Thực hư về gạo giả ở Việt Nam

Nỗi lo âu về gạo giả đang 'nóng' trong dư luận xã hội. Các thông tin chính thức và không chính thức đan xen nhau, mức độ thực hư về loại gạo lạ này thế nào?

Vẫn tiêu dùng bình thường?

Thông tin về gạo giả được phát hiện ở Sài gòn từ tháng 2 năm ngoái. Đến nay vẫn chưa có cơ quan nào lên tiếng chính thức về kết quả kiểm nghiệm. Trong mấy ngày qua, thông tin về gạo giả lại rộ lên ở Hà Nội. Chúng tôi liên hệ đến Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, Bộ Y tế để tìm hiểu về thông tin này, thì được xác nhận như sau:

Để khẳng định thị trường gạo Việt Nam có hay không, thì hiện nay trên cơ bản là chưa xác định. Cho nên tiêu dùng cứ bình thường, xuất khẩu cứ bình thường.

PGS Trần Đáng

“Hà Nội thì chưa thấy, chỉ thấy có một cái thông tin là có gạo giả. Còn chuyện gạo giả là có thực ở bên các nước láng giềng. Sản phẩm đó đã vào Việt Nam chưa; phải để đi sàng lọc, kiểm tra trên thị trường Việt Nam.

Khả năng có là có thể có. Thế nhưng mà để khẳng định thị trường gạo Việt Nam có hay không, thì hiện nay trên cơ bản là chưa xác định. Cho nên tiêu dùng cứ bình thường, xuất khẩu cứ bình thường. Không có ảnh hưởng gì đến chế độ xuất khẩu ở Việt Nam hết.”

Tức để xác định chính thức Việt Nam có gạo giả hay không, quả là vấn đề phức tạp. Mặc dù về mặt pháp lý, có thể viện dẫn vào Luật Bảo vệ Người tiêu dùng và Luật An toàn Vệ sinh Thực phẩm. Đồng thời cơ quản chịu trách nhiệm chủ yếu, cũng được Tiến sỹ Trần Đáng cho biết:

“Ở Việt Nam có thẩm quyền về gạo là phân công cho Bộ Nông nghiệp. Nhưng phối hợp với Bộ Nông nghiệp là cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là Bộ Y tế.

Hai Bộ này đang ráo riết cho quân đi lấy các mẫu trên thị trường gạo Việt Nam. Nếu có là lập tức có thể giải quyết ngay trong một thời gian rất ngắn.”

Gao-Thai-Lan-1-250.jpg
Một sạp bán gạo ở Hà Nội hôm 11-10-2011. RFA PHOTO.

Về lý thuyết là vậy. Song thực tế trong các vụ việc trước đây, để đi đến một công bố cụ thể là phải trải qua một quá trình dài. Bởi kết luận của hai Bộ kia luôn cần viện dẫn đến Bộ Khoa học Công nghệ, cơ quan quản lý các Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng. Nơi có đủ máy móc, cán bộ chuyên môn làm rõ các nghi vấn về vấn đề chất lượng. Hệ lụy phát sinh từ chỗ, Việt Nam không có cơ quan quản lý nhà nước duy nhất về thực phẩm.

Trong cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp, về câu chuyện tại Hà Nội không phải là thông tin đầu tiên liên quan gạo giả ở Việt Nam. Chúng tôi được ông Ngọc cho biết:

“Cái gạo mà gọi là gạo giả năm nay xuất hiện ở Hà Nội, với gạo năm ngoái, xuất hiện ở thành phố HCM. Hiện nay các cơ quan chức năng đang cho lấy mẫu, rồi kiểm nghiệm, đánh giá, phân tích. Lúc ấy mới có kết luận cụ thể.”

