Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Con chim báo bão

Bài viết theo dạng thư ngỏ của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt được báo chí Việt ngữ trong ngoài nước phổ biến hôm 12/4, có thể xem là lời cảnh báo mạnh mẽ nhất từ trước tới nay đối với chế độ chính trị ở Việt Nam hiện nay.

Phê phán các chính sách kinh tế


Nhiều báo giấy và báo điện tử trong đó có Tuổi Trẻ và Vietnam Net đã đăng hầu như nguyên văn bài viết của ông Võ Văn Kiệt, người đứng đầu chính phủ Việt Nam thời kỳ đổi mới cuối thập niên 1980 sang đầu những năm 1990.

Rời chính trường từ lâu, nhưng ở tuổi 86, ông Võ Văn Kiệt đã đưa ra lời phê phán nặng nề đối với đường lối chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước Việt Nam.

Theo lời người được xem là kiến trúc sư thời kỳ đổi mới tiên khởi, thì hiện nay người nghèo, những hộ thu nhập thấp những người phải chạy ăn từng bữa, trên thực tế, chỉ được thụ hưởng rất ít các kết quả tăng trưởng trong khi chính họ gần như phải lãnh trọn những hậu quả do lạm phát đang diễn ra.

Ông Võ Văn Kiệt nhận định rằng, Việt Nam cần có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo.

VoVanKiet150.jpg
Cựu Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt về sống ở Sài Gòn sau khi nghỉ hưu. RFA file photo.


Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Thái một nhà báo lâu năm hiện làm việc tại TP.HCM đưa ra nhận định:

"Tôi có đọc bài của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đó là những phát biểu chân thành tự đáy lòng của một người làm chính trị lâu năm và đã luống tuổi lắm rồi.

Tôi nghĩ rằng đó là con chim báo bão mà trong hòan cảnh nào đó người ta có thể qui chụp ông Võ Văn Kiệt theo chủ nghĩa xét lại.

Nhưng mà những phát biểu chân tình đó vì lòng thiết tha với đất nước, tôi nghĩ phải làm cho người khác suy nghĩ, nhìn lại cách áp dụng ở đó về vấn đề điều khiển đất nước.

Bài viết của cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đó là những phát biểu chân thành tự đáy lòng của một người làm chính trị lâu năm. Tôi nghĩ rằng đó là con chim báo bão mà trong hòan cảnh nào đó người ta có thể qui chụp ông Võ Văn Kiệt theo chủ nghĩa xét lại.

Ông Nguyễn Quốc Thái, TP.HCM

Một nhận xét nữa là thời gian gần đây ông Võ Văn Kiệt có nhiều bài viết làm cá nhân tôi suy nghĩ rất nhiều, trong hòan cảnh đất nước như thế nàỳ một người làm chính trị lâu năm như ông Võ Văn Kiệt đã có nhưng nhận xét như vậy, hẳn rằng những người lãnh đạo đất nước này cũng phải cùng chung suy nghĩ với ông Võ Văn Kiệt.”

Thành tích xóa đỏi giảm nghèo?


Trong bài viết, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt tỏ ra nghi ngờ thành tích xóa đói giảm nghèo của Nhà nước Việt Nam. Ông nói rằng một số viên chức quốc tế đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, nhưng theo lời ông Kiệt thì những đánh giá như vậy chủ yếu dựa trên các báo cáo trong nước và nên hiểu rằng, có một khỏang cách đáng kể giữa thực tế và báo cáo.

Theo báo cáo 2007, tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam có mức sống dưới 1 đô la Mỹ mỗi ngày hiện chỉ còn chưa tới 15%. Nhưng cựu thủ tướng nhấn mạnh rằng, mới đây báo chí phát hiện rất nhiều nhà tranh vách đất ở một số địa phương mà theo báo cáo thì trước đó đã ngói hóa 100%.

Ông thêm rằng, những người được xem là đã thóat nghèo thì chỉ cần sau một mùa bão lụt, sau một đợt rét hại, những thành quả kinh tế mà người dân tần tảo tích góp lại gần như bị xóa sạch.

Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn chứng là ông vừa đi đến một số vùng như vậy và cảm nhận người nghèo đang chiếm một tỷ lệ lớn thế nào, đang phải sống vất vả ra sao.

Trong một đọan khác, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cay đắng đặt câu hỏi là, Nhà nước đã làm gì cho dân nghèo khi việc chăm lo cho người nghèo là cam kết lịch sử của cách mạng. Ông trích dẫn số liệu của chương trình phát triển LHQ UNDP, theo đó người giàu ở Việt Nam có mức sống cao hơn đại đa số người nghèo tới gần 35 lần.

Cụ thể nhóm 20% những người giàu nhất VN hiện đang hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước; Trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này.

Cần tham khảo các nước Tư bản


Cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt có thể gây kinh ngạc cho các cán bộ chính trị của Nhà nước Xã hội chủ nghĩa, khi ông viết rằng, phúc lợi cho người lao động, người nghèo ở nhiều nước tư bản hiện cao đến mức mà ông nghĩ là các nhà lý luận cần tham khảo.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nam Nguyên, TS Lê Đăng Doanh một nhà kinh tế nổi tiếng ở Việt Nam nhận định:

"Tình trạng phúc lợi ở Việt Nam đang có ba vấn đề. Một là chúng ta chưa có chế độ công khai về kiểm sóat thu chi một cách nghiêm ngặt, vì vậy cho nên rất nhiều nguôn thu ngân sách không thu thuế được.

Thí dụ nguồn thu từ đầu tư bất động sản, nguồn thu từ chứng khóan hoặc nguồn thu từ các phi vụ kinh doanh lọt ra khỏi sự kiểm sóat của Nhà nước, thí dụ báo chí đưa tin buôn lậu than lên tới 10 triệu tấn ở những tỉnh mất nguồn thu rất lớn.

Biasach_BaotroNguoiNgheo_150.jpg
Bìa sách 'Bảo trợ xã hội cho những nhóm thiệt thòi ở Việt Nam' của Nhà xuất bản Thế Giới.


Vì vậy tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo, những người giàu thì quá giàu mà lại không đóng góp gì cho xã hội, không có trách nhiệm trong việc xây dựng xã hội đóng góp cho phúc lợi xã hội. Và Nhà nước phải sử dụng nguờn thu từ dầu lửa trong khi nguồn thu này không phải là quá lớn quá nhiều như ở Trung Đông.

Vấn đề thứ hai là Việt Nam chưa pháp lý hóa được qui chế về vấn đề phúc lợi. Tức là chúng ta có chương trình giúp đỡ người nghèo, có chương trình cho trẻ em đi học và chữa bệnh miễn phí, nhưng lại chưa có luật và chưa đưa tiền đến cho người dùng mà lại chuyển tiền cho những cơ quan như là trường học, bệnh viện. Cách làm đó tạo ra sơ hở, có thể ý đồ của chính phủ là tốt nhưng tiền không đến được người nghèo.

Điều thứ ba là thực trạng, chúng ta thấy hiện nay trong chế độ phúc lợi xã hội, người giàu được hưởng nhiều phần về chế độ phúc lợi chữa bệnh mà Nhà nước đưa ra. Tức là người giàu tiếp cận được với bệnh viện tốt hơn và nhiều hơn người nghèo.

Việt Nam cần phải khắc phục từ nguồn thu đến chi và việc điều tiết xã hội một cách công bằng. Chính các điều ấy ở các nước khác người ta làm tốt hơn cho nên người ta có chế độ phúc lợi xã hội mà chúng ta chưa biết đến bao giờ có thể mơ tưởng thấy được.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Đấy là ba vấn đề mà Việt Nam cần phải khắc phục từ nguồn thu đến chi và việc điều tiết xã hội một cách công bằng. Chính các điều ấy ở các nước khác như Thụy Điển, Đức người ta làm tốt hơn cho nên người ta có chế độ phúc lợi xã hội mà chúng ta chưa biết đến bao giờ có thể mơ tưởng thấy được.”

Những cảnh tỉnh cuối đời


Trong bài viết, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh rằng kinh nghiệm sau hơn hai thập kỷ đổi mới cho thấy không thể có công bằng đúng nghĩa trong một xã hội mà tất cả đều nghèo, như tình trạng Việt Nam thời bao cấp.

Ông Kiệt thêm rằng, cũng không thể cào bằng theo cách điều tiết hết lợi ích của người giàu để chia cho người nghèo. Xã hội sẽ không phát triển nếu không có chính sách kích thích một bộ phận dân chúng vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo nguyên văn, ông Võ Văn Kiệt nói rằng: nếu không có chính sách hợp lý và không chống được tham nhũng để quá trình tích lũy tư bản diễn ra như thời hoang dã thì không bao giờ tạo ra được công bằng và sự phát triển bền vững. Tích lũy tư bản diễn ra như thời hoang dã có nghĩa là nhờ hối mại quyền lực và có được đặc quyền khai thác tài nguyên, đặc biệt là đất đai.

Trong bài viết, cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt đặt trọng tâm sự lưu ý của ông về quốc sách công nghiệp hóa mà Việt Nam đang theo đuổi. Ông Kiệt trích lời quốc vương Thái Lan trong một dịp ông được nhà vua tiếp kiến, theo đó bài học sai lầm dẫn đến thất bại của nhiều quốc gia là khi công nghiệp hóa, họ không quan tâm đúng mức hoặc bỏ bê nông thôn nông nghiệp.

Nhà báo Nguyễn Quốc Thái ở TP.HCM mà chúng tôi đã trích ý kiến thêm rằng: "Tôi nghĩ rằng trong những ngày cúôi đời ông đã nhìn lại để cảnh tỉnh những người đang đi con đường tiếp theo ông."

Ông Kiệt mô tả ở Việt Nam đang diễn ra công nghiệp hóa theo kiểu tiếp nhận những đầu tư chủ yếu khai thác lao động giá rẻ, tuy có giải quyết được công ăn việc làm có tính nhất thời cho một số lao động thiếu việc làm, về lâu về dài không thể nào thay đổi địa vị nghèo khó của nông dân. Trong khi đó, sự trả giá về mặt tinh thần là rất lớn vì đa số những nông dân này đang phải ly hương ly gia để có việc làm.

Ông Võ Văn Kiệt nhận định rằng, công nghiệp hóa đô thị của chế độ hiện tại mà không nhất quán quan điểm, không xuất phát từ số đông người nghèo, thì khỏang cách giàu nghèo sẽ càng sâu hơn nữa.