Nguyễn Hào Anh đã bị vợ chồng chủ ngược đãi, đánh đập vô cùng tàn nhẫn trong suốt hai năm liền, nhưng mãi đến gần đây sự việc mới bị cơ quan địa phương phát hiện.
Phải chăng những người sống chung quanh em Hào Anh không hề hay biết gì về việc em bị ngược đãi? Nếu họ biết thì tại sao sự im lặng kéo dài quá lâu?
Trường hợp bị chủ ngược đãi, đánh đập của em Nguyễn Hào Anh ở Huyện Đầm Đơi, Cà Mau không phải là hiếm khi xảy ra. Báo chí trong nước đã đưa tin nhiều lao động vị thành niên bị chủ ngược đãi và hành hạ dã man trong thời gian dài mới bị phát hiện, kết thúc bằng một cuộc giải cứu, và vài năm tù đối với những kẻ thủ ác.
Cách đối xử giữa người với người
Là một chuyên gia về xã hội học, Giáo sư Tương Lai, một học giả uy tín, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, rất tích cực lên tiếng trước những vấn đề xã hội nóng bỏng, đặc biệt là hiện tượng bạo lực gia tăng trong xã hội thời gian gần đây.
Đó không phải như cách đối xử với con người nữa. Con nghĩ việc đó gần giống như là giết người vậy, nên cần phải xử với một mức án cao nhất. Còn thái độ của những người xung quanh thật ra là đáng chê trách.
Em Bảo Trân, học sinh lớp 10
Trao đổi với phóng viên của Đài Á Châu Tự Do về sự việc xảy ra với em Nguyễn Hào Anh, Giáo sư Tương Lai nêu nhận định như sau:
“Về vấn đề này thì báo chí Việt Nam đã nói rất nhiều. Dư luận trong xã hội rất phẫn nộ về hành vi tàn ác của hai vợ chồng chủ trại nuôi tôm hành hạ cháu bé. Nhưng đồng thời người ta cũng phê phán trách nhiệm của người mẹ và người bố dượng của cháu bé. Họ chỉ biết ném cháu vào một nơi như thế rồi sau đó hàng tháng lấy tiền mà không có sự chăm sóc gì.
Còn người cha ruột của cháu bé thì cũng không quan tâm gì nữa vì đã bỏ vợ và con. Thế thì đây là một thảm cảnh, một chuyện cực kỳ đau thương, và xã hội lên án hành vi tàn ác đó. Nhưng nếu nhìn chung thì phải nói rằng không phải chỉ một trường hợp của cháu Hào Anh này là bị hành hạ như thế. Báo chí cũng đã đưa nhiều những trường hợp tương tự như vậy.
Cho nên vấn đề không phải chỉ là xử phạt vợ chồng chủ trại nuôi tôm này, đương nhiên là cần phải xử phạt rất nặng để mang tính răn đe, nhưng điều quan trọng là phải có một cái nhìn khác hơn về vấn đề mối quan hệ giữa người với người trong xã hội. Làm sao lại có thể có những cách đối xử vô luân, vô nhân đạo đến như vậy.”
Nhà xã hội học cũng nêu quan điểm của ông về vấn đề này. Ông nói:
“Với tư cách là một người nghiên cứu về xã hội học thì tôi quan niệm rằng đây là vấn đề phải giải quyết ở khía cạnh chung toàn xã hội. Đây là một sự xuống cấp về mặt đạo lý, cho nên song song với việc luật pháp trị nặng vợ chồng người nuôi tôm kia, thì cũng phải làm sao để có sự giáo dục về trách nhiệm của gia đình đối với trẻ em, trách nhiệm của cộng đồng đối với mọi người.
Chứ không phải chỉ là vấn đề xử lý hai vợ chồng nguời chủ trại nuôi tôm tàn ác kia mà thôi. Trong quan niệm của chúng tôi, khi nhìn sự việc này thì phải lấy lại trách nhiệm của cộng đồng. Đây là vấn đề trách nhiệm của cộng đồng, là mối quan tâm giữa người và người, là sự yêu thương giữa người và người trong cộng đồng, theo tinh thần lá lành đùm lá rách.”
Em Bảo Trân, học sinh lớp 10 ở Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh nói lên cảm nghĩ của em, khi nghe tin một bạn nhỏ cùng lứa tuổi với em bị hành hạ. Bảo Trân nói:
“Con biết được tin này cũng lâu, qua bạn bè, với lại con đọc báo, nhưng trông thấy cảnh tượng đó thật sự con cũng không dám nhìn. Nó quá ư là khủng khiếp. Nếu như mà mình thấy người ta đánh một con vật nào đó tới như vậy thì mình cũng đã thấy ghê sợ rồi chứ nói gì tới chuyện đánh một đứa con nít tới như vậy.