Thì nó sản xuất bằng công nghệ công nghiệp thì nó phải giống nhau như đúc. Trong đó thì nó có cả tinh bột, chất nhựa, chất dẻo…

Ô. Nguyễn Trí Ngọc

Nhân tiện nhắc lại loại gạo giả từng có mặt ở Sài gòn, loại gạo này đem nấu thì các hạt cơm rời ra chớ không dính lại với nhau như cơm thông thường. Hạt cơm cũng không hề đứt gãy dù dùng đũa xới tơi lên. Đặc biệt hơn, mặc dù có rất nhiều bàn tay bốc vào, cơm để qua 1 ngày vẫn không bị thiu hoặc đổi màu. Về thành phần cấu tạo và cách sản xuất loại gạo này, ông Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc có giải thích:

“Thì nó sản xuất bằng công nghệ công nghiệp thì nó phải giống nhau như đúc. Trong đó thì nó có cả tinh bột, chất nhựa, chất dẻo…”

Cách nhận biết gạo giả

Quan sát những hạt gạo không bình thường này, người ta thấy chúng đều rất bóng, gần như giống hệt nhau. Nếm thử thì không có mùi vị. Ngoài ra, loại gạo tốt nhất ở Việt Nam hiện nay có khoảng 5% tấm thì loại gạo này hoàn toàn không có tấm. Hình dạng trong suốt không có chút bạc bụng như gạo thường.

gao-gia-250.jpg
Một mẫu gạo nghi là gạo giả đang được đưa đi kiểm nghiệm hôm 04-04-2012. Photo courtesy of antd.

Tiến sỹ Lê Duy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho rằng, nếu sử dụng ni lông hoặc cao su và hương liệu để làm gạo giả thì giá thành đắt hơn rất nhiều so với trồng lúa để lấy gạo. Hoặc ông Nguyễn Trí Hoàn, Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm phán đoán, có thể đây là một loại gạo phế phẩm. Người ta làm mới lại, rồi đem bán kiếm lời. Gạo trong và bóng là do được bọc bằng một chất nào đó. Gạo không có mùi vị gì là do gạo cũ, để lâu ngày nên mất mùi.

Vì không phải làm từ nhựa thuần túy nên giá thành gạo giả sẽ rẻ. Người hám lợi có khả năng vẫn bán với khối lượng lớn dưới hình thức trộn chúng cùng gạo thật. Với những mô tả về gạo giả mà các phương tiện thông tin đại chúng đưa ra, Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Hồng Côn, Đại học quốc gia Hà Nội đưa ra giả thuyết, có thể gạo giả đã được sản xuất từ polime tái chế - một loại hợp chất rất độc hại ngay cả khi sản xuất túi đựng chớ chưa nói đến thực phẩm. Về nguồn gốc xuất xứ của loại gạo giả này thì theo ông Nguyễn Trí Ngọc:

“Cái đó thì cũng chưa khẳng định được. Vì muốn khẳng định được thì phải có điều tra cụ thể. Nhưng nhiều khả năng là từ phía Trung Quốc.”

Trước đây, luận chứng quan trọng khẳng định Sài gòn chưa có gạo giả Trung quốc là về chính ngạch, các doanh nghiệp trong nước chưa từng nhập gạo Trung Quốc. Tuy nhiên, con đường để gạo giả vào Việt Nam không đơn giản như vậy. Theo Tiến sỹ Trần Đáng:

“Có thì thường là nhập lậu qua biên giới. Khả năng nói nếu có, tôi nghĩ là cũng không nhiều.”

Cách nhận dạng gạo giả được các nhà khoa học khuyến cáo như sau. Bỏ gạo vào chảo rang dưới ngọn lửa to, nếu là gạo giả thì sẽ nóng chảy ra. Hoặc ngâm vào nước, gạo giả sẽ không nở mà nổi lên mặt nước.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm Việt Nam có hơn 8 triệu người bị ngộ độc và tiêu chảy do ăn uống. Khó có thể hình dung được bữa ăn của người Việt không có cơm, cho nên việc xác định thực giả về gạo cần nhanh chóng làm sáng tỏ trước công luận.

Opens in new window

Video: Dữ liệu kinh tế, xã hội VN

Theo dòng thời sự: