Dư luận tại Việt Nam nêu thắc mắc rằng, sự “tăng trưởng ngoạn mục” như thế là điều đáng mừng hay đáng lo ? Mời quý vị nghe Đỗ Hiếu trình bày thêm chi tiết.
Theo một số thầy cô phụ trách giảng dạy và chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay thì các đề thi tương đối dễ, khá nhẹ, hơn nửa phần lớn học sinh từ yếu kém đến khá và giỏi đều có đi học thêm, học kèm. Một yếu tố khác cũng được nói đến, đó là sự vắng bóng của các thanh tra, vì theo bộ giáo dục thì công tác tổ chức thi cử đã đi vào nền nếp, không cần các giám thị cắm chốt quanh trường lớp, lúc học sinh làm bài thi. Nhiều thanh tra, giám thị tỏ ra thất vọng về kỷ cương trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua và lo ngại cứ theo đà này thì tình hình thi cử sẽ lộn xộn như hoàn cảnh mất trật tự từng xảy ra trước đây.
Chưa chắc chất lượng tốt
Lên tiếng qua RFA, giáo sư tiến sĩ Phạm Phụ, thuộc đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đưa ra nhận xét của ông về tỷ lệ tốt nghiệp cao trong niên học này:
“Trước đây người ta hay nói đến cái chuẩn trong các kỳ thi tốt nghiệp, nhưng tôi chẳng thấy có cái chuẩn nào cả. Trong chuyện tốt nghiệp cao thì chưa phản ảnh điều gì, nhìn chung thì thấy đề thi, người ta bảo là đề năm nay dễ hơn, tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn. Không thể nói tỷ lệ cao thì chất lượng tốt hơn.”
Dịp này, giáo sư Phạm Phụ cũng nêu lên một ý kiến liên quan đến việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông, có thể phù hợp với thực tế hơn:
Nhìn chung thì thấy đề thi, người ta bảo là đề năm nay dễ hơn, tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn. Không thể nói tỷ lệ cao thì chất lượng tốt hơn.
GSTS Phạm Phụ
“ Đây là chuyện hiện nay có hai kỳ thi, hiện tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông được xem là cao, phần Bộ Giáo dục thì cứ muốn duy trì kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và căn cứ vào đó mà xét vào đại học, tôi nghĩ như vậy là không nên. Theo tôi, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nên giao cho các địa phương, nơi nào thấy là nên tổ chức thi được, địa phương nào xét cho tốt nghiệp.
Thật ra giá trị bằng tốt nghiệp phổ thông cơ bản chỉ là để được quyền thi vào đại học thôi, chứ không có ý nghĩa gì lắm đâu. Nếu chỉ cần chọn một kỳ thi thì nên giữ kỳ thi vào đại học, còn các địa phương thì cần căn cứ vào điểm thi của 3 năm cuối cấp 3 để xét cho học sinh tốt nghiệp phổ thông.”
Giáo sư Phạm Phụ cũng góp ý về nội dung được giảng dạy ở cấp 3 trung học phổ thông hiện giờ:
“Chương trình dạy phổ thông là một vấn đề rất lớn, không phải là đối với kỳ thi tốt nghiệp mà là chương trình quá hàn lâm và quá nặng nề. Tại sao bắt các em học chương trình hàn lâm, mà như tôi đã nói là môn toán bắt các em trở thành nhà toán học, môn tiếng Việt, thì muốn các em trở thành nhà ngôn ngữ học? Đó mới là vấn đề chính.”
Góp ý về kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, giáo sư tiến sĩ Trần Hồng Quân, cựu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo cho biết:
“Thật sự, tôi mới nắm được tình hình của một vài tỉnh thôi, thí dụ như thành phố Hồ Chí Minh thì cao hơn một số tỉnh khác, nghe báo chí nói là các nơi tỷ lệ đạt trên 80%, tôi sẽ xem tình hình cụ thể ra sao?”
Giáo sư Trần Hồng Quân cũng nói về điều mà ông cho là “khác thường” trong kỳ thi vừa qua:
“Mình chưa nắm được cụ thể các nguyên nhân, trước khi thi nhiều người lo ngại vì có sự bất ngờ, thi đồng thời cả môn địa và sử, thì cái đó sai với lệ thường, hoặc thi địa, hoặc sử, nhưng năm nay thi cả 2 môn. Chưa biết là cái bất ngờ ấy là một trong những điều làm cho điểm tốt nghiệp cao hay không? Tôi chưa rõ về nguyên nhân.”
Nhiều chuyện “sốc” và “cười ra nước mắt”
Ông Nguyễn Hợp, giáo chức hồi hưu có theo dõi tin trên báo đài về kết quả kỳ thi trung học phổ thông thì cho đó là chuyện khôi hài:
“Cao ngất ngưỡng, có trường thi đổ 100%, mừng cũng chẳng mừng, chẳng lo, mà người ta buồn cười. Muốn cho đổ bao nhiêu thì cho, vừa qua có tin rất hay là học sinh ở Việt Nam quá giỏi, có những trường 100% học sinh giỏi, ở tiểu học ấy. Thế mà đến lúc hỏi ra thì phụ huynh học sinh phải đóng rất nhiều tiền. Chất lượng ở đây thì khỏi phải nói, muốn thế nào thì nó ra thế ấy, chứ có gì đâu. Chuyện cho đổ nhiều hay ít đâu có khó, thật buồn cười.”
Các thầy cô nói là họ “bị sốc” và “ cười ra nước mắt” vì không hiểu thí sinh đang viết điều gì?
Giáo chức Nguyễn Hợp
Cũng liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa qua, báo Hà Nội Mới có bài viết nói đến những bài văn “kinh dị” trong đợt thi cử mới đây. Nhiều giám khảo có kinh nghiệm đi chấm thi môn văn rất “vất vả, nhọc nhằn và đau đầu” vì phần lớn bài thi tỏ ra yếu kém, hạn chế về kiến thức, kỹ năng diễn đạt, cách trình bày và chữ viết. Số bài nộp đạt các điểm về mạch lạc, văn chương tinh tế, ý tưởng sâu sắc chưa tới 10%.
Các thầy cô nói là họ “bị sốc” và “ cười ra nước mắt” vì không hiểu thí sinh đang viết điều gì?
Qua kết quả “cao chót vót” của kỳ thi trung học phổ thông năm nay, nhiều giáo chức yêu cầu công tác coi thi phải hết sức chặt chẽ, nếu tổ chức lơ là, thiếu nghiêm minh thì việc giảng dậy và học tập sẽ gặp khó khăn, không phải kết quả tốt nghiệp cao trên 95% mà vội mừng, vì không thể căn cứ vào đó mà tin là chất lượng giáo dục, đào tạo tại Việt Nam đang được nâng cao.
Theo dòng thời sự:
- Trăn trở của Nhà giáo về giáo dục Việt Nam
- Quốc hội Việt Nam chỉ trích Bộ giáo dục và đào tạo
- Vì sao thầy giáo Đỗ Việt Khoa rời khỏi ngành giáo dục?
- Giáo dục Việt Nam dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Giáo dục, chuyện nói hoài không hết
- Việt Nam tăng học phí mỗi năm từ giờ đến 2015
- Trên một triệu thí sinh thi tốt nghiệp PTTH