Thật ra nếu đã thuê trẻ em lao động như vậy thì đã phạm tội bóc lột sức lao động của trẻ em rồi mà còn đối xử như vậy nữa thì đó không phải là vấn đề bình thường nữa mà điều đó giống như là một sự xúc phạm về nhân quyền, và rất dã man.
Đó không phải như cách đối xử với con người nữa. Con nghĩ việc đó gần giống như là giết người vậy, nên cần phải xử với một mức án cao nhất - tử hình hoặc là chung thân gì đó. Còn thái độ của những người xung quanh: không phải chuyện của mình thì không lo, hoặc là không dám. Con nghĩ điều đó là không tốt, cái thái độ đó thật ra là đáng chê trách.”
Trách nhiệm của cộng đồng
Bạo lực gia tăng, đi kèm với thái độ thờ ơ, bàng quan của những người xung quanh đang khiến cho những nhà giáo dục học, xã hội học hết sức quan ngại. Trong những bài viết của mình Giáo sư Tương Lai nhấn mạnh "Bạo lực gia tăng là nỗi đau không của riêng ai. Dù là bạo lực gia đình, bạo lực học đường, bạo lực ngoài đường phố, bạo lực trên sân cỏ… thì cũng đều là những vết thương cứa vào cơ thể xã hội. Những vết thương ấy nếu không được kịp thời chữa trị bằng những liệu pháp vừa mang tính cấp cứu, vừa có tính cơ bản lâu dài, thì di lụy của chúng sẽ thật khó lường.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, một cư dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ ý kiến:
“Thật đáng tiếc khi em bé này đã bị gia đình chủ hành hạ rất dã man như thế không phải là lần đầu mà khi em bé này bị hành hạ như thế thì chắc phải có người biết, nhưng chuyện lại để kéo dài lâu quá, có lẽ do sự thờ ơ, bảo rằng đó là chuyện của nhà họ mình không quan tâm, hoặc là họ sợ hãi, không dám báo với công an, hay không dám can thiệp.
Nhà nước phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo thì bấy giờ người ta có ý thức mới dám tố cáo, và người ta không có một thái độ thờ ơ trước những chuyện bạo hành xảy ra như vậy.
Ô. Nguyễn Hồng Phúc, cư dân TPHCM
Đến khi xảy ra mức độ quá nặng nề rồi thì lúc bấy giờ người dân mới báo cho công an đến để giải cứu và cấp cứu em bé tại bệnh viện, trạm xá của công an huyện.”
Tại sao việc em Hào Anh bị ngược đãi lại được giữ kín, không bị phát hiện lâu đến như vậy. Theo ông Phúc đó là vấn đề đáng để suy ngẫm. Ông nói:
“Theo tôi vấn đề xử phạt cặp vợ chồng này nặng như thế nào thì tôi không cảm thấy quan trọng cho lắm, mà điều quan trọng là làm sao tạo một ý thức trong xã hội, là phải bảo vệ không chỉ các em thiếu nhi mà cả những người xung quanh bị người khác hành hạ như vậy. Người ta phải dám báo cho công an, chính quyền đến giải vây cho những người bị hại như vậy.
Hiện nay có rất nhiều người sợ khi thấy người bị hại mà không dám báo. Vì họ sợ nếu đi báo, công an có hành động can thiệp thì có thể họ sẽ bị trả thù; họ suy nghĩ, chi bằng thôi đừng báo. Chỉ khi nào cả một tập thể lớn, rất đông, đồng loạt kéo đến báo công an thì khi đó người ta mới không sợ mà thôi.
Mà nếu như thế thì sẽ xảy ra tình trạng quá trễ, như trường hợp của em bé này. Nhà nước phải có biện pháp bảo vệ người tố cáo thì bấy giờ người ta có ý thức mới dám tố cáo, và người ta không có một thái độ thờ ơ trước những chuyện bạo hành xảy ra như vậy.”
Làm thế nào để xây dựng ý thức ở người dân, và thay đổi thái độ bàng quan trước vấn đề bạo hành hiện nay, đó là vấn đề đặt ra không những cho các tổ chức giáo dục xã hội, mà cả đối với hệ thống luật pháp của Việt Nam nữa.
Theo dòng thời sự:
- Làm sao chấm dứt tình trạng bạo hành đối với trẻ em?
- Người dân đòi "xử" cặp vợ chồng hành hạ trẻ em ở Cà Mau
- Tình hình bạc đãi và tra tấn trẻ em vẫn còn tiếp diễn
- Luật sư thiện nguyện bảo vệ trẻ em bị bạo hành và xâm hại
- Hoạt động của hội Save The Children tại Việt Nam
- Trẻ em bị bán làm "nô lệ tình dục"
- Đời trẻ lang thang ở Hà Nội