Chương trình đào tạo này do trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế thuộc Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức thi cử, nhận hồ sơ từ vài năm nay và thông báo là đã đào tạo được khoảng 2000 thạc sĩ. Học viên chỉ cần có ít nhất một bằng đại học hệ 4 năm trở lên, hay đang học cao học, nhưng chưa có bằng thạc sĩ và đáp ứng một số điều kiện về tiếng Anh là có thể ghi danh theo học. Học viên chỉ mất 18 tháng là có được văn bằng MBA, do đại học Nam Columbia gọi tắt là CSU cấp.
Theo tờ Lao Động thì điều kiện thu nhận vào CSU quá dễ dàng, rất đơn giản, vì bình thường thì điều kiện đòi hỏi tối thiểu để ghi danh theo học MBA tức thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Mỹ là phải đạt số điểm TOEFL, tức khả năng thông hiểu tiếng Anh như một ngoại ngữ chính, thi trên giấy là 600, có từ 2 đến 5 năm kinh nghiệm tùy theo yêu cầu của từng trường đại học và phải có thư giới thiệu của giáo sư đại học.
Theo College Board tức Tổ chức chuyên khảo thí, kiểm định, đánh giá chất lượng đại học của Mỹ thì CSU tức đại học Nam Columbia chưa được tổ chức uy tín nào công nhận, chỉ đào tạo online cho những người không có điều kiện học tập trung. Các trường đào tạo online, bằng cấp không giá trị, không dùng để học tiếp và cũng không kiếm được việc làm.
Vì người mình ưa chuộng bằng cấp (ngoại) nên cứ phải chạy theo thôi, nhưng bây giờ bên Việt Nam có nhiều biện pháp để ngăn chặn việc đó.
GS. Hoàng Xuân Quảng - HP ĐH An Giang
Mặt khác, khi nghe giới thiệu tên trường CSU, người ta dễ lầm với các trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, và cho đó là chi nhánh của trường Columbia University ở New York là một trong những đại học hàng đầu ở Mỹ. CSU cũng khiến nhiều người nghĩ tới hệ thống đại học nổi tiếng của tiểu bang California, cũng được gọi là CSU, chữ viết tắt của California State University.
Căn cứ vào tinh thần và nội dung của một công văn do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành trước đây thì bộ chỉ cho phép Hội khuyến học Việt Nam được “tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin cho học viên Việt Nam vế các khóa đào tạo từ xa qua mạng internet, chứ không cho phép liên kết đào tạo, vì thế chương trình học để lấy bằng MBA không được bộ chấp thuận và văn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh do CSU cấp cũng không được công nhận tại Việt Nam. Hơn nữa, CSU tức đại học Nam Columbia cũng không có tên trong danh sách 119 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài mà bộ giáo dục cho phép hoạt động tại Việt Nam.
Tâm lý sính ngoại
Trước thông tin "bằng thạc sĩ quốc tế chui" bị báo chí phát hiện, giáo sư Hoàng Xuân Quảng, Hiệu phó đại học An Giang, góp ý với RFA về chuyện này:
“Vì người mình ưa chuộng bằng cấp (ngoại) nên cứ phải chạy theo thôi, nhưng bây giờ bên Việt Nam có nhiều biện pháp để ngăn chặn việc đó. Quy định hiện giờ là những người đóng góp vào vị trí này kia, được yêu cầu trình ra hay là có vấn đề nghi vấn thì người ta tìm hiểu đóng góp ý kiến, kiểm tra lại đó.”
Vẫn theo ông thì chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài lâu nay được sự tham gia của nhiều trung tâm hợp tác quốc tế, ngay cả ở thủ đô Hà Nội:
“Chuyện đó lâu nay cũng nghe nói tới nhiều rồi, vì một số nơi tổ chức đào tạo liên kết nhưng không có kiểm tra, chạy theo chuyện lấy bằng cấp, nhưng rồi sẽ không tồn tại lâu đâu, bằng cách nào rồi mình cũng phải ngăn chặn được thôi. Ngay cả đại học quốc gia Hà Nội và trung tâm lớn cũng tham gia đào tạo liên kết”.
Ông khẳng định việc chạy theo bằng cấp chui không xảy ra tại đại học An Giang.
Kế đó, qua câu chuyện với cô Mỹ Linh, giám đốc kế toán tài chánh cho một công ty doanh nghiệp nước ngoài tại Saigon, cô cho biết thêm về chương trình đào tạo liên kết:
“Có một số trường quảng cáo về chương trình du học tại chỗ, có nghĩa là mình học chương trình của nước đó, rồi thi ngay tại Việt Nam, lúc thi tốt nghiệp thì mình mới đi qua bên đó. Cũng có nhiều trường mở ra, rồi không đi tới đâu hết, cuối cùng bao nhiêu người mất tiền, điều đó có, chứ không phải là không xảy ra.”
Những vụ tai tiếng này cũng bị phanh phui và cảnh báo trước dư luận:
“Có những trường đông người theo học, cuối cùng dọn dẹp, nghỉ luôn, sinh viên không có chỗ nào để bám thì người ta cũng lên tiếng, báo chí cũng đăng tin về việc này. Những thành phần tổ chức như vậy là cá nhân, chứ không thuộc về chủ trương chính sách, nên đâu cần gì phải giấu.”
Qua kinh nghiệm cá nhân thì cô Mỹ Linh thấy là muốn thành công trong xã hội, có vị trí xứng đáng, thu nhập cao thì:
“Học ở Việt Nam ra, khi đi kiếm việc làm, thì chỉ có việc bình thường thôi, không thể nào có việc tốt mà mua được nhà, mua được xe. Những người du học ở nước ngoài, mang bằng cấp về thì sẽ có việc làm tốt hơn, khả năng thu nhập cao hơn rất nhiều, nhưng du học nước ngoài thì phải có tài chánh nhiều, nếu không sao đi nổi. Mấy đứa học ra trường ở Việt Nam thì không thể nào mua sắm nhà hay xe được mà vẫn cần sự giúp đỡ của cha mẹ.”
Không được du học nước ngoài, tuy nhiên cô Mỹ Linh cũng tạo được cho mình một vị trí then chốt trong ngành kinh tế, tài chánh. Cô kể lại về đoạn đường mình đã cố gắng để vươn lên:
“Phải đi học thêm, học ở trường rồi kiếm thầy học thêm, tự tìm tòi, khi học xong lớp 12, cháu phải học tiếp đại học ngoại ngữ, học Anh văn nữa, nên nói có căn bản hơn. Nhờ biết tiếng Anh nên được làm Trưởng phòng để mà giao dịch với đối tác nước ngoài.”
Học ở Việt Nam ra, khi đi kiếm việc làm, thì chỉ có việc bình thường thôi. Những người du học ở nước ngoài, mang bằng cấp về thì sẽ có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn rất nhiều, nhưng du học nước ngoài thì phải có tài chánh nhiều, nếu không sao đi nổi.
Cô Mỹ Linh - kế toán ở SG
Được biết, từ năm 2002 đến nay trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế đã tổ chức hơn 20 khóa học, với hai ngàn học viên tham gia và thu về 18 triệu đô la. Học phí chương trình MBA là trên 8200 đô la, chưa kể chi phí sách giáo khoa 600 đô la nữa. Trên thực tế, trung tâm này chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ các chương trình đào tạo từ xa, thông qua tư vấn, chứ không phải được phép cấp bằng tốt nghiệp như được quảng cáo rộng rãi tại Việt Nam.
Theo thông tin trên website của Lương Tâm Công Giáo thì Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam đã giao trách nhiệm cho Cục Kết hợp và Cục Đào tạo với nước ngoài tiến hành điều tra để làm sáng tỏ sự việc “bằng chui” này. Nếu không làm đúng theo quy định, bộ sẽ có nhanh chóng có biện pháp xử lý vì Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế thuộc Hội Khuyến học Việt Nam không được phép nhận tuyển sinh, như vậy việc đào tạo và cấp bằng thạc sĩ của CSU là trái phép và không hợp pháp.
Theo dòng thời sự:
- Việt Nam chuẩn bị dạy tiếng Việt ở hải ngoại
- Việt Nam chuẩn bị dạy tiếng Việt ở hải ngoại (phần 2)
- Mô hình trường thực nghiệm tại Việt Nam: những ngăn trở và thành tựu
- Anh Ngữ Sẽ Đựơc Dạy Từ Tiểu Học
- Quy mô phải đi đôi với chất lượng
- Số lượng hồ sơ dự thi đại học ở phía Bắc giảm mạnh
- Nỗi lo chất lượng giáo dục Đại học
- Giáo dục, chuyện nói hoài không hết