Vì sao lương ít mà công chức vẫn giàu?

Lương và đời sống của các viên chức chính phủ luôn luôn mâu thuẫn với nhau. Tuy lương thật thấp nhưng họ vẫn sống được và rất nhiều người giàu có. Tình trạng này phát xuất từ đâu và chính phủ phải chống lại bằng cách nào?

Mặc Lâm phỏng vấn ông Vũ Quốc Tuấn nguyên tư vấn cho văn phòng chính phủ để tìm hiểu thêm, mời quý vị theo dõi:

Dư ăn dư để

Mặc Lâm: Thưa ông mới đây báo chí tỏ ra quan tâm trước thực trạng đồng lương của công chức tuy ai cũng biết là quá thấp nhưng trên thực tế có người chẳng những dư ăn mà còn có thể gọi là giàu có. Theo ông thì thực trạng này phát xuất từ đâu?

Do tiền lương thấp, quá thấp không bảo đảm được đời sống của công chức do đó họ phải tìm cách xoay sở kiếm thêm những khoản thu nhập khác ngoài lương.

Ô. Vũ Quốc Tuấn

Vũ Quốc Tuấn: "Nguyên nhân chủ yếu theo tôi là vấn đề kinh tế, thể chế kinh tế thị trường của chúng ta chưa được hoàn chỉnh, vẫn còn đang trong tiến trình xây dựng từng bước. Trong lúc chưa hoàn chỉnh như thế thì nhiệm vụ của nhà nước trong nền kinh tế thị trường cụ thể trong từng cơ quan một cần tách bạch rõ ràng, bộ máy nhà nước như thế nào, chức năng nhiệm vụ từng bộ ra sao, các thủ tục hành chính thế nào….chưa được thật là cụ thể cho nên người công chức có thể dựa vào những điều chưa cụ thể ấy mà phát huy quyền lực của người ta để kiếm chác, tham nhũng. Đồng thời do tiền lương thấp, quá thấp không bảo đảm được đời sống của công chức do đó họ phải tìm cách xoay sở kiếm thêm những khoản thu nhập khác ngoài lương."

Mặc Lâm: Theo ông thì những khoản thu nhập ngoài lương này có đáng bị chế tài bởi luật pháp hay không, vì dù muốn hay không thì việc có mặt đúng 8 tiếng một ngày tại sở làm là điều bắt buộc. Nếu công chức làm thêm việc thì đây là một cách ăn cắp giờ của nhà nước?

Công an giao thông đang kiểm tra giấy tờ một lái xe ở Hà Nội hôm 25/04/2010. RFA PHOTO / Tyler Chapman.
Công an giao thông đang kiểm tra giấy tờ một lái xe ở Hà Nội hôm 25/04/2010. RFA PHOTO / Tyler Chapman.

Vũ Quốc Tuấn: "Trong các thu nhập thấp ngoài lương ấy có khoản chính đáng và có khoản không chính đáng. Họ chỉ muốn xoay trở bổ xung thêm vào đời sống của họ. Theo một số điều tra thì tiền lương hiện nay, thực tế lương cứng của công chức chỉ bảo đảm khoản 40-50% đời sống của họ thôi chưa kể phải nuôi thêm gia đình nữa. Do đó việc kiếm chác xoay sở để mà bổ xung thêm tiền lương là một nhu cầu của công chức hay bất cứ người nào cũng đều phải như thế."

Cần sự giám sát của xã hội

Mặc Lâm: Theo ông thì việc công chức nhúng tay vào các vụ tham nhũng ngoài lòng tham của họ thì điều gì cần thấy ở đây như là gốc rễ của vấn đề?

Vũ Quốc Tuấn: "Theo tôi thì cái gốc gác của nó chính là cơ chế thị trường của các bộ các cơ quan chưa được làm rõ. Phải xác định rõ chức năng từng cơ quan một để tránh tình trạng lạm quyền như hiện nay."

Mặc Lâm: Ông vừa nhắc đến quyền lực xin hỏi ông có phải nếu được làm trong một cơ quan nhà nước ai cũng có thể có cơ hội nắm lầy quyền lực hay không?

Nói chung trên thế giới này thì quyền lực của nhà nước bao giờ cũng có khuynh hướng bành trướng ra do đó cần có sự kiểm soát của xã hội để mà hạn chế quyền lực đó.

Ô. Vũ Quốc Tuấn

Vũ Quốc Tuấn: "Quyền lực của cơ quan công quyền chưa được xác nhận một cách rõ ràng, minh bạch, và công khai đồng thời quyền lực ấy thiếu chặt chẽ cho nên người ta dễ dàng lợi dụng quyền lực để mà kiếm chác. Nói chung trên thế giới này thì quyền lực của nhà nước bao giờ cũng có khuynh hướng bành trướng ra do đó cho nên cần có sự kiểm tra kiểm soát của xã hội để mà hạn chế quyền lực đó."

Mặc Lâm: Theo ông thì tình hình hiện nay về đồng lương của công chức có thật sự đáng quan ngại hay không khi mà bao nhiêu năm nay vấn đề này đã đi vào quỹ đạo khó làm cho nó thoát ra được cái vòng kiên cố của chính sách thưa ông?

Vũ Quốc Tuấn: "Theo tôi thì tình hình lương thấp và những khoản thu nhập bất hợp pháp ngoài lương là tình hình rất bức xúc. Bộ máy nhà nước và công chức đã mất lòng tin nơi người dân. Người dân giảm niềm tin vào bộ máy do họ đến cơ quan công quyền nào cũng phải đem theo phong bì lót tay. Phải có hoa hồng này khác do đó họ giảm niềm tin đối với cơ quan công quyền. Việc hoàn chỉnh thể chế cơ chế kinh tế thị trường, trong đó có việc hoàn chỉnh cơ chế tiền lương bởi vì tiền lương cũng là thứ trả cho giá trị của sức lao động, bởi vì sức lao động cũng là giá trị phải trả."

Mặc Lâm: Xin ông cho biết để ngăn ngừa các hành động lạm dụng quyền lực trong công sở thì trước mắt nhà nước và xã hội phải làm gì?

Vũ Quốc Tuấn: "Phải tổ chức giám sát, kiểm soát các cơ quan công quyền. Giám sát lẫn nhau và đặc biệt sự giám sát của xã hội đối với cơ quan nhà nước cũng phải được bàn thảo tới."

Mặc Lâm: Xin cám ơn ông.

Theo dòng thời sự: