Hiện tượng này lại đi kèm với những cách dàn sếp rất “giang hồ” với vũ khí và đánh nhau tập thể. Không phân biệt giới tính, cả nam lẫn nữ học sinh đều có thể đánh người và bị đánh đơn giản chỉ vì những lý do rất nhỏ nhặt và trẻ con. Khoa Diễm có bài viết sau đây về vấn đề này.
Theo ông Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác HS-SV của Bộ GD-ĐT thì theo báo cáo của 38/61 Sở GD-ĐT, từ năm 2003 đến nay có hơn 8.000 học sinh tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật. Một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm hiệu quả của việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là tình trạng nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người, chưa quan tâm đầy đủ, huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác giáo dục đạo đức học sinh.
Cần sự phối hợp của gia đình
Không ít nơi còn nặng về xử lý kỷ luật mà chưa có giải pháp ngăn chặn, giáo dục từ khi mới có biểu hiện, dễ có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật. Việc giáo dục nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh phải bằng nhiều kênh khác nhau. Nếu chỉ giao phó hoàn toàn cho nhà trường sẽ rất khó.
ĐH Quốc gia Hà Nội tiến hành một cuộc nghiên cứu về hành vi bạo lực trong nữ sinh trung học. Với 200 phiếu khảo sát tại 2 trường THPT ở Hà Nội thì có đến 96.7% số học sinh trả lời ở trường các em học có xảy ra hiện tượng nữ sinh đánh nhau, mức độ là 44,7% rất thường xuyên và 38% thường xuyên. Các học sinh cũng cho biết quan niệm của các em về hiện tượng đánh nhau giữa các học sinh nữ là hơn 45% cho rằng bình thường.
Một vị hiệu trưởng trường tiểu học, không muốn nêu tên, trong nước nhận xét:
"Cái nhân bản của trẻ em nó rất là đáng yêu. Nơi trẻ em không có gì là đáng ghét cả nhưng mà cá tính của các em có bẩm sinh từ cha mẹ. Thật ra những đứa trẻ mà có bạo lực lý do là do cha mẹ cũng có bạo lực; thì đến trường các em cũng cắn, cũng báu các bạn vậy thôi; việc này thì mình uống nắn từ từ.
Mà nó không phải hoàn toàn ở trong trường hết, phải nói là hoàn cảnh gia đình bây giờ cha mẹ lấy nhau lúc rất trẻ, hai nữa là đánh nhau rồi ly dị, rồi miếng cơm manh áo, rất là nhiều hiện tượng xảy ra cho các em. Các em không an tâm, mặc dầu các em không biết an tâm là gì nhưng mình nhìn mình biết vì vấn đề đó do ảnh hưởng của toàn xã hội và của gia đình chứ không thể nói tại nhà trường được.Trường thì khi nào cũng dạy cho các em những điều tốt.
Giáo dục đạo đức ở Việt Nam thì hơi kém. Thứ nhất là trách nhiệm không thể giao hoàn toàn cho nhà trường mà là của cha mẹ. Tất cả mọi người lăn ra kiếm tiền thì không để ý đến con cái, không để ý đến quan hệ các em và hiện đại công nghiệp và mạng internet thì nhan nhản mà các em lên mạng thì không phải chơi những cái tốt mà tìm những cái lạ, từ đó ảnh hưởng rất là nhiều chớ đừng giao cho nhà trường.
Nhà trường trang phục giáo dục về lãnh vực con người một phần nhưng về văn hóa, về tư tưởng, về công việc của gia đình nó ảnh hưởng nhiều hơn là nhà trường. Vấn đề sư phạm cũng cần phải nói nhiều, thực tế mà nói sự thật của xã hội có nhiều mặt lắm không tiện nói trên điện thoại vấn đề gì cả. Vấn đề này rất là tế nhị và rất là ảnh hưởng trong cuộc sống.”
Thứ nhất là trách nhiệm không thể giao hoàn toàn cho nhà trường mà là của cha mẹ.
Một hiệu trưởng trường tiểu học
Trong buổi nói chuyện với sinh viên khoa Xã hội học Trường ĐH Mở TPHCM chiều ngày 19/3/2010, tiến sĩ Dannia Gail Southerland, giáo sư Trường đại học North Carolina tại Mỹ nhận định, chính sự thay đổi quá nhanh của xã hội khiến trẻ không kịp thích ứng. Tâm lý trẻ trong giai đoạn vị thành niên lại thiếu ổn định, xốc nổi nên dẫn đến thái độ sống không đúng đắn và những hành vi xấu. Nếu không kịp uốn nắn, đó chính là căn nguyên tội phạm. Sự chuyển biến tâm lý trong giai đoạn từ 12 - 17 tuổi cộng với sự chuyển biến của xã hội, quá trình đô thị hóa quá nhanh có thể gây ảnh hưởng xấu nếu không được dạy bảo, trông nom.
Những phương pháp phòng tránh
Ông Nguyễn Đình Sơn, giảng viên Phương pháp học tập đỉnh cao, đưa ra sáu lời khuyên cho cha mẹ các em học sinh trong bài viết “Giúp con tránh bạo lực học đường” đăng trên tờ VnExpress cho biết, cách tốt nhất để ngăn chặn nạn bạo lực học đường là trang bị cho con những giải pháp phòng tránh.
Chị Hồng, có con trai hiện đang học lớp 8 tại trường Lê Quý Đôn nói, chị thường lắng nghe và hỏi thăm cũng như giải thích đúng sai cho con khi cháu thắc mắc những khó khăn gặp phải ở trường.
Cách tốt nhất để ngăn chặn nạn bạo lực học đường là trang bị cho con những giải pháp phòng tránh.
Ông Nguyễn Đình Sơn
Em Hải Trường, học sinh lớp 8, trường Lê Quý Đôn cảm thấy buồn khi bạn bè chung quanh em không hòa đồng và cảm thông dễ gây ra những xung đột không cần thiết.
Lứa tuổi học sinh là những mầm non đang chập chững bước vào đời, các em thường xuyên gặp phải những va chạm không lường trước được. Nếu nền tảng gia đình vững chắc với sự quan tâm và thông cảm, học đường củng cố tinh thần các em với các thầy cô chỉ dẫn thì tương lai của các em sẽ là những công dân có ích cho xã hội.
Gia đình và học đường là hai mối quan hệ lớn và vững chắc nhất trong việc rèn luyện các em, vì thế nên cả hai mối quan hệ này phải tương tác lẫn nhau thì mới mong đạt kết quả thật sự.
Theo dòng thời sự:
- Thấy gì qua sự kiện nữ sinh đánh nhau ở Hà Nội?
- Bức tranh xã hội Việt Nam - Mảng tối và Nỗi ưu tư
- Tại sao nước ngoài chưa muốn đầu tư vào hệ thống giáo dục
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Xã hội hôm nay ngày càng nhiều "chuyện lạ"
- Đạo đức học đường
- Vì sao học sinh bỏ học?
- Những vấn nạn trong trường học Việt Nam