Hoạt động nghiên cứu Khoa học của Giảng viên Đại học Việt Nam (Phần 1)

Với buổi hội thảo “Giải pháp tạo động lực cho giảng viên Đại học tham gia Nghiên cứu Khoa học và chuyển giao công nghệ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo mới tổ chức gần đây, thực trạng về hiện tượng giảng viên đại học không thiết tha với công việc nghiên cứu khoa học đã được đem ra bàn thảo khá nhiều.

Nhiều bất cập trong hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên Đại học Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại, những hoạt động này chưa được chú trọng đúng mức. Vậy đâu là giải pháp cho những vấn đề này, Vũ Hoàng đã có bài viết tìm hiểu về thực trạng nghiên cứu khoa học này tại Việt Nam.

Một chuyên viên trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam cho rằng những bất cập trong công tác nghiên cứu khoa học không chỉ bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ quan của chính những giảng viên với mục đích “có thực mới với được đạo” mà cũng bắt nguồn từ những yếu tố vốn vẫn tồn tại lâu đời trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Đó là cơ chế quản lý, công tác khen thưởng hay những chế độ đãi ngộ người làm nghiên cứu khoa học.

Theo quy định về chế độ làm việc với giảng viên Đại học, thời gian làm việc 40 giờ/tuần, hay gần 1800 giờ/năm, thì ngoài 900 giờ giảng dạy, giảng viên phải dành 500 giờ cho nghiên cứu khoa học, 360 giờ cho hoạt động chuyên môn và các nhiệm vụ khác. Thế nhưng, trên thực tế, giảng viên các trường đại học mới chỉ tập trung làm nhiệm vụ giảng dạy, còn khâu nghiên cứu khoa học thì gần như bị buông lỏng.

Nhu cầu “cơm áo gạo tiền"

dai-hoc-tay-do-250.jpg
Nơi dạy học và văn phòng Trường ĐH Tây Đô. Photo courtesy of giaoduc.edu.vn.

Thực trạng này, trước tiên, bắt nguồn từ chính nhu cầu “cơm áo gạo tiền”. Theo lời ông Lê Minh Tiến (ĐH Mở TP.HCM) nhận xét trong bản tham luận gửi buổi hội thảo, nguồn thu nhập chính yếu của các giảng viên ĐH hiện nay đến từ việc giảng dạy; trong khi NCKH tốn nhiều thời gian, công sức nhưng thu nhập lại ít ỏi.

Nhiều giảng viên đã dạy vượt quá số giờ quy định, với mục đích để tăng thêm thu nhập. Con số này lên đến 200-300%, nhất là khi các trường dân lập nở rộ khắp nơi và sẵn sàng trả thù lao cao hơn, lên đến 120.000 đồng/giờ nhằm thu hút giáo viên từ các trường công lập. Vì thế việc các giáo viên chuyển sang “chạy sô” sau những tiết dạy chính quy, cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài chuyện “chạy sô” đi dạy thêm, một thực tế khác đang diễn ra với những giáo viên có trình độ cao là hiện tượng “chảy máu chất xám” ngay tại chính mảnh đất của mình, nhất là đối với một số không ít những giáo viên được đào tạo với trình độ cao như thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài về Việt Nam giảng dạy.

Ngoài thời gian giảng dạy chính, họ lại “làm thuê” cho các tổ chức nước ngoài để kiếm tiền mưu sinh với số tiền trả từng ngày tính bằng trăm đô la trở lên. Vì thế những tri thức của họ không được đầu tư vào nghiên cứu khoa học, mà phần lớn là “bán chất xám” cho các dự án của nước ngoài. Lâu dần, kiến thức mai một và khi quay lại làm nghiên cứu, họ thấy “ngại” hoặc “lười”.

Do không có những NCKH và thiếu những kinh nghiệm thực tế được tích lũy trong quá trình làm nghiên cứu, bài giảng của các giáo viên thường bị xem là khô cứng, thiếu sáng tạo. Nhận xét của một giảng viên tại trường ĐHQG, không muốn nêu tên, cho rằng:

“Về chủ quan, do họ chỉ dạy thôi, cứ giáo án như thế, năm nay họ xào của năm trước, thế nên không có một động lực nào thúc đẩy họ liên tục phải đổi mới, liên tục nghiên cứu để ra những bài giảng hay. Chính vì vậy, những bài giảng của những thầy giáo thuần giảng dạy thì nó không hấp dẫn vì không có thực tế nghiên cứu, mà lại không cập nhật, thế nên học sinh chán.”

Nghiên cứu chưa gắn liền với giảng dạy

Tuy nhiên, nếu chỉ nhận định ở khía cạnh chủ quan về thu nhập để “đổ lỗi” lên người giảng viên thì cũng là bất công. Những bất cập trong hoạt động nghiên cứu khoa học còn xuất phát từ nguyên nhân khách quan hay do chính hệ thống giáo dục và đào tạo hiện nay của Việt Nam.

Trước hết, mô hình đào tạo giáo dục của Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại một nghịch lý là các viện nghiên cứu tách rời khỏi các trường đại học, nên việc kết hợp giữa công tác giảng dạy và nghiên cứu bị hạn chế rất nhiều. Vị giảng viên này cho biết tiếp:

Bởi vì mô hình của Việt Nam là viện nghiên cứu tách rời khỏi trường ĐH, nên các giảng viên của Việt Nam không phải là những người nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp...

Một giảng viên ĐH<br/>

“Bởi vì mô hình của Việt Nam là viện nghiên cứu tách rời khỏi trường ĐH, nên các giảng viên của Việt Nam không phải là những người nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, vì những người nghiên cứu KH chuyên nghiệp hầu hết tập trung ở các viện nghiên cứu.

Bất cập của nó là những người nghiên cứu chuyên nghiệp lại không gắn liền với giảng dạy bởi vì hai cơ quan trường đại học và viện nghiên cứu tách biệt nhau.”

Phân bổ thời gian giảng dạy thiếu hợp lý

Đồng thời, giáo dục Việt Nam đang dần chuyển sang hệ thống tín chỉ, nên việc phân bổ thời gian giảng dạy cho người giáo viên cũng trở nên khó khăn hơn nhiều.

Nếu cách đây khoảng 4 năm, khi chương trình “cuốn chiếu” còn được áp dụng, thì người giáo viên có thể phân bổ thời gian cho việc giảng dạy trong một quỹ thời gian cố định, khoảng thời gian còn lại sẽ được sử dụng “toàn tâm” cho công việc nghiên cứu khoa học.

Thế nhưng với hệ thống tín chỉ đang được triển khai mạnh mẽ như hiện nay, thì việc phân chia thời gian giữa làm khoa học và giảng dạy xem ra không còn hợp lý, vì giáo viên sẽ phải “xé lẻ” quỹ thời gian của mình để chạy theo chương trình giảng dạy 1-2 buổi/tuần.

Điều này khá đặc thù, nhất là đối với những ngành nghề yêu cầu người giáo viên phải đi thực tập bên ngoài hay điền dã, thì thời gian giảng dạy như vậy sẽ hạn chế công tác nghiên cứu rất nhiều. Quỹ thời gian của họ chỉ có thể đáp ứng được hoặc là giảng dạy hoặc là làm nghiên cứu khoa học mà thôi.

Cơ chế đãi ngộ, đầu tư còn hạn chế

Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. RFA PHOTO / Tyler Chapman.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. RFA PHOTO / Tyler Chapman.

Ngoài ra, chế độ đãi ngộ hay những khoản đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam cũng chưa được chú trọng đúng mức. Theo lời của ông Nguyễn Quốc Vọng (ĐH Nông Nghiệp Hà Nội) thì hiện nay, mỗi giáo viên được đầu tư khoảng 10 triệu đồng cho một đề tài nghiên cứu cấp trường là quá thấp, và để có một kết quả nghiên cứu hiệu quả với chừng ấy chi phí là điều khó có thể thực hiện được.

Tuy nhiên, kinh phí cho NCKH chỉ là một vấn đề, mà điều quan trọng hơn chính là cơ chế quản lý công tác NCKH đang diễn ra tại Việt Nam. Theo lời TS Lê Thị Tuyết Hạnh (Học viện quản lý Giáo dục) thì TS cho biết:

“Cơ chế để quản lý NCKH, có nhiều vấn đề NCKH, không phải là đăng ký trước hay đặt hàng trước, thì người ta nghiên cứu ra được, mà có cả những đề tài mang tính tự phát, trong thực tế làm việc hoặc do thiên hướng, đam mê của từng người nảy sinh. Nhưng quản lý của mình, phải có tổ chức, phải được định hướng trước.

Cần có những cơ chế để những người muốn làm khoa học thực sự được làm.

TS Lê Thị Tuyết Hạnh

Vì thế, có những nơi được phân bổ như vậy, thì họ không làm được, mà những nơi không được phân bổ, thì họ lại có những đề tài, sáng kiến thực tiễn, áp dụng được cho cuộc sống. Nhưng đối với người quản lý, có thể họ lại cho nó là chưa quan trọng, vì thế những đề tài thực sự chưa đi được vào cuộc sống. Mặt khác, những cái đã đăng ký, tổ chức, quản lý rồi, thì buộc phải nghiệm thu, phải được hoàn thành. Cần có những cơ chế để những người muốn làm khoa học thực sự được làm.”

Những yếu tố chủ quan đến từ người làm công việc nghiên cứu khoa học, thực hiện đề tài đã đặt nặng vấn tài chính cao hơn nhiệm vụ nghiên cứu, cộng với những yếu tố khách quan bắt nguồn từ cơ chế quản lý đề tài khoa học cứng nhắc hay mô hình giáo dục đại học tách rời với viện nghiên cứu, là những bất cập nổi cộm khiến việc nghiên cứu khoa học trở nên hình thức, đối phó cũng như tạo ra nhiều kẽ hở hơn trong việc sử dụng kinh phí cho công tác nghiên cứu KH.

Thưa quý vị, trong phần tiếp sau, Vũ Hoàng sẽ trình bày những góc nhìn khác nhau về thực tế NCKH này và sẽ đưa ra một vài giải pháp với sự góp ý của các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý giáo dục. Mời quý vị đón nghe.

Theo dòng thời sự: