Khó khăn trong việc tiếp cận thuốc thiết yếu tại Việt Nam

Người dân nghèo tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn thuốc thiết yếu. Tình trạng đó được các cơ quan chức năng thuộc lĩnh vực y tế nhìn nhận thế nào và hướng giải quyết vấn đề đó ra sao?

Khoa Diễm có bài viết tìm hiểu vấn đề này.

Trong buổi hội thảo, nhan đề “Tăng cường khả năng tiếp cận TTY (thuốc thiết yếu) tại Việt Nam” ngày 23/6 vừa qua, TS Jean Marc Olivé, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, khen gợi ngành y tế Việt Nam đã có những bước tiến thiết thực vào việc chăm sóc sức khỏe người dân.

Bác sĩ và dược sĩ ăn chia

Tuy nhiên, ông Olivé cũng nhận thấy rằng việc tiếp cận các loại TTY còn nhiều khó khăn đối với những dân nghèo. Theo ông, nguyên nhân chính là do việc kê đơn thuốc ở Việt Nam chưa có những quy định và kiểm soát chặt chẽ. Ông cho rằng nhiều bác sĩ không kê tên thuốc gốc mà chủ yếu là kê tên thương mại các loại biệt dược hay thuốc ngoại làm hao tốn nhiều nguồn lực tài chính của Chính phủ và người dân.

Báo SGGP trích lời TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục quản lý dược Việt Nam, cho biết tính đến hết năm 2009, tổng giá trị tiền thuốc sử dụng ở Việt Nam đã lên gần 1,7 triệu USD, tăng 19% so với năm 2008. Chi phí tiền thuốc bình quân đầu người tăng 3,5 đô la Mỹ từ năm 2008 đến năm 2009.

Bác sĩ kê toa tên thương mại của thuốc, ví dụ bệnh nhân mua đúng loại thuốc đó thì các nhà phân phối sẽ chia cho bác sĩ đó bao nhiêu phần trăm.

BS Nguyễn Anh Duy

Cũng liên quan đến sự thay đổi này, Dược sĩ Phạm Thanh Vân, TTK Hội Dược học, cho biết chi tiết về bản báo cáo đã gởi đến Sở Y tế của ông về những thay đổi trong 5 năm qua.

"Nói như Bộ trưởng Y tế giải trình tại QH lần rồi thì thật ra tất cả các mặt hàng khác đều tăng cao, ngành thuốc thì tăng thấp nhưng nó phải bình vì thuốc trực tiếp đến người bịnh rất nặng. Bây giờ đang mở cửa, phát triển về sản xuất và phát triển xuất khẩu rộng ra thì ngành y tế trong 5 năm gần đây có một sự biến chuyển.

Có một bản báo cáo mà tôi đã gởi cho giám đốc Sở Y tế là bác sĩ Dũng, trong đó tôi có phân tích vấn đề là trước đây mười mấy năm, mỗi một năm, một người dân sử dụng nửa đô la về y tế nhưng những năm gần đây bình quân là 7-8 đô la một người.

Tamiflu-200.jpg
Hãng duợc phẩm Roche đã đồng ý hỗ trợ Việt Nam sản xuất Tamiflu để đối phó với dịch cúm. AFP PHOTO (AFP PHOTO)

Tuy nhiên, việc 7-8 đô la mà người dân hưởng là do tăng giá thuốc chứ không phải từ việc người dân được chăm sóc tốt hơn. Tức là y tế đối với người dân bình quân thì tăng lên nhưng là giá thuốc tăng chứ không phải là chăm sóc tốt hơn. Thật ra trong vấn nạn giá thuốc cao thì Bộ Y tế, Sở và những chỗ khác cũng bức xúc lắm.”

BS Nguyễn Anh Duy, thuộc Trường ĐH Y khoa Nguyễn Ngọc Thạch, cho biết thêm về vấn đề các bác sĩ kê đơn thuốc ngoại hay tên thương mại cho người bệnh.

"Đó là một dạng như ăn chia theo phần trăm buôn bán. Tình trạng đó rất nhiều ở Việt Nam, ở TP. HCM nhiều lắm. Bác sĩ kê toa tên thương mại của thuốc, ví dụ bệnh nhân mua đúng loại thuốc đó thì các nhà phân phối sẽ chia cho bác sĩ đó bao nhiêu phần trăm.

Chẳng hạn như bác sĩ bán, kê được 100 viên, mỗi viên ngoài thị trường bán cỡ 7 ngàn/viên thì bác sĩ sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm trong 100 viên đó. Cho nên bây giờ bác sĩ thường kê những tên thương mại đó để lấy tiền hoa hồng và bệnh nhân chịu rất nhiều thiệt thòi. Đó cũng là một cái tiêu cực trong quản lý về y tế của Việt Nam hiện vẫn còn tồn tại. Báo chí Việt Nam cũng lên tiếng rất nhiều.”

Cần quản lý chặt chẽ việc kê đơn thuốc

Để giải quyết vấn đề khó khăn trong việc giúp người dân tiếp cận những thứ thiệt cần thiết, TS Olivé khuyên Việt Nam nên đa dạng hóa hơn trong mô hình cung cấp thuốc, cần nhanh chóng xây dựng một chính sách quốc gia nhằm ưu tiên phát triển thuốc gốc và bảo đảm đủ thuốc cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ, phụ nữ và người nghèo. Ông mong rằng chính phủ Việt Nam sẽ theo dõi và ban hành những quy định quản lý chặt chẽ về việc kê đơn thuốc nhằm tránh tình trạng lạm dụng các biệt dược nước ngoài.

TS Olivé mong rằng chính phủ Việt Nam sẽ theo dõi và ban hành những quy định quản lý chặt chẽ về việc kê đơn thuốc nhằm tránh tình trạng lạm dụng các biệt dược nước ngoài.<br/>

Dược sĩ Phạm Thanh Vân đồng ý với những ý kiến của TS Olivé và nhấn mạnh thêm về chất lượng thuốc nội, sản xuất tại Việt Nam.

"Tại sao người dân sính ngoại? Nó do một quá trình. Những năm trước đây khi còn trong thời kỳ cấm vận thì thuốc Việt Nam không có những chất liệu tốt nên người dân chuộng thuốc ngoại nhưng sau thời kỳ mở cửa, hiện nay Việt Nam cũng có thể sản xuất những loại thuốc chất lượng tương đương với thuốc ngoại.

Tuy nhiên, tâm lý vẫn còn và muốn giải tỏa tâm lý đó thì nếu một giai cấp trung gian như giới dược sĩ đứng bán nhà thuốc có thể giới thiệu người dân với thuốc ngoại và do tin tưởng người dược sĩ thì họ sẽ dùng thuốc nội.”

Vai trò của người dược sĩ và các nhà chức trách trong Bộ Y tế là một phần thiết yếu trong công cuộc giảm nhẹ sức nặng chi phí y tế cho người dân và giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với những loại thuốc thiết yếu. Nếu những người có trách nhiệm nhận thức được điều này thì người dân Việt Nam hy vọng sẽ có được sự chăm sóc y tế tốt hơn.

Theo dòng thời sự: