Gìn giữ danh hiệu Di Sản Văn Hóa Thế Giới cho Hoàng Thành Thăng Long

Ngày 1 tháng 8 vừa qua, Tổ chức chuyên môn độc lập ICOMOS, xem xét các hồ sơ ứng cử Di Sản Văn Hóa Thế giới thuộc UNESCO tại Brasil, đã thông qua quyết định công nhận Hoàng Thành Thăng Long là Di Sản Văn Hóa Thế Giới.

Đây là một thắng lợi của Việt Nam nhất là mang đến trong dịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long Hà Nội. Mặc Lâm phỏng vấn nhà sử học, đương kiêm đại biểu Quốc Hội Dương Trung Quốc để tìm hiểu thêm về sự kiện này.

Mặc Lâm: Thưa ông, là người rất quan tâm về Hoàng Thành Thăng Long, ông có cảm tưởng thế nào khi nghe tin UNESCO đã thông qua quyết định công nhận đây là Di Sản Văn Hóa Thế Giới?

Dương Trung Quốc: Đương nhiên là chúng tôi rất vui mừng, vì dẫu sao chăng nữa việc công nhận di sản này không chỉ là kết quả của nỗ lực trước hết là các nhà chuyên môn phát hiện ra. Sau nữa có vai trò của nhà nước và quan trọng hơn hết nó khẳng định ý nghĩa. Năm nay cũng là năm chào mừng Ngàn năm Thăng Long Hà nội, đất nước Việt Nam có được một di sản. Khẳng định nền tự chủ Việt Nam có cả nghìn năm trên mảnh đất thủ đô Hà Nội.

Chúng tôi cũng biết rằng trong quá trình tiến hành những thủ tục cần thiết thì phải nói rằng chúng tôi hết sức hồi hộp. Bởi vì phát hiện này vừa rất ngẫu nhiên như là định mệnh chăng? Với việc chuẩn bị xây dựng một công trình ở đó thì phát hiện ra rồi sau đó nhà nước đã chấp nhận đầu tư về thời gian và tiền bạc để các nhà chuyên môn triển khai trong 5, 6 năm liền để phát hiện ra di sản ấy.

...những quy chế của UNESCO hết sức chặt chẽ. Nó không những công nhận mà còn đòi hỏi cả quá trình đúng mục tiêu của nó. Nếu mình không thực hiện được những điều đó thì cũng có thể có một ngày nào đó chúng ta sẽ bị mất danh vị này.

Ô. Dương Trung Quốc

Đương nhiên cũng có những thách đố khác. Về phía chính phủ rất muốn xây dựng nhà Quốc hội ở ngay trên cái địa điểm này, và phải nói đây là cuộc phấn đấu hết sức nỗ lực của các giới chuyên môn, các nhà quản lý và những người yêu quý di sản. Với những ý tưởng của nhà nước, và cuối cùng sự công nhận này nó cũng thể hiện phần nào sự hài hòa được hai lợi ích ấy. Một nhà Quốc Hội vẫn được dựng lên ở trong lòng di sản.

Chúng tôi nghĩ rằng đấy là một khởi đầu rất là thuận lợi, điều còn lại là làm thế nào phát huy nó. Đấy là nỗ lực tiếp theo về phiá nhà nước đầu tư cùng sự nỗ lực của anh em trong nghề để làm công tác bảo tồn lịch sử, và đương nhiên có cả sự hỗ trợ rất hiệu quả của bạn bè đồng nghiệp quốc tế.

Mặc Lâm: Sau khi ngân sách bảo trì được UNESCO tháo khoán thì thường thường Ủy Ban Bảo vệ Di Sản Việt Nam sẽ dùng vào việc gì là chủ yếu?

Dương Trung Quốc: Phải nói là trước khi cuộc họp ở Brasil diễn ra, anh em chúng tôi cũng có nhiều tâm trạng khác nhau, kể cả tâm trạng hơi lo lắng, rất lo lắng là đằng khác. Vì gần như cảm thấy có những khó khăn chừng như không vượt nổi nhưng phải nói, kết quả cuối cùng nó cho thấy một sự chia sẻ từ các nhà bảo tồn trên thế giới đối với Việt Nam, nhất là dịp hết sức hiếm hoi là kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.

HthanhTL4-200.jpg
Những di vật quý giá của Hoàng thành Thăng Long. Photo courtesy of dântri.com (Những di vật quý giá của Hoàng thành Thăng Long. Photo courtesy of dântri.com)

Nó đặt ra một nhiệm vụ nặng nề đối với chúng tôi. Sau khi đã được công nhận rồi thìphải làm gì để tiếp tục phát huy di sản này. Bởi vì những quy chế của UNESCO hết sức chặt chẽ. Nó không những công nhận mà còn đòi hỏi cả quá trình đúng mục tiêu của nó. Nếu mình không thực hiện được những điều đó thì cũng có thể có một ngày nào đó chúng ta sẽ bị mất danh vị này. Đây là cái điều chúng tôi luôn luôn suy nghĩ tới để làm tốt hơn.

