Cần nhân đạo hơn
Nhiều quốc gia trên thế giới chọn hình thức tiêm thuốc độc được xem làm ít gây đau đớn cho người bị thi hành án, tử thi còn nguyên vẹn, phương cách này ít tốn kém lại giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau từ phía các Đại biểu Quốc hội, có nghĩa là duy trì hình thức xử bắn.
Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thống nhất ý kiến về hai hình thức tiêm thuốc độc hay xử bắn để trình Quốc hội vào khoá họp kỳ tới. Theo quan điểm của ủy ban Tư pháp Quốc hội thì việc thi hành án tử hình bằng cách xử bắn tạo ít nhiều khó khăn nơi pháp trường, ngoài ra còn gây áp lực tâm lý về lâu dài đối nhân viên trực tiếp thi hành bản án, vì thế việc hành quyết phạm nhân cần được thay đổi theo chiều hướng nhân đạo hơn.
Khi thực hiện án tử hình bằng cách xử bắn, điều đó gây tác động, mang tính chất đau đớn, đối với người chịu hình phạt tử hình nhưng nó cũng gây áp lực đối với người thi hành án.
LS Phạm Hồng Hải
Qua kinh nghiệm từ các quốc gia đã áp dụng hình thức tiêm thuốc độc thì việc này dễ thực hiện, và khá đơn giản. Tuy nhiên vì chưa có sự thống nhất quan điểm về hình thức thi hành án tử hình cho nên Ủy ban thường vụ sẽ trình Quốc hội hai phương án để nghiên cứu và quyết định. Trong thời gian chưa áp dụng hình thức tiêm thuốc độc, khi thi hành bản án tử hình, phạm nhân vẫn bị hành quyết bằng cách xử bắn.
Qua câu chuyện với Ban Việt Ngữ, từ Hà Nội, luật sư Phạm Hồng Hải, phó Chủ tịch đoàn luật sư toàn quốc Việt Nam nói lên quan điểm của ông về hình thức thi hành án tử hình, ông cũng đưa ra một ý kiến khác:
“Về nguyên tắc thì trong một xã hội ngày càng dân chủ hơn thì cũng cần phải nhân đạo hơn, nếu như vào thời điểm nào đó, khi tình hình tội phạm giảm đi, đặc biệt là những tội phạm nguy hiểm, chống lại nhân dân, chống lại nhà nước giảm thì có thể tiến tới bỏ hình phạt tử hình. Trước mắt hiện nay còn giữ lại hình thức tử hình, báo chí cũng như giới chuyên gia pháp lý đang bàn đến việc tìm ra một biện pháp tử hình nào đó mang tính nhân đạo hơn, so với hình thức xử bắn bây giờ. Theo tôi thì cần có nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, đặc biệt là học tập ở một số nước ngoài. Khi thực hiện án tử hình bằng cách xử bắn, điều đó gây tác động, mang tính chất đau đớn, đối với người chịu hình phạt tử hình nhưng nó cũng gây áp lực đối với người thi hành án. Đối mặt với một con người đang sống, anh nhắm súng bắn vào người ta, như thế nó không hay lắm, theo tôi là như vậy.”
Nên tiêm thuốc độc?
Kế đó, từ Sài Gòn, luật sư Nguyễn Văn Hậu, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ cách thức tiêm thuốc độc khi cần kết liễu mạng sống của phạm nhân:
“Theo tôi, khi Quốc hội họp để thông qua dự luật này thì có rất nhiều ý kiến khác nhau, và mỗi ý kiến đều có lý do của nó. Thứ nhất, nếu mình tiêm thuốc độc thì người đó chết liền, giống như hình thức các nước Châu Âu áp dụng, tôi ủng hộ phương pháp tiêm thuốc độc. Khi cách ly một tội phạm ra khỏi xã hội thì tôi thấy phương pháp này hay nhất. Kế đó, tôi cũng đề xuất hình thức xử bắn, theo thông lệ quốc tế thì chúng ta nên bãi bỏ hình thức này, việc tiêm thuốc độc phù hợp với các nước đã sử dụng phương pháp này. Người ta đang tranh luận là tiêm cái gì, tiêm vào đâu, vì hình thức này còn quá mới nên có rất nhiều ý kiến khác nhau, riêng tôi thì thấy cách thức này thuận lợi hơn.”
Nếu mình tiêm thuốc độc thì người đó chết liền, giống như hình thức các nước Châu Âu áp dụng, tôi ủng hộ phương pháp tiêm thuốc độc.
LS Nguyễn Văn Hậu
Được biết trong số các đại biểu Quốc hội đề nghị chọn hình thức sử dụng thuốc độc có chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Văn Thuận, chủ nhiệm ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn. Nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng đề nghị chỉ nên đưa ra một phương án, tức là sử dụng thuốc độc và giao trách nhiệm cho chánh phủ ban hành quy trình này.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đưa ra phương án chưa thay đổi hình thức xử bắn tại dự luật lần này mà nên chuẩn bị tích cực, đến khi có đủ điều kiện thực hiện hình thức tiêm thuốc độc thì sẽ đề nghị Quốc hội sửa đổi quy định về hình thức tử hình.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ công an Lê Thế Tiệm cho rằng thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc không hề đơn giản, nhưng ông không nói rõ vì lý do gì.
Một số vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, luật gia, đại biểu Quốc hội, giới ngoại giao và truyền thông thì hy vọng rồi đây Việt Nam sẽ bãi bỏ bản án tử hình như rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện lâu nay.
Theo dòng thời sự:
- Xử bắn hay tiêm thuốc độc?
- Kêu gọi Trung Quốc công bố thông tin về án tử hình
- Năm người Việt Nam bị kết án tử hình vì buôn ma túy và hối lộ
- FIDH kêu gọi Việt Nam bãi bỏ án tử hình
- EU lên án cách Iran hành quyết 2 nhà bất đồng chính kiến
- Mỹ lên án việc Iran treo cổ 2 nhà bất đồng chính kiến
- Trung quốc đã kết án tử hình 26 người trong vụ Tân Cương