và có cảm xúc như thế nào đối với sự kiện này.
Cảm xúc buồn vui
Đẹp thì có đẹp nhưng mà có được đi đâu! Họ cấm đường rồi chị ạ. Còn những đường người ta không cấm thì chả đẹp gì cả!
Bạn Mậu Thìn
Hôm nay, Hà Nội sẽ chính thức khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Nhiều người dân thủ đô cho biết, sự kiện này mang đến cho họ nhiều cảm xúc buồn, vui khó tả, đặc biệt là bộ mặt Hà Nội trong những ngày qua được trang hoàng lộng lẫy với nhiều màu sắc của đèn và hoa đã không khỏi khiến nhiều người hân hoan, đặc biệt là các bạn trẻ. Hồng Trang, sinh viên Học viện Tài chính Hà Nội, cho biết:
"Ấn tượng nhất thì có thể nói đến là việc trang hoàng lại đẹp bộ mặt của thành phố. Thành phố bây giờ rất đẹp, rất lung linh, đèn này, hoa này, rất đẹp, sạch và thoáng. Mọi người đều thấy vui vì Hà Nôi đẹp lên rất nhiều. Thứ hai, em cũng thấy mừng là trong đợt này Ban tổ chức cũng có để sinh viên và thanh niên giúp cho đại lễ qua việc tuyển tình nguyện viên. Em thấy đây là một hoạt động rất bổ ích."
Tuy nhiên, đối với những bạn trẻ không tham gia hoạt động tình nguyện thì việc chen được chân vào để xem đại lễ lại là chuyện không dễ. Mậu Thìn, một nhân viên máy tính tại Hà Nội, than thở:
“Đẹp thì có đẹp nhưng mà có được đi đâu! Họ cấm đường rồi chị ạ. Còn những đường người ta không cấm thì chả đẹp gì cả!”
Bởi vậy nên đối với Mậu Thìn, đại lễ không mang lại cảm xúc gì đặc biệt cho anh.
“Dạ, chả cảm giác gì cả bởi vì người ta cấm đường hết rồi, có làm gì được đâu. Muốn đi vào những đường đó là phải có thẻ chứng nhận tôi là như thế này, nhân viên của công ty này, rồi đóng dấu giáp lai vào thẻ và có chứng minh thư rồi mới được đi. Em cũng chả biết người ta tổ chức cho ai đây.”
Quá xa xỉ
Theo lịch trình hoạt động được công bố, nhiều hoạt động như diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa, biểu diễn nghệ thuật tại 5 sân khấu xung quanh hồ Hoàn Kiếm, các cuộc thi, triển lãm, hội thảo v.v… sẽ diễn ra trong suốt 10 ngày, kể từ hôm nay. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị và kinh phí cho sự kiện này đã bị dư luận trong thời gian qua chỉ trích khá nhiều vì lãng phí. Được biết, kinh phí cho sự kiện này lên đến 94 ngàn tỷ đồng Việt Nam (khoảng 4,5 tỷ đô-la), tương đương với 10% ngân sách quốc gia. Chị Lý Thị Mai, cư ngụ tại Hà Đông, nhận xét:
“Tất nhiên là cũng phải làm cho đẹp hơn nhưng giá như mà mình làm sớm hơn chút nữa để đến ngày đại lễ này được hoàn hảo hơn thì mọi người cũng vui hơn, nhưng cũng không phải vì thế mà mình quá xa xỉ. Tôi nghĩ là như thế. Làm cái gì cho nó long trọng, đẹp là được, mà nó không mất quá nhiều tiền của.”
Tôi nghĩ là như thế. Làm cái gì cho nó long trọng, đẹp là được, mà nó không mất quá nhiều tiền của.
Chị Lý Thị Mai
Theo PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ, nhà sử học có nhiều nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội thì dịp đại lễ là một dịp để suy nghĩ và nhìn lại, hơn là những hoạt động bên ngoài:
“Điều cần thiết hơn là phải suy ngẫm làm gì đây để thủ đô tiến hơn những thủ đô bạn bè ở khu vực và trên thế giới và làm cho người dân thủ đô đều được phát triển, đều được hạnh phúc. Tôi nghĩ rằng sự phát triển của một thủ đô của một đất nước thì điểm xuất phát và điểm đến cuối cùng phải là những con người, chứ không phải là những con số.”
Được biết, trong 10 ngày diễn ra đại lễ, học sinh thủ đô tại các trường học nằm trong khu vực đại lễ sẽ được nghỉ học, sau đó học bù vào các ngày chủ nhật tiếp theo.
Theo dòng thời sự:
- Ngàn năm Thăng Long và những ý kiến phản biện
- 1000 năm Thăng Long - nhiều điều chưa thuận
- 1.000 năm Thăng Long–Hà Nội: thi nhau xài tiền và phá!
- Hà Nội buộc học sinh phải về quê trong dịp lễ?
- Con đường gốm sứ ven sông Hồng
- Ngàn năm Thăng Long dưới mắt một nhà Hà Nội học
- Ráo riết chuẩn bị các lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long
- Hà Nội đã sẵn sàng cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long?
- Ngàn Năm Thăng Long trong mắt người nghệ sỹ
- Văn miếu được công nhận di sản tư liệu thế giới