34 giáo dân Công Giáo này đã tới thủ đô Bangkok của Thái Lan và xin Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR cho họ được hưởng quy chế tỵ nạn chính trị. Hiện họ rất lo ngại cho sự an tòan của thân nhân họ còn ở lại quê nhà.
Số người lánh nạn vừa nói thuộc Giáo xứ Cồn Dầu ở gần thành phố Đà Nẵng, nơi công an đã đánh trọng thương và rồi bắt giam hàng chục người Công Giáo sau cuộc đàn áp ấy.
Nhưng giới cầm quyền cho rằng trường hợp xảy ra tại Giáo xứ Cồn Dầu là hòan tòan không liên quan gì tới tôn giáo. Phát ngôn viên của Bộ Ngọai giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, lên tiếng như vậy với Thông tấn xã Đức Quốc DPA hôm thứ Tư 1-9.
Theo viên chức này thì không có chuyện đàn áp tôn giáo hay chính trị tại Việt Nam, do đó, “mọi quyết định công nhận công dân Việt Nam là người tỵ nạn chính trị là vô căn cứ và không thích hợp”.
Chính phủ Việt Nam cho rằng cuộc xung đột ở Cồn Dầu bắt nguồn từ việc tranh chấp đất đai, khi người dân Cồn Dầu tìm cách cử hành một đám tang ở khu nghĩa trang Công Giáo vốn bị chính quyền quy họach di dời để biến nơi này thành khu du lịch sinh thái Hòa Xuân.
Hồi tháng 8 vừa rồi, thân nhân của giáo dân Cồn Dầu lên tiếng trước một Ủy ban của Quốc Hội Hoa Kỳ rằng công an đã đánh đập người thân họ, và một giáo dân, ông Nguyễn Thành Năm, bị công an đánh chết trong đồn.
Khi lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do mới đây, những người tỵ nạn ở Thái Lan cho biết tất cả đều muốn được tự do hành đạo. Và họ phải rời bỏ đất nước vì bị đàn áp, đe dọa.
Hiện họ rất lo ngại cho sự an tòan của thân nhân còn ở lại quê nhà, nơi, theo lời một người yêu cầu ẩn danh kể lại, công an thường xuyên theo dõi và kiểm tra hộ khẩu của người thân.
Vẫn theo những giáo dân tỵ nạn ấy, hiện họ không thấy an tòan trên đất Thái trong khi chờ Cao ủy Tỵ nạn quyết định về quy chế tỵ nạn cho họ, vì họ sợ bị cảnh sát Thái bắt và đưa trở lại Việt Nam.
Một phụ nữ trong nhóm cho Đài Á Châu Tự Do biết là trong 3-4 tháng nay nương náu ở xứ Chùa Vàng, nhóm giáo dân này phải đổi chỗ ở tới 7-8 lần vì lý do an tòan.
Trong những năm gần đây, đã xảy ra nhiều cuộc đàn áp của giới cầm quyền đối với tu sĩ và giáo dân Công Giáo, phần lớn bắt nguồn từ việc đất đai của Giáo Hội bị cưỡng chiếm.
Tại Hà Nội, hồi năm 2008 đã xảy ra nhiều tháng biểu tình của giáo dân tại Tòa Khâm Sứ và Giáo Xứ Thái Hà đòi lại đất của Giáo Hội mà Hà Nội cưỡng chiếm hồi thập niên 1960. Những vụ chống đối khác diễn ra tại Hà Tây và Đà Nẵng.
Việt Nam là quốc gia có số giáo dân Công gáio chừng 6 triệu người, nhiều thứ nhì tại Á Châu chỉ sau Philippines.
Theo dòng thời sự:
- Video: Tình cảnh các giáo dân Cồn Dầu ở Thái Lan
- Video: Giáo dân Cồn Dầu chạy sang Thái Lan tị nạn
- Video: Những gì đã xảy ra ở Cồn Dầu
- Video: Công an Đà Nẵng đánh chết một giáo dân Cồn Dầu
- Tiếng nói Cồn Dầu từ Thái Lan
- Kêu gọi LHQ điều tra vụ công an đánh chết người tại Cồn Dầu
- Lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền tại khóa họp Hội đồng Nhân quyền LHQ
- Dân biểu Mỹ trình Hạ Viện nghị quyết lên án đàn áp tại Cồn Dầu
- Dân biểu Cao Quang Ánh lên án Việt Nam chà đạp nhân quyền