Luật này được coi là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng. Việt Nam vốn vẫn phải chịu thiệt thòi khi nảy sinh những vấn đề liên quan đến hàng hóa không đạt chất lượng như mong muốn, hay giá cả không hợp lý.
Một trong các dự luật được bàn thảo sôi nổi nhất tại quốc hội Việt Nam trong năm nay là dự án Luật bảo vệ người tiêu dùng. Đây là luật đã được trông chờ từ rất lâu, nhưng cho đến lúc này vẫn còn quá nhiều điều phải tranh cãi do không chỉ chính các điều ghi trong dự thảo luật mà còn vì những bất cập trên thực tế đời sống ở Việt Nam.
Theo định nghĩa quốc tế, Luật bảo vệ người tiêu dùng nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và các luồng thông tin trung thực trên thị trường. Luật được đưa ra để ngăn chặn các công ty kinh doanh có các hành vi làm giả hay không trung thực để thu lợi từ cạnh tranh. Luật cung cấp thêm các biện pháp để bảo vệ những người yếu thế và không có khả năng bảo vệ chính mình.
Tại Việt Nam, từ lâu nay, người tiêu dùng vẫn bị coi là những người ở thế yếu mỗi khi nảy sinh các vấn đề liên quan đến chất lượng hàng hóa không đạt yêu cầu hay giá cả không hợp lý.
Mới chỉ là tuyên ngôn
Chị Vũ Khánh Phương, một người tiêu dùng ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Cho đến giờ mình thấy chả có ai bảo vệ người tiêu dùng hết. Ví dụ có lần mình mua sữa tươi trong túi của Vinamilk hẳn hoi mà mở ra thì thối, mặc dù còn hạn sử dụng. Mình nghĩ chả dỗi hơi đâu mà chạy lên Vinamilk kiện cáo cho mệt, mà thứ hai giỏi lắm thì người ta đền mình gói mới.”
Cho đến giờ mình thấy chả có ai bảo vệ người tiêu dùng hết.
Chị Vũ Khánh Phương
Trên thực tế, trước khi dự luật bảo vệ người tiêu dùng được đưa ra bàn thảo, Việt Nam đã ban hành pháp lệnh bảo vệ người tiêu dùng năm 1999. Tuy nhiên theo nhiều người thì pháp lệnh này mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các quyền của người tiêu dùng như một ‘tuyên ngôn’ mà chưa có những cơ chế cụ thể để thực thi các quyền này.
Đánh giá về Dự Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng đang được quốc hội bàn thảo, ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết như sau:
“Tất nhiên luật ra đời cũng tạo cơ sở pháp lý tốt hơn bảo vệ người tiêu dùng. Tất nhiên là mình không thể hy vọng một cái luật bảo vệ được người tiêu dùng được hết. Vì muốn bảo vệ người tiêu dùng còn phải nhiều biện pháp khác nữa, tuy nhiên nó cũng thúc đẩy việc bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.”
Huyện hay Tòa?
Một trong các điều được thảo luận nhiều nhất trong dự luật lần này là đề xuất sử dụng biện pháp hành chính để giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng với người sản xuất, kinh doanh. Theo Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, đại diện ban soạn thảo luật thì người tiêu dùng là nhóm người yếu thế cần được bảo vệ, bởi vậy rất cần sự tham gia của cơ quan nhà nước trong giải quyết tranh chấp. Theo ông thì phòng kinh tế cấp huyện sẽ là nơi tiếp nhận và xử lý những tranh chấp có giá trị dưới 10 triệu đồng.
Nhưng nhiều đại biểu quốc hội thì cho rằng việc tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức cá nhân kinh doanh mang tính chất dân sự và phải được giải quyết thông qua tố tụng dân sự tại tòa án.
Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng thì nói 'đưa ủy ban nhân dân huyện vào rất phức tạp, khi xảy ra tranh chấp lên huyện thì biết gặp ai ở cả cái trụ sở mênh mông'.
đưa ủy ban nhân dân huyện vào rất phức tạp, khi xảy ra tranh chấp lên huyện thì biết gặp ai ở cả cái trụ sở mênh mông.
Trưởng ban dân nguyện Trần Thế Vượng
Ông Đỗ Gia Phan nhận xét:
“Cái đó cũng có cái lý của nó. Ví dụ bây giờ ở các ủy ban phường xã thì nó có thể giải quyết các việc lặt vặt ở phường xã, chứ còn việc lớn hơn thì người ta không giải quyết được thì phải mang ra tòa án thôi. Biện pháp hành chính chỉ giải quyết chuyện lặt vặt vụn vặt ví dụ như là trả lại tiền thôi, còn tranh chấp lớn thì biện pháp hành chính không giải quyết được.”
Ngoài ra cũng có những ý kiến yêu cầu phải bổ sung các chế tài đối với những mặt hàng gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, sức khỏe.
Dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng cũng cho khách hàng quyền khởi kiện doanh nghiệp mà không cần chứng minh thiệt hại. Muốn thắng kiện, thương nhân phải chứng minh mình không có lỗi.
Theo đánh giá của ủy ban khoa học công nghệ và môi trường, quy định này vô hình chung sẽ dẫn đến tình trạng khách hàng lợi dụng gây hại cho doanh nghiệp, có thể dẫn đến trường hợp đơn kiện không đúng làm mất nhiều thời gian, công sức, tiền của của doanh nghiệp.
Chưa chắc có hiệu quả
Mặc dù luật vẫn còn nằm trong vòng bàn thảo, nhưng theo ý kiến của một số người dân và chuyên gia thì kể cả nếu luật được thông qua, chưa chắc việc thực thi đã có hiệu quả. Ông Đỗ Gia Phan nhận xét:
“Luật mới là một vấn đề, thi hành luật đó lại là một vấn đề nữa. Rất nhiều luật mà chúng ta đã đưa ra, có luật đưa ra mấy năm mà không có nghị định hướng dẫn, rồi hướng dẫn không cụ thể, rồi người thực thi thì trách nhiệm không rõ ràng, có rất nhiều. Nói chung là tình hình thực thi pháp luật của ta còn yếu.”
Chị Vũ Khánh Phương, người tiêu dùng ở thành phố Hồ Chí Minh thì cho rằng, mặc dù chị và các bạn bè biết hiện ở Việt Nam cũng có các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, nhưng dường như các cơ quan này không làm được mấy cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, nhiều người, đặc biệt là những người tiêu dùng trẻ thường chỉ dựa vào các diễn đàn trên internet để trao đổi thông tin mỗi khi gặp các vấn đề không hài lòng về hàng hóa. Đây cũng là kênh mà người tiêu dùng tìm đến để tự bảo vệ mình. Chị nói:
Luật mới là một vấn đề, thi hành luật đó lại là một vấn đề nữa.
Ông Đỗ Gia Phan
“Mình biết nhưng mình thấy họ làm ăn cũng chả có vẻ gì tác dụng. Mình cũng thấy có người kiện cáo đấy nhưng cuối cùng chả giải quyết được việc gì mấy, chỉ có mấy việc giải quyết được là các hàng giá trị lớn hơn một chút như máy tính chẳng hạn.
Bây giờ hầu như tất cả người trẻ đi mua đồ thì họ đều tìm hiểu thông tin trên internet hết, mình cũng thế và bạn bè mình cũng vậy. Mọi người bảo nhau là có chuyện gì đó thì nói trên internet để ai đó khi mua đồ thì kiểm tra trước thấy thông tin như vậy thì nó cũng lan tỏa được một phần thông tin.”
Cho đến lúc này dự án luật bảo vệ người tiêu dùng vẫn chưa vượt khỏi vòng thảo luận. Phó chủ tịch quốc hội Nguyễn Đức Kiên nói dự án luật tưởng là dễ mà hóa ra lại là khó. Theo dự kiến, luật sẽ được trình quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay.
Theo dòng thời sự:
- Hàng giả ngày một tinh vi lấn chiếm mọi mặt hàng
- Người tiêu dùng Việt Nam lạc quan
- Thị trường sữa tươi Việt Nam được đánh giá là không minh bạch
- Phỏng vấn Chủ nhiệm Văn Phòng Tư Vấn Và Giải Quyết Khiếu Nại Người Tiêu Dùng
- Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam
- Thuốc bị thu hồi vẫn bán tại Việt Nam?
- Thịt hư thối bán công khai tại Hà Nội