Mặc Lâm: Ông vừa nhắc tới những nỗ lực của trí thức trong nước trước những việc có dính líu tới lịch sử khiến tôi liên tưởng đến cuộc hội thảo do một nhóm trí thức hải ngoại tổ chức tại trường đại học Temple Hoa Kỳ, để bàn về những vấn đề có liên quan đến chứng cứ lịch sử tại Biển Đông. Là một sử gia, ông có chia sẻ gì về cuộc hội thảo này?

Dương Trung Quốc: Tôi cũng rất chú ý tới cuộc hội thảo diễn ra tại Mỹ. Nó thể hiện được mối quan tâm của xã hội trong đó có cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề vừa liên quan hết sức thời sự, nhưng đồng thời nó cũng là vấn đề của lịch sử. Giới sử học có thể nói đã từ lâu, từ những năm 73 - 74, vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa đã trở thành một vấn đề nóng, bởi xuất hiện các sự tranh chấp trong khu vực này. Cho tới thời điềm này có thể nói đã trở thành rất nóng.

Nó không những thu hút những quốc gia có liên quan đến không gian Biển Đông. Đương nhiên trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thì lịch sử luôn luôn là một căn cứ, một cơ sở hết sức quan trọng. Vì thế chúng tôi nghĩ rằng việc cộng đồng quốc tế quan tâm và những nỗ lực của giới sử học và các nhà ngoại giao trong nước, cần có một sự phối hợp với nhau chặt chẽ. Nó vừa bảo đảm lợi ích của quốc gia mình nhưng đồng thời cũng nhìn nhận những thay đổi của thế giới để tìm kiếm những lợi ích chung đề tìm các giải pháp phù hợp với tiến trình phát triển hiện nay

Mặc Lâm: Với vai trò Tổng thư ký hội sử học Việt Nam, đã có bao giờ ông và đồng nghiệp được nhà nước giao cho trọng trách nghiên cứu hay tìm kiếm chứng cứ từ các dữ kiện lịch sử để làm bằng chứng trong các cuộc tranh chấp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không?

Truyền thống chống giặc ngoại xâm là truyền thống được khẳng định. Tất cả những kẻ thù nào vi phạm vào chủ quyền dân tộc thì Việt Nam đã trả lời bằng lịch sử và đã được ghi nhận.

Ô. Dương Trung Quốc

Dương Trung Quốc: Đương nhiên trước hết đây là công việc của các nhà ngoại giao, và để bảo vệ chủ quyền thì bất kỳ nhà ngoại giao nào cũng phải xem xét những cơ sở pháp lý, lịch sử để bảo vệ cho mình. Ở bất kỳ quốc gia nào thì với ý thức công dân, những công dân hoạt động trong những lĩnh vực liên quan, kể cả giới sử học, đều có trách nhiệm tham gia. Vấn đề là huy động lực lượng như thế nào, hình thức tổ chức như thế nào. Có thể mỗi thời kỳ nó có hình thức khác nhau nhưng chúng tôi cũng ghi nhận rằng bản thân giới sử học nói chung, trong đó có hội của chúng tôi cũng được các cơ quan hết sức quan tâm và họ cũng lắng nghe các ý kiến mà chúng tôi đưa ra.

Đương nhiên trong bối cảnh hết sức phức tạp như thế này, đặc biệt các mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác có tính chất lịch sử, có tính cách truyền thống thì việc tìm ra một phương thức ứng phó cho thích hợp là một bài toán rất khó. Truyền thống chống giặc ngoại xâm là truyền thống được khẳng định. Tất cả những kẻ thù nào vi phạm vào chủ quyền dân tộc thì Việt Nam đã trả lời bằng lịch sử và đã được ghi nhận.

Thế nhưng cũng phải thấy rằng chiến tranh chỉ là những khoảnh khắc của lịch sử thôi. Tôi nghĩ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long là kỷ niệm 1.000 năm tự chủ của Việt Nam. Và trong nền tự chủ của Việt Nam thì cần phải học hỏi tiền nhân. Tức là bên cạnh ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước thì sự khôn ngoan trong ứng xử với phương Bắc, đặc biệt là với phương Bắc, là hết sức quan trọng. Các cụ ngày xưa luôn đặt sự hòa hiếu lên hàng đầu, nhưng sự hòa hiếu có giới hạn và nó phải bảo vệ được chủ quyền của mình.

Tôi nghĩ rằng bối cảnh lịch sử ngày nay có rất nhiều thay đổi lớn, nhưng những nguyên lý cơ bản ấy vẫn không thay đổi, và đấy là bài toán khó chứ không đơn giản chút nào

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông

Theo dòng thời sự: