Thuốc bị thu hồi vẫn bán tại Việt Nam?

Trước thông tin có một số thuốc cảm và dị ứng đã có lệnh thu hồi tại Mỹ nhưng vẫn bán ra tại Việt Nam, Đỗ Hiếu phỏng vấn Bác sĩ Jean-Marc Olivé, Trưởng Văn phòng WHO tại Hà Nội, về vấn đề này.

Nhập lậu?

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn bác sĩ đã dành thời giờ thu thập tin tức liên quan đến tin cho hay một số thuốc có xuất xứ từ Hoa Kỳ bị thu hồi trên đất Mỹ và có thể được bày bán tại Việt Nam, như tylenol, tylenol plus, motrin, zyrtec, benadryl, bị xem là không bảo đảm cho sức khoẻ người tiêu dùng, nhất là đối với con trẻ, WHO có nhận định gì về thông tin này, thưa ông?

BS Jean-Marc Olivé: Qua các cuộc điện đàm và email trao đổi với quý đài, chúng tôi có giải thích rằng những loại thuốc vừa được liệt kê, được sản xuất tại Hoa Kỳ và rồi đã có lệnh thu hồi ngay trên nước Mỹ, không chính thức nhập khẩu vào Việt Nam, không được bày bán ở Việt Nam, vì thế không đặt thành vấn đề, không gây ra sự lo ngại nào, cho đến lúc này.

Nếu nói nhập chính thức các thứ thuốc đó, thì không có, nhưng rất có thể là có những đường giây khác đưa các loại thuốc đó, vào Việt Nam, qua các nước láng giềng khác.

BS Jean-Marc Olivé

Tuy nhiên, phải nói rõ hơn với quý vị rằng, nếu nói nhập chính thức các thứ thuốc đó, thì không có, nhưng rất có thể là có những đường giây khác đưa các loại thuốc đó, vào Việt Nam, qua các nước láng giềng khác. Vì thế chúng tôi không thể đoan chắc là các loại tylenol, motrin, zyrtec, benadryl, hiện giờ không hay xuất hiện tại Việt Nam. Theo tôi thì, nhà nước Việt Nam cần cho tiến hành kiểm tra đồng bộ tại các tiệm thuốc Tây để bảo đảm chắc là những thuốc đó, không được nhập kho và bán ra cho các khách hàng chuộng thuốc Mỹ hay thuốc ngoại.

Đỗ Hiếu: Ông có lời khuyên gì thiết thực gì đối với giới tiêu dùng tại Việt Nam, đối với các loại thuốc vừa kể, thưa bác sĩ?

BS Jean-Marc Olivé: Xin trả lời ngay rằng, bệnh nhân hay giới tiêu dùng chỉ nên sử dụng những loại thuốc được chính thức đăng ký, kiểm kê, công nhận, được phép lưu hành bởi cơ quan quản lý y dược thuộc bộ y tế Việt Nam. Đây là điều hết sức quan trọng đối với sức khoẻ của người dân cả nước, song song với việc ấy, các cơ quan, bộ ngành hữu trách cũng phải tích cực ngăn chặn các đường giây nhập thuốc trái phép từ nhiều quốc gia khác.

Đỗ Hiếu: Còn đối với các biện pháp do Việt Nam triển khai hầu ngăn ngừa hậu quả do các loại thuốc này gây ra, thì bác sĩ đánh giá ra sao?

BS Jean-Marc Olivé: Chúng tôi cho là nhà nước Việt Nam và ngành y tế công cộng đang dồn mọi nỗ lực hầu bảo đảm chắc chắn rằng các loại tân dược cung cấp cho người dân không bị làm giả, nhập lậu, được bán ra với giá hợp túi tiền của quảng đại quần chung, mọi tầng lớp xã hội, đồng thời kiểm tra kỹ lưỡng, không để sót những thứ y dược thiếu phẩm chất, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn, quá hạng sử dụng, giá bán quá cao, còn lưu hành trên thị trường hay cố ý lừa gạt bệnh nhân.

Cơ quan chức năng đang kiểm tra một nhà thuốc ở Sài Gòn. Photo courtesy of vnmedia.vn
Cơ quan chức năng đang kiểm tra một nhà thuốc ở Sài Gòn. Photo courtesy of vnmedia.vn

Theo WHO thì cục quản lý dược phẩm đang tập trung rất nhiều cố gắng hầu sớm khắc những hiện tượng mà chúng tôi vừa nói tới. Hiện nay bộ y tế Việt Nam đang cho triển khai chỉ thị kiểm tra dược phẩm tại từng nhà thuốc Tây một, qua việc thiết lập một hệ thống quản lý thống nhất bằng điện toán, gọi theo tiếng Pháp là pharmaco-vigilance để xét nghiệm chất lượng, tiêu chuẩn, đặt tính trị liệu của các loại thuốc cùng với các phản ứng phụ, cách thức ứng phó khi xảy ra triệu chứng hay dấu hiệu bất thường đối với người bệnh.

Không gây quan ngại

Đỗ Hiếu: Trên thị trường Việt Nam, có những loại thuốc trị cảm cúm sản xuất ở nội địa tương tự như được làm bên Mỹ, bị xem là không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, trị cảm cúm, nhất là đối với bệnh nhân nhi đồng không, thưa bác sĩ?

Tóm lại, các loại thuốc của Mỹ bị thu hồi, không được phép nhập khẩu vào Việt Nam, nên không phải là điều gây quan ngại đối với bệnh nhân.

BS Jean-Marc Olivé

BS Jean-Marc Olivé: Những loại thuốc làm ra và bị thu hồi tại Hoa Kỳ thì ở Việt Nam cũng có vài loại tương tự để trị các chứng cảm cúm, ho, sản xuất ngay trong nước, và cũng có cùng tác dụng trị liệu các bệnh ấy, được công nhận là hiệu nghiệm vì có sự kiểm tra, có đăng ký chính thức với bộ y tế. Nói tóm lại, các loại thuốc của Mỹ bị thu hồi, không được phép nhập khẩu vào Việt Nam, nên không phải là điều gây quan ngại đối với bệnh nhân và khách hàng, cũng như với các cơ quan y tế Việt Nam.

Đỗ Hiếu: Với tư cách trưởng phái bộ WHO tại Việt Nam, bác sĩ có nhận xét gì về những nỗ lực nói chung của nhà nước trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân?

BS Jean-Marc Olivé: Trong vòng 20 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong đối với trẻ em sơ sinh và nhi đồng thấp nhất trong vùng Đông Nam Á, mặt khác, Hà Nội cũng đang thực hiện mục tiêu bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ với chất lượng cao cho người dân cả nước.

Qua các chuyến công tác khắp nơi tận vùng sâu, vùng xa, khu vực sinh sống của các sắc tộc ít người, chúng tôi ghi nhận cố gắng của chánh quyền trong chương trình cải tiến mạng lưới y tế công cộng, mà cụ thể là xây dựng thêm trạm xá, cử thêm bác sĩ, y tá được đào tạo chuyên môn và huấn nghiệp thường xuyên, được luân chuyển, thay đổi nhiệm sở, phương vị. Tức là hoán chuyển họ từ thành thị xuống vùng nông thôn, sơn cước, hải đảo và ngược lại, hầu bảo đảm rằng mọi người đều được hưởng chế độ chăm sóc y tế đồng đều, do những cán bộ y tế có khả năng, có trình độ chuyên môn cao.

Fact box
Thống kê đến năm 2008, cả nước có:
- 5.800 dược sĩ cao cấp.
- 13.900 dược sĩ trung cấp.
- 8.600 dược tá.

Ngoài ra, nhà nước Việt Nam cũng đang xúc tiến chương trình bảo đảm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, và từng bước chánh phủ Hà Nội cũng triển khai kế hoạch bảo hiểm y tế để dân chúng trên toàn quốc, không phân biệt giai tầng xã hội, thu nhập cao thấp, được hưởng sự chăm sóc sức khoẻ đồng đều, với chi phí hợp túi tiền mọi người, nghĩa là ngày càng có thêm người được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí hay chỉ phải đóng một món tiền phải chăng. Đây là một cố gắng lớn cần được ghi nhận

Đỗ Hiếu: Xin cám ơn bác sĩ về thời giờ quý báu dành cho đài RFA chúng tôi.

Theo dòng thời sự: