Ngôi nhà mở Nhân Ái tại Lào Cai

Một trung tâm tạm trú tên là Nhân Ái ở Lào Cai, nhằm hỗ trợ nạn nhân trở về từ những đường dây buôn người vào đường mãi dâm bên Trung Quốc, sẽ chính thức khai trương cuối tháng Năm này.

Đây là nỗ lực cũng như sự phối hợp giữa Cơ Quan Phòng Chống Tệ Nạn Xã Hội tỉnh Lào Cai cùng với Pacific Links Foundation, còn gọi là Vòng Tay Thái Bình, tổ chức đã có mặt tại Long Xuyên với chương trình ADAPT mà kết quả là nhiều trẻ vị thành niên Việt Nam, được giải thoát khỏi những động mãi dâm thiếu nhi bên Kampuchia, đang tá túc, học nghề hầu có thể hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường.

Chủ tịch Vòng Tay Thái Bình, tiến sĩ Vương Ngọc Diệp, trình bày những bước vận động hầu có được ngôi nhà Nhân Ái tại Lào Cai, qua bài phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện:

TS Vương Ngọc Diệp:Chúng tôi đã gắng làm việc rất nhiều trong những tháng vừa qua, và vừa rồi đã được sự chấp thuận cho phép của chính quyền địa phương và chính phủ trung ương để làm nhà mở tại Lào Cai. Đây là mô hình mà chúng tôi đã áp dụng hai năm nay tại An Giang và chúng tôi cảm thấy đã giúp đỡ được cho một số em nạn nhân của buôn người trở về.

Phức tạp hơn An Giang

Thanh Trúc: Thưa cô Vương Ngọc Diệp, là người từng đi thực tế để tìm hiểu về tệ trạng buôn người qua biên giới tại các tỉnh miền Bắc giáp giới Trung Quốc thì cô thấy nạn buôn bán phụ nữ trẻ em Việt qua Trung Quốc tại những nơi đó như thế nào?

TS Vương Ngọc Diệp:Tình hình tại biên giới Trung Quốc phức tạp hơn nhiều so với ở dưới An Giang. Phần lớn là tại vì số người bị bán qua Trung Quốc, theo thống kê của chính phủ Việt Nam, thì 60% của tất cả những ca bị buôn bán đó là đi qua đường Trung Quốc phần nhiều là bị bán làm nô lệ tình dục. Những câu chuyện mà chúng tôi thấy rất là thương tâm. Vì vậy chúng tôi muốn và ráng hết sức để phối hợp với chính quyền địa phương tại tỉnh Lào Cai để có thể mở được một trung tâm gọi là ngôi nhà Nhân Ái để giúp đỡ các em khi các em trở về.

girl-sewing-250.jpg
ADAPT có chương trình huấn nghệ giúp các em phải bỏ học sớm có khả năng được kiếm việc làm. Photo courtesy of adaptvietnam.org.

Thì đây đối với chúng tôi là một bước tốt đẹp. Chúng tôi cũng thấy cảm kích trước sự quyết tâm của chính quyền địa phương tại Lào Cai muốn giúp đỡ cho các em trở về.

Đương nhiên là Trung Quốc không giống Kampuchia rồi. Bên Kampuchia có rất nhiều tổ chức nhân đạo và họ đã làm việc tích cực trong thời gian mười năm qua, giúp đỡ rất nhiều nạn nhân tại những nơi đó.

Nhưng mà tại Trung Quốc thực sự chúng tôi nghĩ rằng vùng biên giới đó phức tạp vì nhiều lý do khác nhau. Phần lớn người ta đi qua lại buôn bán rất nhiều, những câu chuyện mà các em trở về kể lại là phần lớn bị dụ qua Trung Quốc, nghĩa là bị gạt hết. Còn mấy em ở dưới Long Xuyên nhiều khi nó tưởng đi qua đi chơi, hay là nhiều khi cả gia đình của nó dọn qua bên đó để sinh sống. Còn ở đây là các em bị gạt, coi như là bị bắt cóc qua Trung Quốc. Thành ra mức độ đối xử với các em để mà khép các em vào điều người ta muốn các em làm nô lệ tình dục thực ra là rất dã man. Chúng tôi đã nghe những chuyện đánh đập rất thương tâm.

Còn ở đây là các em bị gạt, coi như là bị bắt cóc qua Trung Quốc. Thành ra mức độ đối xử với các em để mà khép các em vào điều người ta muốn các em làm nô lệ tình dục thực ra là rất dã man.

TS Vương Ngọc Diệp

Một phần nữa những em trở về được thường là những em lớn tuổi, khoảng mười tám hai mươi. So với những em ở biên giới Việt Nam Kampuchia thì các em này nhỏ tuổi hơn và tụi nó được giải cứu. Còn những em nhỏ tuổi mà bị gạt bán qua Trung Quốc thì các em lớn tuổi hơn kể lại cho mình nghe là những đứa nhỏ hơn không thể thoát được.

Số lượng người Việt nam bị đưa sang Trung Quốc nhiều gấp mấy lần ở biên giới Việt Nam Kampuchia. Đó cũng là vấn đề. Tôi nghĩ quan hệ biên giới lúc nào cũng là một quan hệ phức tạp, nhất là giữa Việt nam và Trung Quốc không có sự cân xứng, Trung Quốc là một nước rất lớn còn Việt Nam mình thì không phải. Thành ra nó khác là vậy.

Lý do thành lập

Thanh Trúc: Thưa khi đề cập đến nạn buôn người tại các tỉnh biên giới như Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn thì cũng không thể loại trừ khả năng là nhiều thiếu nữ quê mùa chất phát người dân tộc ở trên đó đã hoặc có thể sẽ bị dụ dỗ, bị bắt cóc hay bị gạt bán sang Trung Quốc?

TS Vương Ngọc Diệp:Cảm ơn chị đã nhắc tới điểm quan trọng ở tại địa bàn biên giới đó. Có ba lý do tại sao chúng tôi, dù không có cơ sở vững chắc lắm về tiền bạc trong thời điểm này, vẫn quyết định xin phép để thành lập nhà mở nhà tạm lánh tại biên giới Lào Cai. Thứ nhất chúng tôi biết rằng tại biên giới này những người bị gạt, nhất là ở Lào Cai, phần lớn là người dân tộc.

Fact box
- ADAPT được thành lập từ năm 2005,
- văn phòng được đặt tại Long Xuyên, An Giang,
- với TS Vương Ngọc Diệp là giám đốc quản lý.

Người dân tộc thường người ta ít có muốn đi xa để làm ăn thành ra người ta ít có bị gạt kiểu đi làm chỗ này chỗ nọ nhiều tiền hơn. Thường là người ta bị bắt cóc, nghĩa là gạt đi chơi, qua bên kia đi chợ. Chúng tôi nhìn chuyện này là các em bị bắt cóc vì các em không muốn không đồng thuận đi qua Trung Quốc để làm việc hay ở lại. Nhiều khi các em bước qua biên giới Trung Quốc mà cũng không hay tại vì người ta nói là đi chơi hay đi đằng này một chút xíu chẳng hạn. Đó là tình trạng của các em người dân tộc, không tiếp cận thông tin một cách dễ dàng để mà phòng ngừa. Đó là yếu tố đầu tiên chúng tôi muốn đáp ứng phần nào nhu cầu của người dân tộc để mà được bảo vệ và được thêm thông tin về vấn đề buôn bán người.

Lý do thứ hai mà chúng tôi làm vì chúng tôi cảm thấy rằng ở đây là một nơi xa xôi, hẻo lánh, khó đi lại. Nói là mình làm ở nhà mở Lào Cai nhưng mà các em thì ở trên bản làng trên núi. Khi mà chúng tôi tiếp cận để đưa em nào vào trong nhà mở thì chúng tôi cũng qua sự phối hợp của chính quyền địa phương hoặc chúng tôi đi trực tiếp với chính quyền địa phương, là điều chúng tôi thường làm, tới nhà các em đó để nói chuyện với cha mẹ các em, nói chuyện với các em, để đưa các em về. Địa bàn mà phức tạp và khó làm như vậy thì cũng ít có tổ chức nào quyết định làm, mà có làm đi nữa thì cũng khó được sự chấp thuận của chính quyền địa phương cũng như chính phủ trung ương. Chúng tôi rất may mắn được sự ủng hộ đó.

Chúng tôi đã làm hai năm qua trong một nhà mở duy nhất tại Việt Nam dành riêng cho người bị buôn bán trở về. Đó là kinh nghiệm mà chúng tôi muốn chia sẻ, đồng thời ủng hộ cho quyết tâm giúp đỡ nạn nhân trở về ở Lào Cai để họ có thể làm tốt hơn chuyện này.

Xin tiếp một bàn tay

Thanh Trúc: Dựng một ngôi nhà tạm trú an toàn cho các nạn nhân bị buôn bán trở về là một công việc hết sức tốn kém, xin cô Vương Ngọc Diệp cho biết về chi phí của ngôi nhà Nhân Ái?

TS Vương Ngọc Diệp:Chỉ có một số tiền để trả tiền thuê nhà. Làm sao mà có đủ tiền xây nhà cho dù người ta có cho đất đi nữa. Ở Việt Nam khi mướn nhà thì phải trả tiền trước cả năm luôn. Hy vọng là các em vào thì mình có một số tiền tạm thời để trang trải cho nhân viên và đồng thời là tiền ăn của các em.

girl-studying-200.jpg
Năm 2006, ADAPT đã phát 470 học bổng. Photo courtesy of adaptvietnam.org.

Chúng tôi đang tích cực gây quĩ, cũng đang còn lúng túng lắm. Bây giờ là chúng tôi vẫn tiếp tục đương đầu với chuyện này. Khi mà chúng tôi có giấy phép thì chúng tôi biết là có được sự đồng thuận này cũng không dễ. Thành ra chúng tôi quyết định thôi thì cứ nhập cuộc đi rồi tính tới nữa. Có một số bạn bè cũng đang cố gắng giúp đỡ để làm một buổi gây quĩ không phải chỉ cho nhà mở Lào Cai thôi mà cũng cho nhà mở ở Long Xuyên.

Chuyện nhân sự tại chỗ này cũng đòi hỏi người có kinh nghiệm, phải là người quen và hiểu những bộ tộc ở đó chứ không thể là người mà không biết gì về địa phương hết thì cũng rất khó hoạt động.

Nhưng mà chúng tôi biết một điều chúng tôi có thể làm được nếu có ngôi nhà mở đó, là có những người đã qua tập huấn, qua cung cách làm việc, qua cái khung làm việc và tiếp cận các em được thì có thể các em đỡ bị sốc hơn, cảm thấy an toàn hơn.

Đương nhiên đằng sau lưng những người phụ nữ dũng cảm đi làm chuyện này cũng có những người đàn ông rất tử tế và hết lòng giúp đỡ. Nhưng mà công thức làm việc của tổ chức chúng tôi, nhất là trong chương trình phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em ADAPT này, thì cán sự nhân viên cán bộ đều là nữ hết để cho các em có cảm giác an toàn.

Chỉ có một số tiền để trả tiền thuê nhà. Hy vọng là các em vào thì mình có một số tiền tạm thời để trang trải cho nhân viên và đồng thời là tiền ăn của các em.

TS Vương Ngọc Diệp

Thanh Trúc: Xin cho biết về ngày khai trương nhà mở Nhân Ái?

TS Vương Ngọc Diệp:Ngày khai trương là cuối tháng Năm và đã có năm em ở đó rồi. Cũng chưa có tiền bạc để mua sắm nhiều. Tiền nhà cả năm đã thanh toán rồi. Có một số giường. Ngoài ra còn có một danh sách hai mươi em đang chờ để được vào nhà mở. Khi tôi về Việt Nam tuần sau thì hy vọng là cả đoàn chúng tôi sẽ đến Lào Cai làm việc một tuần lễ. Sau này đã có chương trình thường xuyên thì chúng tôi cũng phải đi đi về về ở đó.

Thực sự về vấn đề kinh phí thì biết rằng tiền trước mặt là có, tức là từ đây đến tháng Chín, một khóa nữa đó. Nhưng còn lâu dài thì chưa biết là như thế nào.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn cô Vương Ngọc Diệp. Cầu chúc nhà mở Nhân Ái ở Lào Cai thành công như nhà mở cho nạn nhân bị buôn bán tại Long Xuyên bao lâu nay.

Theo dòng thời sự: